Suy niệm hạnh thánh _ 16/3


Thánh CLEMENT MARY HOFBAUER
 (1751-1820)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Có thể gọi Thánh Clement là vị sáng lập thứ hai của dòng Chúa Cứu Thế, vì ngài là người đã đem tu hội của Thánh Alphôngsô Liguori đến với người dân ở phía bắc rặng Alp.
Sinh trong một gia đình nghèo ở Moravia, ngài là con thứ chín trong mười hai người con, và tên rửa tội là Gioan. Mặc dù ngài ao ước trở nên một linh mục, nhưng vì không có tiền đi học, ngài phải học nghề làm bánh mì. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để giúp ngài thể hiện ước mơ ấy.
Ngài được nhận vào làm bánh trong một đan viện, là nơi ngài có thể tham dự các lớp Latinh. Sau khi vị tu viện trưởng từ trần, Gioan thử sống đời ẩn tu nhưng lúc ấy Hoàng Đế Joseph II ra lệnh hủy bỏ các đan viện, Gioan lại trở về Vienna hành nghề làm bánh. Một ngày kia, sau khi dự lễ tại vương cung thánh đường Thánh Stêphanô, trong cơn mưa tầm tã ngài đã giúp hai bà quý tộc gọi xe kéo. Qua cuộc đối thoại, hai bà được biết Gioan muốn đi tu nhưng không đủ tài chánh. Và họ đã rộng lượng giúp đỡ Gioan cũng như bạn của ngài là Tađêô, theo học trong chủng viện. Cả hai đến Rôma, là nơi họ được lôi cuốn bởi ý nghĩa đời sống tu trì của Thánh Alphôngsô. Và hai người đã thụ phong linh mục năm 1785 trong dòng Chúa Cứu Thế.
Sau khi mới chịu chức, lúc ấy đã 34 tuổi, Gioan được gọi là Clement Mary, cùng với Tađêô được sai trở về Vienna. Nhưng sự khó khăn tôn giáo ở đây đã khiến hai người phải bỏ lên miền bắc đến Warsaw, Ba Lan. Ở đây họ gặp rất nhiều người Công Giáo nói tiếng Đức bơ vơ không có linh mục chăm sóc vì chính quyền đàn áp các cha dòng Tên. Đầu tiên hai ngài phải sống rất khó nghèo và rao giảng ngoài trời. Sau đó các ngài được giao cho nhà thờ Thánh Benno để trông coi, và trong vòng chín năm kế tiếp, mỗi ngày hai ngài phải giảng năm lần, hai lần bằng tiếng Đức và ba lần bằng tiếng Ba Lan, các ngài đã hoán cải được nhiều linh hồn về với Giáo Hội. Cả hai đều tích cực trong công việc xã hội giúp đỡ người nghèo, sáng lập cô nhi viện và mở một trường nam sinh.
Nhờ lôi cuốn được nhiều người đến dâng mình cho Chúa, các ngài đã có thể gửi các vị truyền giáo đến Ba Lan, Đức và Thụy Điển. Tất cả các cơ sở truyền giáo này sau đó đều bị phá hủy vì những căng thẳng chính trị và tôn giáo thời đó. Sau 20 năm làm việc vất vả, chính Cha Clement bị bỏ tù và bị trục xuất khỏi nước. Và sau một lần bắt bớ khác ngài mới đến được Vienna, là nơi ngài sinh sống và hoạt động trong 12 năm cuối đời. Không bao lâu, ngài nổi tiếng là "vị tông đồ của Vienna", ngài nghe người giầu cũng như nghèo xưng tội, đi thăm kẻ liệt, cố vấn cho những người thế lực, chia sẻ sự thánh thiện của ngài với tất cả mọi người trong thành phố. Công trình đáng kể nhất của ngài là thành lập một trường đại học Công Giáo trong thành phố yêu dấu này.
Sự bách hại vẫn theo đuổi ngài, và nhà cầm quyền đã buộc ngài phải ngừng rao giảng. Có lần giới thẩm quyền cao cấp nhất cố gắng trục xuất ngài, nhưng sự thánh thiện và danh tiếng đã bảo vệ ngài cũng như sự phát triển của dòng Chúa Cứu Thế đã giữ chân ngài lại. Cho đến khi ngài qua đời vào năm 1820, các nỗ lực của ngài đã giúp cho dòng Chúa Cứu Thế được thiết lập vững bền ở mạn bắc rặng Alp.
Ngài được phong thánh năm 1909.
Suy niệm 1: Nghèo
Sinh trong một gia đình nghèo ở Moravia, ngài là con thứ 9 trong 12 người con, và tên rửa tội là Gioan.
Xuất thân từ một gia đình nghèo đến mức không có tiền đi học, thánh Clement chắc hẳn thấm thía cảnh nghèo. Nhưng ngài lại có cơ hội để tập luyện sống nghèo, để rồi sống đức khó nghèo trong bậc tu dòng một cách hoàn hảo.
Cái nghèo đã trở thành vị thầy giúp ngài dễ tiếp cận và chăm sóc người nghèo trong sứ vụ được trao ở Vienna và Ba Lan. Nhất là bài học nghèo giúp ngài không lệ thuộc vào tiện nghi vật chất, mà vẫn xoay xở thực thi được cái chính yếu là rao giảng ngay cả ngoài trời, miễn là hoán cải được nhiều linh hồn về với Giáo Hội cũng như lôi cuốn được nhiều người đến dâng mình cho Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh.
Suy niệm 2: Can thiệp
   Vì không có tiền đi học, Clement phải học nghề làm bánh mì. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để giúp ngài thể hiện ước mơ ấy.
Giuse con ông Giacóp bị anh em ganh ghét đã bán cậu cho những người lái buôn đang sang Aicập, thậm chí còn bị tù đày. Số phận hẩm hiu của cậu đã được Thiên Chúa can thiệp để trở thành tể tướng nước Aicập  và ân nhân cứu sống cho cả dân Aicập cũng như mọi xứ lân cận trong suốt 7 năm đói kém (St 41,40.57).
Cả hai phụ mẫu Dacaria và Êlisabét vốn hiếm muộn và nay đã già cả đang ở lứa tuổi không thể sinh con theo quy luật thường tình, thế nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để cả hai đều có mụn con là Gioan Tiền Hô (Lc 1,66).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn xác tín về sự can thiệp đầy thượng trí của Chúa.
Suy niệm 3: Kiên trì
Gioan thử sống đời ẩn tu nhưng lúc ấy Hoàng Đế Joseph II ra lệnh hủy bỏ các đan viện, Gioan lại trở về Vienna hành nghề làm bánh.
Từ việc làm bánh với bao công đoạn như nhồi bột, nắn hình, đút lò, Clement đã tập cho mình nhân đức kiên trì tận tụy, để nhờ đó mà theo đuổi ơn gọi tu trì với bao gian khổ và nghịch cảnh, cũng như công cuộc rao giảng Tin Mừng ngay trong thời kỳ bách hại.
Đức Giêsu quả là vị tôn sư kiên trì bậc nhất đối với các sư đồ của Ngài. Ngài đã phải đón nhận sự chậm hiểu (Mc 7,18;8,17.21) và chậm tin của họ (Lc 24,25), cũng như khuyết điểm muốn tranh giành danh vọng địa vị (Lc 22,24).
* Lạy chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trì chứ không nản chí vượt qua mọi thử thách để đạt được thành công.
Suy niệm 4: Đối thoại
Qua cuộc đối thoại, hai bà được biết Gioan muốn đi tu nhưng không đủ tài chánh. Và họ đã rộng lượng giúp đỡ Gioan cũng như bạn của ngài là Tađêô, theo học trong chủng viện.
Một cuộc đối thoại chân thành và nghiêm túc thường dẫn đến những kết quả tốt đẹp. Đức Giêsu đã gặp gỡ Nicôđêmô và đã giúp ông có được những hành động quả cảm dám bênh vực Chúa ngay giữa hội đồng (Ga 7,50-52) và sau này cũng tham gia vào việc mai táng Chúa (Ga 19,39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trân trọng những cơ hội được đối thoại chân chính, để mỗi ngày mỗi tiến trên đường trọn lành. 
Suy niệm 5:  Rao giảng
Đầu tiên Clement và Tađêô phải sống rất khó nghèo và rao giảng ngoài trời. Sau đó các ngài được giao cho nhà thờ Thánh Benno để trông coi, và trong vòng chín năm kế tiếp, mỗi ngày hai ngài phải giảng năm lần.
Cơ sở tiện nghi cũng cần thiết cho việc rao giảng thật, nhưng đó không phải là tất cả. Điều quan trọng hơn là phải rao giảng. Chính vì thế địa điểm ngoài trời cũng là nơi nên được chọn lựa.
Đức Giêsu cũng từng rao giảng ngoài trời trên núi trên Biển Hồ (Mt 5,1;13,1). Và sau này thánh Phêrô tông đồ cũng ra giữa công trường rao giảng và thu hút được  cả ba ngàn người theo đạo (Cv 2,41).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vì lệ thuộc vào cơ sở tiện nghi vật chất mà làm thiệt hại đến sứ vụ rao giảng.
Suy niệm 6: Công trình
Công trình đáng kể nhất của Cha Clement là thành lập một trường đại học Công Giáo trong thành phố yêu dấu này.
Đó là dưới cái nhìn của thế gian. Còn dưới con mắt của Chúa thì công trình kỳ diệu nhất của ngài chính là hoán cải được nhiều linh hồn về với Giáo Hội, cũng như lôi cuốn được nhiều người đến dâng mình cho Chúa, và giúp cho dòng Chúa Cứu Thế được thiết lập vững bền ở mạn bắc rặng Alp.
Cũng như xưa kia, khi tiên tri Samuen đến nhà ông Giese để xức dầu tấn phong vương cho người Chúa chọn, các con trai đều được xét và được giới thiệu, nhưng tất cả đều bị gạt bỏ, để rồi cuối cùng nhân vật không ai nghĩ tới là cậu út Đavít lại được tuyển chọn, vì Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm (1Sm 16,1-13).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học theo gương Chúa đừng đánh giá người theo ngoại diện nhưng theo nội tâm.