Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - năm C

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

NĂM C
Is 40,1-5. 9-11; Tt 2,11-14; 3,4-7; Lc 3,15-16. 21-22
BÀI ĐỌC I: Is 40,1-5. 9-11
1 Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta: 2 Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.” 3 Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. 4 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. 5 Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.”
9 Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng: "Kìa Thiên Chúa các ngươi!" 10 Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. 11 Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.
ĐÁP CA: Tv 103
Đ. 1 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
 Chúa muôn trùng cao cả
.
1b Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt, 2a cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang.
2b Tầng trời thẳm,Chúa căng như màn trướng,3 điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không. Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió. 4 Sứ giả Ngài:làm gió bốn phương, nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.
24 Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. 25 Này đại dương bát ngát mênh mông, nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,
27 Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn. 28 Ngài ban xuống, chúng lượm về, Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
29 Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. 30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.
BÀI ĐỌC II: Tt 2,11-14 . 3,4-7
2           11 Anh em thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. 12 Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. 13 Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. 14 Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
3           4 Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. 5 Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. 6 Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. 7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Lc 3,16
Hall-Hall: Ông Gioan nói: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến; chính Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 3,15-16. 21-22  
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
THANH TẨY HẠ THẤP CON THIÊN CHÚA
NHƯNG NÂNG CAO PHÀM NHÂN
Từ ngày Con Thiên Chúa làm người suốt 30 năm tuổi đời, Ngài luôn luôn tỏ ra là một cậu bé dễ thương:
·        Nào là Ngài được các chú mục đồng đến tôn thờ (x Lc 2,8-16). Cả đến vua chúa trần gian cũng tìm đến Ngài để dâng tặng các báu vật (x Mt 2,1-12)
·        Những vị cao niên như ông Simêon và bà Anna suốt đời mong đợi Đấng Cứu Thế, cuối cùng cũng đã được ôm cậu bé Giêsu mới sinh được 40 ngày vào lòng, làm họ thỏa mãn cuộc đời! (x Lc 2,22-38)
·        Ở tuổi 12, Ngài đã làm cho các Tiến sĩ Luật phải thán phục về cách trình bày giáo lý của Ngài. (x Lc 2,41-47)
Nhưng từ tuổi 30 đến 33, Ngài đã tự hạ mình đến tận cùng, Ngài gánh lấy tội muôn dân, chịu để người đời kết án là kẻ phạm tội nặng nhất, từ dòng sông Gio-đan đến đồi Sọ! Và như thế là suốt ba năm, Ngài đã hạ mình thấp hèn nhất, nhằm thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để Ngài nâng phàm nhân lên!
Ta đặt câu hỏi:
* Bí tích Thánh Tẩy Chúa Giêsu thiết lập hoàn hảo vào lúc nào, và Ngài muốn nhân loại đón nhận thế nào?
* Bí tích Thánh Tẩy sinh hiệu qủa gì để đưa con người lên tuyệt đỉnh?
* Người đã được tái sinh bởi Bí tích Thánh Tẩy, phải sống thế nào?

1/ BÍ TÍCH THÁNH TẨY CHÚA GIÊSU THIẾT LẬP HOÀN HẢO VÀO LÚC NÀO, VÀ NGÀI MUỐN NHÂN LOẠI ĐÓN NHẬN THẾ NÀO?
Thánh Gioan Tẩy Giả nói về phép rửa của Đức Giêsu thực hiện: “Ngài thanh tẩy anh em trong Thánh Thần và trong lửa.” (Lc 3,16: Tin Mừng).
Hình ảnh đó xảy ra chính vào ngày lễ Ngũ Tuần. Hôm đó có đầy đủ những chứng nhân tin theo Đức Giê-su, họ cùng cầu nguyện với Mẹ Ma-ri-a, thì Thánh Thần hiện xuống như hình lưỡi lửa đậu trên từng người trong cộng đoàn (x Cv 1,13-14; Cv 2). Từ ngày đó, Hội Thánh bắt đầu cử hành Phụng Vụ, gồm có:
-                            Cầu nguyện qua Kinh Phụng Vụ.
-                            Cử hành các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.
Hội Thánh dạy cho ta biết Phụng Vụ mới thực là nguồn thanh tẩy con người. Thánh Gioan Tẩy Giả diễn tả sự thanh tẩy đó qua hình ảnh: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Lc 3,17: Tin Mừng).
Như vậy, “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3, 4-7: Bài đọc II)
Vậy người Kitô giáo càng thiết tha tham dự Phụng Vụ, họ càng được Thiên Chúa làm hoàn tất ơn Bí tích Thánh Tẩy họ đã lãnh nhận khởi đi từ nước. Do đó, sau khi thụ nhân được dìm trong nước (hay đổ nước), vị chủ sự kèm theo lời đọc: “Nhân Cha và Con và Thánh Thần”, thì không ai thưa: “Amen”, có nghĩa là khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy bằng nước mới là khởi đầu đi vào một cuộc đời thanh tẩy. Nói cách khác, thanh tẩy bằng nước chưa hoàn hảo. Bí tích Thánh Tẩy chỉ hoàn hảo nhờ suốt cuộc đời người tân tòng hằng được tái sinh bởi Lời Chúa (x Gc 1,18), cũng như được tái sinh bởi Chúa Giêsu Thánh Thể (x Cv 2,38), kèm theo các việc lành của họ làm nhờ Giêsu, với Giêsu, trong Giêsu, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn ơn tha thứ tội lỗi, như lời thánh Phêrô nói: “Đức ái phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8)
2/ BÍ TÍCH THÁNH TẨY SINH HIỆU QỦA GÌ ĐỂ ĐƯA CON NGƯỜI LÊN TUYỆT ĐỈNH?
Hiệu quả của Bí Tích Thánh Tẩy nâng con người lên tuyệt đỉnh, là được trở nên Hiền Thê của Con Thiên Chúa. Thánh Luca đã diễn tả chân lý này: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22: Tin Mừng)
·        Trời mở ra”: Chính Đức Giêsu đã nhắc lại hình ảnh ông Giacob khi đi tìm người vừa ý để cưới làm vợ, dọc đường ông mệt, ông lấy cục đá gối đầu ngủ, ông mơ thấy trởi mở ra và các Thiên thần Chúa lên xuống trên chiếc thang bác từ trời xuống đầu ông, và Chúa hứa ban cho dòng giống ông đông như sao trời nhiều như cát biển. Dòng giống ông bành trướng khắp bốn phương trời, mọi dân tộc sẽ lấy danh ông mà cầu phúc cho nhau, Chúa sẽ gìn giữ ông trên khắp nẻo đường và đưa ông về đất Ngài hứa ban (x St 28,10-17). Hình ảnh này nay được ứng nghiệm nơi ông Nathanael, khi ông say mê đọc Thánh Kinh rồi đến với Đức Giêsu, lúc ấy Đức Giêsu là Giacob mới đã tìm được người say mê đọc Thánh Kinh, cụ thể là ông Nathanael, người như thế trở thành Hiền Thê của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Tẩy, để được hưởng Lời Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông Giacob lúc ông nằm ngủ ở vệ đường! (x Ga 1,45-51)
·        Thánh Thần ngự xuống như hình dáng chim bồ câu”. Hình chim bồ câu trong Cựu Ước nêu bốn ý nghĩa:
a- Cuộc tạo dựng mới: Sau trận lụt Hồng Thủy, khi ông Noe thả con chim câu ra khỏi tầu, rồi nó bay về công theo ngành ô-liu non, báo hiệu nước đã rút. Lúc đó ông Noe mới mở cửa tầu cho con cái ông và các sinh vật ra (x St 8,8). Từ đó nhân loại được sinh ra bởi 8 người còn sống trong tàu Noe. Đó lại trở thành dấu chỉ loài người phải được tái sinh nhờ Hội Thánh (tàu Noe mới), thì vươn tới sự sống dồi dào bất tận.
b- Cuộc giải phóng: Ngôn sứ Isaia (60,8) và Hôsê (11,11) đã ví dân Do Thái được thoát cảnh nô lệ ở Babylon trở về quê tái thiết Đền Thờ, họ như “đàn chim câu bay về tổ”. Biến cố này đã trở thành dấu chỉ: Vào thời Tân Ước, ai lãnh Bí tích Thánh Tẩy khởi đi từ lúc Đức Giêsu xuống sông Giođan xin ông Gioan làm phép rửa, khi ấy Chúa Thánh Thần xuất hiện trên Đức Giêsu như chim bồ câu, từ đó ai lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, họ mới thực sự là người được giải phóng khỏi ách thống trị của Lề Luật giam người ta trong tội (x Gl 3,22).
c- Đức Kitô tìm thấy “Hiền Thê” của mình: Sách Diễm ca (2,14) gọi người yêu (Tân nương) là “Bồ câu anh ơi”. Vì thế thánh Phaolô nói với những người đã được ông ban Bí tích Thánh Tẩy: “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2Cr 11,2).
d- Thiên Chúa che chở và dẫn dắt dân Ngài: “Chim câu” người Do Thái gọi là “Shakinah”, còn có nghĩa là áng mây, Thiên Chúa dùng để che cho dân Do Thái trên đường tiến về đất Hứa (x Xh 13,22). Đó cũng là dấu chỉ vào thời Tân Ước ta được trở nên Hiền Thê của Đức Kitô, ta đã được mặc lấy Ngài (x Gl 3,27), thì chính Ngài che chở ta, không để sự dữ nào giựt ta khỏi tay quyền năng và yêu thương của Ngài, hơn xưa ngôn sứ Hôsê quyết tâm gìn giữ cô vợ điếm, như lời ông nói: “Phen này ta sẽ lột trần cái đĩ già của vợ ta trước mặt các gã tình lang, để không đứa nào giựt nó khỏi tay ta” (Hs 2,12: Bản dịch NTT).
Tất cả các giá trị trên, người Kitô hữu được lãnh nhận đầy đủ từ Phụng Vụ Hội Thánh. Điều này ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem,và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm… Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hố thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40,1-5: Bài đọc I).
 Thành bị giáng phạt hai lần tội phạm” là đền thờ Giêrusalem bị phá hai lần vì tội của dân Israel: lần thứ nhất do đế quốc Babylon vào năm -587, lần thứ hai do đế quốc Roma vào năm 70. Đó là dấu chỉ Đức Giêsu thiết lập Phụng Vụ mới thay thế Phụng Vụ Do Thái giáo, khi Đền Thờ là Thân Thể của Ngài bị phá (bị giết), nhưng sau ba ngày Ngài sống lại (x Ga 2,19-22). Mà Đức Giêsu đã tự phá hủy mình: nhận mình như một tội nhân lúc Ngài chịu phép rửa của ông Gioan (Đền Thờ bị phá lần I), và còn chịu để cho kẻ ác phá hủy thân xác Ngài lúc chúng treo Ngài trên thập giá (Đền Thờ bị phá lần II). Khi ấy Ngài mới thực sự hoàn tất việc thiết lập Phụng Vụ mới, để rồi Ngài truyền cho Hội Thánh tiếp tục làm hiện tại hóa Phụng Vụ Ngài đã thiết lập hòng cứu độ muôn dân.
3/ NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC TÁI SINH BỞI BÍ TÍCH THÁNH TẨY, PHẢI SỐNG THẾ NÀO?
Người Kitô hữu phải đáp lại lòng thương xót của Chúa bằng hai việc cụ thể:
a- “Chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu xuất hiện vinh quang, sau khi Ngài tự hiến mình trên thập giá để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, biến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,12-14: Bài đọc II). Như ta đã biết, sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, bề ngoài không có gì thay đổi nơi ta, y như một chàng sau khi lập gia đình, anh cũng không thay đổi gì về nghề nghiệp, về vóc dáng, về địa vị… Nhưng có sự thay đổi lớn trong tâm tư của anh: trước đây khi còn độc thân, sau giờ tan sở anh đi đâu tùy ý, nhưng khi có vợ, anh không còn được tự do đi đâu, vì anh biết phải về nhà đúng giờ theo ý người yêu; hoặc trước đây khi anh lãnh lương, anh tiêu xài không cần tính toán, nhưng khi đã lấy vợ, anh không dám xâm phạm vào tiền lương, vì biết vợ không đồng ý… Vậy khi ta biết mình đã là Hiền Thê của Chúa Kitô, thì từ suy nghĩ, lời nói và hành động, phải sống được như thánh Phaolô nói: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, phải làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (x 1Cr 10,31).
b- Nói cho muôn dân biết Đức GiêsuNgài như mục tử chăn giữ đoàn chiên, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11: Bài đọc I). Khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, ta đã xác tín rằng: Đức Giêsu chỉ một lần xuống sông Giođan xin ông Gioan làm phép rửa, lúc đó Ngài thông cho nước tự nhiên một sức thiêng để chuyển tải ơn cứu độ đến cho những ai tin theo Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất (x Cv 4,12); thế thì ta càng phải tin hơn nữa mỗi khi ta ý thức dự tiệc Thánh Thể cách trọn vẹn, ta được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20), thì ta chính là ân sủng của Thiên Chúa, ta cũng phải hết lòng phục vụ đồng loại như Chúa Giêsu phục vụ ta đến mất mạng sống. Đó là cách ta thông chia ơn cứu độ ta đã được lãnh nhận nơi Thiên Chúa cho những người ta gặp gỡ, hơn nước tự nhiên chuyển tải ơn Chúa đến cho ta. Muốn thế, ta phải hạ mình xuống như Đức Giêsu, như Mẹ Maria để phục vụ:
·         Đức Maria tự xưng là Tôi Tớ: thì Mẹ bế Con Thiên Chúa vào đời.
·         Đức Giêsu trở nên người Tôi Tớ: thì Ngài bế ta lên Trời, để “hồn ta dâng lời chúc tụng Chúa muôn trùng cao cả” (Tv 104/103,1: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đối với Đức Kitô (1Cr 11,1).

Lời Chúa Tuần 1 Thường Niên