Suy niệm hạnh thánh _ 18/5

Thánh Giáo Hoàng GIOAN I
 (c.526)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Giáo Hoàng Gioan I, người xứ Tuscan, là tổng-phó-tế của hàng giáo sĩ Rôma, được chọn để kế vị Đức Hormisdas mà lúc bấy giờ đã già yếu. Bất kể sự phản đối, ngài bị Theodoric -- là vua của Ý, người hăng hái bảo vệ phe lạc giáo Arian -- sai đi Constantinople để thuyết phục Hoàng Đế Justin bớt khắt khe trong việc chống đối phe Arian mà một sắc lệnh của vua buộc phe này phải trao trả các nhà thờ cho người Công Giáo ở Đông Phương. Theodoric đe dọa rằng nếu Đức Gioan thất bại trong nhiệm vụ, thì người Công Giáo chính thống ở Tây Phương sẽ bị trả đũa.
Nhiệm vụ thật khó khăn nhưng chuyến đi thật vinh quang. Bất cứ đâu ngài đến đều được dân chúng vui mừng tiếp đón. Khi đến Constantinople, Hoàng Đế Justin đã dành mọi vinh dự cho ngài. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, 19-4-526, ngài đội vương miện tấn phong cho Hoàng Đế Justin. Ngoài ra, các giám mục Đông Phương cũng hăng say thề trung thành với Rôma.
Khi Đức Gioan trở về Ravenna, thủ phủ của Theodoric, ngài khám phá rằng Theodoric đã giết chết người bạn tâm giao của ngài là triết gia vĩ đại Severinus Boethius, cũng như bố vợ của ông là Symmachus. Về phần Theodoric, vì nghi ngờ Đức Gioan thông đồng với Hoàng Đế Justin nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức.
Phần vì mệt mỏi sau cuộc hành trình, cộng thêm sự đau khổ vì đối xử tệ hại, ngài ở tù không lâu và đã từ trần ngày 18 tháng Năm 526. Ngài được chôn cất ở bên ngoài thành Ravenna, nhưng sau đó thi hài của ngài được đưa về Rôma và chôn cất trong Đền Thánh Phêrô.
Suy niệm 1: Kế vị
Thánh Giáo Hoàng Gioan I, người xứ Tuscan, là tổng-phó-tế của hàng giáo sĩ Rôma, được chọn để kế vị Đức Hormisdas mà lúc bấy giờ đã già yếu.
Một định luật thường xảy ra trong thiên nhiên cũng không phải hiếm thấy trong sinh hoạt đời người, đó là sóng sau xô sóng trước, nhất là khi người đi trước đã luống tuổi già yếu. Vì thế Đức Hormisdas vì tuổi tác đã nhường ngôi vị Giáo Hoàng lại cho Đức Gioan I.
Một điểm đáng khâm phục và đáng học đòi bắt chước cho những người cầm quyền, đó là biết thắng vượt chước cám dỗ tham quyền cố vị. Đức Giêsu đã từng nêu gương sáng khi trấn an các tông đồ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị lãnh đạo không sa vào chước cám dỗ tham quyền cố vị.
Suy niệm 2: Sai đi
Đức Gioan I bị Theodoric -- là vua của Ý, người hăng hái bảo vệ phe lạc giáo Arian -- sai đi Constantinople.
Với cương vị của một vị Thủ Lãnh tối cao trong Giáo Hội, chắc hẳn Đức Gioan I luôn mang tâm lý thường tình là sai người thuộc quyền đi. Thế nhưng trong tình cảnh thế quyền đang có ảnh hưởng lớn trên thần quyền vào thời đó, Đức Gioan I đã khiêm tốn và sáng suốt nhìn đến lợi ích của Giáo Hội trên bản thân để lên đường theo sự sai phái của vua Theodoric.
Là vị Giáo Hoàng tiên khởi được Đức Giêsu chính thức trao quyền (Mt 16,18;Ga 21,15-17), Phêrô khiêm tốn và đặt lợi ích của Giáo Hội trên bản thân, để ghi nhận lời bình phẫm mang tính xây dựng của Phaolô về vấn đề cắt bì (Ga 2,11-13), để rồi tổ chức cuộc nhóm họp tại Giêrusalem với biểu quyết cắt bì hay không đều không giá trị mà chỉ tin, chịu phép rửa và giữ các điều răn Thiên Chúa (Cv 15,1-29).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị lãnh đạo luôn khiêm tốn và đặt lợi ích chung trên bản thân.
Suy niệm 3: Trả đũa
Theodoric đe dọa rằng nếu Đức Gioan thất bại trong nhiệm vụ, thì người Công Giáo chính thống ở Tây Phương sẽ bị trả đũa.
Kẻ trả thù luôn là hạng tiểu nhân, vì nói lên thế yếu kém và bất lực làm điều tốt của mình; còn người không trả thù mới là hạng quân tử, vì nói lên thế thượng phong không giống với kẻ xấu, mà đủ lực làm những điều tốt như yêu thương và cầu nguyện cho họ.
Kẻ trả thù thoạt đầu như cảm nếm được sự ngọt ngào, nhưng chẳng bao lâu cay đắng sẽ chiếm chỗ của nó với những hành vi bạo tàn, như do nghi ngờ,  Theodoric đã giết chết người bạn tâm giao của Đức Gioan I là triết gia vĩ đại Severinus Boethius, cũng như bố vợ của ông là Symmachus, đồng thời đã cho người bắt giam Đức Gioan I.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhớ rằng kẻ thù nguy hiễm nhất và đáng sợ nhất chính là bản thân mình.
Suy niệm 4: Vinh quang
Nhiệm vụ thật khó khăn nhưng chuyến đi thật vinh quang.
Thật thế bất cứ đến đâu, Đức Gioan I đều được dân chúng vui mừng tiếp đón. Khi đến Constantinople, Hoàng Đế Justin đã dành mọi vinh dự cho ngài. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, 19-4-526, ngài đội vương miện tấn phong cho Hoàng Đế Justin. Ngoài ra, các giám mục Đông Phương cũng hăng say thề nguyền trung thành với Rôma. Nhiệm vụ khó khăn lại dẫn đến vinh quang, nhưng vinh quang trần thế này lại khiến vua nghi ngờ và hạ lệnh bắt giam ngài khi ngài trở về, để với cái chết rũ tù vì đức tin, ngài mới được hưởng vinh quang bất diệt trên trời.
Đức Giêsu cũng được dân chúng suy tôn làm vua trần thế (Ga 6,15) với việc cung nghinh Ngài vào thành Giêrusalem bằng việc trải áo choàng xuống mặt đường cũng như chặt nhành chặt lá rải trên lối đi cùng lời reo hò tung hô vạn tuế (Mt 21,8-9). Nhưng tất cả chỉ để dẫn đến cuộc Tử Nạn đẫm máu của Ngài, để rồi sau cái chết thập giá Ngài mới thật sự được Phục Sinh vinh quang (Lc 24,26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng chạy tìm vinh quang trần thế chóng qua, mà phải cố đạt được vinh quang thiên đàng, cho dầu phải khổ đau ở đời.
Suy niệm 5: Nghi ngờ
Vì nghi ngờ Đức Gioan thông đồng với Hoàng Đế Justin nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức.
Ngược lại tổ phụ Ápraham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính (Rm 4,20-22).
Khi tới Giêrusalem, ông Saolô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, nghi ngờ ông vì họ không tin ông là một môn đệ. May thay có ông Banaba liền đứng ra bảo lãnh (Cv 9,26-28). Nhờ đó mà Giáo Hội đã không đánh mất đi một vị tông đồ dân ngoại nhiệt thành và thánh thiện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ nghi ngờ ai điều gì, vì chẳng những dễ bị sai lầm mà còn lỗi đức cậy nữa.
Suy niệm 6: Đau khổ
Phần vì mệt mỏi sau cuộc hành trình, cộng thêm sự đau khổ vì đối xử tệ hại, ngài ở tù không lâu và đã từ trần.
Chúng ta không thể chọn lựa những đau khổ mà chúng ta phải chịu. Thánh Giáo Hoàng Gioan I bị đau khổ vì một hoàng đế tham quyền. Đức Giêsu đau khổ vì những nghi ngờ của những người cảm thấy bị đe dọa vì chân lý, vì sự thẳng thắn của Đức Giêsu.
Đó là cái giá chung mà các sứ giả Tin Mừng phải có để cứu độ chúng sinh và làm cho muôn người được nên công chính (Is 53,4.11), đúng như lời Đức Giêsu đã nói: "Nếu thế gian ghét bỏ anh em, hãy biết rằng thế gian đã ghét bỏ Thầy trước" (Ga 15,18), vì không có thành quả nào mà không gặt hái được từ đau khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhìn đến giá trị tích cực của đau khổ để dễ dàng chấp nhận.