Suy niệm hạnh thánh _ 16/9

Thánh CORNELIUS
 (c. 253)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng.
Trong thời gian hai năm Thánh Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Tuy nhiên, ở Rôma, Đức Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác.
Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma - giáo hoàng đối lập thứ hai. Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia.
Suy niệm 1: Không có giáo hoàng
Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Với ý đồ đánh chủ chăn thì đoàn chiên sẽ tan tác (Mt 26,31), người cầm đầu cuộc bách hại dã giết Đức Fabian khiến Giáo Hội trồng ngôi giáo hoàng suốt 14 tháng.
Nhưng Giáo Hội vẫn trường tồn như lời Chúa khẳng định (Mt 16,18) nhờ vào ơn Chúa cũng như tập thể các linh mục. Thật thế, trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Một tài liệu từ thời Đức Cornelius cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô Hữu được ước lượng khoảng 50.000 người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vững tin vào sự trường tồn của Giáo Hội Chúa.
Suy niệm 2: Chọn
Cornelius được chọn làm giáo hoàng. Ngài được chọn "bởi quyết định của Thiên Chúa và của Đức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí".
Sự lựa chọn này được đánh giá là hợp pháp với các yếu tố nêu trên, nên ngài là vị giáo hoàng chính thức và hợp pháp, không như trường hợp của linh mục Novatian tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma để trở thành vị giáo hoàng đối lập đầu tiên.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn canh phòng như lời tiên báo của Chúa là sẽ có Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện (Mt 24,24).
Suy niệm 3: Thái cực
Cả hai thái cực đều bị lên án. Đức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định lập trường mà Đức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hòa giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của Novatus). Thật đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít khi chúng ta để ý đến -- một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi giao hòa với Giáo Hội.
Những người như Thánh Cornelius và Thánh Cyprian là công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo Hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo Hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì đã được Đức Kitô khởi sự, và lượng giá những cảm nghiệm mới qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trung thành với giáo huấn của Chúa trong mọi vấn đề.
Suy niệm 4: Lạc thuyết Novatian
Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma -- giáo hoàng đối lập đầu tiên. Novatian chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo Hội cũng không có quyền tha tội!
Đức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo Hội (nhất là Đức GM Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251, Đức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người "sa ngã" được hòa giải với Giáo Hội qua "bí tích hòa giải" thông thường.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm thà làm một giáo dân hợp pháp còn hơn làm một vị lãnh đạo bất hợp pháp.
Suy niệm 5: Giáo hoàng đối lập thứ hai
Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma - giáo hoàng đối lập thứ hai.
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, đã từng có một số người tự nhận hay hành xử quyền Giáo Hoàng một cách không hợp pháp. Người Công Giáo gọi họ giáo hoàng giả (hay ngụy giáo hoàng hoặc giáo hoàng đối lập). Tờ Annuario Pontificio của Tòa Thánh ghi lại có 37 giáo hoàng giả. Giáo Hoàng giả đầu tiên là linh mục Hippolitô, ngài quá nhiệt thành với Phụng Vụ. Khi đó Phụng Vụ đều đọc các bài sách thánh trong ngôn ngữ Hy Lạp, nên giáo dân Rô Ma không hiểu gì mấy. Đức Callistô muốn dân chúng hiểu Phụng Vụ, nên ủng hộ việc đọc bằng tiếng Latinh ít là cho dân Rô Ma. Hippolitô phản đối việc đó và tách khỏi Giáo Hội khoảng năm 223.
Năm 235, cả Giáo Hoàng thật (thánh Pontianô) và giả cùng bị vua Rô Ma bắt lưu đày ở Sardina và đã làm hòa, cùng chịu tử đạo và làm thánh. Trong số các vị còn lại, rải rác từ thế kỷ III cho đến đầu thế kỷ XV, có vị rút lui trong một ngày, có vị một tháng, có vị lâu dài. Đa số vì hiểu lầm, nhưng ảnh hưởng chính trị và hoàn cảnh của thời xưa (đế quốc và phong kiến) cũng đóng một vai trò quan trọng. (LM Đào quang Chính OP)
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín lập trường của thánh Cyprian: "Chỉ có một Thiên Chúa và một Đức Kitô và một ngôi tòa giám mục, được xây dựng đầu tiên trên Thánh Phêrô bởi quyền năng Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ gì người ta thiết lập ra trong khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng" (Thánh Cyprian, Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).
Suy niệm 6: Lưu đầy
Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia. Để miêu tả cảnh khổ đau này, sách Isaia Đệ Nhị chương 40-55 dùng kiểu nói diễn tả nỗi khổ nhục thê thảm của kiếp sống lưu đày: Đưa lưng cho người ta đánh đòn, ám chỉ hình phạt dành cho người ngu dại bị coi như đồng hạng với thú vật; giơ má cho người ta giật râu, ám chỉ đến danh dự và lột mất phẩm giá của một con người; chường mặt cho người ta phỉ nhổ, ám chỉ mọi hành động xúc phạm và khinh rẻ phẩm giá của một người cũng như sự sống của một người.
Tất cả cảnh sống trên đây diễn tả cảnh sống nhục nhã, bị khinh miệt và khổ đau dân Do Thái và những người bị lưu đày, đặc biệt các chức sắc của Giáo Hội phải chịu trong cảnh lưu đày.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhìn vào Chúa là Người Tôi Tớ Khổ Đau tuyệt vời để thấy được ý nghĩa và giá trị cứu độ của khổ đau.