Suy niệm hạnh thánh Giuse

THÁNH GIUSE
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu xa.
Với những gì còn lại chúng ta dễ phỏng đoán. Hãy suy nghĩ về tình yêu mà ngài đã theo đuổi và dành được con tim của Đức Maria, và sự sâu xa của tình yêu mà hai người đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.
Khi Thánh Giuse quyết định từ bỏ Đức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse. Phúc Âm có ghi lại một chữ quan trọng là ngài dự định thi hành việc này "cách âm thầm" vì ngài là "một người chính trực, nhưng không muốn tố giác bà để bị xấu hổ" (Mt 1,19).
Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa -- khi kết hôn với Đức Maria, khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, khi săn sóc gia thất ở Ai Cập, khi đem gia thất về lại Nagiarét, khi sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.
Vì Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc đời rao giảng công khai của Đức Giêsu, nhiều sử gia tin rằng có lẽ Thánh Giuse đã từ trần trước khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng.
Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Đức Giêsu và Đức Maria ở bên cạnh, đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong ước khi từ giã cõi đời.
Thánh Giuse còn là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, của các người làm cha, các thợ mộc, và vấn đề công bằng xã hội.
Suy niệm 1: Công chính
Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu xa.
Khi Phúc Âm nói Thiên Chúa "công chính hóa" người nào, điều đó có nghĩa Thiên Chúa, là Đấng cực thánh và "chính trực", biến đổi người đó bằng cách cho họ được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa, và bởi đó họ đáng được Thiên Chúa yêu mến.
Khi nói Thánh Giuse "công chính", Phúc Âm muốn nói rằng ngài hoàn toàn mở lòng cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho ngài. Ngài trở nên thánh thiện vì tự mở lòng cho Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết mở lòng cho Thiên Chúa theo gương Thánh Cả Giuse.
Suy niệm 2: Hôn nhân
Hãy suy nghĩ về tình yêu và sự sâu xa của tình yêu mà Thánh Giuse và Đức Maria đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.
Chắc hẳn đây là một cuộc hôn nhân không tự nguyện, vì Đức Maria vốn không muốn biết đến việc vợ chồng (Lc 1,34) và Thánh Giuse thì chỉ đón nhận Đức Maria về nhà theo như lời sứ thần dạy (Mt 1,24). Vậy đây là cuộc hôn nhân do Thiên Chúa tiền định cho công cuộc cứu nhân độ thế của Người: Đức Giêsu phải được hạ sinh trong một gia đình hợp pháp dưới con mắt của xã hội loài người.
Dầu không tự nguyện chọn lựa, nhưng hai ngài đã tích cực chọn lấy đời sống đôi bạn, biến sự chọn lựa của Chúa thành sự chọn lựa của chính mình, để cùng nhau nỗ lực thánh hóa đời sống gia đình, nêu gương cho các thế hệ về sau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tích cực chọn lấy và thành tâm sống điều mình không tự nguyện lựa chọn, miễn đó là điều tốt cho bản thân và tha nhân.
Suy niệm 3: Thánh thiện
Thánh Giuse quyết định từ bỏ Đức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse, ngược lại còn nêu bật sự thánh thiện của Ngài, khi Ngài không nghĩ đến mình mà chỉ lo an nguy cho người.
Theo luật Môsê, khi phát hiện người vợ mang thai không do mình, thì người chồng có quyền tố cáo, và người nữ bị cáo sẽ bị ném đá đến chết. Điều này có nghĩa là nếu thánh Giuse tố giác thì Đức Maria chẳng những phải bị chết mà còn bị mất cả thanh danh nữa.
Là người thánh thiện, thánh Giuse thà chịu thiệt chứ không muốn làm mất thanh danh và sinh mạng của Đức Maria, nên Ngài lấy giải pháp là âm thầm ra đi chứ không tố giác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sống quên mình phục vụ tha nhân, đễ mỗi ngày mỗi tiến lên trên đường nên thánh. 
Suy niệm 4: Vâng lời
Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa cách mau mắn và không trì hoãn.
Chưa thực hiện ý định âm thầm lìa bỏ Đức Maria, Thánh Giuse được sứ thần mộng báo là phải đón nhận Đức Maria về nhà, thì vừa tỉnh dậy, Ngài liền thực thi như lời sứ thần truyền dạy (Mt 1,20-24).
Đang đêm được sứ thần mộng báo phải vội vàng đem hài nhi Giêsu trốn sang Aicập và rồi sau thời gian lưu ngụ tại đó lại được báo mộng trở về quê nhà, thánh Giuse cũng liền làm theo (Mt 2,13.19).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mau mắn và hết lòng vâng lời Thiên Chúa, theo gương Thánh Cả Giuse, để được trở thành người công chính.
Suy niệm 5:  Âm thầm
Thánh Cả Giuse sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.
Phúc Âm không nói gì nhiều về Thánh Giuse trong những năm sau khi trở về Nagiarét, ngoại trừ biến cố tìm thấy Đức Giêsu trong Đền Thờ (xem Luca 2,41-51). Điều này có thể hiểu Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng thánh gia cũng giống như mọi gia đình khác, những biến cố xảy ra cho thánh gia cũng xảy ra cho bất cứ gia đình nào, bởi đó khi bản tính bí ẩn của Đức Giêsu bắt đầu lộ diện thì mọi người đều không tin là Ngài có thể xuất thân từ gia đình đó: "Ông ấy không phải là con bác thợ mộc hay sao? Mẹ của ông ấy không phải là bà Maria sao...? (Mt 13,55a). Và "Có gì hay ho xuất phát từ Nagiarét?" (Ga 1,46b).
Sự âm thầm im lặng của Thánh Giuse cũng dạy chúng ta phải làm nhiều hơn là nói, thậm chí không cần nói mà chỉ làm, thì tốt hơn là nói và nói nhiều mà chẳng làm gì. Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh ngôi nhà xây trên nền đá để dạy phải luôn thực hành (Mt 7,24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thực thi Thiên Ý để được sống trong đại gia đình của Chúa (Mt 12,50).
Suy niệm 6: Hấp hối
Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Đức Giêsu và Đức Maria ở bên cạnh.
Hấp hối là giai đoạn tranh chấp cuối đời của một con người giữa sự sống và sự chết. Về mặt thiêng liêng, đó cũng là thời điểm ma quỷ hoạt động hết mình để ra sức cám dỗ hầu chiếm hữu được linh hồn người sắp chết mãi mãi.
Trong cuộc chiến đấu này, con người chỉ có thể chiến thắng nhờ cầu nguyện. Thật vậy, nhờ cầu nguyện, Đức Giêsu đã chiến thắng Tên Cám Dỗ, lúc khởi đầu sứ vụ (Mt 4,1-11) và trong cuộc chiến cuối cùng vào giờ hấp hối (Mt 26,36-44). Đức Kitô kết hiệp mỗi người với Ngài trong cuộc chiến đấu và cơn hấp hối để xin Chúa Cha “chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Lời cầu xin này càng trở nên thật khẩn thiết hơn nữa, khi cuộc chiến đấu bước vào cơn cám dỗ cuối cùng (Sách Giáo Lý số 2849). Vì thế cần sự hỗ trợ của những bậc thánh thiện như Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và Đức Giêsu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con được ơn bền đỗ đến cùng để được cứu thoát.