Suy niệm hạnh thánh _ 03/1

THÁNH GRÊGÔRY  Ở NADIAN
(329-390)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Grêgôry ở Nadian -- Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong ba vị Giáo Phụ Capađôcia (hai vị khác là Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêgôry ở Nysa) -- là con của đức giám mục ở Nadian thuộc Capađôcia. Ngài được học hỏi nhiều về các văn bản Kitô Giáo, nhất là của Ôrigen, và triết Hy Lạp. Trong khi theo học ở Capađôcia Xêdarêa, ngài gặp Đức Basiliô, và từ đó nẩy nở một tình bạn thắm thiết có ảnh hưởng tốt cũng như xấu đến cuộc đời. 
Theo lời mời của Đức Basiliô, Grêgôry gia nhập một đan viện mới thành lập của Đức Basiliô. Tuy nhiên, đời sống ẩn dật phải bỏ dở khi cha của ngài cần người trông coi địa phận và bất động sản. Và dưới áp lực của người cha, ngài chịu chức linh mục. Vì sự giằng co giữa đời sống ẩn dật và công khai, hơn một lần ngài phải trở về đan viện khi cộng đoàn cần đến ngài.  
Ngài khéo léo tránh cuộc ly giáo đang đe dọa thời ấy, vì cha của ngài có thỏa hiệp với bè rối Arian. Lúc 41 tuổi, Grêgôry được chọn làm Đức Giám Mục Phó của Xêdarêa và ngay lập tức đụng độ với Hoàng Đế Valen, là người hỗ trợ bè rối Arian. Kết quả không may của cuộc chiến chống với tà thuyết là sự lạnh nhạt tình bạn giữa hai người. Đức Basiliô, là tổng giám mục, đã sai ngài đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của ngài. 
Khi việc chống đối bè rối Arian chấm dứt với cái chết của Valen, Đức Grêgôry được gọi về xây dựng lại đức tin trong giáo phận lớn Côngtantinốp đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong ba thập niên. Mệt mỏi và bối rối, ngài bị lôi vào cơn lốc của sự thối nát và bạo loạn. Trong hoàn cảnh ấy ngài bắt đầu viết các bài giảng nổi tiếng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Kịp thời, ngài tái xây dựng đức tin của thành phố, nhưng phải trả bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá nhân ngài.
Các ngày cuối đời, ngài sống cô độc và khắc khổ. Ngài sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. Ngài nghĩ rằng đức tin nơi Thiên Chúa không thể thấu hiểu được là nền tảng cho thần học chân chính. Tài hùng biện và việc bảo vệ lập trường đức tin của ngài trong Công Đồng Nicê đã giúp ngài xứng đáng được gọi là "Thần học gia".  
Suy niệm 1: Tình bạn
Tất cả những gì vươn cao đều gặp nhau. Câu ngạn ngữ này đã được hiện thực ở mối tình bằng hữu thắm thiết giữa hai thánh Giáo Phụ Capađôcia lừng danh, đó là thánh Grêgôry Nadian và Basiliô Cả.  
Thật phúc cho ai có được những tình bạn chân thành luôn có nhau trong mọi tình huống (Cn 17,17), dầu thuận hay nghịch, dầu vui hay buồn, dầu hoạn nạn hay may mắn, để cùng chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ và giúp vượt qua thử thách, như đôi bạn Đavít và Giônathan gắn bó đến suốt đời (1Sm 19-20;2Sm 1,25-26).  
Ngược lại, thật đáng thương cho ai gặp phải những người bạn giả hiệu khi gặp hoạn nạn thì lánh xa (Tv 38,12), nghèo khó thì ghét bỏ (Cn 14,20), thậm chí đã cùng chia cơm sẻ bánh mà nay cũng giơ gót đạp đổ (Tv 41,10), như tâm trạng của ông Gióp với lời than thở “Anh em tôi đã phản bội tôi” (G 6,15), “Mọi người thân thiết nhìn tôi mà ghê tởm, đến kẻ mến thương tôi cũng trở mặt với tôi” (G 19,19). 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thể hiện lòng kính sợ Chúa, để có được những người bạn tốt, và để gặt hái được những thành quả mỹ mãn (Hc 1,11-20).
Suy niệm 2: Khiêm tốn  
Được biết Basiliô, bạn mình, vừa sáng lập một đan viện, với những bước khởi đầu đầy gian nan, Grêgôry chẳng những không tự ái, không sinh lòng ganh tị, không sợ thua kém, mà còn hạ mình xin gia nhập với danh xưng một đan sĩ dưới quyền, hầu có thể âm thầm giúp công trình của bạn mình mỗi ngày một phát triển. 
Mẫu gương khiêm tốn ấy cũng đã được tái hiện vào thế kỷ thứ 16. Một giáo sư triết trẻ tuổi và thời danh mang tên Phanxicô Xavie cũng đã xin gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Inhaxiô, vốn là một người bạn thân. Là bạn nhưng hiện giờ là một tu sĩ thuộc quyền, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Bề trên Inhaxiô. Thậm chí Phanxicô còn quỳ gối đọc thư bề trên gởi đến, để tỏ lòng thần phục kính tôn.
* Lạy Chúa Giêsu, đối với lệnh trên, dầu muốn dầu không chúng con cũng cảm thấy dễ chấp hành, nhưng ngang hàng vai vế thì thật không phải là dễ. Xin giúp chúng con hết lòng khiêm tốn theo gương các ngài, nhất là theo gương Chúa, vốn là Thiên Chúa mà không duy trì địa vị ấy để hạ mình xuống thế làm người (Pl 2,6-8).
Suy niệm 3: Giằng co
Sống ẩn dật trong đan viện hay sống cuộc đời công khai giữa chợ đời, tâm trí Grêgôry đã phải bị giằng co dữ dội. Phương án giải quyết, đó là thuận theo Thiên Ý. Đó cũng là bài học Đức Giêsu để lại khi Ngài lâm vào tình cảnh này ở Vườn Cây Dầu, với lời nguyện bất hủ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).  
Ở một bình diện khác, chính thánh Phaolô tông đồ cũng đã cảm nghiệm được vết thương nhức nhối này trong suốt cả cuộc đời, khiến ngài phải thẳng thắn và thành thật thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
* Lạy Chúa Giêsu, tận thâm tâm chúng con cũng nhận ra sự giằng co giữa khuynh hướng thượng-hạ, lắm lần chúng con cũng ra sức chiến đấu, nhưng cũng không thiếu lần chúng con rơi vào tình cảnh như mẫu tâm sự của thánh Phaolô. Xin Chúa luôn ở cùng và giúp sức cho chúng con. 
Suy niệm 4: Không dính bén
Đang yên vị trong chức vụ Đức Giám Mục Phó của Xêdarêa, Grêgôry được sai đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của ngài. Không dính bén, không tham quyền cố vị, ngài vâng lời bề trên, lãnh nhận bài sai và lên đường thực thi sứ vụ mới. Sau thời gian nỗ lực làm việc với những thành quả tốt đẹp gặt hái được ở môi trường mới, ngài lại được gọi về xây dựng lại đức tin trong giáo phận lớn Côngtantinốp đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong ba thập niên. Một lần nữa, ngài lại ra đi theo lệnh bề trên không một chút dính bén.
Thánh Gioan Tiền Hô vào thời kỳ đầu Tân Ước cũng đã để lại một tấm gương chói lọi. Dầu đang ở trên đỉnh cao danh vọng, nhưng vốn là sứ giả dọn đường, ngài phải rút lui để nhường chỗ cho Đấng Thiên Sai “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Chính Đức Giêsu cũng đã ra đi để Đấng Bảo Trợ đến như lời ngỏ: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7).
* Lạy Chúa Giêsu, tham quyền cố vị là độc trùng luôn tác hại đến chính bản thân cũng như những người thuộc quyền và cả lãnh địa. Biết thế nhưng thật khó mà dứt bỏ. Xin Chúa giúp chúng con hết mình phục vụ nhưng đừng bao giờ dính bén.     
Suy niệm 5: Đường thánh giá
Nếu mọi con đường đều dẫn tới Lamã, thì đường thập giá là con đường duy nhất dẫn tới quang vinh thiên đàng (Lc 24,26). Tất nhiên thánh Grêgôry cũng không thuộc diện ngoại lệ. Ngài đã phải trả bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá nhân ngài.
Đó cũng là cái giá chung mà các sứ giả chân chính của Thiên Chúa phải có để cứu độ bản thân và chúng sinh, cũng như làm cho muôn người được nên công chính (Is 53,5.11). Giêrêmia bị chống đối và bị nguyền rủa (Gr 8,18-21;11,19;15,18). Mikhagiơhu bị ngược đãi với việc bị vả mặt, bị cầm tù, bị giảm thiểu tối đa của ăn thức uống (1V 22,24-27).
Ngay cả Đức Giêsu cũng bị các thân nhân của Ngài hiểu lầm là “người mất trí” (Mc 3,21), bị các kinh sư từ Giêrusalem xuống xuyên tạc là “Người bị quỷ vương Bendêbút ám và dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3,22), bị vu khống và cáo gian (Mt 26,59), bị nhục mạ, bị chế giễu và bị sỉ vả (Mt 27,39-44) và bị tử hình (Ga 19,18).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con vốn sợ đau khổ nên cũng thường lẫn tránh thập giá. Điều này cũng có nghĩa là chúng con đang đi vào con đường rộng dẫn tới diệt vong (Mt 7,13). Cảm tạ Chúa dịp này đã cảnh tỉnh chúng con qua các tấm gương nêu trên. Xin giúp chúng con can đảm đi vào con đường hẹp để được sự sống đời đời (Mt 7,14).   
Suy niệm 6: Cô độc
Sống độc thân chưa hẳn đã phải cô độc, ngược lại sống dưới mái ấm gia đình với bao người vẫn có thể cô độc. Vậy cô độc là gì? Nói nôm na đó là tình trạng tự mình cắt đứt mọi liên lệ với tha nhân, hoặc ngược lại bị mọi người ruồng bỏ dầu chính mình không muốn. Và chính đây là trường hợp của thánh Grêgôry. Vào những ngày cuối đời, ngài sống cô độc và khắc khổ. Nhưng ngài lại vận dụng thời điểm này để sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. 
Ngôn sứ Êlia đã lâm vào tình cảnh này, khi đơn độc thờ phượng Chúa, vì từ vua quan đến toàn dân, tất cả đều theo hướng của hoàng hậu Ideven để sụp lạy Baan. Sau cuộc tranh tài với bốn trăm năm mươi ngôn sứ của Baan trên núi Cácmen, Êlia đã phải đào tẩu để bảo toàn sinh mạng (1V 19,3).
Đức Giêsu chẳng những bị các môn đệ lìa xa không còn đi theo Ngài nữa (Ga 6,66), bị Giuđa Ítcariốt phản bội (Ga 18,2), bị các tông đồ rời bỏ trốn thoát (Mc 14,50), bị quần chúng xin tha Baraba và lên án giết chết (Lc 23,18), mà Ngài còn bị cả Cha Ngài bỏ rơi trên thập giá (Mc 15,35) .
* Lạy Chúa Giêsu, qua việc phạm tội, chúng con cũng đã từng bỏ rơi Chúa cô độc. Chúng con xin Chúa thứ tha. Chúng con hạ quyết tâm từ nay xa lánh tội lỗi, giữ mình trong sạch, hầu xoa dịu vết thương lòng của Chúa ngần nào có thể.