Suy niệm hạnh thánh _ 31/3


THÁNH BENJAMIN
 (c. 424)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Kitô Hữu ở Ba Tư vui hưởng thái bình trong 12 năm dưới sự cai trị của Isdegerd, con vua Sapor III, thì vào năm 420 quốc gia này bị khuấy động bởi sự hăng hái thiếu khôn ngoan của Abdas, vị giám mục Công Giáo đã đốt Đền Thần Lửa, một đền thờ của người Ba Tư. Vua Isdegerd đe dọa sẽ thiêu hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo, nếu đức giám mục không xây lại đền thờ ấy.
Khi ĐGM Abdas từ chối tuân hành, lời đe dọa đã trở thành sự thật; các nhà thờ trên toàn quốc bị thiêu hủy, chính ĐGM Abdas thì bị tử hình, và một cuộc bách hại toàn diện kéo dài đến bốn mươi năm. Vua Isdegerd từ trần năm 421, nhưng thái tử kế vị là Varanes, tiếp tục bách hại Kitô Hữu một cách dữ dội hơn. Các Kitô Hữu bị tra tấn thật dã man.
Trong những người chịu đau khổ là Benjamin, một phó tế, bị kết án tù một năm trời vì Đức Tin. Vào cuối thời hạn tù, một đại sứ của Hoàng Đế Constantinople đã xin cho Benjamin được trả tự do, với điều kiện là ngài không được rao giảng đức tin cho các cận thần trong triều đình.
Tuy nhiên, Benjamin tuyên bố rằng, rao giảng về Đức Kitô là một nhiệm vụ mà ngài không thể im lặng. Mặc dù ngài đã đồng ý với vị đại sứ và nhà cầm quyền Ba Tư, nhưng ngài không thể tuân lệnh mà bỏ lỡ cơ hội rao giảng Tin Mừng. Một lần nữa ngài lại bị bắt và đưa ra trước nhà vua. Ngài đã chịu tử đạo vào năm 424.
Suy niệm 1:  Thái bình
Kitô Hữu ở Ba Tư vui hưởng thái bình trong 12 năm dưới sự cai trị của Isdegerd, con vua Sapor III.
Hòa bình không thể chiếm được bằng chiến tranh, vốn gây bao tổn thương. Một đất nước sống dưới ách thống trị của kẻ chiếm đóng, làm sao có tinh thần thoải mái được. Những gia đình có vợ mất chồng và có con mất cha, làm sao chịu đựng được vết thương lòng không bao giờ được chữa lành.
Đôi khi ngay cả nhân đức cũng không chiếm được sự an bình thoải mái, nếu lương tâm luôn bị cắn rứt bởi tội lỗi. Nhưng sự bình an của Đức Kitô (Ga 14,27) đến từ một tâm hồn trong sạch có Chúa ngự trị (Ep 3,17) thì có thể thấm nhập vào cả các bức màn sắt.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng chạy tìm thứ bình an giả tạo và nhất thời của thế gian, mà phải luôn kiếm tìm một bình an đích thực trong tâm hồn đến từ Chúa nhờ có một lương tâm trong sạch.  
Suy niệm 2: Hăng hái
Vào năm 420 quốc gia này bị khuấy động bởi sự hăng hái thiếu khôn ngoan của Abdas, vị giám mục Công Giáo đã đốt Đền Thần Lửa, một đền thờ của người Ba Tư.
Sư hăng hái là một yếu tố cần thiết cho mọi hoạt động trong các lãnh vực. Tuy nhiên cũng cần phải thận trọng và nhất là khôn ngoan, bằng không sẽ phải chuốc lấy thảm họa, như sự hăng hái thiếu khôn ngoan của vị giám mục Abdas đã dẫn đến cuộc bách hại của nhà vua Isdegerd.
Trước cảnh tượng có người Do thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Môđin theo như chỉ dụ của vua Antiôkhô, ông Máttítgia bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng: ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ. Sự hăng hái thiếu khôn ngoan này cũng dẫn đến cái chết của hàng ngàn người Do Thái công minh chính trực do sự tấn công trả đũa của nhà vua (1Mcb 2,15-38).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng lòng nhiệt thành hăng hái cách khôn ngoan để tránh được các thảm họa phải có. 
Suy niệm 3: Bách hại
Một cuộc bách hại toàn diện kéo dài đến bốn mươi năm.
Các nhà thờ trên toàn quốc bị thiêu hủy, chính ĐGM Abdas thì bị tử hình, còn các Kitô Hữu thì bị tra tấn thật dã man.
Cuôc bách hại hướng đến một tiên báo của Đức Giêsu là đánh người chủ chăn thì đàn chiên sẽ tan tác (Mt 26,31), vì thế vua đã cho tử hình ĐGM Abdas. Ngoài ra vua còn muốn thiêu hủy các nhà thờ, để triệt tiêu các điểm tụ họp nhằm phá vở sự đoàn kết, vốn được xây dựng nhờ vào các buổi hội họp cầu nguyện đã có từ thời sơ khai của Hội Thánh (Cv 2,42).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn xác tín vào sự vững bền của Giáo Hội Chúa, đến mức quyền lực tử thần cũng không thắng được (Mt 16,18), phương chi là các cuộc bách hại dù tinh vi đến đâu.
Suy niệm 4: Tra tấn
Các Kitô Hữu bị tra tấn thật dã man.
Tính cách dã man của việc tra tấn được thấy rõ ở trường hợp của Benjamin. Bạo chúa ra lệnh lấy tre vót nhọn đóng vào các móng tay và thân thể Benjamin, sau đó lại rút tre ra để máu đổ. Sau khi cực hình này được thi hành vài lần, một cái cọc có nhiều đốt được đóng vào hậu môn để xé nát thân thể ngài. Vị tử đạo đã tắt thở trong sự đau đớn khủng khiêp này vào năm 424.
Đức Giêsu cũng đã trải qua cuộc tra tấn dã man này, khi suốt đêm không ngũ lại bị điệu đi xét xử từ dinh này qua dinh khác, với các trận đòn bằng roi vọt có móc sắt xé nát thân thể. Với một thân xác đầy thương tích, Ngài lại phải vác thập giá tiến lên đồi sọ. Tại đây Ngài bị lột đi tấm áo đang dính chặt vào các vết thương đẩm máu, bị đóng đinh và bị treo lên trong tư thế ngạt thở.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ cư xử cách dã man với tha nhân cả về thể xác cũng như tinh thần. 
Suy niệm 5:  Cầm tù vì đức tin
Trong những người chịu đau khổ là Benjamin, một phó tế, bị kết án tù một năm trời vì Đức Tin.
Bị cầm tù tức là bị hạn chế về tự do. Nhưng bị cầm tù vì đức tin thì khác, vì các chứng nhân lại lợi dụng thời gian này để tĩnh tâm, để gắn kết mật thiết với Đức Giêsu chịu thống khổ hơn.
Và chính đó là sức mạnh tinh thần giúp tù nhân vì đức tin chấp nhận bị giam cầm cách thanh thản. Nói cách khác các hình thức bách hại thậm chí bị tra tấn và bị tử hình cũng không thể nào làm lay chuyển được đức tin của các vị anh hùng tử đạo.
* Lạy Chúa  Giêsu, xin giúp chúng con gia tăng đức tin để chấp nhận bị bách hại để rèn luyện đức tin.
Suy niệm 6: Rao giảng
Benjamin tuyên bố rằng, rao giảng về Đức Kitô là một nhiệm vụ mà ngài không thể im lặng.
Thật vậy, vào cuối thời hạn tù, một đại sứ của Hoàng Đế Constantinople đã xin cho Benjamin được trả tự do, với điều kiện là ngài không được rao giảng đức tin cho các cận thần trong triều đình.
Mặc dù ngài đã đồng ý với vị đại sứ và nhà cầm quyền Ba Tư, nhưng ngài không thể tuân lệnh mà bỏ lỡ cơ hội rao giảng Tin Mừng. Một lần nữa ngài lại bị bắt và đưa ra trước nhà vua.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mang tâm tình như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).