1. Hầu như mỗi ngày, tôi vẫn thường tự hỏi:
“Ngày mai tôi sẽ ra sao?
Ngày mai nói chung là tất cả tương lai đang tới.
Ngày mai nói riêng là ngày tôi sẽ ra trước toà Chúa phán xét.
Dù ngày mai được hiểu thế nào, tôi vẫn thấy
mình có trách nhiệm phải chuẩn bị đi vào đó một cách tốt nhất. Cách chuẩn bị tốt
nhất để đi vào tương lai là hãy sống tốt ngay chính hôm nay.
2. Thế nào là sống tốt ngay chính hôm nay? Thưa
là hằng ngày hãy như cây tốt có khả năng sinh ra trái tốt. Hình ảnh trên đây được
rút ra từ Phúc Âm. Chúa Giêsu phán: “Cứ xem một người sinh hoa quả nào, thì biết
họ là ai... Cây tốt thì sinh trái tốt” (Mt 7,17-20).
Tin vào Lời Chúa, tôi cố gắng mỗi ngày trở
thành một cây tốt có khả năng sinh ra trái tốt.
3. Thế nào là trái tốt, mà Chúa muốn tôi phải sản
sinh? Chúa trả lời tôi qua bài giảng trên núi (x. Mt 5,3-12). Trong bài giảng
này, Chúa nêu lên những đức tính tốt được Chúa chúc phúc. Đó là “nghèo khó, hiền
lành, chịu khổ, khát khao điều công chính, biết xót thương, trong sạch, xây dựng
hoà bình, chịu bách hại vì lẽ công chính” (Mt 5,3-11).
4. Tất cả những đức tính tốt trên đây đều phát
xuất từ cái tâm. Do đó, nếu tôi muốn sinh được những trái tốt trên đây, tôi phải
để ý đào tạo cái tâm của tôi.
Việc đào tạo này đòi tôi phải tập luyện thường
xuyên, trong cuộc sống hằng ngày, với những thực tế cụ thể.
Thường ngày, thực tế có những mời gọi hãy có những
việc cụ thể đối với những người khác. Những việc cụ thể đó sẽ thể hiện những
liên đới tốt, như hiền lành, khiêm nhường, biết xót thương, xây dựng hoà bình.
Phải làm những việc tốt đó nhiều lần, thường
xuyên, hằng ngày, mới có thể thành một lối sống ví như cây tốt có khả năng sinh
ra trái tốt. Tất nhiên, để được như thế, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều. Sẽ
có những trắc trở và những khổ đau.
Một người thường xuyên có nếp sống tốt như vậy
được Chúa chúc phúc.
5. Tới đây, tôi nhớ lại trường hợp xưa Chúa mắng
cây vả không có trái. Phúc Âm kể: “Sáng sớm, khi trở vào thành, Chúa Giêsu cảm
thấy đói. Trông thấy cây vả ở bên đường, Chúa lại gần, Người không tìm được
trái nào cả, chỉ thấy toàn lá thôi. Người nói: Từ nay không bao giờ mày có trái
nữa. Cây vả liền chết khô ngay” (Mt 21,18-20).
Chuyện trên đây giúp tôi hiểu thêm về sự tôi phải
là cây tốt sinh ra trái tốt. Trước hết, phải sinh trái tốt, chứ chỉ sinh ra lá
tốt sum sê thì không đủ. Hơn nữa phải sinh trái tốt, lúc Chúa đến, dù bất ngờ.
Chứ mùa sinh trái mà lại không có trái để Chúa hái, thì sẽ bị Chúa phạt. Phúc
Âm nói về sự Chúa phạt cây không có trái tốt thế này: “Cây không sinh trái tốt,
thì sẽ bị chặt đi và sẽ bị quăng vào lửa” (Mt 7,19). Hình phạt như thế là rất
đáng phải sợ.
6. Tôi phải là cây tốt, sinh ra trái tốt đúng
mùa như Chúa muốn, đó là một trách nhiệm tôi không được coi thường. Bởi vì hậu
quả sẽ rất quan trọng. Sinh trái tốt, sẽ được thưởng đời đời. Không sinh trái tốt,
sẽ bị phạt muôn kiếp.
Kinh nghiệm về Lời Chúa cho tôi thấy: Để cái
tâm của tôi sinh được nhiều trái tốt, tôi rất cần đón nhận ơn Chúa giúp. Chúa
Giêsu nói rõ: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở
lại trong người ấy, thì người ấy sinh được nhiều hoa trái. Vì không có Thầy,
các con chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như
cành nho khô héo. Người ta sẽ nhặt lấy nó, quẳng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga
15,5-6).
Như vậy, đón nhận ơn Chúa giúp là phải kết hợp
mật thiết với Chúa một cách khăng khít và thường xuyên.
7. Tới đây, tôi thấy rõ điều này: Đời mỗi người
phải có một hướng đi. Hướng đi đó là nhắm tới được cõi Phúc. Hướng đi về cõi
Phúc chính là hướng làm cho đời mình có ý nghĩa.
Để đi về đúng hướng đó, đồng thời cũng để cho đời
mình có ý nghĩa, con người phải làm những việc có giá trị. Những việc có thực
chất giá trị là những việc tốt từ cái tâm, như Chúa đã dạy, như biết yêu
thương, biết xót thương, biết sống khiêm tốn hiền lành, biết sống hoà bình.
Như thế, có thể nói: Con người có giá trị thực
sự phải là con người biết thiết lập những dây liên đới tốt, với Chúa và với những
người khác.
8. Có những giá trị của Chúa do trực tiếp nhận
được từ Chúa. Có những giá trị của Chúa do gián tiếp nhận được từ những người
khác. Có những giá trị của Chúa do mình sáng kiến tạo nên từ những tư liệu Chúa
ban.
9. Để diễn tả ý tôi vừa nói, tôi xin được phép
đưa ra một ví dụ có tính cách rất riêng tư.
Đó là những bài tôi chia sẻ.
Mỗi bài tôi chia sẻ đều được tôi cầu mong sẽ là
một việc nhỏ thực hiện ý muốn bản thân tôi được trở thành một cây tốt có khả
năng sinh ra trái tốt.
Khi nhắm mục đích đó, tôi hình thành bài chia sẻ
với tinh thần nghèo khó. Tôi lấy đề tài từ cuộc sống dưới ánh sáng Lời Chúa.
Tôi cầu nguyện nhiều, tôi suy gẫm Lời Chúa lâu. Tôi suy tư rất tập trung. Tôi vận
động tất cả những gì tôi đã học qua sách báo và qua kinh nghiệm cuộc sống để
tìm hiểu vấn đề. Rồi tôi chọn lựa, sắp xếp những gì là chân thành nhất từ nội
tâm luôn quy chiếu vào Lời Chúa. Tôi làm trong bầu khí thinh lặng dạt dào yêu
thương, rất nhiều khi có pha trộn đớn đau.
Khi đã thành hình, tôi phó thác bài chia sẻ cho
Chúa, với ý thức rằng: Bài của tôi có nhiều thiếu sót. Tuy sao, xin Chúa cũng
thương đoái nhận thiện chí của tôi. Thiện chí này là rất chân thành. Chính thiện
chí này cũng do Chúa đỡ nâng đào tạo. Nhờ vậy, nhiều khi phải bắt đầu lại, để rồi
lại bắt đầu lại mấy lần nữa.
10. Với những việc bé nhỏ như thế, tôi chuẩn bị
cho ngày mai. Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, với sự cố gắng thường xuyên trở
thành một cây tốt có khả năng sinh ra trái tốt.
Kinh
nghiệm về bản thân như thế đôi khi cũng đặt ra trong tôi một câu hỏi về
những cộng đoàn có liên hệ đến tôi: Ngày mai họ sẽ ra sao?
Thiết tưởng, câu trả lời một phần lớn đang nằm
trong những vị lãnh đạo cộng đoàn và những người có trách nhiệm đào tạo.
Tôi sợ ngày mai sẽ bi đát,
-
nếu không đào tạo cái tâm,
mà chỉ lo đào tạo cái trí.
-
nếu không bám sát vào những
việc cụ thể mà chỉ lo ôm đồm những lý thuyết.
-
nếu không thực hiện những
liên đới tốt với những người xung quanh, mà chỉ lo thực hiện những nghi thức
hoành tráng và những lời tuyên thệ chiếu lệ, những hoạt động ồn ào khích động.
11. Hiện nay, cái bi đát nhất chính là tình trạng
vô tâm. Thấy người ta khổ, mình vẫn vô tâm, coi đó là chuyện bình thường. Thấy
người ta chìm sâu trong tội lỗi, mình vẫn vô tâm, coi đó là chuyện không nên
quan trọng hoá. Thấy thánh lễ bị tục hoá, mình vẫn vô tâm, coi đó là chuyện hợp
thời.
Còn bao nhiêu thứ vô tâm khác đang làm cho cái
tâm của nhiều người có đạo trở thành chai cứng. Khi sự chai cứng đó lại được
coi là chuyện bình thường, không nên quan trọng hoá, thì đó chính là một thảm
hoạ. Bởi vì người ta không còn tin vào Lời Chúa. Chứng tỏ hiện tượng mất đức
tin đang xảy ra dưới hình thức được chấp nhận.
12. Vì thế, điều tôi tha thiết cầu mong cho mọi
anh chị em gần xa của tôi là: Hãy đi vào ngày mai của mình bằng cái tâm có Chúa
ở cùng, cố gắng làm những việc tốt hằng ngày, để mỗi ngày trở thành cây tốt có
khả năng sinh ra trái tốt.
Lạy Chúa, chúng con rất yếu đuối. Xin Chúa
thương xót chúng con.
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN