Chúng
ta đã đón nhận
điều lành từ Thiên Chúa,
thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ?
điều lành từ Thiên Chúa,
thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ?
Trích sách của thánh Grê-gô-ri-ô Cả,
giáo hoàng, bàn về những vấn đề luân lý trong sách Gióp.
Khi thấy mình bên trong thì chứa một kho
tàng khôn ngoan phong phú nhưng bên ngoài lại là một thân xác mỏng giòn, thánh
Phao-lô đã nói: Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành. Trong
trường hợp ông Gióp, ta thấy chiếc bình sành ấy bên ngoài đã nứt vì ung nhọt,
nhưng bên trong, kho tàng này vẫn còn nguyên vẹn. Bên ngoài, da thịt ông nứt vỡ
vì các vết thương; nhưng bên trong, chính kho tàng khôn ngoan ấy không ngừng
tái sinh, đã phát ra những lời khôn ngoan thánh thiện như sau: Chúng ta đã đón
nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ? Điều
lành là các ân huệ Thiên Chúa ban, ân huệ đời tạm cũng như ân huệ vĩnh cửu; còn
điều dữ là những thử thách đời này. Về những thử thách đó, Đức Chúa đã phán như
sau, qua lời ngôn sứ I-sa-i-a: Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác. Ta tạo
ra ánh sáng và dựng nên bóng tối, làm ra bình an và dựng nên tai họa.
Người tạo ra ánh sáng và dựng nên bóng tối,
bởi vì khi bên ngoài, tâm hồn của ông Gióp phải đau khổ và nên tăm tối vì các
thử thách, thì bên trong, tâm trí ông được chiếu sáng nhờ sự khôn ngoan. Người
làm ra bình an và dựng nên tai họa, bởi vì những điều được Thiên Chúa tạo dựng
cách tốt lành, nhưng chúng ta lại ham muốn cách sai lạc, thì chúng trở nên điều
xấu xa và thử thách đối với chúng ta, sau đó chúng ta sẽ được giao hòa với
Thiên Chúa. Quả thế, vì phạm tội, chúng ta trở thành những kẻ bất hòa với Thiên
Chúa, nên chúng ta phải chịu thử thách để được giao hòa với Người: đó là điều
phải lẽ. Như vậy, khi bất cứ điều gì được Thiên Chúa tạo dựng cách tốt lành mà
lại trở thành đau khổ cho chúng ta, thì tâm hồn kẻ được sửa dạy sẽ nên khiêm
nhường và được giao hòa với Đấng Tạo Hóa.
Nhưng trong các lời ông Gióp nói, cần phải
chú ý nhiều đến câu ông đã dùng để khôn khéo đáp lại lời trách móc của bà vợ,
khi ông lấy lại sự bình tĩnh: Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa,
thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ? Quả vậy, nếu đang chịu nghịch cảnh mà
chúng ta vẫn nhớ đến những ơn lành Đấng Tạo Hóa đã ban, thì đó là niềm an ủi lớn
lao giữa cảnh gian truân. Nếu chúng ta mau mắn nghĩ đến những ân huệ đã nâng đỡ
chúng ta, thì dù có gây trở ngại, khổ đau cũng không đánh gục chúng ta. Thật thế,
có lời chép rằng: Ngày gặp vận may, đừng quên điều bất hạnh, và ngày gặp bất hạnh,
chớ quên đi vận may.
Quả vậy, ai nhận được ơn lành Chúa ban,
mà trong thời gian đó lại không lo sợ gì thử thách, cứ tự mãn tự kiêu, vui mừng
thỏa thích, sẽ có lúc té nhào. Đàng khác, ai bị thử thách nghiền nát, mà trong
thời gian đó không lấy những ơn lành mình đã lãnh nhận làm nguồn ai ủi, thì người
ấy bị thất vọng ê chề, và tâm trí không còn được bình an.
Vậy, hai thái độ phải luôn đi đôi với
nhau, để thái độ này luôn nâng đỡ thái độ kia: Nếu chúng ta nhớ lại những ơn
lành đã lãnh nhận, thì gánh nặng của thử thách sẽ nhẹ hơn; còn nếu chúng ta
canh phòng và lo sợ thử thách thì nỗi vui mừng thỏa thích khi lãnh nhận ơn lành
sẽ tế nhị hơn. Cũng vậy, trong khi bị gian nan thử thách, ông Gióp đã nghiệm ra
hương vị ngọt ngào của các ơn lành, để xoa dịu tâm hồn mình đang chìm ngập
trong đau thương. Ông nói: Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa,
thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ?