Thánh ANRÊ
DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN
Lược sử
Thánh Anrê Dũng Lạc là một
trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến 1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau
cùng, các ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.
Kitô Giáo được người Bồ Đào
Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh mục dòng Tên mở
khu hội truyền giáo đầu tiên ở Đà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc các người Công
Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.
Vua chúa thời ấy cấm các
nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ dỗ người Việt
chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở bên Anh, các
linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.
Có đến ba lần bắt đạo cực
kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập niên, có khoảng
100.000 đến 300.000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải. Trong đợt bách hại
đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của Tu Hội Thừa Sai Ba
Lê, cũng như các linh mục Đa Minh người Tây Ban Nha và các người dòng ba.
Vào năm 1847 xảy ra cuộc
bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và giáo dân Việt Nam
đồng lõa với lực lượng phản loạn để giết các con trai của vua.
Các vị tử đạo sau cùng là
17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính năm đó một
hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn giáo cho người
dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.
Suy niệm 1: Các vị tử đạo Việt Nam-Thủ tục
điều tra
Từ ngàn xưa và cho đến
ngày hôm nay, Giáo Hội luôn duy trì một thủ tục khắt khe để phong thánh hầu
tránh đi mọi lạm dụng có thể xảy ra. Khởi đầu thì bất cứ người giáo dân nào cũng
có quyền làm đơn xin Giáo Hội xúc tiến thủ tục điều tra để phong thánh cho một
hay nhiều Kitô hữu. Đó là những người công giáo đã qua đời, mà còn để lại những
mẫu gương thánh thiện cao độ, nhất là khi họ chết vì đạo với những bằng chứng
rõ rệt vì đức tin.
Tất cả 117 vị tử đạo Việt Nam mà chúng ta mừng
kính hôm nay đều có đủ bằng chứng đích thực về cái chết anh hùng đó. Qua thủ tục
điều tra từ hơn một thế kỷ nay, các vị ấy đã lần lượt được Giáo Hội nhìn nhận
là Đấng đáng kính, vì đã nêu gương thánh thiện cho các Kitô hữu.
Tiếp đến là nâng lên hàng
Chân phước, tức là các vị ấy được nhìn nhận là đang được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu
bên Chúa. Tuy việc tôn kính còn giới hạn chưa phổ quát khắp nơi trên thế giới.
Ba đời Giáo Hoàng tuyên dương các ngài: Đức Lêô XII tôn phong 27.05.1900: 64 vị.
- Đức Piô X tôn phong
ngày 20.05.1906: 28 vị. - Đức Piô XII tôn phong 29.04.1951: 25 vị. Tổng cộng
117 vị được tôn phong Chân Phước.
Cuối cùng là được phong
lên bậc thánh nhân, tức là được tôn vinh hiển thánh với lễ kính có thể được cử
hành ở khắp mọi nơi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 117 vị lên bậc
thánh vào ngày 19.06.1988. Trong đó có 8 Giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng,
1 chủng sinh, 42 giáo dân.
* Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu bàu của
các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho quê hương đất nước được quốc thái dân an.
Suy niệm 2: Các vị tử đạo Việt Nam-Thành
phần
Các vị tử đạo Việt Nam là
ai?
Nhìn vào con số 117 vị tử
đạo Việt Nam, chúng ta nhận thấy các ngài là những bậc cha ông của chúng ta,
trong đó gồm đủ mọi thành phần: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng
sinh và 42 giáo dân.
Các ngài là những nhà
truyền giáo đến từ các nước, là các giám mục, các linh mục người Pháp, Tây Ban
Nha, nhưng đa số là những người Việt Nam. Ngoài các giám mục và các linh mục là
những người lo đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng, chúng ta thấy các ngài thuộc
đủ mọi giai cấp xã hội. Thánh Hồ Đình Hy là quan thái bộc, đặc trách ngành dệt
tơ lụa vải vóc trong cả nước. Thánh Phạm Trọng Khảm là quan án. Thánh Vinh Sơn
Tường làm chánh tổng. Thánh Nguyễn Huy Mỹ làm lý trưởng. Các thánh Đạt, Huy, Thể
là quân nhân. Có người làm thầy thuốc, làm nhà buôn, làm thợ mộc, thợ may, có
người làm ngư phủ hay nông dân.
Các ngài là những công
dân hiền hòa, sống đời gương mẫu, nêu gương lý tưởng trung kiên với Thượng Đế,
không phò vua bách hại, nhưng một lòng tùng phục quốc gia. Họ bị bắt bớ, tra tấn,
ngục tù nhưng không một người nào có ý định cầm khí giới để phòng thân. Trái lại,
họ chỉ cam chịu, chỉ cầu nguyện cho tất cả mọi người, cầu cho quốc thái dân an,
cầu cho các quan đã ký sắc lệnh tử hình và thật lòng tha thứ cho những kẻ hành
quyết mình. Cử chỉ này không phải là hèn nhát, nhưng xứng đáng đối với những bậc
thượng nhân như câu: "Đấng thượng phu đừng thù mới đáng. Đấng anh hùng đừng
hoảng mới hay".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
theo gương các thánh nhân sống mối phúc: Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị
bách hại (Mt 5,11).
Suy niệm 3: Các vị tử đạo Việt Nam-gương
mẫu
Mừng lễ các thánh tử đạo
Việt Nam, chúng ta hãy chiêm ngưỡng những mẫu gương thánh thiện các ngài để lại.
Nhưng chiêm ngưỡng mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải cố gắng noi theo và bắt
chước, vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Là những thanh thiếu niên, chúng ta hãy chiêm
ngưỡng và bắt chước một chàng trai tuấn tú 18 tuổi đã trả lời quan toà: Tôi chỉ
mong chức quyền trên trời chứ không màng danh vọng trần thế. Chàng trai tuấn tú
ấy là thánh Tôma Thiện.
Là những người đang sống trong bậc vợ chồng,
chúng ta hãy khắc ghi lời bà lý Mỹ: Gia đình tôi luôn sống trong hòa thuận và
yêu thương, nhà tôi chuyên chăm đạo đức, tham dự thánh lễ hằng ngày. Nếu vợ con
hay người giúp việc vì bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và
nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm. Ông không
đánh bạc, không uống rượu hay to tiếng với ai bao giờ. Bà lý Mỹ đã nói như vậy
về chồng bà là thánh Nguyễn Huy Mỹ.
Cụ Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên
cười khi họ yêu cầu cụ đọc kinh, thì cụ lớn tiếng: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các
quan trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh. Tại pháp trường, khi chịu xử tử,
thánh Lê Văn Phụng còn nhắn nhủ người con trai của mình: Con ơi, hãy tha thứ, đừng
báo thù kẻ tố giác ba nhé. Là con cháu của các bậc anh hùng tử đạo chúng ta đã
làm được những gì để tuyên xưng đức tin của mình?
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
chẳng những chiêm ngưỡng những mẫu gương thánh thiện các ngài để lại, mà còn phải
cố gắng noi theo và bắt chước.
Suy niệm 4: Các vị tử đạo Việt Nam-chứng
nhân
Chết vì Đạo là một cách
làm chứng.
• Làm chứng cho một niềm
tin kiên vững: Vì tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, nên các ngài
không bước qua thánh giá.
• Làm chứng cho một tình
yêu nỏng bỏng: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng
vì bạn hữu" (Ga 15,13)
• Làm chứng cho một niềm
hy vọng mãnh liệt: có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu, cái chết đưa tôi
giáp mặt với Đấng tôi yêu.
Các vị tử đạo đã làm chứng
bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Làm chứng nào cũng
đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa
đọa.
* Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu bàu của
các thánh tử đạo Việt Nam, xin giúp chúng con biết can trường sống đức tin của
bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa.
Suy niệm 5: Các vị tử đạo Việt Nam-hàng
giáo phẩm
Mừng kính các thánh Tử Đạo
Việt Nam, chúng ta cũng kỷ niệm việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam với Sắc
chỉ Venerabilium Nostrorum ngày 24-11-1960 của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đến
nay được hơn 50 năm (24-11-2012). Vì thế trong một vài phút ngắn ngủi này chúng
ta cùng ôn lại đôi dòng lịch sử.
Kể từ khi cha Buzomi, vị
thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất nước này vào năm 1615, cho tới khi hàng giáo
phẩm được thiết lập vào năm 1960, thời gian kéo dài là ba thế kỷ rưỡi. Trong
khoảng thời gian này, những thành phần nhân sự dần dần được thiết lập để xây dựng
cho Giáo Hội Việt Nam.
Trước hết là cha Đắc Lộ đã
khai sinh ra hội Thày giảng năm 1650. Chín năm sau, tức là năm 1659, Tòa Thánh
thiết lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, đặt dưới quyền quản trị của
hai vị Tân Giám mục là Lambert de la Motte và Francois Pallu, thuộc hồi thừa
sai hải ngoại Paris. Chính Đức cha Lambert de la Motte trong ba năm, từ năm
1668-1670 đã truyền chức linh mục cho chín người Việt Nam đầu tiên xuất thân từ
hội Thày giảng. Chín linh mục này làm nên hàng giáo sĩ Việt Nam đầu tiên. Từ việc
phong chức linh mục đầu tiên này tới cuộc tấn phong Giám mục cho Đức cha Nguyễn
Bá Tòng năm 1933, thời gian kéo dài gần hai thế kỷ rưỡi. Rồi từ khi có giám mục
Việt Nam cho tới khi hàng giáo phẩm được thiết lập, thời gian chỉ có 37 năm. Về
nhân sự của Giáo Hội địa phương, kế tiếp việc thiết lập hàng giáo sĩ Việt Nam
là việc thiết lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Định) và Bãi Vàng (Hà
Nam) do Đức cha Lambert de la Motte, vào năm 1670.
Cũng trong khoảng thời
gian ấy, trải dài hơn ba thế kỷ, Giáo Hội Việt Nam đã gặp phải những cuộc bách
hại và cấm cách đẫm máu, khiến cho hàng vạn người đã bị mất mát tài sản, hàng
ngàn người đã ngã gục ngoài pháp trường, trong đó có 117 vị đã được tôn lên
hàng hiển thánh Chính các ngài đã trở thành những hạt giống đức tin, đem lại
cho Giáo Hội Việt Nam một vụ mùa bội thu.
Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng như
kỷ niệm ngày thành lập hàng giáo phẩm, mỗi người chúng ta hãy hồi tâm xét mình,
kiểm điểm lại cuộc sống xem chúng ta đã thực sự thuộc về Đức Kitô hay chưa? Bởi
vì tinh thần của Chúa và tinh thần của thế gian là hai cái gì đối kháng, cho
nên chúng ta không được phép bắt cá hai tay, hay lửng lơ con cá vàng, như lời
Chúa đã nói: không nóng không lạnh, chỉ dở dở ương ương thì Ta sẽ mửa mi ra. Hơn
nữa, Chúa cũng đòi chúng ta phải dứt khoát lập trường và dành cho Ngài địa vị số
một trong cuộc đời chúng ta, vì ai đã cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì
không xứng đáng với Nước Trời. Tuy nhiên chọn lựa Chúa mà thôi chưa đủ, chúng
ta còn phải thể hiện sự lựa chọn ấy trong cuộc sống thường ngày bằng cách thực
thi những điều Ngài truyền dạy. Bởi vì có thực thi những điều Ngài truyền dạy,
chúng ta mới thực sự trở nên là những môn đệ và chứng nhân của Ngài. Mỗi hy
sinh chúng ta chấp nhận để chu toàn Lời Chúa, sẽ là một giọt máu tử đạo chúng
ta đổ ra từng giây từng phút để làm chứng cho Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin cầu bầu cho Giáo
Hội Việt Nam được luôn trung thành với niềm tin, đức cậy và lòng mến trung
thành. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc
truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Suy niệm 6: Các vị tử đạo Việt Nam-thánh
giá
Không hiểu vì lý do gì mà
các vua quan Việt Nam ngày xưa đã dùng Thập giá làm phương tiện để thách đố niềm
tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là “Quá Khóa”để dùng Thập giá vạch ranh giới
giữa cái sống và cái chết: bước qua hay không bước qua Thập giá. Bước qua là được
tiếp tục sống sung sướng an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt,
mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.
Đã có người bước qua, và
cũng có người không. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên, như
thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường
hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Có người được
mời giả vờ bước qua thánh giá để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Đình Hy,
nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.
Đứng trước thánh giá là đứng
trước một lựa chọn. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà
hay lấp lửng. Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng. Quyết định
không bước qua thánh giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến
thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội
tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất... Thời nào chúng ta cũng được đặt trước
thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước
qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.