Suy niệm hạnh thánh _ 10/1

THÁNH GRÊGÔRIÔ Ở NYSSA
(330-395)   
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Grêgôgiô là con út của một gia đình đã góp phần rất lớn cho Giáo Hội và gia đình ấy có ít nhất năm vị thánh.
Sinh trưởng trong thành phố bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, Grêgôriô là con của hai vị thánh Basil và Emmilia, và lớn lên trong sự dẫn dắt của người anh là Thánh Basil Cả, và người chị Macrina. Sự thành công trong việc học của Grêgôriô tiên đoán một tương lai rạng rỡ. Sau khi là giáo sư hùng biện, ngài được khuyến khích dâng hiến tài năng và hoạt động cho Giáo Hội, và ngài đã gia nhập đan viện của người anh là Basil Cả. Sau khi lập gia đình, Grêgôriô tiếp tục học làm linh mục và được phong chức (vấn đề độc thân thời bấy giờ không phải là điều kiện để làm linh mục).
Ngài được chọn làm Giám Mục của Nyssa năm 372, là giai đoạn nhiều căng thẳng về bè rối Arian, họ từ chối thiên tính của Đức Kitô. Sau một thời gian giam cầm vì bị bè rối Arian vu oan là biển thủ ngân quỹ Giáo Hội, Đức Grêgôgiô được phục hồi quyền bính năm 378. 
Chính sau cái chết của người anh yêu quý là Thánh Basil mà Đức Grêgôgiô mới thực sự chứng tỏ khả năng của ngài. Các học thuyết của ngài chống với Arian và các sai lầm khác lừng danh đến nỗi ngài được xưng tụng là người bảo vệ chính giáo. Ngài được sai đi trong các sứ vụ chống trả các bè rối, và giữ một vị thế quan trọng trong Công Đồng Constantinople. 
      Danh tiếng của ngài kéo dài cho đến khi từ trần, nhưng qua nhiều thế kỷ, danh tiếng ấy lu mờ dần khi người ta không rõ ngài có phải là tác giả của các học thuyết ấy hay không. Tuy nhiên, chúng ta phải cám ơn công trình của các học giả trong thế kỷ 20, vì nhờ đó mà tầm vóc của Thánh Grêgôriô lại được phục hồi. Thật vậy, Thánh Grêgôriô ở Nyssa không chỉ được coi là một trụ cột của chính giáo, nhưng còn là người đóng góp quan trọng cho các truyền thống bí nhiệm trong linh đạo Kitô Giáo và cho hệ thống đan viện.
Suy niệm 1: Con út
Thánh Grêgôgiô là con út của một gia đình đã góp phần rất lớn cho Giáo Hội và gia đình ấy có ít nhất năm vị thánh.
Người Á Đông thường dành nhiều đặc quyền cho người trưởng nam, vì thế ít chú trọng đến người con út. Chính Thiên Chúa đã làm một cuộc cách mạng trong lãnh vực này, khi chọn Giacóp làm tổ phụ chứ không phải anh cả Êxau (St 27,30), cũng như chọn con út Đavít chứ không chọn các anh trong gia đình ông Giesê mà xức dầu phong vương (1Sm 16,11-13). 
Có thể nói chính thánh Phaolô là vị tông đồ cuối cùng được Đức Giêsu đích thân kêu gọi (Cv 15,9) trên đường ngài đi Đamát. Dầu vậy ngài lại được Đức Giêsu tuyển chọn làm vị tông đồ dân ngoại (Cv 9,15;22,21) chứ không phải các tông đồ khác thâm niên hơn ngài.  
* Lạy Chúa Giêsu, trong mắt Chúa, người trưởng nam, con thứ hay con út, thậm chí nam hay nữ, tất cả đều bình đẳng, đều là con của Chúa, miễn là hết mình thuộc về Chúa. Xin giúp chúng con tự tin và luôn bền đỗ đến cùng để được cứu thoát (Mt 10,22).
Suy niệm 2: Dẫn dắt
Sinh trưởng trong thành phố bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, Grêgôriô là con của hai vị thánh Basil và Emmilia, và lớn lên trong sự dẫn dắt của người anh là Thánh Basil Cả, và người chị Macrina.
Nếu mù mà lại dắt mù thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố (Mt 15,14). Ngược lại nếu được dẫn dắt bởi những người tốt lành và thánh thiện thì cơ may lành thánh sẽ rất cao. Thật vậy cậu út đã theo gương các anh và ghi khắc các lời khuyên nhủ của thân mẫu, cậu đã bỏ ngoài tai những lời dụ dỗ của vua Antiôkhô, cậu dõng dạc tuyên xưng đức tin và anh dũng đón nhận cực hình cùng với cái chết tử đạo (2Mcb 7,24-40).
Tuy nhiên một yếu tố tối hậu không thể không được đề cập đến, đó là người được dẫn dắt có hết mình sống theo sự chỉ dẫn ấy không. Một Giuđa Ítcariốt được sống tam cùng với Đức Giêsu, và dĩ nhiên được thừa hưởng bao lời dạy dỗ của vị Tôn Sư bậc nhất trần ai này, nhưng vì nghe mà không thực hành nên cuối đời đã phạm tội phản bội Thầy mình và tự sát.
* Lạy Chúa Giêsu, gặp được một thầy tốt quả là một điều tốt, nhưng điều tốt hơn nữa, đó là phải lắng nghe và chăm chỉ thực hành. Xin Chúa thương giúp chúng con.
Suy niệm 3: Giam cầm
Grêgôriô được chọn làm Giám Mục của Nyssa năm 372, là giai đoạn nhiều căng thẳng về bè rối Arian, họ từ chối thiên tính của Đức Kitô. Sau một thời gian giam cầm vì bị bè rối Arian vu oan là biển thủ ngân quỹ Giáo Hội, Đức Grêgôgiô được phục hồi quyền bính năm 378. 
Sống trong tình cảnh bị giam cầm, tù nhân thật sự không còn tự do. Tuy nhiên hãy nhớ rõ: tù nhân bị mất tự do về thân thể, chứ nào ai có thể giam cầm được tinh thần. Một Gioan Tẩy Giả vẫn giữ vững lập trường chống đối hôn nhân mang tính loạn luân của hoàng đế Hêrôđê cho đến lúc phải bị chém đầu (Mc 6,27).
Bị giam cầm trong ngục thất ở phòng giam sâu nhất, cả Phaolô và Xila vẫn bình tâm hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa. Nhất là dầu ở tình thế lao tù, hai ngài vẫn tiếp tục sứ mạng rao giảng, đã hoán cải và làm phép rửa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy (Cv 16,23-34).
* Lạy Chúa Giêsu, việc bị giam cầm hôm nay trong ngục tù làm sao đáng sợ bằng việc sẽ bị giam cầm đời đời trong lửa hỏa ngục. Xin cho chúng con biết thế và luôn có một chọn lựa đúng đắn.
Suy niệm 4: Bảo vệ 
Các học thuyết của Grêgôriô chống với Arian và các sai lầm khác lừng danh đến nỗi ngài được xưng tụng là người bảo vệ chính giáo. Ngài được sai đi trong các sứ vụ chống trả các bè rối, và giữ một vị thế quan trọng trong Công Đồng Constantinople.
Nhằm bảo vệ Lề Luật và Giao Ước của tổ tiên, ông Máttítgia đã cùng với năm người con trai hô hào và quy tụ những người còn tín trung trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Họ trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản và phát động phong trào chống lại lệnh bài xích đạo của vua Antiôkhô (1Mcb 2,1-28).
Phương án bảo vệ đức tin tinh tuyền đã tìm được hướng đi thích hợp, đó là truyền bá niềm tin. Chính Thiên Chúa đã hé mở cách thế ấy cho vị tông đồ trưởng qua thị kiến buộc Phêrô phải ăn những vật ô uế và không thanh sạch (Cv 11,1-18).
* Lạy Chúa Giêsu, truyền giáo là một lệnh truyền của Chúa trước lúc về trời. Thực tế chúng con thường tách biệt việc bảo vệ và việc truyền giáo là hai việc khác nhau. Cảm tạ Chúa đã chỉ cho chúng con phương cách: truyền giáo là cách bảo vệ hữu hiệu nhất.   
Suy niệm 5: Danh tiếng
Danh tiếng của Grêgôriô kéo dài cho đến khi từ trần, nhưng qua nhiều thế kỷ, danh tiếng ấy lu mờ dần khi người ta không rõ ngài có phải là tác giả của các học thuyết ấy hay không.
Xưa có lời: Rắn chết để da, người chết để tiếng. Danh thơm tiếng tốt vốn là một kim chỉ nam cho người đời nói chung. Nhưng vô tình không thiếu người lại để lại tiếng xấu. Vì ganh với danh tiếng Đavít, vua Saun đã rơi vào một sai lầm lớn lao, là đã sống bất nhân bất nghĩa với ân nhân mình (1Sm 18,8-9).
Được nổi danh ở đời nhưng lại làm mất lòng Thiên Chúa, thử hỏi có đáng không? Đức Giêsu đã nêu gương: Hãy là con yêu dấu của Chúa cho dầu phải bị người đời ghét bỏ và giết chết, vì được cả thế giới mà đánh mất phần rỗi mình thì nào được ích gì (Mt 16,26). 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu và sống: càng phấn đấu thành nhân càng nỗ lực nên thánh, được vang danh gian trần sao bằng được làm hiển thánh thiên đàng.   
Suy niệm 6: Phục hồi
Phải cám ơn công trình của các học giả trong thế kỷ 20, vì nhờ đó mà tầm vóc của Thánh Grêgôriô ở Nyssa lại được phục hồi. Thật vậy, ngài không chỉ được coi là một trụ cột của chính giáo, nhưng còn là người đóng góp quan trọng cho các truyền thống bí nhiệm trong linh đạo Kitô Giáo và cho hệ thống đan viện. 
Thánh Grêgôriô được phục hồi tầm vóc. Cá nhân quan chánh chước tửu lại được vua Pharaô cho phục hồi chức vụ (St 40,13). Còn đạo quân Ítraen phục hồi được khí thế và lại dàn trận để chiến đấu sau lần bị bại trận ở Ghípa (Tl  20,21-23). 
Bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh với hiệu năng ban ơn cứu độ, Đức Giêsu đã phục hồi toàn thể thụ tạo. Ngài đã tái mở cửa thiên đàng vốn đã bị đóng lại sau tội nguyên tổ (St 3,24;Kh 4,1). Ngài trở thành chiếc cầu nối giữa đất và trời (Cl 1,20). Ngài là trung gian giao hòa giữa Thiên Chúa và con người với ơn nghĩa tử (2Cr 5,18-19).  
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin mượn lời Thánh Vịnh để dâng lời nguyện cầu: Xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ (Tv 80,4).