Suy niệm hạnh thánh _ 24/3


Thánh CATARINA ở GENOA
 (1447-1510)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Thánh Catarina chào đời thì nhiều nhà quý tộc ở Ý lúc bấy giờ hỗ trợ các văn nghệ sĩ thuộc phong trào Phục Hưng. Các nhu cầu của người nghèo và người bệnh tật thường bị lu mờ bởi cái đói khát giầu sang và lạc thú.
Cha mẹ của Catarina thuộc dòng họ quý tộc ở Genoa. Lúc 13 tuổi, ngài muốn đi tu nhưng không được nhận vì còn quá trẻ. Năm 16 tuổi, bởi sự thúc giục của cha mẹ, Catarina kết hôn với ông Guiliano Adorno, một người quý tộc nhưng đó là một hôn nhân bất hạnh. Ông Guiliano là một người không có đức tin, cọc cằn, hoang phí và không chung thủy. Trong một thời gian, Catarina muốn quên đi những chán chường của đời sống bằng cách hòa đồng với xã hội.
Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng, mà không lâu sau đó, chính ông Giuliano cũng đã từ bỏ đời sống ích kỷ, hoang đàng. Cả hai quyết định sống trong khu nhà thương ở Genoa để chăm sóc bệnh nhân, thi hành đức bác ái. Sau khi ông Giuliano qua đời năm 1497, bà Catarina đứng trông coi bệnh viện.
Những thị kiến bà được cảm nghiệm từ khi hai mươi sáu tuổi cho đến lúc chết, được cha giải tội ghi nhận lại trong hai cuốn "Những Đối Thoại của Linh Hồn và Thân Xác," và "Luận Về Luyện Ngục". Trong Luận Về Luyện Ngục, bà coi toàn thể cuộc đời Kitô Hữu là sự thanh luyện. Nếu sự thanh luyện ở đời này chưa hoàn tất thì sẽ phải tiếp tục sang đời sau. Những gì chúng ta phải đền bù vì tội lỗi của chúng ta ở đời này thì quá nhỏ so với những gì phải đền bù ở Luyện Tội. Đời sống với Thiên Chúa ở thiên đàng là một tiếp nối của đời sống đã được hoàn thiện được khởi sự từ trần gian.
Kiệt quệ vì sự hy sinh, bà từ trần ngày 15 tháng Chín, 1510, và được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong thánh năm 1737.
Suy niệm 1: Hôn nhân
Năm 16 tuổi, bởi sự thúc giục của cha mẹ, Catarina kết hôn với ông Guiliano Adorno, một người quý tộc nhưng đó là một hôn nhân bất hạnh.
Cuộc hôn nhân này được đánh giá là bất hạnh, vì  ông Guiliano là một người không có đức tin, cọc cằn, hoang phí và không chung thủy.
Điều này cho hay tiền bạc cũng như danh vọng và ngay cả sắc đẹp không hẳn bao giờ cũng giúp có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà chủ yếu là tâm hồn đạo đức, như một câu nói thường nghe: cái nết đánh chết cái đẹp, hoặc qua mẫu gương cầu nguyện của hai vợ chồng Tôbia và Xara (Tb 8,4-9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các đôi bạn trẻ biết chọn tiêu chuẩn đạo đức trên hết mọi tiêu chuẩn khác để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Suy niệm 2: Xưng tội
Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng.
Xưng tội và rước lễ thường xuyên có thể giúp chúng ta nhìn thấy con đường hướng về Thiên Chúa. Những người có cảm nhận thực tế về tội lỗi của mình và sự cao cả của Thiên Chúa thường là những người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân.
Thánh Catarina bắt đầu công việc ở bệnh viện với lòng nhiệt thành, và trung thành với công việc ấy qua những thời kỳ khó khăn bởi vì ngài được khích động bởi tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu ấy được canh tân qua Kinh Thánh và các bí tích.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của việc đi xưng tội để siêng năng đến tòa cáo giải hơn.
Suy niệm 3: Gương mẫu
Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng.
Với sứ mạng của một hiền mẫu, Thánh Catarina đón nhận các thánh giá luôn có trong bổn phận của một người vợ đối với chồng bằng lời cầu nguyện và mẫu gương sống thánh. Không lâu sau đó, chính ông Giuliano cũng đã từ bỏ đời sống ích kỷ, hoang đàng.
Hiền mẫu Mônica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius, một người ngoại giáo thuộc dòng dõi quý phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và phóng túng. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng, ngài đã đưa chồng trở về với đức tin Kitô Giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các hiền mẫu nhiều ơn lành hồn xác để giúp họ chu toàn sứ mạng của một hiền mẫu.   
Suy niệm 4: Bác ái
Cả hai quyết định sống trong khu nhà thương ở Genoa để chăm sóc bệnh nhân, thi hành đức bác ái.
Trước khi từ giã cõi đời, Thánh Catarina nói với con gái đỡ đầu: "Tomasina! Đức Giêsu trong tâm hồn con! Vĩnh cửu trong tâm trí con! Thánh ý Thiên Chúa trong hành động con! Nhưng trên hết mọi sự, hãy sống bác ái, Thiên Chúa là tình yêu, hoàn toàn tình yêu!"
Chính lòng bác ái này đã giúp thánh Catarina vâng lời cha mẹ để từ bỏ ý nguyện tu trì sống đời hôn nhân, để rồi cảm hóa được chồng, và cùng chồng thực thi lòng nhân ái đối với các bệnh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dào sâu và thực thi tình bác ái theo gương thánh nữ Catarina.
Suy niệm 5:  Luyện Ngục
Trong Luận Về Luyện Ngục, bà coi toàn thể cuộc đời Kitô Hữu là sự thanh luyện.
Nếu sự thanh luyện ở đời này chưa hoàn tất thì sẽ phải tiếp tục sang đời sau. Những gì chúng ta phải đền bù vì tội lỗi của chúng ta ở đời này thì quá nhỏ so với những gì phải đền bù ở Luyện Tội.
Theo Thánh Grêgôriô Cả, đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện. Đức Giêsu xác nhận: nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31). Qua khẳng định này, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác thì phải đợi tới đời sau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đón nhận nhiều khổ đau, và gia tăng việc lành phúc đức đời này để gảim bớt phần đền tội đời sau.
Suy niệm 6: Thiên đàng
Đời sống với Thiên Chúa ở thiên đàng là một tiếp nối của đời sống đã được hoàn thiện được khởi sự từ trần gian.
Thiên đàng là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và các thánh.
Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc (Sách Giáo Lý số 1024).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ở đời này luôn sống thánh để được chết lành hầu được vào thiên đàng như là một hệ lụy tất yếu.