Giáo dục _ những sai lầm chung

NHỮNG SAI LẦM CHUNG
trong việc nuôi dạy trẻ
Cung cấp và cưng chìu một đứa trẻ không ngăn cản được sự xung khắc và đi đến chỗ chiến tranh. Bên dưới sự bày tỏ tình yêu và sự dịu dàng, chúng ta có thể tìm thấy sự biểu lộ của sự thù nghịch cách công khai hay ẩn kín. Rất ít bố mẹ nhận ra được sự thù nghịch và chiến trận khủng khiếp mà trong đó bố mẹ và con cái đi vào. Tất cả những trục trặc về hành vi của con trẻ là triệu chứng của sự hận thù. Thật rất khó để làm cho bà mẹ ý thức được điều đó. Bà không thể hiểu rằng đứa trẻ có thể giận bà trong khi bà vững tin rằng bà cho nó mọi sự và yêu nó nhiều. Tuy nhiên có biết bao nhiêu bà suy sụp tinh thần khi các bà không thể ngăn cản con mình đòi bỏ nhà ra đi. Có biết bao nhiêu bi kịch đã xảy ra, đặc biệt suốt thời tuổi trẻ, lúc mà đứa trẻ cần phải lớn lên nên người hoặc trở thành một đứa trẻ hư hỏng, một sự kiện mà người mẹ nào cũng phải quan tâm lo lắng.
Trong việc che chở và làm chủ đứa trẻ, không những chỉ có các bà mà còn có cả các ông cũng cố gắng chứng tỏ cái quyền uy của mình mà họ cảm thấy đang bị đe dọa bởi những điều kiện khó khăn của cuộc sống hiện tại. Một khi sự hận thù khởi sự, không còn sự bình an, cũng không còn xã hội nữa. Trong một gia đình bị lung lay bởi sự bất bình và thù hận lẫn nhau, những khuyết điểm của con trẻ được chú ý và được nuôi dưỡng. Những lỗi lầm của chúng được xử dụng như là căn bản cho sự tố cáo lẫn nhau. Một cơ hội tốt cho mỗi bố mẹ để bào chữa cho sự thiếu thích nghi vào xã hội và xem ra có lý do để thanh minh cho những biểu lộ hận thù của họ. Sự hận thù có thể bắt đầu rất sớm như lúc vừa được sinh ra mà không hề có giai đoạn yêu thương và tình cảm. Thật là may mắn, sự loại bỏ con trẻ xảy ra ngày càng ít vì người đàn ông đã học để ngăn ngừa mầm non không được muốn. Trong bất cứ trường hợp nào, sự xung đột giữa bố mẹ và con cái, chiến tranh trong gia đình, khiến nhiều cha mẹ không muốn có con.
Không lạ gì bố mẹ thường thất bại trong việc nuôi dưỡng con cái vì đó là bổn phận khó khăn nhất trong đời sống hôn nhân. Giáo dục là một nghệ thuật. Nó cần những khéo léo trong đó người thực hành phải được huấn luyện cách kỹ lưỡng. Nhưng bố mẹ có được bao nhiêu sự huấn luyện? Họ biết gì về vấn đề giáo dục? Điều mà họ biết thì quá ít nhưng thường thì sai và nhiều nguy hại. Không có thợ đóng giày nào dám mạo hiểm mở tiệm giày mà không được huấn luyện kỹ. Nhưng bố mẹ mở một xưởng giáo dục mà không có một chuẩn bị nào, chỉ với sự huấn luyện mà họ nhận được từ bố mẹ họ.
Buồn cười thay, họ cố gắng bắt chước hành động của bố mẹ họ mà quên rằng chính họ đã phải chịu nhiều đau khổ vì sự thiếu khả năng thích hợp của bố mẹ họ. Hãy nhớ rằng một người cha đã bị đánh đập khi còn trẻ có khuynh hướng đánh đập con cái mình. Ông ta quên sự nhục mạ ông cảm nhận khi còn nhỏ, sự thù ghét và chống đối lớn dần dưới trận đòn của bàn tay bố mẹ. Đây là lý do tại sao khó thuyết phục bố mẹ rằng kỹ thuật và phương cách của họ là sai, không thành công, và ngay cả có hại nữa. Mỗi bố mẹ trong thái độ biểu tượng thế hệ mà họ bắt chước. Bất cứ cố gắng nào để làm ảnh hưởng tiến trình giáo dục có nét đặc thù cho một gia đình đặc biệt, đều phải đối diện với bức tường giáo dục truyền thống là cái được thực hiện từ đời nọ sang đời kia. Thừa sản tinh thần thì mạnh hơn và có tính cách quyết định hơn bất cứ thừa sản vật lý nào. Có thể là những đặc nét quốc gia hay chủng tộc ít căn cứ trên bản chất sinh học hơn là căn cứ trên phương cách giáo dục được dùng trong những nhóm đặc biệt và được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác.
Phá vỡ truyền thống nầy thì rất khó. Chúng ta hãy xem phương pháp giáo dục truyền thống của chúng ta là đánh một đứa trẻ có hành vi khác với hành vi được ước muốn bởi người lớn. Hiệu quả thế nào trên đứa trẻ? Chính thời gian ác độc và khủng khiếp nầy làm méo mó đặc tính, tạo nên một sự mất niềm tin vào sự tử tế và tình bạn của con người, cũng như sự mất niềm tin vào những người bạn.  
Những đứa trẻ bị đánh đập, trong phản chứng của chúng, gây nên những tình thế để rồi sẽ bị đập nữa về thể lý cũng như tinh thần. 
Trái lại, nếu đứa trẻ bị ăn đòn đó vẫn có can đảm và sở thích xã hội, như một người lớn, nó sẽ tránh bất cứ tình thế nào mà ở đó nó có thể bị ăn đòn. Nó có thể vun trồng sức mạnh và chịu đựng sự khó khăn và có thể đạt tới sự cứng rắn và ác độc trong đức tính là giá rất cao cần phải được trả bởi những con người mạnh mẽ và có khả năng. Những con người nầy dửng dưng với tình cảm của bạn bè, bà con, và con cái.
Tuy nhiên, thói quen phát đít trong một thời gian dài được xem là một phương cách thích hợp để huấn luyện con trẻ và được chấp nhận bởi hầu hết cha mẹ. Ngay cả những người nhận thấy rằng phát đít có nghĩa là nhục mạ và vi phạm phẩm giá con người, cũng dùng kỹ thuật nầy để bảo vệ cho ưu thế của họ, và biện minh cho hành động đó bằng cách đổ lỗi cho những xúc cảm không thể chế ngự được và sự buồn chán căng thẳng. Thói quen phát đít là một trong những trở ngại mạnh nhất trong việc phát triển bầu khí dân chủ, bình an, và cộng tác trong gia đình, một cái gì đáng ghi nhớ của một thời còn có cái quan niệm về phẩm giá và quyền con người. 
Trục trặc của giáo dục không tách rời khỏi trục trặc của cuộc sống chung. Tiến trình của giáo dục cho thấy cái nhìn chung của một người, triết lý nhân sinh của họ. Vì thế, bầu khí xã hội trong gia đình là một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề giáo dục con cái. Tất cả những khiếm khuyết, lỗi lầm, hay sai trái của đứa trẻ có thể là do phỏng theo dấu vết sai lầm được dùng bởi những phần tử trong gia đình trong việc đối xử với nhau. Đứa trẻ được chuẩn bị cách thích hợp cho cuộc sống chỉ khi gia đình giữ những luật lệ điều khiển được những liên hệ giữa những người trong gia đình. Vì gia đình là cộng đoàn và đơn vị xã hội đầu tiên của đứa trẻ, đối với đứa trẻ, nó biểu tượng một bức họa của cuộc đời nói chung, và tất cả tùy thuộc vào bức tranh mà gia đình vẽ về thế giới rộng lớn bên ngoài xác thực thế nào. Bầu khí đáng yêu của gia đình sẽ khích lệ sự phát triển một thái độ đứng đắn nơi đứa trẻ, là đứa khi đối diện thế giới, phải cắt nghĩa sao cho nó phù hợp với kinh nghiệm và quan niệm nó thâu lượm được ở gia đình. 
Không may, những tương quan trong gia đình chúng ta ngày nay không phù hợp với những tương quan trong đời sống bên ngoài. Con cái chúng ta thường được bảo bọc quá đáng nên chúng dễ trở thành ích kỷ. Trong thế giới của người lớn, chúng sẽ sống không như những người bình đẳng nhưng như những người lệ thuộc. Chúng có ít cơ hội để trở thành hữu dụng, để đóng góp cho nhóm, và để tạo được một vị thế thích hợp bởi chính mình. Phương cách mà chúng tìm sự bảo đảm để được chấp nhận là đòi hỏi: đòi hỏi quà, đòi hỏi được quan tâm, đòi hỏi được phục vụ từ người khác, đòi hỏi quá nhiều hay ít ra là sự chú ý. Điều mà chúng muốn nhận được từ những đòi hỏi đó là biểu tượng của sự quan trọng của chúng, còn việc đòi hỏi của chúng chỉ là vô nghĩa. Nguyên tắc để sống phù hợp với người ta đó thì trái ngược với tất cả những luật lệ cộng tác được bàn thảo trên đây.
Bố mẹ càng cư xử phù hợp với những luật lệ của sự cộng tác, càng dễ nuôi dưỡng con cái một cách thích hợp. Đứa trẻ có thể thích nghi một cách ý thức trong cách thế nó phải sống vì nó có sự hiểu biết bén nhạy về những gì xảy ra chung quanh nó và về cách thế nó phải hướng dẫn mình để phù hợp với hoàn cảnh chung quanh nó. Rất thường bố mẹ dùng một bộ luật cho chính mình và một bộ khác cho con cái. Thật là hồi hộp và cảm thấy mình bị xúc phạm nếu đứa trẻ nói láo. Nhưng họ hoàn toàn quên mất những lần họ nói láo với người láng giềng hoặc ngay cả đòi hỏi đứa trẻ nói láo thay cho họ. Họ mong con mình cần mẫn làm việc trong khi bố mẹ phàn nàn về công việc họ làm. Họ ngạc nhiên bởi ngôn ngữ không thích hợp từ con họ và tra hỏi nó đã học điều đó ở đâu trong khi đứa trẻ chỉ lập lại những gì mà nó đã nghe từ họ. Có phải là ngông cuồng đối với đứa trẻ nói với mẹ rằng: “Nếu mẹ không tử tế với con, con không thu dọn phòng con”. Không phải bà mẹ đòi hỏi đứa trẻ tử tế trước khi bà hoàn thành bổn phận của bà đối với đứa trẻ sao? Tuy nhiên, bà mẹ cảm thấy hoảng hốt bởi những lời lẽ như thế.
Thật khó cho bố mẹ để nhận thấy rằng con cái cũng là con người như họ. Bố mẹ không chỉ đòi hỏi những đặc ân làm sụp đổ trật tự xã hội và phá hủy cảm giác thuộc về, nhưng còn trao ban cho đứa trẻ những đặc ân mà họ không ban cho ai khác. Ban cho thì cũng tai họa như là đàn áp. Chỉ có những luật lệ điều khiển cuộc đời của toàn thể gia đình, những luật lệ bao gồm cả bố mẹ cũng như con cái, mới có thể huấn luyện cái nhận thức đúng và sai. Ở đâu có những luật lệ luân lý điều hành đời sống gia đình, ở đó không cần kỹ thuật giáo dục đặc biệt được đòi hỏi cho sự lớn lên của đứa trẻ muốn góp phần xây dựng cho sự lợi ích của cộng đồng.
Một gia đình với một nền tảng và một bầu khí tốt đẹp như thế thì ở đâu? Những bố mẹ biết can đảm và biết cộng tác như thế thì ở đâu? Như đã được lưu ý, thời đại chúng ta không ưu đãi cho sự phát triển một gia đình như thế cũng như những bố mẹ như thế. Một cảm giác bất an sâu xa và một sự quan tâm tức khắc có liên quan đến tiếng tăm chúng ta ngăn cản chúng ta trở thành những con người tốt như chúng ta có thể. Cha mẹ không là một luật trừ.
Chúng ta không thể mong đợi bố mẹ cộng tác với con cái hơn họ cộng tác với những người tranh đua bên ngoài. Và thật là ngông cuồng mong đợi hòa bình trong gia đình hơn trong xã hội như một toàn thể. Với cảm giác đầy đủ về xã hội, chúng ta tìm thấy lối đi mọi nơi, nhưng nếu không có cảm giác đó, chúng ta sẽ không tìm thấy lối đi. Con cái không khác với những người khác, chúng có thể đe dọa danh tiếng của bố mẹ như những người cạnh tranh nghề nghiệp, có thể còn hơn nữa, vì bố mẹ rất dễ đau lòng đối với sự chống đối của con cái. Họ tin rằng tình yêu của bố mẹ, sự ban cho của bố mẹ có thể mua lấy sự phục tùng. Họ đòi hỏi sự chấp nhận và sự vâng lời chỉ vì họ là bố mẹ. Mọi chống đối và bất tuân được xem như là một sự xúc phạm cá nhân, như một sự bất kính xúc phạm tư tưởng thần thánh về thiên chức làm phụ mẫu. Họ càng áp đặt ý muốn mình lên đứa trẻ, họ càng ít thành công trong việc chiếm được sự cộng tác của con mình, và càng cảm thấy thất vọng sâu xa hơn. Thất vọng và cay đắng bởi cuộc đời, họ mang sự thất vọng về nhà và qua con cái họ, họ trả điều đó lại cho thế giới.
Lm Lê Văn Quảng Psy.D.