Hy sinh
Một ngày nọ, một cậu thiếu niên đến gặp
ông nội cậu và xin ông đi câu cá với cậu. Ông nội cậu là một người thợ rèn, liền
nói: “Ngay sau khi ông đóng móng cho cặp ngựa này, ông sẽ đi với cháu”.
Cậu bé bắt đầu đi thơ thẩn xung quanh lò
rèn. Ông nội báo cho cậu biết đừng sờ vào các móng ngựa bởi vì nó có mấy cái
còn rất nóng. Nhưng khi ông vừa quay lưng đi, thì đứa cháu đã cầm lấy một cái.
Thấy nóng quá, cậu lập tức buông cho móng ngựa rơi ra và kêu lên một tiếng. Ông
nội cậu nghe được tiếng kêu liền hỏi: “Con có bị sao không?”.
“Không”, cậu bé nói dối.
“Chắc không?”
“Nhưng nếu cháu đau thì ông có thể giúp
cháu”
“Không cháu không sao mà”
“Vậy cháu không bị phỏng chứ?”
“Không”
“Nếu cháu không sao thì tốt, vậy sao
cháu lại buông cái móng ngựa nhanh thế”.
“Cháu đâu cần nhiều thời gian để xem
nó.” Cậu bé đáp.
Không cần nhiều thời gian để xem và rồi
buông bỏ như câu chuyện của Đức Giêsu cho chúng ta thấy.
Rõ ràng, người thanh niên đến gặp Đức
Giêsu vì anh ta thán phục Người – anh ta gọi Người là “Thầy nhân lành”. Có được
người thán phục là chuyện dễ nhưng tìm được người muốn hy sinh là chuyện khó.
Khi Đức Giêsu yêu cầu anh đem cho mọi người của cải và trở thành môn đệ của Người
thì xem ra đó là một hy sinh quá lớn đối với anh. Anh buồn bã bỏ đi. Tại sao buồn?
Bởi vì thách đố mà Đức Giêsu đưa ra cho anh đã tạo thành một quan điểm về sự
cao cả thật lóe sáng lên trong tâm trí trẻ trung của anh ta. Anh ta thấy quan
điểm này thật hấp dẫn nhưng phải trả giá quá đắt. Anh ta biết điều đó khi quay
lưng lại với Đức Giêsu, đồng thời cũng khước từ quan điểm đó. Vì thế anh bỏ đi
lòng buồn bã.
Đức Giêsu đã để cho anh đi. Người đã tôn
trọng tự do của anh. Không có ích gì khi bắt buộc người ta phải hy sinh. Nếu họ
không hy sinh, họ sẽ trở nên nghèo nàn. Nhưng nếu họ tự do đón nhận hy sinh, họ
sẽ được phong phú. Con người chủ yếu tốt lành. Nhưng sự tốt lành phải được thức
tỉnh và được phát huy nếu họ muốn bước vào vương quốc của tình yêu.
Không phải cái chúng ta nhận làm chúng
ta trở nên cao cả mà là cái chúng ta cho đi. Bởi cho đi, chúng ta trưởng thành.
Có một nguy cơ là tôn giáo có thể trở thành quá dễ dãi. Mọi tôn giáo lớn đều dạy
rằng không có phần thưởng nào không đòi từ bỏ hay trả giá.
Một câu hỏi có lần được gởi đi khắp các
trường trung học ở New York
hỏi rằng: Bạn thích được như thế nào? Hai phần ba học sinh đều đáp: “Được nổi
tiếng”. Họ không có ý tưởng nào về việc phải cống hiến mình để hoàn thành một
công việc.
Trong thâm tâm, mọi người chúng ta khao
khát sự tốt lành. Chúng ta có một giấc mơ phải làm một điều gì thật sự có giá
trị với cuộc đời mình. Chúng ta biết rằng theo đuổi giấc mơ ấy bao hàm sự hy
sinh nhưng cũng đem lại niềm vui to lớn. Chính Thiên Chúa đã đặt khát vọng ấy trong
tâm hồn chúng ta.
Đức Giêsu hứa ban một phần thưởng ngay
trên đời này cho những ai đi theo Người – phần thưởng của tình bằng hữu, và của
một đời sống có mục đích và ý nghĩa. Và thật nghịch lý, không phải là một đời sống
dễ dãi dẫn đến sự viên mãn và niềm vui mà là một đời sống của sự hy sinh.