Thánh BERNADINE SIENA
(1380-1444)
Lược sử
Nếu Thánh Phaolô Tông
Đồ nổi tiếng là người hăng say rao giảng thời tiên khởi, thì Thánh Bernardine
là người thuyết giảng nhiệt thành của thế
kỷ 15.
Thánh Bernardine sinh
ở Massa Marittima (gần Siena) và là con của thống đốc tỉnh, nhưng khi lên bảy
tuổi ngài đã mồ côi cha mẹ và được bà dì chăm sóc, dạy dỗ thật chu đáo.
Khi ngài 20 tuổi, trận
dịch hạch lan tràn khắp thành phố Siena. Nhiều khi, ở bệnh viện có đến 20 người
chết trong một ngày. Với sự tiếp tay của các thanh niên thiện chí khác,
Bernardine tình nguyện điều hành toàn thể bệnh viện, tận tụy chăm sóc bệnh nhân
trong bốn tháng.
Khi 22 tuổi, ngài gia
nhập Dòng Phanxicô và hai năm sau đó được thụ phong linh mục. Các tu sĩ
Phanxicô thường nổi tiếng là các nhà truyền giáo, nhưng Bernardine rao giảng
rất ít vì giọng nói của ngài thật yếu và khàn khàn. Trong hai mươi năm ngài
sống âm thầm trong
bóng tối, dành thời giờ và năng lực để cầu nguyện và rèn luyện tâm linh. Vào
lúc ấy, ngài được sai đi Milan
trong công tác truyền giáo. Khi đứng lên rao giảng, giọng nói của ngài mạnh mẽ
và có sức thuyết phục đến nỗi giáo đoàn không để ngài ra về nếu ngài không hứa
sẽ trở lại.
Ngài nổi tiếng là sùng
kính Thánh Danh Đức Giêsu, ngài
nghĩ ra dấu hiệu -- IHS, là ba chữ đầu của tên Đức Giêsu bằng tiếng Hy Lạp để
thay cho những dấu hiệu dị đoan thời ấy. Việc sùng kính Thánh Danh lan dần, và
dấu hiệu ấy bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, tư gia và nơi công cộng. Nhiều
người ghen tức đã vu khống ngài, cho rằng đó là sự đổi mới nguy hiểm và dị
đoan. Họ đưa vấn đề lên đức giáo hoàng để chống đối ngài, nhưng sự thánh thiện, sự chính truyền và lời rao
giảng là bằng cớ cho sự trung tín của ngài.
Năm 1427, Đức Giáo
Hoàng Martin V đề nghị ngài làm giám mục Siena nhưng ngài từ chối, sau đó ngài
cũng từ chối làm giám mục của Ferrara và Urbino. Năm 1430, ngài làm bề trên một
chi nhánh Dòng Phanxicô, các Tu Sĩ Sống Nghiêm Nhặt, ngài đặc biệt chú trọng
đến kiến thức và nghiên cứu thần học cũng như giáo luật. Lúc đầu chi nhánh này
chỉ có 300 tu sĩ; khi ngài từ trần số tu sĩ ấy lên đến 4,000 người.
Trong hai năm cuối
cuộc đời, ngài trở về đời sống rao giảng và đã từ trần "trên đường công
tác," lúc ấy ngài gần 64 tuổi.
Ngôi mộ của ngài ở
Aquila trở nên trung tâm hành hương. Ngài là
người truyền giáo lỗi lạc của thế kỷ 15, được Đức Giáo Hoàng Nicôla V phong
thánh năm 1450, chỉ có 6 năm sau khi ngài từ trần.
Suy niệm 1: Nhiệt
thành
Thánh Bernardine là người thuyết giảng nhiệt thành của thế kỷ 15.
Khi ngài 20 tuổi, trận dịch hạch lan tràn khắp thành phố Siena. Nhiều khi,
ở bệnh viện có đến 20 người chết trong 1 ngày. Với lòng nhiệt thành và với sự
tiếp tay của các thanh niên thiện chí khác, Bernardine tình nguyện điều hành
toàn thể bệnh viện, tận tụy chăm sóc bệnh nhân trong bốn tháng.
Cũng như khi chăm sóc bệnh nhân trận dịch hạch, ngài nhiệt thành lăn xả vào
hoạt động truyền giáo. Ngài ngang dọc khắp nước Ý, thường là đi bộ, rao giảng
hai ba giờ đồng hồ và nhiều lần trong một ngày. Cuộc đời truyền giáo đầy nhiệt
thành của ngài đã khiến Đức Giáo Hoàng Piô II gọi ngài là Thánh Phaolô thứ hai.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống nhiệt thành dầu bất cứ với công tác gì
và ở độ tuổi nào.
Suy niệm 2: Âm thầm
Trong hai mươi năm ngài sống âm thầm trong bóng tối.
Sống trong một cộng đoàn gồm các tu sĩ Phanxicô thường nổi tiếng là các nhà
truyền giáo, nhưng Bernardine lại rao giảng rất ít vì giọng nói của ngài thật
yếu và khàn khàn, ngài đành chọn lối sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng ngài
lại sử dụng thời gian suốt hai mươi năm âm thầm này, để dành thì giờ và năng
lực mà cầu nguyện và rèn luyện tâm linh.
Nhờ đó mà sau này ngài đã viết được một số luận án thần học bằng tiếng
Latinh và tiếng Ý đề cập đến các học thuyết căn bản của Kitô Giáo, cũng như
luận án về Đức Maria. Đồng thời ngài thiết lập phân khoa thần học ở Perugia và
Monteripido.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con lạc quan và không chịu khuất phục trước nghịch
cảnh, để biến đường cong thành đường thẳng.
Suy niệm 3: Sai đi
Vào lúc ấy, Bernardine được sai đi Milan trong công tác truyền giáo.
Đang sống âm thầm do bị giọng yếu và khàn khàn khó rao giảng được, nhưng
lại được bề trên sai đi Milan trong công tác truyền giáo, ngài chỉ biết vâng
lời. Thái độ mau mắn tùng phục này đã khiến Chúa ban ơn lạ: Khi đứng lên rao giảng, giọng nói của ngài
mạnh mẽ và có sức thuyết phục đến nỗi giáo đoàn không để ngài ra về nếu ngài
không hứa sẽ trở lại.
Thái độ vâng phục và lòng nhiệt thành rao giảng của ngài đã khiến Đức Giáo
Hoàng Martin V vào năm 1427, đề nghị ngài làm giám mục Siena nhưng ngài từ
chối, sau đó ngài cũng từ chối làm giám mục của Ferrara và Urbino. Năm 1430,
ngài làm bề trên một chi nhánh Dòng Phanxicô.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thực thi đức vâng lời để đẹp lòng Chúa và
xứng được Chúa thương ban những ơn cần thiết.
Suy niệm 4: Thánh
Danh Đức Giêsu
Bernardine nổi tiếng là sùng kính Thánh Danh Đức Giêsu.
Lòng sùng kính Thánh Danh Đức Giêsu của ngài đã giúp ngài nghĩ ra dấu hiệu
-- IHS, là ba chữ đầu của tên Đức Giêsu bằng tiếng Hy Lạp để thay cho những dấu hiệu dị đoan thời ấy.
Việc sùng kính Thánh Danh khởi sự từ ngài đã bắt đầu lan dần, và dấu hiệu
ấy bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, tư gia và nơi công cộng, với ý nghĩa
theo tiếng Latinh: I là Jesus (Đức Giêsu), H là Homo (Người), S là Salvator
(Đấng Cứu Thế).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn gia tăng lòng yêu mến Thánh Danh Đức Giêsu.
Suy niệm 5: Chống
đối
Nhiều người ghen tức đã vu khống Bernardine.
Việc lan tràn dấu hiệu IHS nhằm biểu lộ lòng sùng kính Thánh Danh Đức Giêsu
đã khiến cho nhiều người ghen tức. Họ cho rằng đó là sự đổi mới nguy hiểm và dị
đoan. Họ đưa vấn đề lên đức giáo hoàng để chống đối ngài, nhưng sự thánh thiện,
sự chính truyền và lời rao giảng là bằng cớ cho sự trung tín của ngài.
Sự việc Bernardine được giải oan là một dấu chứng cho thấy quyền năng của
Thánh Danh Đức Giêsu. Cũng như xưa kia, nhờ Phêrô nhân danh Thánh Danh Đức
Giêsu mà một phép mầu đã xảy ra là người què từ lúc lọt lòng mẹ đã được lành
chân và đi lại bình thường để theo chân Phêrô lên đền thờ (Cv 3,1-8).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin vào hiệu lực của Thánh Danh Đức Giêsu
để luôn kêu cầu và van xin cùng Thánh Danh Đức Giêsu.
Suy niệm 6: Hành
hương
Ngôi mộ của ngài ở Aquila trở nên trung tâm hành hương.
Hành hương là một vi đạo đức mang tính phổ thông và truyền thống, vì thế
chính Đức Giêsu không chỉ thực hành hình thức đạo đức này ngay khi đạt được lứa
tuổi cho phép là mười hai tuổi, mà suốt thời gian ẩn dật, Ngài cũng tuân giữ
đều đặn hằng năm, ít nhất là trong dịp lễ Vượt Qua (Lc 2,41). Đồng thời sứ vụ
công khai của Ngài cũng nhịp theo những cuộc hành hương của Ngài lên Giêrusalem
vào những ngày lễ lớn của đạo Do-thái (Ga 2,13-14;5,1.14;7,1.10.14;10,22-23).
Những cuộc hành hương nhắc nhở chúng ta về thân phận lữ hành nơi trần thế.
Theo truyền thống, hành hương là những thời điểm đặc biệt để canh tân kinh
nguyện. Đối với những khách hành hương đi tìm nguồn sống, các thánh điện là
những địa điểm đặc biệt để họ thực hành những cách thức cầu nguyện trong Hội
Thánh (Sách Giáo Lý số 2691).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đi hành hương theo đúng tinh thần của Hội
Thánh.