Suy niệm hạnh thánh _ 08/3


Thánh GIOAN Thiên Chúa
 (1495-1550)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Từ lúc tám tuổi cho đến khi chết, Thánh Gioan thường hành động hấp tấp. Sự thử thách là làm sao để biết đó là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là những cám dỗ trần tục. Nhưng không giống như những người bốc đồng khác, một khi đã quyết định, dù hấp tấp đi nữa, thánh nhân trung thành với quyết định ấy dù có gian khổ cách mấy.
Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Đêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa. Cả hai đi ăn xin từ làng này sang làng khác cho đến khi Gioan ngã bệnh nặng. May mắn, nhờ một người tá điền trong vùng chăm sóc và nhận làm con nuôi nên Gioan mới sống sót. Anh làm nghề chăn cừu cho đến khi 27 tuổi thì gia nhập quân đội Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống với nước Pháp. Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.
Khi trở về đơn vị, anh giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc. Bởi đó họ tìm cách đánh lừa để anh rời bỏ nhiệm sở, vi phạm kỷ luật và bị đuổi ra khỏi quân đội sau khi bị đánh đập và lột hết của cải. Anh phải đi xin ăn trên đường trở về nhà cha nuôi, trở lại nghề chăn cừu.
Khi chăn cừu, Gioan có nhiều thời giờ để suy niệm về ơn gọi của mình. Vào lúc 38 tuổi Gioan quyết định sang Phi Châu để chuộc những Kitô Hữu bị bắt. Nhưng trong khi chờ đợi ở bến tầu Gibraltar, vì cảm thương một gia đình quý tộc bị sa cơ thất thế sau biến động chính trị và phải lưu đầy, Gioan quên đi ý định ban đầu và tình nguyện làm gia nhân cho họ. Khi đến đất lưu đầy, gia đình này bệnh hoạn đến độ không những Gioan phải săn sóc họ mà còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi sống họ. Công việc xây cất các thành lũy thật vất vả, thật bất nhân mà các nhân công thường bị đánh đập và đối xử tàn tệ bởi những người tự xưng là Công Giáo. Cảnh tượng ấy đã làm lung lay đức tin của Gioan. Một linh mục khuyên Gioan đừng đổ tội cho Giáo Hội vì những hành động của giáo dân, và nên về lại Tây Ban Nha.
Ở Tây Ban Nha, ban ngày Gioan làm phu khuân vác bến tầu, ban đêm ngài đến nhà thờ để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách đem lại cho ngài niềm vui đến độ ngài quyết định phải chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Gioan bỏ nghề khuân vác và đi bán sách dạo, lang thang từ phố này sang phố khác để bán sách thiêng liêng và ảnh các thánh. Khi 41 tuổi, Gioan sang Granada mở một tiệm bán sách nhỏ.
Sau khi nghe giảng về sự ăn năn sám hối của vị giảng thuyết nổi tiếng thời bấy giờ là Chân Phước Gioan Avila, Gioan trở về nhà, xé tất cả các sách đời, phân phát tiền của và các sách đạo cho mọi người. Gioan lang thang với quần áo rách nát, than khóc về tội lỗi của mình như một người điên, và bị trẻ con cũng như mọi người chế nhạo.
Bạn bè đưa Gioan vào dưỡng trí viện để chữa trị, là nơi ngài bị trói và bị đánh đập. Cho đến khi Chân Phước Gioan Avila đến thăm và cho biết là sự sám hối của ngài đã đủ 40 ngày, như Đức Kitô xưa ăn chay trong sa mạc, thì Gioan trở lại bình thường và được đưa sang một khu vực khác, lành mạnh hơn. Ở đây, Gioan nhanh nhẹn giúp đỡ các bệnh nhân khác, và bệnh viện cũng không phiền hà khi có một người trợ tá làm việc không công. Cho đến khi ngài tuyên bố là sẽ mở một nhà thương khác thì họ cho ngài xuất viện.
Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi. Ban đêm, ngài lấy những đồng tiền kiếm được mua thực phẩm và quần áo cho người nghèo sống dưới gầm cầu hoặc trong các căn nhà hoang phế. Bởi thế, bệnh viện đầu tiên của ngài là các đường phố ở Granada. Cho đến khi có một người hảo tâm cho Gioan thuê lại một căn nhà với giá rẻ, "bệnh viện" của ngài mới bắt đầu thành hình mà tất cả phương tiện cũng như sự tài trợ là nhờ đi xin. Với kinh nghiệm xin ăn sẵn có, ngài đi khắp đường phố, miệng rao lớn, "Hãy làm việc lành cho chính mình! Vì tình yêu Thiên Chúa, hỡi anh chị em, hãy làm việc lành!" Ban ngày, ngài cõng các bệnh nhân về nhà như khuân đá, khuân củi, để tắm rửa, lau chùi các vết thương và cho họ ăn mặc tử tế. Ban đêm thì ngài cầu nguyện.
Cho dẫu nhận mình là người đáng khinh, Gioan cảm nhận nhiều thị kiến. Một lần, Ngài đang rửa chân bị thương cho người ăn mày mà Ngài đã mang về nhà, Ngài kinh ngạc trông thấy người ấy biến dạng, nằm giữa hào quang hầu như tỏa ra bao phủ cả Gioan, đến nỗi nhiều khách trọ ngỡ rằng Gioan đang bị thiêu cháy. Một lần khác Gioan nghe thấy tiếng phán từ trời: “Gioan, tất cả những gì con làm cho người nghèo vì danh ta là con làm cho ta. Đó là những bàn tay ta đã nhận của bố thí của con, đó là thân xác ta mà con đã mặc áo, chân ta mà con đã rửa”.
Cùng với hai người bạn đồng hành Ngài đã lập Dòng Trợ Thế, nhưng lề luật qui củ được hình thành 6 năm sau khi Gioan qua đời. Đức Giáo Hoàng Piô V ban sắc lệnh chuẩn y vào năm 1571, tức 20 năm sau các thành viên của Dòng bắt đầu tuyên lời khấn. Gioan Thiên Chúa được phong thánh vào năm 1690. Đức Giáo Hoàng Leo XIII tôn Ngài là Thánh Bổn Mạng các bệnh viện và người ốm đau cùng với Thánh Camilluss đệ Lellis. Năm 1930, Đức Giáo Hoàng Piô XI phó thác tất cả y tá dưới sự che chở của Ngài.
Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa thường được gọi là Dòng Gioan Thiên Chúa. Dòng Gioan Thiên Chúa bắt đầu hình thành tại Bùi Chu vào năm 1952, sau đó được chuyển vào Nam vào năm 1954 và lập bệnh viện Thánh Tâm Hố Nai. Con số tu sĩ Việt Nam rất là khiêm nhượng, trụ sở của Dòng hiện nay đặt tại: 70/5, khu phố 9, xã Tân Biên, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Khi thánh nhân lâm bệnh nặng thì ngài nghe tin cơn lũ lụt đang trôi dạt những cây gỗ quý về gần thành phố. Không bỏ lỡ cơ hội, ra khỏi giường bệnh, ngài đi vớt gỗ trên dòng sông đang chảy xiết. Và khi một trong những bạn đồng hành của ngài bị rớt xuống sông, ngài đã không nghĩ đến bệnh tình cũng như sự an toàn cho chính mình mà đã nhảy theo cứu vớt. Ngài thất bại không cứu được người ấy, và chính ngài thì bị sưng phổi. Ngài từ trần ngày 8 tháng Ba, ngày sinh nhật thứ năm mươi lăm của ngài, chỉ vì sự yêu thương vội vàng mà đó là động lực của toàn thể cuộc đời ngài.
Thánh Gioan của Thiên Chúa được đặt làm quan thầy của người bán sách, thợ in, bệnh nhân, bệnh viện, y tá, lính cứu hỏa và được coi là người sáng lập tổ chức Sư Huynh Bệnh Viện.
Suy niệm 1: Hấp tấp
Từ lúc tám tuổi cho đến khi chết, Thánh Gioan thường hành động hấp tấp.
Cuộc sống của ngài đã bị chỉ trích bởi những người không thích hành động bác ái vội vàng hấp tấp. Có lần, khi gặp một gia đình đi xin ăn đang đói, ngài chạy vội vào một căn nhà gần đó, lấy cắp nồi cơm và đem cho họ. Lần khác, khi thấy các em bụi đời quần áo rách nát, ngài vào tiệm quần áo và mua quần áo mới cho chúng. Dĩ nhiên, là mua chịu!
Tuy nhiên sự vội vàng ấy đã giúp nhiều người sống sót trong một vụ hỏa hoạn ở nhà thương mà ngài đã liều mình xông vào lửa, bế các bệnh nhân ra ngoài. Vào lúc ấy, nhà cầm quyền quyết định dùng súng đại bác để phá hủy một phần nhà thương nhằm ngăn chặn ngọn lửa khỏi cháy lan sang thì ngài đã ngăn cản họ, và vội vàng leo lên mái nhà dùng chiếc búa rìu tách rời phần bị cháy. Ngài thành công, nhưng đồng thời cũng rơi theo mái nhà hực lửa đang sụp đổ. Trong khi mọi người hồi hộp cho số phận vị anh hùng cứu tinh thì lạ lùng thay, Gioan bước ra khỏi đám lửa một cách bình an vô sự.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hấp tấp vội vàng trong các công việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Suy niệm 2: Phiêu lưu
Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Đêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa.
Xét về nặt đời, lịch sử thế giới luôn ghi công Christophe Colomb và Marco Polo như những vị anh hùng đã khai sáng những cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới và đã gặt hái thành công.
Xét về mặt đạo, tổ phụ Ápraham cũng thực hiện một cuộc phiêu lưu vĩ đại khi rời thành Ua, vì ngài chẳng biết đi đến đâu mà chỉ biết đạt tới nơi Thiên Chúa sẽ chỉ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm hoàn thành cuộc phiêu lưu đạt tới nước trời.
 Suy niệm 3: Bê bối
Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.
Thánh Augúttinô trong quyển tự thuật cũng xác nhận đã có một cuộc sống thanh niên bê bối đến mức ngài tự nhận không có thứ tội nào trên thế gian này mà ngài không phạm qua. Thế nhưng ngài đã hồi tâm trở lại và trở thành một thánh nhân lừng danh.
Mọi thánh nhân đều là phàm nhân vì thế vẫn mang nhiều khuyết điểm để rồi có thể có một quá khứ tội lỗi thậm chí bê bối, nhưng tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân trong tương lai. Do đó đừng bao giờ thất vọng nhưng luôn giúp đỡ tội nhân hoán cải.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mang tâm tình của Chúa để gần gũi tội nhân và giúp họ trở về với Chúa.
Suy niệm 4: Ghét
Khi trở về đơn vị, Gioan giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc.
Nguyên do chính khiến các vị nói Lời Thiên Chúa thường bị chán ghét, là vì phản ứng không thuận chiều của đám thính giả trước lời rao giảng. Gioan Tẩy Giả đã bị vua Hêrôđê ghét bỏ đến mức bỏ tù và sau đó chém đầu.
Đức Giêsu thì bị các người Pharisêu và các nhà thông luật ghét bỏ đến mức họ toa rập nhau lập mưu bày kế gài bẫy, thậm chí vu cáo, để rồi mượn tay chính quyền  kết án tử hình thập giá.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà bị người đời ghét bỏ nhưng được Chúa yêu thương, còn hơn là được người đời yêu thương mà bị Chúa ghét bỏ.
Suy niệm 5:   Đức tin
Công việc xây cất các thành lũy thật vất vả, thật bất nhân mà các nhân công thường bị đánh đập và đối xử tàn tệ bởi những người tự xưng là Công Giáo. Cảnh tượng ấy đã làm lung lay đức tin của Gioan.
Vẫn biết con sâu làm rầu nồi canh. Người công giáo xấu cũng gây ảnh hưởng xấu đến đạo giáo. Biết thế nên mỗi kitô hữu luôn cố gắng sống thật tốt để làm rạng danh Giáo Hội.
Tuy nhiên cần phân định rõ sự khác biệt giữa đạo và người có đạo. Đạo luôn tốt nhưng người có đạo có thể tốt và cũng có thể không tốt. Vì thế có câu nói thường tình: Tin đạo chứ không tin người có đạo. Chớ vơ đũa cả nắm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ mình đừng gây cớ vấp phạm cho người khác, ngay cả những việc được phép nhưng gây hiểu lầm cho tha nhân (Rm 14,20-21;1Cr 8,13).
Suy niệm 6: Bệnh viện
Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi.
Kinh nghiệm những cư xử nghịch cảnh trong nhà thương điên, nên Ngài xin lập một bệnh viện, để chăm sóc những người ốm đau, cùng khổ chu đáo hơn. Gioan Thiên Chúa dịu dàng săn sóc, băng bó và tắm rửa những người bị thương tích.
Từ công việc từ thiện chưa từng ai làm, Ngài được công chúng để ý tới. Đức Giám Mục sở tại viếng thăm, tỏ lòng thán phục nên trao ban cho Ngài áo dòng và đặt cho Ngài tuớc hiệu là Gioan Thiên Chúa. Cả tỉnh đều cảm kích và muốn giúp đỡ Ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quan tâm đến các bệnh nhân không chỉ về thân xác mà cả về tinh thần nữa.