Thánh JONAS và thánh BARACHISIUS
(c. 327)
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vua Sapor của Ba Tư lên ngôi cai trị trong thế kỷ thứ tư. Ông
rất ghét Kitô Hữu và bách hại họ một cách dã man. Ông thiêu hủy các nhà
thờ và đan viện. Anh em tên Jonas và Barachisius nghe biết về sự bách hại này.
Hai người cũng biết là nhiều Kitô Hữu đã bị chết.
Hai anh em tìm cách giúp đỡ các Kitô Hữu và khuyến khích họ
trung thành với Đức Kitô. Jonas và Barachisius biết rằng, chính họ cũng có thể
bị bắt. Nhưng sự lo sợ đó không làm họ chùn bước. Tâm hồn hai
người tràn ngập tình yêu thương tha nhân nên không còn nghĩ đến chính
mình.
Sau cùng, hai anh em bị cầm tù. Họ được bảo rằng, nếu họ không
thờ lạy mặt trời, mặt trăng, nước và lửa, thì họ sẽ bị tra tấn và bị giết chết.
Đương nhiên, họ từ chối thờ phượng bất cứ sự vật gì và bất cứ ai ngoại trừ
một Thiên Chúa chân thật. Họ chịu đau khổ ghê gớm nhưng vẫn kiên gan cầu
nguyện. Họ luôn nghĩ về sự thống khổ của Đức Kitô. Cả hai bị tra tấn cách khủng
khiếp nhưng vẫn không chối bỏ đức tin. Sau cùng, họ bị tử hình và đã vui vẻ dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa.
Cả hai tử đạo vào năm 327.
Suy niệm 1: Bách hại
Vua Sapor của Ba Tư lên ngôi cai
trị trong thế kỷ thứ tư. Ông rất ghét Kitô Hữu và bách hại họ một cách dã man.
Tính cách dã man trong việc bách
hại của vua Sapor được thấy rõ trong việc ông thiêu hủy các nhà thờ và đan
viện, tra tấn cách khủng khiếp cũng như cầm tù và giết chết nhiều Kitô Hữu.
Dầu vậy tính dã man cũng không
thắng vượt được tinh thần bất khuất của những người tin Chúa. Cụ thể Jonas và Barachisius
biết rằng, chính họ cũng có thể bị bắt. Nhưng sự lo sợ đó không làm họ chùn
bước.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con gia tăng lòng mến Chúa trên hết mọi
sự, để không dừng bước trước một cuộc bách hại nào dầu dã man đến đâu.
Suy niệm 2: Lo sợ
Jonas và Barachisius biết rằng,
chính họ cũng có thể bị bắt. Nhưng sự lo sợ đó không làm họ chùn bước.
Nói chung người nào cũng sợ đau
khổ và sợ chết, nhưng Jonas và Barachisius chấp nhận bị bắt, bị cầm tù, bị tra
tấn và cuối cùng bị giết chết, bởi vì hai ngài không sợ những kẻ giết thân xác
mà không giết được linh hồn, mà chỉ sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác
trong hỏa ngục (Mt 10,28).
Không như dụ ngôn về người phú hộ
chỉ lo tích trữ của cải để rồi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã, mà không
lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì khi bị đòi lại mạng, số phận thật thê
thảm và đáng sợ, vì phải chịu cực hình dưới âm phủ (Lc 12,16-21;16,23).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải biết nhìn xa trông rộng, không lo
an nguy mạng sống đời này mà phải chú tâm đến sự sống đời sau.
Suy niệm 3: Yêu thương
Tâm hồn Jonas và Barachisius tràn
ngập tình yêu thương tha nhân nên không còn nghĩ đến chính mình.
Thông thường thương người thương
mình hoặc đối xử tốt với mình thì không phải là khó, nhưng thương người ghét
mình hoặc địch thù của mình thì thật không phải là dễ (Mt 5,46). Và càng khó
hơn khi thương đến mức độ quên mình và sẵn sàng thí mạng vì họ (Ga 15,13), như
lối sống của Jonas và Barachisius theo gương Đức Giêsu.
Thật vậy, Đức Giêsu đã nêu gương
một tình thương như thế. Ngài chẳng những tha thứ cho những lý hình trong việc
đổ máu và giết chết Ngài (Lc 23,34), mà Ngài còn hy sinh mạng sống (Ga 10,15),
để ban ơn cứu độ cho mọi người (Ga 18,14;Rm 5,10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con từ bỏ lối sống vị kỷ thường tình để
vươn tới một tình người xã thân vì tha nhân.
Suy niệm 4: Thờ phượng
Jonas và Barachisius từ chối thờ
phượng bất cứ sự vật gì và bất cứ ai ngoại trừ một Thiên Chúa chân thật. Một lý
do dễ hiểu:
Điều răn thứ nhất dạy phải thờ
phương Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự. Điều răn này vẫn luôn là một
thách đố cho thời Cựu Ước, để rồi các vị lãnh đạo tôn giáo thường nhắc nhở và đòi
buộc dân chúng phải lặp lại lời tuyên thệ này (Gs 24,14-24).
Vào thời Tân Ước, Đức Giêsu diễn
đạt một cách khác vắn gọn hơn bằng lời truyền dạy: "Không ai có thể làm
tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này
mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền
Của được” (Mt 6,24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đủ sức giữ trọn điều luật căn bản
nhưng cũng rất khó khăn này.
Suy niệm 5: Thống khổ
Jonas và Barachisius luôn nghĩ về
sự thống khổ của Đức Kitô. Cả hai bị tra tấn cách khủng khiếp nhưng vẫn không
chối bỏ đức tin.
Nhờ dâu hai ngài kiên tâm chịu
đựng mọi cuộc tra tấn khủng khiếp nhưng vẫn không chối bỏ đức tin? Chắc hẳn nhờ
hai ngài trong khi chịu cực hình vẫn luôn nghĩ về sự thống khổ của Đức Kitô.
Quả vậy khi nghĩ về sự thống khổ
của Đức Kitô, ai cũng thấy được rằng xét về mặt thân xác, sự đau khổ của mình
chẳng sánh gì được với sự thống khổ của Đức Kitô. Nhất là xét về mặt tinh thần,
Đức Kitô vốn vô tội, còn chúng ta là tội nhân, chịu như thế thật là đích đáng
(Lc 23,41).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mỗi khi gặp đau khổ, hãy biết nhìn lên
thánh giá Chúa để tìm nguồn trợ lực và ủi an.
Suy niệm 6: Vui vẻ
Jonas và Barachisius bị tử hình
và đã vui vẻ dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa.
Không thiếu người bị tử hình,
nhưng thử hỏi có mấy người có tâm tình vui vẻ đón nhận. Dĩ nhiên phải xét đến
lý do. Một lý do căn bản, đó là dùng mạng sống mình làm món quà dâng hiến Thiên
chúa. Đó cũng là tâm huyết của cụ già Eleda:
Khi sắp chết vì đòn vọt, Elada
vừa rên vừa nói: "Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù
có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn
trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người"
(2Mcb 6,30).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của việc thí mạng vì
Chúa, để có được tâm tình hân hoan đón nhận.