Vị thánh trong ngày _ 05/10


NGÀY 5/10

Chân phước
MARIE-ROSE DUROCHER 
(1811-1849)
Lược sử
Trong khoảng thời gian tám năm đầu của cuộc đời Chân Phước Marie-Rose Durocher, Gia Nã Đại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Đức Giám Mục Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.
Đức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội, một trong những tu hội ấy là các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Marie-
Rose.Marie-Rose sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ bé gần Montréal, và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa và cũng có thể dễ dàng lập gia đình.
Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính ngài lại thành lập một cộng đồng như vậy. Lúc ấy Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa - đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian "ẩn dật" đã lộ ra - một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.
Ngài khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Đức Kitô trên thập giá.Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe ngài thầm thĩ là "Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!" Trước khi chết, ngài mỉm cười và nói với các nữ tu, "Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây - hãy để tôi đi."
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Tự do tôn giáo
Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó.
Tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo được coi là một nguyên tắc ủng hộ quyền tự do của cá nhân hay cộng đồng trong việc công khai hoặc bí mật thực hành, thờ phụng, rao giảng, hay tụ tập một tôn giáo hay tín ngưỡng. Khái niệm này thường được thừa nhận là có bao gồm cả việc tự do thay đổi tôn giáo hoặc tự do không theo một tôn giáo nào. Tại nhiều quốc gia, tự do tín ngưỡng được coi là quyền cơ bản của con người.
Tuyên Ngôn về Nhân Quyền định nghĩa tự do tôn giáo như sau: “Mỗi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo, và tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình một cách cá nhân hoặc công khai trong việc rao giảng, thực hành, thờ phụng và tụ tập”.
Điều 18 Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị nói rằng: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luât pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khoẻ xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà cầm quyền biết tôn trọng quyền tự do tôn giáo này.
Suy niệm 2: Quyền công dân
Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó.
Quyền công dân là quyền được làm công dân của một cộng đồng xã hội, chính trị hoặc quốc gia. Theo Tuyên Ngôn thế giới về quyền con người và các Công Ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân là quyền con người, là những giá trị gắn liền với một nhà nước nhất định và được nhà nước đó bảo đảm thực hiện bằng pháp luật dựa trên mối liên hệ pháp lý cơ bản giữa mỗi cá nhân công dân với một nhà nước cụ thể.
Địa vị của công dân theo Khế ước xã hội là phải mang cả quyền và trách nhiệm. Công dân năng động là một lý thuyết cho rằng mọi công dân phải làm việc vì sự tiến bộ của cộng đồng thông qua sự tham gia kinh tế, công cộng, hoạt động tình nguyện và các nỗ lực khác để cải thiện cuộc sống cho tất cả các công dân. Theo dòng chảy này, các trường học ở vài nước trên thế giới cung cấp chương trình giáo dục công dân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực thi quyền công dân của đất nước mình, nhất là nghĩa vụ của người công dân Nước Trời.
Suy niệm 3: Giám Mục
Đức Giám Mục Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal.
Tương đương của từ “Giám Mục” trong các ngôn ngữ Tây phương có nguồn gốc từ episkopus của tiếng Hy Lạp, có nghĩa là người cai quản, người chăm sóc, người canh giữ hoặc quản đốc. Trong tiếng Việt, từ “Giám Mục” cũng có nghĩa tương tự: “giám” nghĩa là trông chừng, “mục” nghĩa là chăn dắt.
Giám Mục là chức vị tượng trưng cho các Tông Đồ, trong đó giáo hoàng là tông đồ trưởng tượng trưng cho Thánh Phêrô. Giám Mục do Giáo Hoàng chọn và chỉ định qua sự tư vấn của Thánh Bộ Giám Mục hoặc Thánh Bộ Truyền Giáo. Giám Mục được quyền tấn phong chức giám mục, linh mục, phó tế, nhận lời khấn dòng của các tu sĩ, đồng thời có quyền ban tất cả bí tích cho giáo dân. Các Giám Mục cũng là những người trực tiếp cùng với Giáo Hoàng chia sẻ quyền lực của Giáo Hội trên toàn cầu để quản trị Giáo Hội Công Giáo Rôma.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các Giám Mục luôn duy trì sự thống nhất với Giáo Hoàng như cành liền cây.
Suy niệm 4: Học vấn
Phần lớn số dân quê không có học vấn.
Trong đời sống xã hội nói chung, học vấn có tầm quan trọng rất lớn đối với mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ mà không chịu học thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích”. Bên cạnh đó còn có những câu: “Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ”. Hoặc: “Bất học bất tri lý” (không học thì không biết lý lẽ, lẽ phải).
Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời. Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức, mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Học là để sáng thêm cái trí, lành thánh cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng xã hội loài người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên tâm học mãi vì bể học thì vô bờ.
Suy niệm 5: Hy vọng
Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính ngài lại thành lập một cộng đồng như vậy.
Đã có hy vọng và sống niềm hy vọng ấy thì đã đạt được một phần ba chặng đường và đích điểm sẽ không còn xa. Thật thế khi lên 16 tuổi, ngài cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Nhưng ngài vẫn nuôi dưỡng chí hướng. Lúc 18 tuổi, mẹ ngài từ trần, người anh linh mục của ngài mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Marie-Rose phục vụ như một người quản gia, người chủ nhà và là nhân viên của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là "vị thánh của Beloeil."
Cha linh hướng của ngài, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của ngài, đã khuyên ngài thành lập một tu hội. Đức Giám Mục Bourget tán thành, nhưng Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Đại nào dám làm điều như vậy. Ngài thì yếu ớt, trong khi cha và anh ngài đang cần đến sự giúp đỡ của ngài.
Sau cùng ngài đồng ý, và với hai người bạn, Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Từ từ, tu hội phát triển đến Bethlehem, Nazareth và Gethsemane.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hy vọng tiến bước để gặp thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm.
Suy niệm 6: Khắt khe
Ngài khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay.
Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Đức Kitô. Đó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Đức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.
Đối với các nữ tu rời bỏ đời sống tu trì, chân phước Marie-Rose viết: "Đừng bắt chước những người, mà sau khi một vài tháng sống trong nhà dòng, họ ăn mặc thật khác biệt, nhiều khi lố bịch. Các bạn trở về với tình trạng thế tục. Lời khuyên của tôi là, hãy sống như những ngày ở trong dòng, dù có ở xa đi nữa."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết khắt khe nhưng có chừng mực, chứ đừng vượt quá những gì luật cho phép.