Thánh TÔMA Ở VILLANOVA
(1488-1555)
Lược sử
Thánh Tôma sinh ở
Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành phố nơi ngài lớn lên. Ngài được
giáo dục rất chu đáo ở Đại Học Alcala, ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám
mục ở Granada, nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại
bị áp lực phải chấp nhận. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để
được ăn uống và được cho tiền. Người ta chỉ trích là ngài bị lợi dụng. Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài thưởng tiền
cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài thường bị chỉ trích là không khắt
khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép, ngài thở
hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay
Chúa."Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong
thánh năm 1658.
Suy niệm 1: Đãng trí
Tôma hay đãng trí và kém trí nhớ.
Con người vốn bất toàn, vì thế bên cạnh những ưu điểm trổi vượt, ngài cũng
không tránh khỏi một số nhược điểm. Thật thế, là môt sinh viên của Đại Học Alcala, ngài đã trở nên một giáo sư triết của đại học
này. Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca, ngài được thụ phong linh mục
và tiếp tục dạy học. Ngài còn làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng cũng như
được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada.
Thế nhưng ngài lại mắc phải khuyết điểm là hay đãng trí và kém trí nhớ.
Điều này mời gọi chúng ta đừng bao giờ quá tự phụ về các ưu điểm của mình mà
khinh thường người khác, và cũng đừng quá khắt khe với các lỗi lầm của tha
nhân. Họ kém điểm này nhưng biết đâu lại trổi vượt chúng ta về nhiều mặt khác.
Ngay cả một nhà toán học Archimedes cũng mắc phải nhược điểm đãng trí như
chuyện kể: một hôm đang tắm thì phát hiện lực đẩy của nước, ông mừng quá quên
cả mặc quần áo vừa chạy vừa la lên Eureka nghĩa là tôi đã tìm ra.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con khiêm tốn nhận ra khuyết điểm của mình để biết cảm thông với nhược
điểm của người.
Suy niệm 2: Chỉ
trích
Người ta chỉ trích là Tôma bị lợi dụng.
Khi bị như thế, ngài trả lời: "Nếu có những người không chịu làm việc
thì đó là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp
đỡ và an ủi những người đến với tôi". Ngài cũng thường bị chỉ trích là
không khắt khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói:
"Hãy để họ (người chỉ trích) tìm hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan
Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người
say sưa và phạm thượng, là những người mà các ngài đang săn sóc không".
Đức Giêsu cũng thường bị người Do Thái chỉ trích là tay ăn nhậu và bạn bè
với quân thu thuế (Mt 11,19), khi Ngài phản đối lối sống xa cách người tội lỗi
của nhóm đầu mục (Lc 19,7), để rồi dễ dàng gần gũi (Lc 7,39) và tha thứ chứ
không kết án (Ga 8,11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con sẵn sàng bị chỉ trích vì Chúa và vì các linh hồn hơn là thuộc về thế
gian để được yêu thích (Ga 15,19).
Suy niệm 3: Mồ côi
Tôma nhận nuôi các trẻ mồ côi.
Và hơn thế ngài còn thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài
làm thế vì không muốn đi vào đường lối phường gian ác (Gb 24,9), nhưng muốn
sống theo gương Chúa vốn luôn phù trì kẻ mồ côi (Tv 10,14) cũng như luôn quan
tâm đến nhu cầu của chúng (Hc 35,14).
Đồng thời Chúa cũng hằng ngỏ lời mời gọi (Tv 82,3), truyền không được xâm
phạm quyền lợi của chúng (Cn 23,10), không được ngược đãi chúng (Gr 22,3),
nhưng hãy đối xử với chúng như một người cha (Hc 4,10), hãy bênh đỡ quyền lợi
của chúng (Tv 82,3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con quan tâm giúp đỡ trẻ mồ côi, biết đâu khi lớn lên nó sẽ trở thành hữu
dụng cho dân nước như một hoàng hậu Étte xưa (Et 2,7;8,3-8).
Suy niệm 4: Kẻ có
tội
Tôma thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng trừng phạt
những kẻ có tội.
Theo gương Đức Giêsu, vốn đến không phải để cứu người công chính mà những
kẻ tội lỗi (Mt 9,13), đến mức sẵn sàng thí mạng để chiên được sống dồi dào (Ga
10,10.15) với cái chết trên thập giá (Dt 12,2).
Ngài cũng phân biệt rất rõ sự khác biệt giữa tội lỗi và tội nhân. Với tội
lỗi thì ngài khắt khe và diệt trừ, nhưng với tội nhân thì không. Hay nói cách
khác ngài tẩy sạch tội lỗi bằng việc giúp tội nhân trở thành người trong sạch.
Đúng như Đức Giêsu xưa, Ngài không đồng tình ném đá giết chết người phụ nữ
ngoại tình như cách làm của đám người Do Thái, mà Ngài giúp chị ta trở thành
thánh nhân nghĩa là tội ngoại tình đã bị tiêu hủy nơi chị.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết ghét tội, nhưng yêu thương giúp đỡ người có tội chừa bỏ tội lỗi.
Suy niệm 5: Người bố
thí
Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha
của người nghèo".
Ngài được gọi như thế vì số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám
mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích "Khi dùng tiền cho
người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó
nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?"
Ngài không chỉ bố thí về mặt tiền của mà còn cả về mặt tinh thần, khi ngài
làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, thì ngài là người đầu tiên gửi các cha
Augustine đến Tân Thế Giới để loan báo Tin Mừng cho dân chúng vùng này lúc bấy
giờ đang đói khát lời Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con có tấm lòng quảng đại bố thí để thấy được phương cách bố thí, nếu
không vật chất thì tinh thần.
Suy niệm 6: Cha của
người nghèo
Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha
của người nghèo".
Là "cha của người nghèo", bản thân ngài sống hết sức nghèo. Ngài
vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay ngài khâu vá lại.
Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ không thể thuyết phục
ngài thay đổi.
Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để được ăn uống và được
cho tiền. Ngài khuyến khích những người giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên
giầu lòng thương xót và bác ái hơn là giầu của cải trần gian. Khi ngài sắp
chết, ngài ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có mà phân phát cho người nghèo.
Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng hiệu trưởng trường cũ của
ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết chạy tìm mối phúc cho người nghèo khó (Mt 5,3).