Suy niệm hạnh thánh _ 08/1

THÁNH THÔPHIN  
(c. 1285)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ

Lược sử
Sau khi Thánh Thôphin từ trần khá lâu, người ta mới biết đến cuộc đời thánh thiện của ngài. Thánh Thôphin từ trần năm 1285 trong một đan viện Xitô ở Bỉ.
Năm mươi năm sau, ngôi mộ của ngài tình cờ bị khai quật trong một công trình xây cất, và mọi người đều kinh ngạc vì một mùi thơm nồng nàn phát ra từ quan tài của ngài. Do đó, vị đan viện trưởng bắt đầu cuộc điều tra. Trong đan viện, chỉ còn người đan sĩ già tuổi nhất, Goatơ Muđa, là còn nhớ đến Đức Giám Mục Thôphin. Thật vậy, Cha Goatơ đã quá khâm phục đức tính nhân từ và kiên quyết của Đức Thôphin đến nỗi ông đã làm thơ về Đức Thôphin ngay khi ngài còn sống. Và khi Đức Thôphin từ trần, Cha Goatơ đã dán các bài thơ ấy trong mộ của Đức Thôphin. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới.
Chắc chắn đây là một dấu hiệu mà Thiên Chúa muốn Đức Thôphin được tưởng nhớ và được vinh danh. Dân chúng bắt đầu tuốn đến để xin Đức Giám Mục Thôphin cầu bầu cho họ, và các phép lạ bắt đầu xảy ra.
Theo bài viết của Cha Goatơ, Đức GM Thôphin đến từ Na Uy. Khi là linh mục ở Na Uy, có lẽ ngài phục vụ ở vương cung thánh đường Niđarô với chức vụ kinh sĩ. Dường như trong thời gian ở đây, ngài đã ký một văn kiện quan trọng. Ngài là một nhân chứng của Hiệp Ước Tônbéc năm 1277. Đây là một hiệp ước giữa Vua Manho VI và đức tổng giám mục nhằm giải thoát Giáo Hội khỏi sự khống chế của nhà cầm quyền. Nhưng vài năm sau, Vua Êríc đã bãi bỏ hiệp ước này. Ông trở mặt và chống đối đức tổng giám mục cũng như hai giám mục phụ tá là Đức Giám Mục Anrê của Ốtlô và Đức Gíam Mục Thôphin của Hama.
Sau đó các giám mục phải ra nước ngoài lánh nạn. Đức Giám Mục Thôphin khởi đầu một hành trình đầy cam go về đan viện Têđôê ở Lanđơ, mà người ta cho rằng trước đây ngài là một đan sĩ của đan viện này. Con tầu của ngài từng bị đắm. Sau cùng, ngài đã đến được đan viện và sống ở đây cho đến chết. Ngài từ trần ngày 8 tháng Giêng 1285. 
Suy niệm 1: Thời gian trả lời
Sau khi Thánh Thôphin từ trần khá lâu, người ta mới biết đến cuộc đời thánh thiện của ngài. Thật vậy, khi Đức Thôphin từ trần, Cha Goatơ đã dán các bài thơ trong mộ của Đức Thôphin. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới.
Đức Giêsu bị kết tội đóng đinh thập giá giữa hai người trộm cướp. Trước mắt người đời, đó là một công cuộc thất bại. Người Dothái coi việc Ngài chịu đóng đinh là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ (1Cr 1,23). Nhưng hiện nay Ngài được biết đến là chính Đấng cứu độ (Lc 2,11), là nguồn ơn cứu độ (Dt 5,9) bằng con đường hạ mình đến chết trên thập giá (Pl 2,8), bằng con đường đau khổ dẫn đến vinh quang (Lc 24,26).
Đôi khi Chúa cũng để những người đã nên trong sạch phải chịu vu khống về đức khiết tịnh. Một thiếu nữ trắc nết tại Ars đi hoang, sinh một đứa con và đổ tội cho Cha Gioan Vianê là tác giả. Ngài vẫn trầm lặng chịu ô nhục và anh dũng chờ đợi thời gian trả lời. Sau cuộc điều tra, bề trên nhìn nhận cha Vianê vô tội. Bao nhiêu vu khống trở nên vô ích, nhưng cũng là một lưỡi gươm đâm thẳng vào trái tim ngài.  
* Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng bị vu khống nên Chúa thấu hiểu những trường hợp như thế. Xin giúp chúng con đừng bao giờ vu khống cho người. Và đồng thời nếu chúng con bị vu khống thì xin Chúa cho chúng con kiên tâm chờ đợi thời gian trả lời, và nếu được xin rút vắn thời gian đó cho chúng con.
Suy niệm 2: Tình cờ
Thánh Thôphin từ trần năm 1285 trong một đan viện Xitô ở Bỉ. Năm mươi năm sau, ngôi mộ của ngài tình cờ bị khai quật trong một công trình xây cất, và mọi người đều kinh ngạc vì một mùi thơm nồng nàn phát ra từ quan tài của ngài. Do đó, vị đan viện trưởng bắt đầu cuộc điều tra.
Dưới con mắt người đời, nhiều chuyện được xem là xảy ra tình cờ, nhưng thật sự tất cả đều nằm trong chương trình tình thương quan phòng của Thiên Chúa toàn năng. Thật vậy do việc xây cất một công trình, mà ngôi mộ của thánh Thôphin tình cờ bị khai quật, nhưng chính Chúa đã sắp xếp có sự kiện đó, để mọi người phát hiện có mùi thơm và nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới, hầu thánh Thôphin được tưởng nhớ và được vinh danh.
Vua Saun trong thời Cựu Ước cũng lầm tưởng việc vắng mặt của Đavít trong bữa tiệc là một chuyện tình cờ (1Sm 20,26), nhưng thật ra đó là một sắp xếp có chủ ý giữa hai người bạn thân Gionathan và Đavít, để nắm bắt tâm địa thật sự của vua Saun, hầu dễ đối phó.
* Lạy Chúa Giêsu, Chúa vốn dạy mọi người chớ lo gì mà hãy luôn tin tưởng và tín thác vào Chúa quan phòng (Mt 6,25-34), vì với Chúa chẳng có gì là mới mẻ và tình cờ cả. Xin Chúa giúp chúng con tâm niệm và thực thi lời Chúa dạy.
Suy niệm 3: Nhân từ và kiên quyết
Trong đan viện, chỉ còn vị đan sĩ già tuổi nhất, Goatơ Muđa, là còn nhớ đến Đức Giám Mục  Thôphin. Thật vậy, Cha Goatơ đã quá khâm phục đức tính nhân từ và kiên quyết của Đức Thôphin đến nỗi ông đã làm thơ về Đức Thôphin ngay khi ngài còn sống. 
Đức Giêsu cũng là con người rất nhân từ và kiên quyết. Lòng nhân từ của Ngài được biểu lộ cách rõ rệt qua việc gần gũi và tha thứ các tội nhân thành tâm thống hối, bất chấp thái độ chống đối của nhóm Pharisêu. Ngược lại Ngài tỏ ra rất kiên quyết thực thi chương trình Chúa Cha vạch định: Ngài cương quyết lên Giêrusalem (Lc 9,51) cho dầu bị Phêrô cản ngăn (Mt 16,21-23), và cho dầu tại đó phải chịu tử nạn (Mc 10,33).
Vua thánh Đavít cũng thật nhân từ khi thương khóc đứa con bất hiếu là Ápsalôm vốn đã làm loạn và bị chết, cũng như tha chết cho Simy, kẻ đã từng nguyền rủa và nhục mạ vua trên đường trốn chạy (2Sm 19,1.24). Ngài cũng tỏ ra kiên quyết không nghe lời xúi giục của đám tùy tùng, để bỏ qua hai dịp không giết vua Saun vốn đang săn đuổi ngài (2Sm 24,7;26,9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên quyết nhân từ với người chứ không với mình, ngược lại luôn nghiêm khắc với mình chứ không với người. 
Suy niệm 4: Dấu hiệu
Khi Đức Thôphin từ trần, Cha Goatơ đã dán các bài thơ trong mộ của Đức Thôphin. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới. Chắc chắn đây là một dấu hiệu mà Thiên Chúa muốn Đức Thôphin được tưởng nhớ và được vinh danh.
Với lời tiên báo của tiên tri Simêôn, Đức Giêsu quả là một dấu hiệu cho người đời chống báng (Lc 2,34). Chẳng lạ gì, vừa chào đời, Ngài đã bị vua Hêrôđê tìm giết (Mt 2,13). Suốt thời gian rao giảng Tin Mừng, nhóm đầu mục Dothái lại luôn dò xét, xuyên tạc, vu cáo và kết án tử hình thập giá (Lc 14,1;Mt 26,60-61;27,20-22).
Để củng cố niềm tin của Môsê, chính Thiên Chúa tự phát ban cho Môsê một số dấu hiệu, như gậy hóa rắn và ngược lại, tay bị phong cùi và lại được sạch, nước sông Nin hóa thành máu (Xh 4,1-9). Để xác minh về ơn gọi làm thủ lãnh, ông Ghítôn cũng xin Thiên Chúa một dấu hiệu (Tl 6,36-40).
* Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng chối từ không ban dấu lạ cho người Pharisêu, vì họ xin mà không thành tâm (Mt 12,38). Xin giúp chúng con đừng dừng lại ở dấu hiệu, mà chủ yếu là sống tỉnh thức đón chờ Chúa đến (Mt 24,42). 
Suy niệm 5: Nhân chứng
Khi là linh mục ở Na Uy, có lẽ Thôphin phục vụ ở vương cung thánh đường Niđarô với chức vụ kinh sĩ. Dường như trong thời gian ở đây, ngài đã ký một văn kiện quan trọng. Ngài là một nhân chứng của Hiệp Ước Tônbéc năm 1277.
Hơn ai hết Đức Giêsu là “chứng nhân trung thành tuyệt hảo” (Kh 1,5;3,14). Ngài xuống trần để làm chứng về chân lý (Ga 18,37), về những gì đã thấy và nghe nơi Cha (Ga 3,11.32t), về bản tính mình (Ga 8,13t). Ngài là nhân chứng chống lại thế gian xấu xa (Ga 7,7). Và lời tuyên xưng của Ngài trước mặt Philatô là một lời chứng tối cao (1Tm 6,13) nói rõ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa (1Tm 2,6).
Các tông đồ cũng đã đóng vai trò làm chứng nhân cho sứ mạng cứu nhân độ thế của Đức Giêsu. Chính thánh Phaolô cũng tự minh định rằng ngài được chọn gọi để “làm chứng nhân cho Đức Giêsu trước mặt mọi người” (Cv 22,15;26,16). Và không chỉ các tông đồ mà tất cả những ai tin theo Đức Giêsu thì cũng đều có sứ mạng làm chứng nhân đó (Kh 12,17;19,10).
* Lạy Chúa Giêsu, nói thì dễ, chỉ có làm mới khó, và càng khó hơn khi làm chứng nhân cho ánh sáng đích thực là chính Chúa (Ga 9,5). Xin Chúa thương giúp chúng con hoàn thành sứ mạng đó.  
Suy niệm 6: Hiệp ước
Hiệp Ước Tônbéc năm 1277 là một hiệp ước giữa Vua Manho VI và đức tổng giám mục nhằm giải thoát Giáo Hội khỏi sự khống chế của nhà cầm quyền. Nhưng vài năm sau, Vua Êríc đã bãi bỏ hiệp ước này. Ông trở mặt và chống đối đức tổng giám mục cũng như hai giám mục phụ tá là Đức Giám Mục Anrê của Ốtlô và Đức Gíam Mục Thôphin của Hama. Sau đó các giám mục phải ra nước ngoài lánh nạn.
Vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, cũng đã xuất hiện việc ký kết hoặc hủy bỏ hiệp ước. Thật vậy,  để tạo thế, Basa vua Ítraen phải bỏ Rama mà trở về Tiaxa, Axa vua Giuđa đã dùng bạc vàng còn lại trong kho, để ký được hiệp ước liên minh với vua Aram là Ben Hađát, và do đó vua Aram phải hủy bỏ hiệp ước đã ký kết trước đó với vua Basa (1V 15,18-20).
Việc ký kết hoặc hủy bỏ hiệp ước thật là chuyện thường tình trong xã hội loài người từ xưa đến nay. Nhưng với Đức Giêsu thì không như thế. Giao ước Ngài thiết lập bằng chính máu rất thánh của Ngài (Lc 22,20), đã đổ ra cho mọi người được tha tội (lời truyền phép) thì mang tính vĩnh cửu trường tồn (Dt 13,20). 
* Lạy Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, chúng con đã kết ước làm con dân của Chúa, xin giúp chúng con đừng bao giờ vi phạm các điều khoản vốn có, và tuyệt đối đừng bao giờ hủy bỏ vì bất cứ lý do gì.