Suy niệm hạnh thánh _ 12/1

THÁNH ANTÔN MARIA PUXI
(1819-1892)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Eustacchio là người con thứ trong bảy người con của một gia đình nông dân ở Tuscany, không xa với thành phố Florence là bao. Mặc dù ông bố thường dọn lễ cho nhà thờ trong làng, nhưng ông không thích thú cho lắm khi thấy con mình có ý định đi tu. Tuy nhiên, vào năm 18 tuổi, Eustacchio đã gia nhập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, và lấy tên là Antôn Maria.
Sau khi được học kinh điển và thần học, ngài được thụ phong linh mục năm 1843. Vào năm 28 tuổi, ngài được bài sai đi coi xứ đầu tiên -- và duy nhất -- ở thành phố Viareggio ven biển. Ngài ở đây trong suốt cuộc đời, tận tụy phục vụ trong 45 năm. Ngài được giáo dân mến mộ đặt cho ngài cái tên dễ mến là "il curatino" (cha sở bé nhỏ). Ngài đặc biệt lưu tâm đến người bệnh, người già và người nghèo, và tận tâm phục vụ họ, nhất là trong hai trận dịch tễ hoành hành ở đây.
Ngài là người biết nhìn xa trông rộng, đã thành lập nhà nuôi trẻ cạnh bờ biển và là người tiên phong của Tổ Chức Thời Thơ Ấu Thánh Thiện ở Ý. Từ 1883 đến 1890, ngài còn là bề trên tỉnh dòng Tôi Tớ Đức Mẹ ở Tuscan.
Khi ngài từ trần ngày 12-1-1892 ở Viareggio, toàn thể thành phố đã thương tiếc ngài. Ngài được phong thánh năm 1962 trong khoá họp đầu tiên của Công Đồng Vatican II.
Suy niệm 1: Bố
Mặc dù ông bố thường dọn lễ cho nhà thờ trong làng, nhưng ông không thích thú cho lắm khi thấy con mình có ý định đi tu.  
Dầu không thích, nhưng bố của Puxi vẫn chấp nhận nguyện ước đi tu của con, vì tình Chúa phải luôn được đặt ở nấc thang cao nhất trên tất cả các mọi thứ tình cảm, ngay cả các tình cảm chính đáng và cao quý như tình phụ tử. Chính Đức Giêsu đã nếm trải kinh nghiệm này, khi Chúa Cha buộc Ngài phải uống cạn chén đắng để ban ơn cứu độ cho nhân loại (Mt 26,39).
Tổ phụ Ápraham cũng đã sẵn sàng hiến tế con trai một dấu yêu Ixaác trên một ngọn núi ở xứ Môrigia, miễn là đẹp lòng Thiên Chúa (St 22,2). Thủ lãnh Gíptác cũng hy sinh tình phụ tử đối với cô con gái độc nhất của ông, khi sát tế cô, để thực hiện lời khấn hứa cùng Thiên Chúa (Tl 11,39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho các gia trưởng biết giáo dục con cái theo mẫu gương sống là đặt Chúa trên hết mọi sự.
Suy niệm 2: Tên
Vào năm 18 tuổi, Eustacchio đã gia nhập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, và lấy tên là Antôn Maria. Ngài lại được giáo dân mến mộ đặt cho ngài cái tên dễ mến là "il curatino" (cha sở bé nhỏ).
Tên gọi của mỗi người thường mang theo một ý nghĩa hoặc một sứ mạng. Vì thế việc cải tên cho một người, như trường hợp của thánh Puxi, không là lạ thường trong xã hội loài người cũng như trong lịch sử cứu độ. Chính Thiên Chúa cải tên Ápram thành Ápraham, Xarai thành Xara, Giacóp thành Ítraen (St 17,5.15;32,29).
Simôn được cải tên là Phêrô với sứ mạng làm đá tảng xây dựng Hội Thánh (Mt 16,18). Gioan Tẩy Giả cũng được gọi là Gioan Tiền Hô, vì chẳng những ngài làm phép rửa tại sông Giođan, mà còn tự nhận là người đi trước để dọn đường cho Chúa (Mt 3,3-6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đúng danh xưng Kitô hữu, mà mỗi người chúng con đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội.
Suy niệm 3: Duy nhất
Vào năm 28 tuổi, ngài được bài sai đi coi xứ đầu tiên -- và duy nhất -- ở thành phố Viareggio ven biển. Ngài ở đây suốt đời, tận tụy phục vụ trong 45 năm.
Cả đời Puxi chỉ phục vụ một giáo xứ duy nhất, và giúp toàn xứ chỉ phụng thờ một Thiên Chúa duy nhất. Đây là một điều khoản căn bản trong minh ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Người: Không được có thần nào khác, cũng không được phủ phục trước thần nào khác (Xh 20,3;34,14).
Thiên Chúa duy nhất, điều khoản này đã được Giôsuê nhắc nhở lại và đã được toàn dân cam kết thực hiện ở đại hội Sikhem (Gs 24,22). Chính Đức Giêsu đã dùng điều khoản này, để đánh bại các chước cám dỗ của ma quỷ và xua đuổi chúng đi (Mt 4,10).
* Lạy Chúa Giêsu, ở một xứ duy nhất chưa hẳn Puxi là một cha xứ duy nhất, nhưng ở suốt 45 năm đến chết mà vẫn được mọi người mộ mến thì chắc Puxi là người duy nhất. Xin Chúa giúp các mục tử chuyên tâm hướng dẫn đoàn chiên chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa duy nhất mà thôi. 
Suy niệm 4: Già
Ngài đặc biệt lưu tâm đến người bệnh, người già và người nghèo, và tận tâm phục vụ họ, nhất là trong hai trận dịch tễ hoành hành ở đây.
Tuổi già dần dần gặm nhấm sức lực con người, khiến người già mất sức lao động và khó tự mình xoay xở, nên cần đến sự quan tâm trợ giúp của tha nhân, cụ thể của giới trẻ, của con cháu (Hc 3,12-16).
Với kinh nghiệm từng trải, người già thật đáng kính trọng và thường được đóng vai trò thủ lãnh (Xh 3,16;Lv 19,32). Tuy nhiên có một nguy cơ là người già thường nệ cổ bất chấp chân lý. Vì thế có lần Đức Giêsu đã tranh luận với các kinh sư về việc họ dựa vào truyền thống mà vi phạm các điều răn (Mt 15,3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ủi an những người già cả, và giúp họ luôn làm gương tốt cho giới trẻ, như cụ già Elada (2Mc 6,31).
Suy niệm 5: Nhìn xa
Ngài là người biết nhìn xa trông rộng, đã thành lập nhà nuôi trẻ cạnh bờ biển và là người tiên phong của Tổ Chức Thời Thơ Ấu Thánh Thiện ở Ý.
Môsê cũng là người biết nhìn xa trông rộng. Ông vốn biết ông không đưa dân sang sông Giođan vào miền đất hứa, vì đó là sứ mạng của một người khác. Ông đã đặt tay và chọn Giôsuê làm người phụ tá để thay thế ông (Ds 27,23). Khi được một trăm hai mươi tuổi và sắp qua đời, ông đã giới thiệu Giôsuê cho dân và trao quyền cho Giôsuê (Đnl 31,7).
Đức Giêsu cũng là người biết nhìn xa trông rộng. Ngài thừa hiểu thời gian phục vụ ở trần gian của Ngài không là bao, nên Ngài đã tuyển lựa nhóm Mười Hai trong tổng số các đồ đệ và gọi là Tông Đồ (Lc 6,13), cũng như cắt đặt Phêrô làm đầu Hội Thánh (Mt 16,18), để các ngài tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng khắp muôn dân thiên hạ (Mt 28,19).
* Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu chân chúng con đạp đất, nhưng xin Chúa giúp mắt chúng con luôn nhìn xa đến tận quê hương đích thực trên trời.
Suy niệm 6: Thương tiếc
Khi ngài từ trần ngày 12-1-1892 ở Viareggio, toàn thể thành phố đã thương tiếc ngài. Ngài được phong thánh năm 1962 trong khoá họp đầu tiên của Công Đồng Vatican II.
Cái chết của một người thân thường để lại những thương tiếc cho tang quyến. Ông Giuse đã gục mặt vào mặt cha già Giacóp mà khóc và hôn cha (St 50,1). Còn vua Đavít lại run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc thương con: “Ápsalôm con ơi! Phải chi cha chết thay con” (2Sm 19,1).
Nhưng khóc thương và tiếc nuối cho một người không phải là thân bằng quyến thuộc như trường hợp của thánh Puxi  thì thật là đáng kể. Môsê là một trong những ngoại lệ này. Con cái Ítraen đã than khóc thọ tang ông suốt ba mươi ngày (Đnl 34,8). Và Đức Giêsu cũng được các phụ nữ thành Giêrusalem vừa đấm ngực vừa than khóc Ngài trên đường thập giá (Lc 23,27).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy sống làm sao, để khi chào đời thì người cười mà khi lìa đời thì người thương khóc.