ĐỪNG NÔ LỆ CHO CHÍNH MÌNH
Chúng ta có thể đánh mất chính mình trong
khi làm việc. Nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong công việc.
Trên đường có một người đàn ông đang
cưỡi ngựa. Khi con ngựa và người cưỡi ầm ầm phóng qua, một người nông dân già
đang đứng ở cổng cất tiếng hỏi: “Anh đang
đi đâu đấy?”
Người đàn ông la lớn trong khi phóng
vụt qua: “Đừng hỏi tôi, mà hãy hỏi con ngựa.”
Đó là hình ảnh tiêu biểu cho người
có cuộc sống với cách sinh hoạt hối hả không ngừng. Người đó không hề được tự do mà phải làm nô lệ cho công việc
của mình. Vấn đề của anh ta không chỉ là bận rộn với công việc mà, nhìn sâu xa
hơn, là không kiểm soát được cuộc sống của mình. Dường như có một sức mạnh nào
đó nhập vào anh ta, đang lôi kéo anh đi. Đây không phải là một lối sống hay ho
gì.
Người ta đôi khi quá vội để bắt kịp
công việc, đến nỗi không dành ra được lấy một phút cho bản thân mình. Hoạt động
có thể trở thành một thứ bệnh tật. Đây là một tình trạng nguy hiểm. Có thể người
ta phải chịu đựng sự hủy hoại và suy sụp. So với những kẻ ích kỷ, thì những người
quảng đại dễ gặp rủi ro này hơn. Chúng ta phải biết chăm sóc bản thân mình. Đây không thể là cung cấp, và cũng không phải là thu nạp vào tất
cả. Chỉ bằng cách chú tâm cẩn thận đến những nhu cầu thể lý, tình cảm, tâm trí,
và tinh thần của bản thân, thì chúng ta vẫn có thể không ngừng là những người
vui vẻ cống hiến.
Như chúng ta nhận thấy trong đoạn
Tin Mừng hôm nay, ngay cả Đức Giêsu cũng cần dành thì giờ cho bản thân mình. Những
kẻ đau yếu về thể xác và tâm trí luôn vây quanh Người. Tất cả mọi người đều
đang kêu la với Đức Giêsu. Người đang có nguy cơ bị hao mòn. Tuy nhiên, giữa bối
cảnh cuồng nhiệt đó, chúng ta vẫn đọc được rằng “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang
vắng, và cầu nguyện ở đó.”
Đức Giêsu cầu nguyện không chỉ vì bổn
phận, mà còn vì nhu cầu nữa.
Nơi hoang vắng làm được gì cho Người?
Nơi đó tạo cho Người khả năng để phục hồi năng lực đã bị mất đi, giúp cho Người
tiếp tục tập trung. Nhưng nhất là trong suốt những giây phút cô tịch này, Người
duy trì và củng cố được một điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Người – mối
tương quan với Chúa Cha. Đây là bí quyết cho sự thành công trong sứ vụ của Người.
Lời cầu nguyện hữu ích nhất, chính
là có được sự hiện diện của Thiên Chúa mà không cần phải nói hoặc làm bất cứ việc
gì. Chỉ khi được ngồi với sự hiện diện của Thiên Chúa, là người ta có thể được
ngồi bên cạnh lò lửa nồng ấm. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng trong thực
hành, quả thật rất khó khăn. Bởi vì ngay khi dừng chân lại, thì chúng ta liền cảm
thấy trống rỗng, thậm chí có lẽ còn cho rằng đó là giây phút vô dụng nữa. Hầu hết
người ta đều cho rằng bản thân mình có giá trị qua công việc. Họ cho rằng giá
trị của con người tùy thuộc vào ích lợi của người đó. Họ không biết cách đương
đầu với sự nhàn rỗi và tĩnh mịch. Hậu quả là cuộc sống của họ có thể bị nông cạn
và hời hợt. Mặt khác, khi nhận chìm mình vào sự thinh lặng và tĩnh mịch với sự
hiện diện của Thiên Chúa, thì những kế hoạch của chúng ta mất đi sức mạnh nơi bản
thân mình, và chúng ta cảm nhận được giá trị đích thực của mình, không hệ tại ở
sự làm việc, mà ở sự hiện diện.
Cách thế quan trọng nhất để yêu mến
Thiên Chúa, chỉ đơn giản là sống với sự hiện diện của Người, để chỉ quan tâm đến
Thiên Chúa mà thôi. Rất nhiều người có khuynh hướng cho là lòng yêu mến Thiên
Chúa ngang hàng với công tác xã hội. Tất nhiên, lời cầu nguyện có thể trở thành
một điều ích kỷ, tránh né và trốn tránh. Nhưng lời cầu nguyện cũng có thể có
tác dụng. Công việc có thể là một cách tránh né khỏi phải cầu nguyện, khỏi phải
tìm kiếm Thiên Chúa. Và nếu không có lời cầu nguyện, thì người ta có thể dễ
dàng trở thành người hoàn toàn qui hướng về bản thân mình, tự mình hành động, hơn
là trông cậy vào Thiên Chúa.
Chúng ta có thể đánh mất chính mình
trong khi làm việc. Nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong công
việc. Đây là lý do tại sao trong cuộc sống, chúng ta cần có một nơi yên tĩnh.
Chúng ta cần phải học hỏi từ gương mẫu của Đức Giêsu, về cách kết
hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Ra đi cầu
nguyện không phải là cách thế trốn thoát, nhưng điều này đưa đến sự tái cam kết.
Cần có thời gian để cống hiến, và cần có thời gian để tiếp nhận. Để có được một
cuộc sống lành mạnh, chúng ta cần phải quan tâm đến cả hai lối sống trên.