Suy niệm hạnh thánh _ 27/11

Thánh FRANCESCO ANTONNIO FASANI
 (1681-1742)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sinh ở Lucera (miền nam nước Ý), Francesco gia nhập dòng Phanxicô năm 1695. Mười năm sau khi được chịu chức linh mục, ngài dạy triết cho các đệ tử, làm quản lý nhà dòng và sau đó làm bề trên. Khi nhiệm kỳ chấm dứt, ngài làm giám đốc đệ tử viện và sau cùng trông coi một giáo xứ trong vùng.
Trong các công việc, ngài là một người nhân từ, đạo đức và hãm mình. Ngài được người ta tìm đến để xưng tội và nghe giảng. Thánh Francesco còn là người bạn tốt của người nghèo, ngài không bao giờ do dự tìm đến các ân nhân một khi có nhu cầu cho người nghèo.
Khi ngài từ trần ở Lucera, các trẻ em chạy khắp đường phố và la lớn, "Ông thánh chết rồi! Ông thánh chết rồi!" Francesco được phong thánh năm 1986.
Suy niệm 1: Dạy triết
 Francesco Antoinne Fasani dạy triết cho các đệ tử, làm quản lý nhà dòng và sau đó làm bề trên.
 Việc học tập của ngài được gia đình gởi gắm cho Dòng Phanxicô. Chính tại tu viện Núi Thánh Thiên Thần Gargano, vào năm 1695, ngài đã được làm tập sinh ở lứa tuồi 14. Vào năm sau đó, ngài được tuyên khấn với tên dòng là Francesco-Antoinne.
 Được thụ phong linh mục vào ngày 11 tháng 9 năm 1705, ngài tiếp tục việc học và hoàn tất chương trình triết lý ở Assise với danh hiệu là Giáo Sư. Từ đó người ta gọi ngài Cha Giáo và danh hiệu ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong vùng ảnh hưởng của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực bảo vệ danh hiệu kitô hữu và phấn đấu đạt được danh hiệu thánh nhân.
Suy niệm 2: Bề trên
 Francesco Antoinne Fasani dạy triết cho các đệ tử, làm quản lý nhà dòng và sau đó làm bề trên.
 Trong suốt 35 năm, ngài luôn phục vụ theo sự sắp xếp của nhà dòng, cụ thể ngài dạy triết học và thần học, rồi sau đó làm bề trên. Đức Gioan-Phaolô II đã nhận xét: Ngài quả là một thừa tác viên đúng nghĩa của nhà dòng, nghĩa là tôi tớ của mọi anh em: nhân từ và cảm thông, nhưng nghi6m khắc một cách lành thánh trong việc vâng giữ Luật dòng, đặc biệt việc thực hành đức khó nghèo, như một mẫu gương về đời sống khắc khổ”
 Thật thế vào năm 1721, Đức Clément XI trao phó cho ngài trách nhiệm quản trị tỉnh dòng Thánh Thiên Thần. Thời đó những người quyền thế thường tỏ ra vô cảm đối với các vấn đề xã hội. Với một đức vô bờ bến, ngài đầu tư công sức để vực dậy cả tinh thần lẫn vật chất của quần chúng. Ngài quan tâm hết mình đến thành phần bị khinh dễ, bị bóc lột, đặc biệt những nông dân thấp hèn, các bệnh nhân cũng như các tù nhân. Ngài đã có sáng kiến tiên khởi tổ chức những hình thức giúp đỡ cụ thể mở đường cho các công tác từ thiện về sau. Ngài thiết lập một ngân hàng tín dụng với chủ đích bảo vệ giới nghèo khỏi tình trạng đầu cơ của số người cho vay nặng lãi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị lãnh đạo sống tinh thần phục vụ như lời Chúa dạy (Mt 29,26).
Suy niệm 3: Đạo đức
 Thánh Francesco là một người nhân từ, đạo đức và hãm mình. Ngài được người ta tìm đến để xưng tội và nghe giảng.
 Được lớn lên trong bầu khí gia đình của phụ mẫu, vốn lần hạt mỗi tối trước ảnh tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngài đã hấp thụ được tinh thần đạo đức và lòng kính mến Đức Mẹ Vô Nhiễm, đặc biệt lòng khiêm nhượng và đức vâng lời, các nhân dức đã giúp ngài thực hiện được nhiều phép lạ trong đời. Thật vậy nhằm bảo vệ đức hạnh của một cô bé 15 tuổi nghèo mà một thanh niên quý tộc đã nhắm đến, ngài dẫn cô đến một cô nhi viện vốn nuôi dưỡng miễn phí. Điều này khiến cậu ta căm hận và đã tố cáo ngài với Rô Ma buộc ngài phải đến đó thanh minh. Được diện kiến Đức Giáo Hoàng, ngài không nói gì để minh oan mà khiêm tốn hôn vào chân Người vốn đang bị bệnh gút hành hạ, tức khắc cơn bệnh được lành, và dĩ nhiên sự vô tội của ngài đã được công nhận. Một lần khác với đức vâng lời, đang lúc ngài giảng thì Đức Giám Mục xuất hiện và công khai lệnh ngài ngưng lại ngay giữa cộng đoàn. Ngài vâng lời ngay. Ít hôm sau, một tùy viên của Người đến xin ngài bên giường cứu giúp Người đang lâm bệnh nặng. Ngài trả lời: Chẳng cần đến đâu vì Đức Giám Mục đã được Đức Mẹ Vô Nhiễm cho lành rồi.
 Vào ngày 29 tháng 11 năm 1742, khởi đầu tuần cửu nhật mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm, ngài qua đời ở Lucera và cả thành phố vang lên tiếng khóc: Cha Giáo Thánh đã qua đời. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong Chân Phước vào ngày 15.04.1951 và Đức Gioan-Phaolô II phong thánh vào ngày 13.04.1986.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân sống lành thánh đặc biệt thực hành hai nhân đức khiêm tốn và vâng lời cũng như lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm để được hưởng nhờ nhiều hồng ân Chúa.
Suy niệm 4: Xưng tội
 Thánh Francesco là một người nhân từ, đạo đức và hãm mình. Ngài được người ta tìm đến để xưng tội và nghe giảng.
 Được nuôi dưỡng từ tuổi ấu thơ bởi lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm qua việc lần hạt hằng đêm với gia đình, ngài chẳng những nỗ lực bảo vệ linh hồn tinh trắng của mình, mà còn muốn giúp tha nhân xa lánh tội lỗi hầu giữ được tâm hồn trong sạch. Vì thế ngài dành nhiều giờ cho việc giải tội, và ân cần vui vẻ đón tiếp các hối nhân đến vùng Pouilles và Molise.
Ngài tuyền bá lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm đặc biệt cho giới thiếu nhi bằng việc trao tặng những mẫu ảnh với lời ghi: Nếu Mẹ Thiên Chúa được ơn Vô Nhiễm là để làm nên nơi trú ẩn cho các tội nhân. Ngài không ngừng nhắc nhở Đức Mẹ là thù địch của tội lỗi, nhưng là Mẹ từ nhân và là Cửa Trời cho các tội nhân. Mẹ kêu mời thường xuyên cầu nguyện, yêu mến bí tích Giải Tội và Thánh Thể cũng như nghe lời và sống theo Con Mẹ. Ngài cũng tạo truyền thống mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm bằng một tuần cửu nhật dọn lòng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thiết tha yêu mến bí tích Giải Tội và Thánh Thể.
Suy niệm 5: Giảng
Thánh Francesco là một người nhân từ, đạo đức và hãm mình. Ngài được người ta tìm đến để xưng tội và nghe giảng.
 Ngài bắt đầu thuyết giảng vào dịp Mùa Chay năm 1707. Không với cách thức hoa mỹ của thời đợi, ngài trình bày cách rõ ràng và đơn sơ với các mẫu gương lấy từ Kinh Thánh. Ngài đánh động tâm hồn các thính giả và thẳng thắn mời gọi họ ăn năn sám hối. Lòng nhiệt thành này thường bị giới duy lý kiêu căng của thế kỷ phản ứng, nhất là khi ngài đả kích các tật xấu và các hành xử bất công trong xã hội, tuy nhiên vẫn có người sau đó hồi tâm suy nghĩ và đi xưng tội.
 Một chứng nhân thuật lại: Ngài nhiệt tâm rao giảng đến mức ngài ghi khắc được nơi tâm hồn các thính giả những chân lý ngài truyền bá… Ngài nói về Mẹ Thiên Chúa như một chuyển tải lòng sùng kính của ngài được hiện rõ trên khuôn mặt khả ái và dịu hiền đầy hấp dẫn, như ngài đang hầu chuyện diện đối diện với Người…
 Một trong những nhân chứng cho việc phong thánh của ngài xác nhận: Trong bài giảng, ngài nói một cách bình thường, nhưng tâm hồn tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và tha nhân; như được Chúa Thánh Thần nung đốt, ngài đưa ra các lời lẽ cũng như hành động trong Phúc Âm, khích động người nghe và thúc giục họ ăn năn sám hối.
Vào ngày 16.04.1985, khi phong thánh cho ngài, Đức Gioan-Phaolô II nêu bật: Thánh Fasani là vị giảng thuyết không mệt mõi, ngài không bao giờ giảm thiểu các đòi buộc của Sứ Điệp Tin Mừng để làm vui lòng người. Ước mong từ trời cao, ngài giúp chúng ta không ngừng chạy đến cùng Mẹ Vô Nhiễm là Đấng không hề vướng nhiễm vết nhơ tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi thần ác đang hoành hành nơi chúng ta.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nghe giảng để sống chứ không nghe để bình phẩm.
Suy niệm 6: Nghèo
 Thánh Francesco còn là người bạn tốt của người nghèo.
 Ngài sống đức nghèo khó bằng việc ngủ trên giường rơm trong một căn phòng chật hẹp, không tiện nghi và mặc quần áo cũ kỹ. Ngài xót xa khi thấy người nghèo khổ. Ngày kia, một người hành khất mình trần xin ngài áo để che thân. Ngài liền cởi phẩm phục trao cho và ra về với tu phục đơn sơ.
 Cuộc đời mỗi người là tùy thuộc chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta keo kiệt, chúng ta sẽ trở nên người bủn xỉn. Nếu chúng ta sống yêu thương, chúng ta sẽ trở nên người nhân hậu. Sự thánh thiện của Thánh Francesco Antonio Fasani là kết quả của những lựa chọn nhỏ bé để cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
 Trong bài giảng nhân dịp phong thánh cho Thánh Francesco, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ về đoạn phúc âm Gioan 21,15, trong đó Đức Giêsu hỏi Thánh Phêrô có yêu Ngài hơn các tông đồ khác không, và sau đó Chúa nói với Thánh Phêrô: "Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy." Đức giáo hoàng nhận xét yếu tố quyết định sự thánh thiện của một người là tình yêu. "Thánh nhân là người đã biến tình yêu được Đức Kitô dạy bảo trở thành đức tính căn bản của đời sống, là tiêu chuẩn cho sự suy nghĩ và hoạt động, là đích tối cao cho những khát vọng của ngài" (Trích trong tờ L'Observatore Romano, tập 16, số 3, 1986).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết yêu người không chỉ như mình mà còn hơn chính mình nữa.