TRÁNH VIỆC NỊNH HÓT
Thói thường việc ninh hót bao giờ cũng hại hơn cho kẻ nịnh hót. Nó chỉ là một sự giả dối và cũng như in giấy bạc giả, thế nào cũng có phen bị bại lộ.
Vậy thì lời khen tặng và lời nịnh hót khác nhau ở chỗ nào? Chính ở chỗ một đàng là thật từ đáy lòng phát ra và hoàn toàn không vụ lợi. Còn một đàng thì ở ngọn lưỡi, giả dối để kiếm lợi.
Lời khen tặng làm cho người ta hài lòng, lời phỉnh nịnh ai cũng khinh bỉ.
Dưới một pho tượng cổ hình dung tướng Obregon, người ta có khắc câu ông đã nói lúc còn sinh thời: “Ta chớ nên sợ kẻ thù công kích ta, mà nên rất ghê sợ những người bạn phỉnh nịnh ta”.
Anh Hoàng George V sai khắc trong ngự tiền văn phòng của Ngài sáu câu châm ngôn, trong đó có câu này: “Các ông dạy cho tôi đừng nịnh hót, mà cũng đừng nghe những lời nịnh hót đê tiện”.
Triết gia Emerson cũng đã nói: “Ngôn ngữ không giấu nổi bản tính”. Nghĩa là bạn muốn miệng lưỡi khôn khéo tới mức nào, bạn cũng không giấu được bản tính của bạn.
Nếu chỉ có tài nịnh hót là đủ rồi, thì dễ quá, tất cả chúng ta đã có thể trở thành những nhà ngoại giao đại tài cả.
Đáng lẽ chỉ nghĩ tới mình thôi chúng ta nên rán để ý đến người khác, tìm những tính tốt của họ và lúc đó chúng ta có thể thành thật khen họ mà không cần phải dùng những lời tán dương giả dối, đến nỗi chưa kịp hở môi, chúng ta đã bị lột mặt nạ rồi.
Emerson còn nói: “Bất kỳ người nào tôi gặp, cũng có chỗ hơn tôi đáng cho tôi học”.
Điều đó đúng với Emerson, thì đối với chúng ta còn đúng cả ngàn lần nữa. Đừng nghĩ tới ta nữa, tới tài năng và nguyện vọng của ta mà hãy nghĩ tới đức tính của người và bỏ cái thói nịnh hót đi. Lời khen thành thật phải từ thâm tâm ta phát ra. Đừng tiếc những lời cảm ơn và khuyến khích. Những lời đó, ít lâu sau ta có thể quên đi, nhưng những người được ta thành thật khen tặng thì hoan hỷ và luôn luôn nhắc nhở tới.