Suy niệm hạnh thánh _ 17/11

Thánh ELIZABETH Ở HUNG GIA LI
 (1207-1231)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Tuy cuộc đời của Thánh Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và người đau khổ thật lớn lao đến nỗi ngài được Giáo Hội đặt làm quan thầy của các tổ chức bác ái Công Giáo và của Dòng Ba Phanxicô. Là con gái của vua Hung Gia Lợi, thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Thánh Elizabeth đã đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình. Quyết định đó đã để lại trong tâm khảm của bao người dân Âu Châu niềm cảm mến sâu xa.
Khi lên 14 tuổi, ngài kết hôn với ông Louis ở Thuringia (một quận chúa của Đức), là người mà ngài rất yêu mến, và có được ba mặt con. Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, ngài sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu. Không những thế, ngài còn muốn trở nên một người nghèo thực sự qua cách ăn mặc thật đơn sơ. Mỗi ngày, ngài phân phát thực phẩm cho hàng trăm người nghèo trong vùng mà lúc nào cũng đầy nghẹt trước cửa nhà.
Sau sáu năm thành hôn, ngài thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận trong cuộc Thập Tự Chinh. Buồn hơn nữa, gia đình nhà chồng lại coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia nên đã đối xử với ngài thật thậm tệ, và sau cùng họ đã tống ngài ra khỏi hoàng cung. Nhưng sau cuộc thập tự chinh, những người thân thuộc bên chồng trở về đã phục hồi quyền lợi cho ngài, vì con trai của ngài là người thừa kế chính thức.
Vào năm 1229, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một bệnh viện mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô. Sức khỏe của ngài ngày càng sa sút, và sau cùng ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày sinh nhật thứ 24, năm 1231. Vì sự nổi tiếng về nhân đức của ngài nên chỉ bốn năm sau ngài đã được phong thánh.
Suy niệm 1: Bác ái
Tuy cuộc đời của Thánh Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và người đau khổ thật lớn lao.
Cuộc sống hàng ngày của ngài diễn ra bình lặng gồm việc cầu nguyện, làm việc bác ái, cùng với các phụ nữ dệt len cho người nghèo. Rảo quanh các làng quê phân phát các đồ cứu trợ khi xảy ra các trận lũ lụt, dịch bệnh và hạn hán.
Sau sáu năm thành hôn, lúc này lịch sử châu Âu có nhiều biến động, chiến tranh Thập Tự chinh diễn ra, Louis phải ra trận vì danh dự. Lúc này ngài ở nhà dù nhớ thương chồng nhưng vẫn nhiệt thành nâng dỡ người nghèo những người do hoàn cảnh chiến tranh xô đẩy. Ngài tiếp tục phân phát lúa mì dự trữ, thậm chí còn bán cả nữ trang và đá quý để xây cất những nhà thương.
Góa bụa ở tuổi 20. Ở tuổi này, ngài đã từ bỏ tài sản giàu có của mình, đem chia và giúp đỡ cho những người nghèo khó, đầu tư xây dựng các nhà thương, trạm xá để giúp đỡ cho những người nghèo khổ, cơ cực không có tiền thuốc men.
Elizabeth siêng năng thực hành các công cuộc tình thương: những ai đến gõ của của ngài, ngài cho họ ăn uống, cho họ quần áo, trả nợ nần cho họ, chăm sóc bệnh nhân và chôn xác kẻ chết. Ra khỏi lâu đài của mình, ngài thường cùng với những người tỳ nữ đến các nhà của người nghèo, mang theo bánh, thịt, bột và các thức ăn khác. Ngài đính thân trao đồ ăn và cẩn thận coi sóc các thứ quần áo và chỗ trú ẩn cho người nghèo. Cử chỉ này đến tai chồng của ngài, vị chẳng những không tỏ ra bực tức khó chịu mà còn trả lời cho những người tố giác ngài rằng: ‘Miễn là họ đừng có đến với lâu đài này là tôi vui rồi!’ Xẩy ra trong bối cảnh này là một phép lạ bánh biến thành hoa hồng: Trong khi Elizabeth đang đi qua một con đường với vạt áo đằng trước đầy những bánh cho người nghèo, thì ngài gặp chồng mình, và người chồng hỏi ngài rằng ngài đang mang cái gì đó. Ngài đã mở vạt áo của mình ra thì thay vì bánh lại xuất hiện các bông hoa hồng rực rỡ. Biểu hiệu bác ái này thường được thấy ở các bức ảnh về Thánh Elizabeth.
Với những hành động cao cả đó, ngài đã trở thành một biểu tượng của tổ chức từ thiện Thiên Chúa giáo ở Đức và những nơi khác sau khi ngài qua đời ở tuổi 24.
"Trong thời đại ngày nay, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt là trở nên người thân cận đối với mọi người, và tích cực giúp đỡ họ khi chúng ta gặp trên đường đời, dù đó là người già cả bị hắt hủi, người lao công ngoại quốc bị khinh miệt, người tị nạn, trẻ sơ sinh của một mối tình vụng trộm mà bất đắc dĩ em phải chịu đau khổ, hay một người đói ăn; những người ấy đã làm lương tâm chúng ta phải bối rối khi nhớ lời Đức Kitô: 'Khi anh em giúp đỡ một người bé mọn này là giúp đỡ chính Thầy' (Mt 15,40)" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 27).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra Chúa hiện diện nơi tha nhân để dễ sống đức ái.
Suy niệm 2: Khổ hạnh
Thánh Elizabeth đã đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình.
Elisabeth dù sinh ra trong một gia đình quyền quý sang trọng nhưng thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Elizabeth lại tự nguyện đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình (tự hành xác) điều đó đã khiến người dân châu Âu niềm cảm mến sâu xa và ngài được phong thánh bởi Giáo hoàng Grêgôriô IX vào năm 1235.
Khi lớn lên, Elisabeth có tình tình khác hẵn với các quý tộc và công chúa ở trong lâu đài, ngài không ăn mặc, trang điểm diêm dúa hoặc khoác lên mình những phục sức quý báu mà ăn mặc giản dị, hiền hậu, mặt khác luôn quan tâm đến những người hầu, kẻ hạ, những người nghèo… Điều này khiến Công chúa Sophia, mẹ của Louis tức là mẹ chồng của ngài hoàn toàn không hài lòng. Khi bà này dẫn Elisabeth với cô con gái mình tới nhà thờ, cả hai trang điểm như công chúa thì Elisabeth lại cởi vương miện bằng đá ra mà nói không muốn mang nó đến trước Thiên Chúa phải đội mão gai.
Vào năm 18 tuổi, sau cái chết của người cha, Ludwig bắt đầu cai trị lãnh thổ Thuringia. Thế nhưng Elizabeth đã trở thành đối tượng của những lời xì xèo phê bình chỉ trích, vì cách thức tác hành của ngài không tương xứng với đời sống trong triều đình. Cũng thế, cuộc cử hành hôn lễ của họ không phung phí và những tiêu xài cho bữa tiệc một phần được tặng cho người nghèo. Theo cảm quan sâu xa của mình, Elizabeth đã thấy được những trái ngược mâu thuẫn giữa đức tin được tuyên xưng và việc thực hành Kitô giáo. Ngài không thể chịu được những sự tổn thương ấy. Có lần, khi tiến vào nhà thờ vào dịp Lễ Mông Triệu, ngài đã bỏ vương miện của mình ra, đặt nó trước cây thập giá và lấy tay bịt mặt lại quỳ ở đó. Có một nữ tu trách ngài về cử chỉ này, ngài đã trả lời rằng: “Làm sao tôi là một tạo vật khốn nạn có thể đội một vương miện cao trọng trần thế khi tôi thấy Vua tôi là Chúa Giêsu Kitô đội triều thiên gai chứ?” Như ngài đã tác hành trước nhan Thiên Chúa thế nào thì ngài cũng tác hành với thành phần tôi tớ của mình như vậy. Trong số những ‘lời nói’ của bốn nữ tỳ, chúng ta thấy chứng từ này: ‘Ngài sẽ không ăn lương thực nếu ngài trước hết không biết chắc rằng lương thực ấy xuất phát từ gia tài và các sản vật hợp pháp của chồng mình. Trong lúc ngài kiêng cử các thứ đồ buôn lậu, thì ngài lại quan tâm đến việc bồi thường cho những ai bị áp bức’ (Nos. 25 and 37). Ngài nêu gương thực sự cho tất cả những ai có trách nhiệm: Việc thi hành quyền bính, ở mọi cấp độ, cần phải thi hành như phục dịch cho công lý và bác ái, liên lỉ theo đuổi công ích.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống hãm mình đặc biệt trong việc chi tiêu để có mà quảng đại giúp đỡ tha nhân.
Suy niệm 3: Kết hôn
Khi lên 14 tuổi, Elizabeth kết hôn với ông Louis ở Thuringia.
Elisabeth là Công chúa nước Hunggary con gái của Andrew II xứ Hungary và Gertrude xứ Merania, khi lên bốn tuổi cô được đưa đến lãnh địa của thế lực Thuringia ở miền trung nước Đức để trở thành một cô dâu tương lai qua đó củng cố liên minh chính trị giữa hai nhà.
Sau đó lúc cô lên 14 tuổi và hoàng tử Ludwig hay Louis lên 20 thì hai người kết hôn. Năm sau họ có con đầu lòng và 2 năm sau nữa sinh con thứ.
Thật vậy, thời thơ ấu hạnh phúc của ngài bị đứt đoạn một cách sống sượng, khi những tay hiệp sĩ từ Thuringia xa xôi đến đưa ngài tới những tổng hành dinh mới của ngài ở trung tâm Đức quốc. Thật vậy, theo tập tục thời bấy giờ, cha của ngài đã quyết định rằng Elizabeth phải làm công chúa của Thuringia. Vị lãnh chúa ở miền này là một trong những nhân vật giầu sang và thế lực nhất Âu Châu vào đầu thế kỷ 13, và lâu đài của ông ta là trung tâm của những gì là nguy nga tráng lệ và văn hóa. Tuy nhiên, ở đằng sau những mừng rỡ và vinh quang bề ngoài ấy là những tham vọng kín đáo của các hoàng gia phong kiến, thường chiến tranh với nhau và xung đột về quyền bính đế vương. Trong bối cảnh ấy, lãnh chúa Hermann tỏ ra hài lòng chấp nhận cuộc đính hôn giữa con trai của mình là Ludwig (Louis) và công Chúa Hung Gia Lợi ấy. Elizabeth đã rời quê hương của mình với đầy những của hồi môn và một đoàn tùy tùng đông đảo, bao gồm cả những người tớ gái riêng của ngài, trong đó có 2 người trung thành là bạn của ngài cho đến cùng. Họ là những người đã để lại cho chúng ta tín liệu quí báu về thời thơ ấu và cuộc đời của vị thánh này.
 Sau cuộc hành trình dài, họ đã đến Eisenach, rồi tiếp tục lên pháo đài Wartburg, một lâu đài khổng lồ nhìn thấy khắp thành phố. Ở đó diễn ra cuộc đính hôn giữa Ludwig và Elizabeth. Trong những năm sau này, trong khi Ludwig học nghề làm hiệp sĩ thì Elizabeth và các người bạn đồng hành của ngài học tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Latinh, âm nhạc, văn chương và thêu thùa. Bất chấp sự kiện là cuộc đính hôn này xẩy ra vì lý do chính trị, một tình yêu thương chân thành đã nẩy nở giữa hai con người trẻ, được tác động bởi đức tin và ước muốn làm theo ý của Thiên Chúa.
Cuộc sống hôn nhân của ngài hết sức hạnh phúc: Elizabeth giúp cho chồng của mình gia tăng những phẩm tính nhân bản cho đến mức độ siêu nhiên, và phần mình, chàng đã bảo vệ vợ mình khi vợ tỏ lòng quảng đại đối với người nghèo cũng như khi vợ thực hành các việc đạo đức. Hơn thế nữa, khi ca ngợi đức tin cao cả của vợ mình liên quan tới việc nàng chăm sóc cho người nghèo, Ludwig đã nói với nàng rằng: ‘Elizabeth yêu dấu, chính Chúa Kitô là Đấng em chùi rửa, cho ăn và chăm sóc cho đấy’. Một chứng từ rạng ngời cho thấy làm sao đức tin và đức ái của Thiên Chúa và tha nhân của mình lại củng cố cho mối hiệp nhất hôn nhân và thậm chí làm cho nó sâu đậm hơn (Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 22/10/2010).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các đôi phối ngẫu biết xây dựng một tình yêu thương chân thành, được tác động bởi đức tin và ước muốn làm theo Thiên Ý, để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.
Suy niệm 4: Linh hướng
Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, Elizabeth sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu.
Thánh Elizabeth còn là gương mẫu cho chúng ta về sự tuân phục vị linh hướng. Thăng tiến đời sống tâm linh là một tiến trình thật khó khăn. Chúng ta rất dễ tương nhượng nếu không có ai khích lệ hay chia sẻ những kinh nghiệm để giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy.
Đôi vợ chồng trẻ này gặp được nguồn nâng đỡ thiêng liêng nơi những Người Anh Em Hèn Mọn. Trong số các thày dòng này, Elizabeth đã chọn Thày Rudiger làm vị linh hướng. Khi vị linh hướng này kể cho ngài nghe về trường hợp hoán cải của con người trẻ thương gia giầu sang Francis of Assisi, thì Elizabeth lại càng nhiêt thành hơn trên con đường sống đời Kitô hữu. Từ lúc ấy, ngài đã quyết định theo Chúa Kitô nghèo hèn và tử giá hơn nữa, Đấng hiện diện nơi người nghèo. Cũng thế, khi đứa con trai đầu lòng của ngài vào đời, sau đó thêm hai đứa nữa, vị thánh của chúng ta không bao giờ lơ là với các hoạt động bác ái của mình. Hơn nữa, ngài giúp cho các Thày Dòng Anh Em Hèn Mọn xây dựng một đan viện ở Halberstadt là nơi Người Anh Em Hèn Mọn Rudiger làm bề trên. Bởi thế việc hướng dẫn thiêng liêng cho Elizabeth được chuyển sang cho Người Anh Em Hèn Mọn Konrad of Marburg.
Chính vị linh hướng này đã đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Gregorio IX biến cố sau đây: ‘Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1228, đặt bàn tay của mình trên bàn thờ ở nguyện đường của thành phố Eisenach, nơi ngài đã lãnh nhận các Người Anh Em Hèn Mọn, trước sự hiện diện của một số tu sĩ và thân quyến, Elizabeth đã từ bỏ ý riêng của mình cùng với tất cả mọi phù phiếm trần gian. Ngài muốn từ bỏ tất cả những gì mình có, nhưng con đã khuyên can ngài vì yêu thương thành phần nghèo khổ. Sau khi ngài xây một nhà thương được một ít lâu, ngài đã tiếp nhận thành phần bệnh tật và phục vụ những kẻ khốn cùng nhất và những kẻ bị bỏ rơi nhất tại chính bàn ăn của mình. Bị trách cứ về những điều ấy, Elizabeth đã trả lời rằng từ người nghèo mà ngài đã lãnh nhận được một ân huệ đặc biệt và được lòng khiêm nhượng” (Epistula magistri Conradi, 14-17). (Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 22/10/2010)..
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tuân phục vị linh hướng để có thể dễ thăng tiến đời sống tâm linh.
Suy niệm 5: Đau khổ
Elizabeth thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận.
Một tai họa đã xảy ra khi chồng ngài là tham gia đoàn quân thánh giá và thiệt mạng vào năm 1227 khi ngài sinh người con thứ ba. Gia đình nhà chồng lúc này coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia nên đã đối xử tệ và thậm chí trục xuất ngài khỏi hoàng cung, sống một cuộc sống cơ cực và tạm bợ tại các tu viện, mặc dù cô không hề oán trách và coi đây như là sự thử thách.
Thật thế, một cơn thử thách dữ dội đã xẩy ra lúc ngài từ biệt chồng mình vào cuối tháng 6 năm 1227, khi Ludwig IV liên hiệp với cuộc thánh chiến của Hoàng Đế Frederich II, nhắc nhở vợ mình rằng đó là một truyền thống đối với Các quốc chủ ở Thuringia. Elizabeth trả lời rằng: ‘Em không khuyên can anh. Em đã hiến toàn thân cho Chúa và giờ đây em cũng phải hiến anh cho Ngài nữa’. Tuy nhiên, bệnh sốt đã tàn sát quân đội và chính Ludwig đã ngã bệnh và chết ở Otranto trước khi lên tầu, vào Tháng 9 năm 1227, hưởng dương 27 tuổi. Nghe tin, Elizabeth đau buồn đến độ ẩn mình đi vào nơi thanh vắng, thế nhưng sau đó, được kiên cường nhờ nguyện cầu, và được an ủi khi nghĩ tới sẽ gặp lại chàng trên trời, ngài lại chú trọng tới các công việc của triều chính.
Tuy nhiên, một thử thách khác đang chờ đợi ngài, đó là người anh rể của ngài chiếm nắm quyền cai trị xứ Thuringia, tự tuyên bố rằng anh ta mới thực sự là thừa kế của Ludwig và tố cáo Elizabeth là một người đàn bà đạo đức không có khả năng quản trị. Người vợ góa trẻ tuổi cùng với 3 đứa con trai bị tống đuổi ra khỏi lâu đài Wartburg và bắt đầu tìm chỗ cư trú. Chỉ c òn có hai trong số những người tỳ nữ theo còn ở với ngài, hộ tống ngài và ký thác 3 đứa con trai của ngài cho việc chăm sóc của những người bạn của Ludwig. Hành trình qua các làng mạc, Elizabeth đã ra tay làm việc ở bất cứ chỗ nào nhận ngài làm việc: Ngài đã giúp đỡ thành phần bệnh nhân, đã quay tơ và may vá. Trong thời gian khổ nạn này, chịu đựng bằng đức tin cao cả, nhẫn nại và hiến mình cho Thiên Chúa, một số họ hàng, thành phần vẫn trung thành với ngài và coi chính quyền người anh rể của ngài đang trị vì là bất hợp pháp, đã phục hồi lại tên tuổi của ngài, vì con trai của ngài mới là người thừa kế chính thức. (Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 22/10/2010).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi gặp thử thách, hãy biết theo gương thánh nhân để chịu đựng bằng đức tin cao cả, nhẫn nại và hiến mình cho Thiên Chúa.
Suy niệm 6: Bệnh viện
Elizabeth dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một bệnh viện mà ngài đã thiết lập.
Thánh Elizabeth hiểu rất rõ bài học của Đức Kitô khi Người rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: người Kitô phải là người phục vụ những nhu cầu cần thiết của tha nhân, dù người phục vụ có địa vị cao trọng. Là một người trong hoàng tộc, Thánh Elizabeth đã có thể sai khiến người dân, nhưng ngài đã phục vụ họ với một tâm hồn thật đại lượng đến nỗi trong cuộc đời ngắn ngủi ấy ngài đã được sự quý mến của rất nhiều người.
Bởi thế, vào đầu năm 1228, đã có thể lãnh nhận một lợi tức thích đáng để rút lui vào lâu đài của gia đình ở Marburg cũng là nơi vị linh hướng của ngài là Konrad sống. Vào năm 1229, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một nhà thương mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô.
Chúng ta có thể thấy nơi việc dứt khoát này một cảm nghiệm thần bí tương tự như cảm nghiệm của Thánh Phanxicô: Người Nghèo Thành Assisi này thật sự đã nói trong di chúc của mình rằng bằng việc phục vụ những người cuì hủi mà những gì trước kia cay đắng đã trở nên một thứ ngọt ngào của linh hồn và thân xác (Testamentum, 1-3). Elizabeth đã sống 3 năm cuối cùng của mình ở bệnh viện do ngài thành lập, phục vụ bệnh nhân, ở bên cạnh giường của người hấp hối. Ngài luôn cố gắng thi hành những việc hèn hạ nhất và những công việc ghê tởm nhất. Ngài đã trở thành những gì chúng ta có thể gọi là một người nữ sống đời tận hiến giữa thế gian (soror in saeculo) và đã thành lập một cộng đồng tu trì với những người bạn khác của ngài, mặc chiếc áo dòng mầu xám. Không phải là tình cờ mà ngài là quan thày của Dòng Ba Thánh Phanxicô và Hội Dòng Thánh Phanxicô Tại Thế.
Vào Tháng 11 năm 1231 ngài đã bị sốt nặng. Khi nghe tin ngài bị bệnh nhiều người đã đến gặp ngài. Khoảng 10 ngày sau, ngài yêu cầu đóng cửa lại để ngài được một mình với Chúa. Ngài từ từ thiếp đi trong Chúa vào đêm 17/11. Vì thể trang yếu đuối và phải lao động nhiều nên sức khỏe của ngài ngày càng sa sút, và sau cùng ngài chết vào ngày 19 tháng 10 năm 1231 lúc đó chỉ mới 24 tuổi.
Những chứng từ về thánh đức của ngài nhiều đến độ chỉ 4 năm sau Đức Giáo Hoàng Gregôriô IX đã tuyên bố ngài là một vị thánh, và cùng năm, một thánh đường tuyệt đẹp dựng lên tôn kính ngài ở Marburg được thánh hiến. Sác lệnh này này của Đức Giáo Hoàng vẫn được trưng bày trong bảo tàng Schatzkammer Deutschordenskirche ở Viên, Áo. Thi thể của ngài được đặt trong một quan tài bằng vàng rất lộng lẫy ở đền thờ và nó vẫn còn để được trưng bày cho công chúng thấy cho đến ngày hôm nay trong Giáo Hội Elisabeth (Marburg).
Nơi hình ảnh Thánh Elizabeth, chúng ta thấy đức tin và tình thân hữu với Chúa Kitô đã kiến tạo ra sao cái cảm quan về công lý, về sự bình đẳng của mọi người, về quyền lợi của những kẻ khác, và chúng kiến tạo ra sao tình yêu thương, đức bác ái. Và từ đức bác ái này mà niềm hy vọng đã phát sinh, niềm tin tưởng rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương và tình yêu của Chúa Kitô đang chờ đợi chúng ta, nhờ đó làm cho chúng ta có thể bắt chước Chúa Kitô và thấy Chúa Kitô nơi kẻ khác. Thánh Elizabeth mời gọi chúng ta hãy tái nhận thức Chúa Kitô, hãy yêu mến Người, hãy tin tưởng và nhờ đó gặp được cống lý và tình yêu đích thực, cùng với niềm vui mà một ngày kia chúng ta sẽ được chìm đắm trong tình yêu thần linh, trong niềm vui của cõi vĩnh hằng với Thiên Chúa (Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 22/10/2010).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy tái nhận thức Chúa, hãy yêu mến và hãy tin tưởng vào Chúa.