Suy niệm hạnh thánh _ 04/4


Thánh ISIDORE ở SEVILLE
 (580?-636)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho chính họ. Đó là những người theo Arian -- họ cho rằng Đức Kitô không phải là Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).
Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.
Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Ngài là một người tài giỏi về học thuật.
Kế vị anh mình là Đức Leander, Isidore làm giám mục Seville 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành.
Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Suy niệm 1:  Phát triển
Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha.
Thông thường nhờ lợi điểm thuận lợi mà công cuộc phát triển được thể hiện, như người ta hay đề cập đến yếu tố thiên thời địa lợi và nhân hòa. Nhưng một điểm đáng lưu ý trong đà phát triển, đó là phát triển nhờ vào tình thế khó khăn. Chẳng hạn như ở đây nhờ hiện trạng tranh chấp mà công cuộc phát triển được thực hiện.
Cũng thế, nhờ bị bách hại mà Giáo Hội lại được phát triển và bành trướng mạnh mẽ cũng như lan rộng khắp nơi. Chẳng hạn nhân vụ thảm sát Têphanô, các kitô hữu phải tản mác và đi đến tận miền Phênixi, đảo Sýp và thành Antiôkhia, đến cả với người Hy Lạp nữa (Cv 11,19-20).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biến đau khổ thành sức mạnh tiến lên trên đỉnh trọn lành.
Suy niệm 2:  Chia rẽ
Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).
Một lý do căn bản gây nên sự chia rẽ này là vì đức tin: những người theo Arian, họ cho rằng Đức Kito không phải là Thiên Chúa, trong khi người Công Giáo La Mã tuyên xưng Đức Kitô có hai bản tính vừa là người vừa là Thiên Chúa.
Lời tiên báo của cụ già Simêôn vẫn luôn hiện thực: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên (Lc 2,34), không phải chỉ với những người cùng chủng tộc, mà ngay cả trong phạm vi gia đình huyết tộc (Mt 10,34-35).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vì Chúa mà xa lìa nhau, nhưng ngược lại nhờ Chúa mà chúng con được hiệp nhất với nhau. 
Suy niệm 3:  Hợp nhất
Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật.
Sự hợp nhất nguyên thủy giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với vũ trụ đã bị phá vỡ do tội nguyên tổ, để rồi mọi loài thọ tạo phải sống trong cảnh rên siết và quằn quại mãi cho đến lúc được yên nghĩ trong Chúa.
Thật vậy Thiên Chúa đã xua đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng (St 3,22). Adong đỗ lỗi cho Evà và Evà đỗ lỗi cho con rắn (St 3,12-13). Vì con người, đất đai bị nguyền rủa và trổ sinh gai góc (St 3,17-18).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn liên kết mật thiết với Chúa vốn là nguyên lý hợp nhất để trở thành nhân tố hợp nhất theo gương thánh Isidore.
Suy niệm 4: Gia đình
Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha.
Quả là một gia đình thánh thiện vì gồm toàn những thánh nhân. Cũng như ngài, hai người anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh được sùng kính ở Tây Ban Nha.
Đây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên. 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các gia đình học theo gia đình Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện.
Suy niệm 5:  Tài giỏi
Thánh Isidore là một người tài giỏi về học thuật.
Đôi khi Thánh Isidore được gọi là "Sư Phụ của Thời Trung Cổ" vì cuốn bách khoa ngài viết, "Etymology" (Từ Nguyên Học) đã được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.
Thánh Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Toledo, Tây Ban Nha.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng sự tài giỏi để phục vụ Chúa và tha nhân.
Suy niệm 6: Bác ái
Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái.
Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Đức Giêsu đã nêu bật tấm gương khi kề cận người nghèo và thực hiện lời tiên báo: loan báo tin mừng cho người cùng khổ, giải cứu người bị giam cầm trong các loại bệnh tật thể xác cũng như tinh thần, giải phóng người bị áp bức và công bố năm hồng ân (Lc 4,18-19).
Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân. Chẳng hạn nhà phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình chẳng màng gì anh Ladarô nghèo và đói đến chết ở ngay trước cổng nhà mình (Lc 16,19-21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sử dụng tình bác ái như là phương thuốc cứu giúp người nghèo.