Theo dõi các game shows, cách riêng là chương
trình “Nốt nhạc xanh”, tôi thật sự cảm phục các thí sinh tham dự cuộc thi. Chỉ
cần vài ba note nhạc. Thậm chí chỉ cần một note nhạc vang lên, cùng với một vài
gợi ý là họ có thể nói chính xác tên và tác giả của bài hát. Và không chỉ trong
lãnh vực âm nhạc, nhiều người trong chúng ta còn biết rất nhiều thứ nào là giá
cả hàng hóa trên thị trường, nào là tên của các minh tinh điện ảnh, nào là tên
của các siêu sao bóng đá nước ngoài (với những cái tên hoàn toàn xa lạ)… Tôi
thiết nghĩ, sở dĩ chúng ta có được những câu trả lời nhanh và chính xác như thế,
vì đó là những điều chúng ta đang quan tâm.
Thế nhưng, nếu ngay bây giờ có ai đó đột nhiên
hỏi chúng ta: “Đức Kitô là ai vậy?”, thì không biết chúng ta sẽ trả lời như thế
nào?
1. MỘT CÂU TRẢ LỜI BIẾN ĐỔI CUỘC SỐNG.
“Đức Kitô là ai?” cũng chính là câu hỏi mà Đức
Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ cách đây hơn 2000 năm trước. Lúc đó, sau một thời
gian rao giảng, Đức Giêsu cùng các môn đệ đến miền Cêsarê – Philípphê, thuộc miền
Đông Bắc nước Do thái, tại đây, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy
là ai?”. Trước mắt của dân chúng thời bấy giờ, Đức Giêsu tuy là một con người đặc
biệt, nhưng cũng chỉ là một vị ngôn sứ, cùng lắm là một vị đại ngôn sứ như
Giêrêmia, Êlia hoặc Gioan Tẩy Giả, hay nói cho cùng, Ngài cũng chỉ là một con
người đến dọn đường cho Đấng Messia mà thôi. Trong bối cảnh đó, chúng ta mới thấy
câu trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” của Nhóm Mười Hai mà
thánh Phêrô là đại diện là một câu trả lời mang tính đột phá, hay chính xác
hơn, câu trả lời này không phải của Phêrô hay các tông đồ, nhưng chính là
do Thiên Chúa đã mặc khải cho các ông. Chính câu trả lời này
sẽ xoay chuyển cuộc đời của các ông sang một hướng mới.
Khi tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nghĩa là
các ông chấp nhận chàng thanh niên thợ mộc miền Nazareth, con ông Giuse và bà
Maria, có tên là Giêsu, đang sống giữa các ông, thực sự là Đấng Messia mà Thiên
Chúa đã hứa ban (x. St 3, 15; Is 7, 14; 2 Sm 7, 13-14). Lời tuyên xưng này đòi các
tông đồ, không những phải tôn kính Đức Giêsu như một vị Thầy, mà còn phải tôn
thờ Ngài như một vị Thiên Chúa. Không chỉ tuyên xưng ngoài miệng, các tông đồ,
nhất là hai thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta mừng kính hôm nay đã thực sự sống
niềm tin ấy. Các ngài đã sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, bắt bớ, giam cầm, đòn
vọt để rao giảng và làm chứng về sự chết và sống lại của Đức Kitô, người Thầy
và cũng là Cứu Chúa của đời họ, như lời sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe:
“Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội Thánh. Ông đã dùng
gươm giết Giacôbê, anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do thái nên
cho bắt cả Phêrô” (Cv 12, 1-3).
Và cũng chính niềm tin ấy đã biến đổi Saolô, một
kẻ hăng say bắt bớ các tín hữu ngay từ thuở đầu, thành một thánh Phaolô, tông đồ
nhiệt thành của dân ngoại. Sau khi bị quật ngã trên đường Đamát (x. Cv 9, 19),
Thánh nhân đã sẵn sàng bỏ tất cả để được chiếm hữu Đức Kitô làm Cứu Chúa cuộc đời
mình. Ngài cũng đã từng khẳng định mạnh mẽ với các tín hữu thành Philip: “Tôi
coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức
Kitô Giêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả để
lợi được Đức Kitô” (Pl 3, 8). Chính niềm tin vào Đức Kitô đã giúp thánh Phaolô
kiên vững trên bước đường truyền giáo cho dù có gặp phải gian truân, hiểu lầm,
tù đày cùng với các hiểm nguy rình rập khắp nơi và các thiệt thòi về thể xác
cũng như tinh thần (x. 2 Cr 11, 23-28; 4, 8-11). Do đó, đến cuối cuộc đời, ngài
đã thanh thản, bình an, không phải hối tiếc vì đã tin vào Đức Kitô, Con Thiên
Chúa. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự tự hào đó của thánh nhân qua lời tâm sự
của ngài với người môn đệ thân tín Timôthê: “Con thân mến, phần cha, cha đã già
yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính
nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công
chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao
lại cho cha mũ triều ấy.” (2 Tm 4, 6-8).
Như thế, chúng ta thấy lời tuyên xưng “Thầy là
Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” của thánh Phêrô có một ý nghĩa đặc biệt. Nó
không chỉ là một lời nói nơi cửa miệng mà là một xác tín sâu thẳm từ bên trong,
hướng dẫn toàn bộ đời sống của các tông đồ. Đồng thời, chính niềm tin chung vào
Đức Kitô đã nối kết hai vị tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay: thánh Phêrô,
một ngư phủ thất học và thánh Phaolô, một học giả uyên thâm trở nên một. Chính
nhờ xây dựng đời mình trên nền tảng của Đức Kitô mà đến lượt mình, hai vị đã trở
nên cột trụ vững chắc, để xây dựng nên toà nhà Giáo Hội, và là nền tảng đức tin
cho từng người chúng ta hôm nay (x. Lời Tiền tụng lễ thánh Phêrô - Phaolô).
2. CÂU TRẢ LỜI CỦA CHÚNG TA HÔM NAY :
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” đã
là câu trả lời của các tông đồ, và các ngài đã sống trọn vẹn niềm tin ấy. Còn
tôi và quý ông bà anh chị em, đứng trước câu hỏi của Đức Kitô: “Phần các con,
các con bảo Thầy là ai?” Chúng ta trả lời thế nào?
Nhân dịp mừng lễ 2 thánh Phêrô – Phaolô, tôi
thiết nghĩ, đây là dịp thuận lợi để mỗi người chúng ta, một lần nữa lắng nghe
và trả lời câu hỏi của Đức Giêsu. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về sự thăng
trầm, thay đổi của cuộc đời, mọi sự nay còn, mai mất. Chúng ta cũng có nhiều
kinh nghiệm về sự sống và sự chết. Đối với chúng ta, phải chăng, Đức Kitô chỉ
là một con người của quá khứ, của lịch sử để chúng ta tưởng nhớ như các anh
hùng dân tộc; hay khá hơn, như người Do thái, Ngài là một trong các vị ngôn sứ
để chúng ta tôn kính? Còn nếu như chúng ta đồng ý với lời tuyên xưng của thánh
Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”,
chúng ta cũng hãy can đảm sống niềm tin đó như các tông đồ đã sống khi xưa.
Các tông đồ đã phải trả giá cho lời tuyên xưng
niềm tin của mình vào Đức Kitô bằng xiềng xích, đòn vọt, tù tội và cả mạng sống
của các ngài. Do đó, để sống niềm tin của mình, chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh thời giờ, sức khỏe, kể
cả những thiệt thòi về vật chất để đến tôn thờ và kết hợp với Đức Kitô trong
các giờ Chầu Thánh Thể và nhất là Thánh Lễ.
Tuy nhiên, để sống được điều này, không phải chỉ
bằng một lời nói, hay một quyết tâm là đủ, nhưng đó là một chọn lựa, một cố gắng
liên lỷ, trường kỳ trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó, chúng ta rất cần
sự nâng đỡ của ơn Chúa. Ước gì trong thánh lễ hôm nay, không người nào trong
chúng ta bỏ lỡ cơ hội được hiệp nhất với Đức Kitô trong phần hiệp lễ, để nhờ
Ngài nâng đỡ, chúng ta có thể sống trọn vẹn niềm tin mà từng người chúng ta đã
tuyên xưng hôm nay. Nhờ đó, đến ngày trở về với Chúa, từng người chúng ta cũng
được bình an để có thể nói như thánh Phaolô hôm nay: “Cha đã chiến đấu trong trận
chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin. Từ đây, triều
thiên công chính đã dành cho cha”. Amen.
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn