TRƯỚC NHỮNG NGUY HIỂM
ĐANG ĐE DOẠ HỘI THÁNH VIỆT NAM
ĐANG ĐE DOẠ HỘI THÁNH VIỆT NAM
Báo động là điều những người có trách nhiệm phải làm, khi thấy hiểm nguy sắp xảy ra cho cộng đoàn.
Cảnh báo là điều những người thiện chí được lương tâm thúc đẩy nên làm, khi thấy trước hiểm nguy có thể xảy ra cho bất cứ ai.
Dù mang danh nghĩa nào, chia sẻ dưới đây cũng vẫn là một tiếng kêu. Kêu la, kêu than, kêu khóc, kêu cầu trước hiện tình Hội Thánh Việt Nam.
Tiếng kêu trước một tình hình Hội Thánh không có nghĩa là tình hình ấy xấu. Nó chỉ có nghĩa là một tình hình nguy hiểm cần phải hết sức thận trọng trước những đe doạ tàn phá đức tin. Những hiểm nguy đó từ ngoài cũng có, và tự trong cũng có. Xem ra những hiểm nguy từ trong nội bộ lại rất phức tạp, nặng nề. Sự thận trọng, mà tiếng kêu xin được giãi bày ở đây, sẽ vắn gọn ở vài điểm.
1/ Xin quan tâm nhiều hơn đến việc hối cải, trở về với Chúa
Khi Chúa xuống trần, dân Do Thái được lãnh đạo bởi một cấp bậc đạo đức, đó là các vị thượng tế, được nâng đỡ bởi một lớp chuyên viên đạo đức, đó là các biệt phái và các luật sĩ, được che chở bởi một cái khung đạo đức, đó là luật Maisen, được gắn kết lại với nhau bằng những thói tục truyền thống đạo đức, không ai có quyền đụng tới.
Đạo đức đến như thế phải coi là chắc chắc lắm. Thế nhưng, thánh Gioan Baotixita được Chúa sai đi dọn đường cho Chúa Cứu thế, đã nhấn mạnh đến việc sám hối. Chính Chúa Giêsu cũng coi việc rao giảng sự sám hối, đổi mới con người là ưu tiên của sứ vụ cứu đời. Tất cả đều chứng tỏ rằng: Canh tân đạo Chúa phải khởi đi từ việc đổi mới con người với việc hối cải. Cần hối cải, bởi vì Chúa thấy nhiều cơ chế gọi là đạo đức, nhưng thực sự chỉ là đạo đức hình thức; nhiều người gọi là đạo đức, nhưng thực sự chỉ là đạo đức giả; nhiều thói quen gọi là đạo đức, nhưng chỉ là đạo đức vụ lợi phô trương.
Hiểm nguy của đạo thời đó cũng tiềm ẩn trong đạo thời nay. Đó là những thứ đạo đức giả đó đây. Tự hào với những đạo đức giả sẽ không thể có sám hối. Cái gì cũng cho mình là đúng, thì làm sao sám hối được. Đó lại là một nguy cơ dẫn tới diệt vong.
Hiểm nguy rất lớn hiện nay đối với sự sám hối còn là: Nơi nhiều người có sự cứng lòng, sự mất ý thức về tội, và trốn tránh những chân lý sau cùng của đời người.
Hiểm nguy tệ nhất có thể là một nếp sống đạo đón nhận đủ thứ thông tin, nhưng lại không đón nhận thông tin từ Lời Chúa.
2/ Xin quan tâm nhiều hơn đến đời sống nội tâm
Chúa Giêsu, khi nói về đời sống nội tâm, đã nhấn mạnh đến sự gắn bó mật thiết với Người. "Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được" (Ga 15,5).
Con người nội tâm gắn bó với Chúa, để thực thi thánh ý Chúa Cha: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).
Con người nội tâm đón nhận thánh ý Chúa Cha từ Chúa Thánh Thần. "Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với các con từ nơi Chúa Cha. Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy" (Ga 15,26).
Khi nói về đời sống nội tâm, thánh Phaolô hay so sánh con người bên ngoài và con người bên trong. "Con người bên trong của chúng ta đổi mới mỗi ngày" (2 Cr, 4,16).
Ngài cũng so sánh con người cũ và con người mới. "Con người mới không ngừng đổi mới theo hình ảnh của Đấng tạo dựng nên nó" (Cl 3,9).
Đời sống nội tâm như vậy là một hành trình tái sinh trong ơn nghĩa Chúa. Nó làm cho con người trở nên con Chúa, có sự sống của Chúa.
Tiếc thay là đời sống nội tâm hiện nay không được quan tâm đúng mức. Phong trào tục hoá đang hoạt động mạnh. Nó được đón nhận trong nhiều cộng đoàn. Nó gây được thiện cảm nơi nhiều người tu. Nó có chỗ đứng cả trong nhiều phụng vụ và bài giảng.
Hiểm nguy là nhiều người có trách nhiệm canh tân Hội Thánh lại không ưa thích đời sống nội tâm, nhưng đổ sức vào những tổ chức bề ngoài. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi còn là Hồng Y, đã viết trong cuốn "Muối của Đất": "Những cải cách hôm nay, sẽ không đến từ những Thượng Hội đồng, cho dù các Thượng Hội đồng có lý do chính đáng để tồn tại, và đôi khi cũng cần thiết, nhưng những cải cách sẽ đến từ những nhân vật có sức thuyết phục, mà chúng ta gọi là những vị thánh".
Các Thượng Hội đồng đã được Đức Thánh Cha nhìn như thế. Phương chi các thứ Đại hội của chúng ta. Ấy thế mà nhiều khi các tổ chức ồn ào lại được chúng ta quá đề cao. Hiểm nguy chính là ở đó.
Nếu không được Chúa hướng dẫn, chúng ta dễ trở thành những người phản chứng.
3/ Xin quan tâm nhiều hơn đến yêu thương bác ái
Những dòng sau cùng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong cuốn "Muối của Đất" đã nhấn mạnh đến tình yêu bác ái. Ngài khuyên những người công giáo hãy là những người biết yêu thương. Họ hãy là hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu.
Lời khuyên của Đức Thánh Cha chỉ là tiếng vang vọng của lời Chúa Giêsu: "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,34-35).
Yêu thương bác ái là giá trị cần thiết nhất, như lời thánh Phaolô quả quyết: "Giả như tôi có đức tin mạnh đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì" (1 Cr 13,2).
Lý thuyết là như vậy. Còn trên thực tế, phải nhận rằng chúng ta còn nhiều lỗi lầm thiếu sót trong lãnh vực bác ái. Nhiều khi còn thua kém xa những người ngoài công giáo.
Hiểm nguy dễ nhận thấy nhất về bác ái đang đe doạ Hội Thánh Việt Nam là nhiều lỗi lầm thiếu sót về yêu thương đang được bình thường hoá, nhất là sự phân hoá và sự dửng dưng, vô cảm trước cảnh khổ đau của người khác. Thậm chí một số trường hợp, sự độc ác đối với những người khác lại được hợp thức hoá, vì lý do bênh đạo.
Cũng vì thiếu lửa bác ái, nhiều sinh hoạt tôn giáo hiện nay đang trở thành nhàm chán, tẻ nhạt, không những không lôi cuốn được ai đến với Chúa, mà còn gây nên chia rẽ và ác cảm đối với Hội Thánh.
Những cái nhìn trên đây cho phép chúng ta thấy những nguy hiểm là rất lớn. Tuy nhiên, ánh sáng vẫn nhiều hơn bóng tối. Tôi tin Hội Thánh Việt Nam của tôi vẫn luôn được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ, được Chúa thánh hoá, được Chúa sai đi. Xin cảm tạ Chúa đến muôn đời.
+ GM. GB. Bùi Tuần