ĐỨC MẸ SẦU BI
Lược sử
Trong một thời kỳ có
đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Đức Mẹ. Những dữ kiện chính
yếu trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Đức Mẹ là trong các đoạn của
Thánh Luca 2,35 và Gioan 19,26-27. Đoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên
đoán của cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria; đoạn của
Thánh Gioan nói về lời trăn trối của Đức Kitô với Đức Maria và người môn đệ yêu dấu.
Nhiều học giả thời Giáo
Hội tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Đức Maria, nhất là khi
nhìn Đức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như
điều tiên đoán đã được thể hiện. Đặc biệt Thánh Ambrôsiô coi Đức Maria như một
hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá.
Suy niệm 1: Ngày lễ
Trong thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn
kính sự Sầu Bi của Đức Mẹ. Một ngày lễ xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia
từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ
cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá được gọi là Lễ kính nhớ
Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ do linh mục Jean de Coudenberghe khởi xướng và được
Đức Piô VII cho mừng trong cả Giáo Hội, một lễ trong tháng Chín là lễ Đức Mẹ
Sầu Bi.
Nhưng theo tinh thần của Phụng Vụ mới, Giáo
Hội không muốn mừng duy chỉ một sự kiện trong hai ngày lễ. Đàng khác trong Mùa
Chay, Giáo Hội muốn tập trung vào mầu nhiệm cứu chuộc và không chú ý hoàn toàn
vào các sự đau khổ của Mẹ được, nên lịch mới chỉ giữ lại một lễ mừng vào tháng
Chín và được gọi là lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Lòng đạo đức của các tín hữu tập trung
vào cảnh nát lòng mà Đức Trinh Nữ phải chịu đặc biệt trong ngày Chúa Cứu Thế
chịu nạn. Họ suy gẫm những nỗi đau của Mẹ.
Thật sự trọn vẹn cuộc đời Mẹ đầy những
thương đau với Bảy biến cố nổi trội được ghi đậm: Lời tiên tri của Simêon (Lc
2,34-35), cuộc chạy trốn qua đất Ai Cập (Mt 2,13-21), việc lạc mất Chúa Giêsu
tại Giêrusalem (Lc 2,41-50), việc Chúa Giêsu vác thánh giá (Ga 19,17), việc
Chúa Giêsu chịu đóng đinh (Ga 19,18-30), việc hạ xác Chúa Giêsu khỏi thánh giá
(Ga 19,39-40), việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ (Ga 19,40-42).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chiêm ngưỡng mọi đau khổ của Mẹ như sự đồng
khổ với Chúa Giêsu, để cùng biết hiệp nhất mọi khó khăn trong đời chúng con với
cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa.
Suy niệm 2: Phúc âm
Những dữ kiện chính yếu trong phúc âm đề
cập đến sự sầu muộn của Đức Mẹ là trong các đoạn của Thánh Luca 2,35 và Gioan
19,26-27. Đoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên đoán của cụ Simeon về một
lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria; đoạn của Thánh Gioan nói về lời trăn
trối của Đức Kitô với Đức Maria và người môn đệ yêu dấu.
Ngoài hai dữ kiện trên cũng như các dữ kiện
nổi bật làm nên ngày lễ kính nhớ Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ, phúc âm còn ghi lại
một số dữ kiện khác làm nên cuộc tử đạo liên lĩ của Đức Mẹ trong sứ vụ đồng
công cứu chuộc với Đức Kitô Con Mẹ: bằng tiếng Xin Vâng để đón nhận Con trong
ngày nhập thể và bị Thánh Giuse hiểu lầm (Lc 1,38;Mt 1,19), bị các chủ trọ
khước từ để rồi phải chứng kiến cảnh tượng Con sinh ra trong nơi hèn mọn (Lc
2,7), âm thầm dõi theo bước chân truyền giáo của Con vốn bị chống đối, thù ghét
và nhiều lần bị rắp tâm giết hại (Lc 4,29;Ga 8,59;Mt 12,14).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cùng hiến tế đời mình như Đức Mẹ để cùng sản
sinh ơn cứu độ cho bản thân và cho tha nhân.
Suy niệm 3: Lưỡi
gươm
Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Đức
Maria. "Dù dưới chân thập giá ngài vẫn giữ địa vị của mình, đứng ở đó như
một người mẹ thê lương chan hòa nước mắt, để được gần Đức Giêsu cho đến hơi thở
cuối cùng… Qua tấm lòng của người mẹ, sự đau buồn của Đức Giêsu như được chia
sẻ, cũng như mọi thống khổ cay đắng Người phải gánh chịu. Giờ đây, lưỡi gươm đã
thâu qua." (Stabat Mater)
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cũng biết đón nhận lưỡi gươm thanh luyện tâm hồn
chúng con khỏi tính đam mê xác thịt.
Suy niệm 4: Lời trăn
trối
Lời trăn trối của Đức Kitô với Đức Maria và
người môn đệ yêu dấu. Tường thuật của Thánh Gioan về cái chết của Đức Giêsu có
nhiều ý nghĩa biểu tượng. Khi Đức Giêsu trao người môn đệ thân yêu cho Đức
Maria, chúng ta được mời gọi kính trọng vai trò Đức Maria trong Giáo Hội: Ngài
tượng trưng cho Giáo Hội; người môn đệ đại diện cho mọi tín hữu.
Khi Đức Maria làm mẹ Đức Giêsu, ngài là mẹ
của tất cả những ai theo Đức Kitô. Hơn thế nữa, khi Đức Giêsu chết, Thần Khí
của Người thoát ra. Đức Maria và Thần Khí cộng tác với nhau để sinh ra con cái
mới của Thiên Chúa--rất giống như sự tường thuật của Thánh Luca về việc thụ
thai Đức Giêsu. Kitô Hữu có thể tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục cảm nghiệm được
sự hiện diện yêu thương của Đức Maria và Thần Khí Đức Giêsu trong cuộc đời mình
và qua lịch sử.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận và sống ân huệ được làm con Chúa và Đức
Mẹ.
Suy niệm 5: Học giả
Nhiều học giả thời Giáo Hội tiên khởi giải
thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Đức Maria. Tư tưởng này từ cuối thế kỷ XI
lại được xuất hiện trong các bài viết của Thánh Anselmo và nhiều tu sĩ Biển Đức
hoặc Cisterciens, về sau lại được quãng bá do các tu sĩ Servites.
Thánh Bênađô trong một bài giảng đã ca tụng
sự đồng cảm lớn lao của Đức Kitô: Trong sự thương khó của Đức Kitô, thực sự đã
hoàn tất một tình bác ái lớn lao chưa ai từng thấy, và trong sự đồng cảm của
Đức Trinh Nữ Maria, thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao không đâu bằng,
ngoại trừ tình bác ái của Đức Kitô.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng ngày biết sẵn lòng chịu mọi gian lao đau
khổ, hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cọng tác vào chương trình cứu
rỗi của Chúa, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và thế giới.
Suy niệm 6: Thánh
Ambrôsiô
Thánh Ambrôsiô coi Đức Maria như một hình
ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Đức Maria đứng đó một cách
không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Đức Maria nhìn đến các
thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó ngài nhìn thấy sự
cứu chuộc nhân loại. Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, Đức Maria không sợ bị
chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiên ngang vác lấy thánh giá hằng ngày với xác
tín sẽ đạt được vinh quang thiên quốc.