WHĐ
(19.07.2012) – Hãng thông tấn Zenit đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ
Waldery Hilgeman, cáo thỉnh viên trong tiến trình phong chân phước cho Đức Cố hồng
y Phanxicô Xaviê. Khi được hỏi về điều gì gây chú ý nhất trong cuộc đời của
ngài, ông nói: “Điều đánh động tôi trong linh đạo của ngài là tình yêu liên lỉ
đối với tha nhân. Ngài bị cầm tù và khi ở trong tù, ngài vẫn không ngừng yêu
thương những người bách hại ngài, từ những viên chức cao nhất của chế độ đến
anh lính canh thấp bé nhất”.
Đức hồng y Văn Thuận là Tổng giám mục phó Tổng
giáo phận Sài Gòn khi thành phố này bị cộng sản kiểm soát năm 1975. Không lâu
sau đó, ngài bị giam giữ trong trại cải tạo suốt 13 năm. Theo tiến sĩ Hilgeman,
ngài là một tù nhân phải chịu sự bất công, “theo nghĩa là đã không có sự tố cáo
thực sự, cũng không có xử án, kể cả bản án. Do đó có thể nói rằng đối với chúng
tôi, ngay cả việc ngài bị tố cáo về tội gì cũng là một vấn đề. Trong bối cảnh
xã hội lúc bấy giờ, có nhiều khía cạnh dẫn đến việc coi vị giám mục này là người
nguy hiểm cho chế độ, một chế độ trống rỗng như chế độ cộng sản. Tuy nhiên đã
không có sự tố cáo chính thức nào.”
Trong thời gian bị giam cầm, ngài đã bí mật viết
những sứ điệp cho các tín hữu, nhiều năm sau này được gom góp lại và xuất bản.
Trong những sứ điệp này, Đức hồng y Văn Thuận nhận ra ngay từ đầu rằng “Thiên
Chúa đòi hỏi ngài hiến dâng tất cả cho Chúa, từ bỏ mọi sự và sống cho Chúa”.
Hilgeman nói: “Vì Đức hồng y đã hiểu được rất mạnh mẽ điều này – đặc biệt trong
giai đoạn bị cầm tù – là: công việc của Chúa là chính Chúa. Là tổng giám mục
phó, ngài đã sống cho những công việc của Chúa. Và ngài nhận ra rằng khi bị cầm
tù, Chúa đòi hỏi ngài rời bỏ công việc để chỉ sống cho Chúa mà thôi”.
Về những giai thoại trong thời gian Đức hồng y
bị cầm tù, tiến sĩ Hilgeman nhắc lại sự hoán cải của nhiều lính cai tù. Ông
nói: “Bằng tình yêu hoàn toàn cho họ, Đức hồng y đã cho thấy thế nào là tình
yêu của Đức Kitô. Không được giảng, không thể trực tiếp nói với những người này
về Đức Kitô, nhưng bằng mẫu gương của Đức Kitô nhập thể, ngài đã có thể hoán cải
họ, đây là điều rất độc đáo”. Do bối cảnh chính trị của Việt Nam, thật khó để
phỏng vấn những người lính canh này, nhưng vị cáo thỉnh viên cho biết chứng từ
của những người này có thể được đưa vào tiến trình điều tra.
Đức hồng y Văn Thuận được ra khỏi trại giam năm
1988 mặc dù vẫn bị quản thúc tại gia. Ngài được phép đi Rôma năm 1991 nhưng
không được trở lại Việt Nam cho đến năm 2001 khi ngài được vinh thăng hồng y.
Nói về những đóng góp của Đức hồng y trong tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Tòa
Thánh về Công Lý và Hòa Bình, tiến sĩ Hilgeman cho rằng Chúa đã chuẩn bị cho Đức
hồng y vào tác vụ của ngài tại giáo triều Rôma. “Có thể nói rằng với việc ngài
đến Rôma, chúng ta hiểu rõ hơn những biến cố trong đời ngài. Vai trò của Hội Đồng
Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình là vai trò cực kỳ nhạy cảm, vì phải quan tâm
nhiều đến kinh tế, công lý, nạn đói trên thế giới, hòa bình, tình liên đới và
những điều tương tự; nghĩa là bao hàm toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Do
đó, một giám mục đến từ một xã hội rất nghèo như Việt Nam lúc đó, và là người
đã từng bị cầm tù, đã trải nghiệm nơi chính bản thân sự bất công của thế gian
chỉ vì mình là người công giáo. Chắc chắn là Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho Đức hồng
y rất tốt để ngài làm nhiệm vụ tại Rôma”.
Đức hồng y Văn Thuận đã qua đời tại Rôma vào
tháng 9 năm 2002 vì bệnh ung thư. Nói về tiến trình phong chân phước, tiến sĩ
Hilgeman cho biết đã phỏng vấn trên 130 nhân chứng, từ các hồng y và giám mục
cho đến tu sĩ và giáo dân. Theo ông, tiến trình đang diễn ra rất tốt.
Về việc nhiều tín hữu đạo đức hi vọng Đức hồng
y Văn Thuận sẽ được phong thánh, vị cáo thỉnh viên suy nghĩ những lời Đức hồng
y nói về hi vọng: “Trong các tác phẩm và bài viết của ngài, có một từ mà ngài
thường xuyên nhắc đến, và xem ra những chứng nhân cũng nói như thế khi đến trước
Tòa án Rôma, đó là Hi Vọng, đừng đánh mất hi vọng vào Chúa. Và có lẽ ngài sẽ được
gọi là vị thánh của hi vọng”.
Thiên Triệu giới thiệu