THUỘC VỀ CHÚA
1. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cho các
môn đệ của Người.
Người nhắc đi nhắc lại tư tưởng này: “Con không cầu nguyện cho thế
gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho
con. Bởi vì họ thuộc về Cha... Họ không thuộc về thế gian” (Ga
17,9-14).
Trong lời cầu trên đây, Chúa Giêsu phân ra hai loại người: Loại
người thuộc về Chúa và loại người thuộc về thế gian. Cái nhìn của Chúa thực dứt
khoát.
2. Chỉ có Chúa mới dứt khoát được như vậy. Chứ trên thực tế, tôi
thấy đâu có rõ ràng, nhất là khi mỗi người chúng ta lại thuộc về nhiều thứ.
Thực vậy, trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay, ai cũng có nhiều “thuộc về” này nọ, như: Thuộc về một
giáo phận, một giáo xứ, một khu xóm, một gia đình, một uỷ ban, một hội đoàn, một nhóm, một cơ quan, một bề trên, có khi cũng
còn thuộc về một người mình yêu thương sùng mộ.
Tất cả mọi thuộc về đó
có thực sự thuộc về Chúa không? Chắc là khó mà biết được.
3. Phúc Âm soi sáng cho tôi. Chúa Giêsu phán: “Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu.
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào
mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa,
nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ,
nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ:
Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác”
(Mt 7,21-23).
Như vậy, nếu có ngày, tôi và một số người của Hội Thánh thưa với
Chúa rằng: Con đã nhân danh Chúa mà tổ chức nhiều thánh lễ một cách linh đình rầm
rộ. Con đã nhân danh Chúa mà xây cất nhiều cơ sở của Hội Thánh với công sức và
tốn phí lớn lao. Con đã nhân danh Chúa mà hăng hái, dồn hết sức mình vào công
việc làm kinh tế và tranh đấu cho lợi ích của Hội Thánh. Và nhân danh Chúa mà
làm bao nhiêu việc khác nữa. Biết đâu Chúa sẽ tuyên bố: Ta không hề biết các ngươi là ai! Nghĩa là Chúa sẽ không nhận chúng
tôi là những người thuộc về Chúa. Chắc gì điều đó sẽ không xảy ra.
4. Tôi tưởng tôi thuộc về Chúa. Nhưng nếu Chúa lại coi tôi là
thuộc về thế gian, thì đó là điều rất đáng sợ.
Tôi nên sợ và phải sợ. Bởi vì sự thuộc về Chúa là điều không đơn
giản, không dễ dàng. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện tha thiết cho những
ai thuộc về Chúa, để họ khỏi sai lầm mù quáng trong nhận thức, trong chọn lựa,
trong việc làm, đưa họ tới chỗ trở thành người thuộc về thế gian trong lúc
không ngờ.
Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng: Khao khát thuộc về Chúa một cách
trọn vẹn đã là một điều không dễ. Phương chi phấn đấu vượt qua mọi trở ngại để
thuộc trọn về Chúa một cách gắn bó, một cách trung tín, càng là điều không dễ
chút nào.
Các trở ngại quan trọng đã được tu đức Phúc Âm nêu lên gồm: Xác thịt nặng nề, thế gian quyến rủ, ác thần
lừa dối. Ba cản trở trên đây là rất mạnh. Đối phó với chúng bằng những lý
luận là rất sai lầm. Khẳng định mình thắng được chúng bằng ý chí là đã bắt đầu
thua chúng. Tự hào mình biết chắc chắn mình luôn luôn thuộc về Chúa là đã ở
trong bẫy của Satan rồi.
Khó khăn rất nhiều và rất phức tạp trong việc được thuộc về
Chúa. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện để chúng ta cũng hãy cầu nguyện.
5. Chúa nhấn mạnh đến sự thuộc về Chúa. Sự Chúa nhấn mạnh đó khiến
tôi phải suy nghĩ nhiều.
Thế nào là thuộc về Chúa? Chúa Giêsu làm gương bằng sự chính Người
thuộc về những kẻ thuộc về Người.
Chúa Giêsu đã gắn bó với họ, đã hy sinh mạng sống cho họ, đã tìm
cách ở lại với họ khi phải xa họ. Nhưng đó mới chỉ là tình yêu một chiều. Chúa
coi là không đủ. Chúa đòi chiều đền đáp. Chúa muốn những kẻ thuộc về Chúa cũng
hãy gắn bó với Chúa, hy sinh vì Chúa, ở lại trong Chúa. “Anh em hãy ở lại trong tình
thương của Thầy” (Ga 15,9). Ở lại nói đây phải là một gắn bó mật thiết.
“Thầy
là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì
người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).
6. Như thế, những người thuộc về Chúa phải là những trái tim bừng
cháy lửa yêu thương. Họ cũng yêu thương nhau như vậy, theo lời Chúa dạy: “Anh
em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Cộng đoàn các tín hữu đầu tiên của Hội Thánh gồm những người thuộc
về Chúa một cách chan hoà như thế đó. Họ cảm nhận đời sống thuộc về Chúa như thế
là một đời sống luôn luôn hiệp thông, không ngừng cầu nguyện với Chúa và chia sẻ
của cải cho nhau (x. Cv 2,42-47).
7. Hồi đó là như thế. Còn nay thì sao?
Nay thì rất khác. Tôi xin nói về thời nay của Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay.
Hiện nay, nhiều tín hữu, thay vì chỉ lo thuộc về Chúa, thì thường lại lo thuộc về các đối tượng mang danh Chúa. Những đối tượng đó thường là
các tổ chức và các chức vụ. Như một cộng đoàn, một nhóm, một cơ sở từ thiện, một
phong trào đạo đức, một địa vị, một công trình. Trên thực tế, nhiều tổ chức và
chức vụ trở thành cơ hội để tìm kiếm lợi riêng cho mình hơn là lợi cho Chúa.
Lợi riêng cho nhóm đã đành, nhưng cũng còn kiếm lợi ích cá nhân.
Trong hướng đó, việc mến Chúa yêu người dễ bị coi nhẹ, nhường chỗ cho việc mến
yêu những thứ khác. Do đó đã nảy sinh ra những tranh chấp gây chia rẽ, nghi kỵ
và phân hoá. Gây gương xấu nhiều nhất hiện nay là mang danh nghĩa Chúa và công
ích để thu gom tiền bạc của cải và uy tín
cho riêng cá nhân mình, bất chấp luật công bằng và bác ái.
Thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho đạo Chúa không phải thuộc về
lãnh vực vật chất, mà là lãnh vực tinh thần. Nhiều người bị các gương xấu đó
trong Đạo chi phối, đã giảm bớt lòng tin tưởng vào Đạo và các người theo Đạo.
8. Tới đây, vấn đề đặt ra cho tôi là tôi phải làm hết sức mình để
thuộc về Chúa một cách trọn vẹn và đích thực. Thêm vào đó, tôi phải làm hết sức
mình để mến Chúa yêu người như Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương. Làm hết sức
mình nói đây sẽ đặt nặng việc khiêm nhường cầu nguyện và khiêm nhường tỉnh thức,
như Chúa đã dạy.
Lạy Chúa, con biết mình
con rất yếu đuối. Xin Chúa thương giúp con được luôn trở về với Chúa.
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN