Thánh GIOAN LASAN
(1615-1719)
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Cố gắng chu toàn những gì được coi là
thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời của Thánh Gioan La San. Năm 1950, Đức Giáo
Hoàng Piô XII đặt ngài làm quan thầy của các bậc mô phạm vì nỗ lực của ngài trong việc
giáo dục.
Là một người trẻ của
thế kỷ 17, Gioan có tất cả mọi sự: năng khiếu học thuật, đẹp trai, gia đình
quyền quý giầu có và được giáo dục tử tế. Nhưng khi mới 11 tuổi, ngài xuống tóc
đi tu làm linh mục, và sau đó được chịu chức vào năm 27 tuổi. Dường như một
cuộc đời dễ dàng với phẩm trật cao trọng trong Giáo Hội đang sẵn sàng chờ đón
ngài.
Nhưng Thiên Chúa đã có
những chương trình khác cho
Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó. Trong một cơ hội
gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho
các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống.
Cuộc đời còn lại của
Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài
đã thành lập: Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San).
Mặc dù rất thành công,
Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách, đó là sự đau lòng khi các sư
huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng
từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu
hiệu của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen (*) thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý
thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.
Trong những năm cuối
đời, vì bị bệnh suyễn và thấp khớp, ngài từ trần vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh
khi được 68 tuổi, và được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1900.
Suy niệm 1: Chu toàn
Cố gắng chu toàn những gì được coi là thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời
của Thánh Gioan La San.
Để chu toàn sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, Cha Gioan hết lòng lao mình
vào công việc, bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ cả chức vụ kinh sĩ ở Rheims, bán hết tài
sản để trở nên giống như các người nghèo mà ngài đã tận hiến cuộc đời để phục
vụ họ.
Ý thức việc chu toàn sứ vụ là điều tối quan trọng, nên thánh Phaolô tông đồ
cũng thường khuyên bảo các cọng tác viên như với một Ackhíppô khi ngài đang bị
giam cầm xiềng xích (Cl 4,17) và một Timôthê khi ngài sắp phải lìa đời (2Tm
4,5).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chăm lo chu toàn sứ vụ hằng ngày theo đấng bậc
mình.
Suy niệm 2: Nỗ lực
Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đặt ngài làm quan thầy của các bậc mô phạm
vì nỗ lực của ngài trong việc giáo dục.
Thật hiếm có ai hoàn toàn nỗ lực tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể
ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "hãy yêu mến Thiên Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình" (Mc 12,30b).
Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: "Bất cứ những gì anh chị em làm,
hãy làm hết lòng..." (Cl 3,23).
Đối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực,
không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm
Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lười biếng nhưng luôn nỗ lực, vì có công
mài sắt, ắt có ngày nên kim.
Suy niệm 3: Giới trẻ
Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được
tỏ lộ trong những năm sau đó.
Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một
trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống.
Mặc dù công việc lúc đầu thật ghê tởm đối với ngài, nhưng sau đó, càng ngày
ngài càng say mê hoạt động cho các thiếu niên nghèo túng.
Cha Gioan Bốtcô cũng quan tâm đến công việc phục vụ giới trẻ, vốn được khởi
sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài
quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý. Cha Gioan mở nhà trường
Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Ngoài ra ngài cũng mở hai
trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu nhận định của Thánh Gioan Kim Khẩu:
"Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin
rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ,
điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy".
Suy niệm 4: Tu hội
Cuộc đời của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài đã thành lập, Các
Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San).
Tu hội này phát triển mau chóng và thành công trong việc giáo dục các nam
thiếu niên của gia đình nghèo với phương pháp sư phạm mà Cha Gioan đề ra, đó là
sự dạy dỗ cả lớp thay vì chỉ bảo cá nhân, và dùng tiếng bản xứ thay vì tiếng
Latinh.
Đồng thời tu hội cũng còn mở trường huấn luyện các giáo chức và thiết lập
trường nội trú cho các thiếu niên ngỗ nghịch của các gia đình giầu có. Yếu tố
năng động đằng sau các nỗ lực này là mong muốn các thiếu niên trở nên một Kitô
Hữu tốt lành.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp các tu hội có nhiều thành viên thiện chí để giúp phục vụ
cộng đồng và phát triển Giáo Hội.
Suy niệm 5: Chống đối
Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách.
Đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các
hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu
của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen thời ấy chống đối mà Cha Gioan
kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.
Cha Gioan Bốt cô cũng thế. Nguyên tắc giáo dục của ngài thành công đến mức
vẫn còn dược sử dụng trong các trường học công giáo ngày nay và tiếng tăm ngài
thật vang dội. Nhưng ngài cũng bị chống đối dữ dội ngay đối với các đồng đội
linh mục, thậm chí ngài còn bị cho là bị điên.
* Lạy Chúa
Giêsu, xin giúp chúng con sống làm sao để thà bị người dời ganh ghét chống đối,
chứ đừng để Thiên Chúa chống đối và loại trừ.
Suy niệm 6: Lạc
thuyết Jansen
Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585 - 1638), giám mục
của Ypres.
Trong cuốn Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của
Augustine về định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư
hỏng vì tội nguyên tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành.
Bởi bản tính suy đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ.
Sự cứu chuộc là do ơn của Chúa mà Ngài chỉ ban cho những ai được chọn. Phần
đông nhân loại là bị án phạt đời đời.
Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị Giáo Hội Công Giáo lên
án và cấm phát hành bởi Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII. Còn lạc thuyết thì bị Đức
Giáo Hoàng Innôxentê XI kết án vào năm 1678.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn khiêm tốn trung thành sống theo giáo huấn
của Giáo Hội tông truyền.