Suy niệm hạnh thánh _ 09/1

Tôi tớ Chúa Vicô Nétchi
 (1876-1930)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vào ngày 9 tháng Giêng 1930, Luđôvicô (Vicô) Nétchi, giáo sư y khoa của Đại Học Milan từ trần. Theo di chúc của ông, trên tấm mộ bia chỉ khắc hàng chữ: Vicô Nétchi, Dòng Ba Phanxicô. Là một người phi thường, ông được chôn cất trong nhà nguyện của Đại Học Thánh Tâm ở Milan, với hy vọng một ngày nào đó ông sẽ được tôn kính trên bàn thờ.
Khi là thanh niên, Vicô rất yêu mến Đức Kitô, Thánh Phanxicô và Giáo Hội. Trong tinh thần Dòng Ba, ông sống với nhiệt huyết của Thánh Phaolô và sự nhân từ của Thánh Phanxicô. Với cương vị của một giáo sư ông chống đối các thói đời trái ngược với Kitô Giáo và đưa người ta về với Đức Kitô. Một trong những người nổi tiếng mà ông đã hoán cải là Augúttinô Gemenli, là người đồng sáng lập Đại Học Thánh Tâm với ông Vicô.
Ông Vicô là người siêng năng cầu nguyện, khiêm tốn, duyên dáng và luôn tươi cười, người đứng ở tuyến đầu trong phong trào Tông Đồ Giáo Dân ở Ý. Bất kể những chống đối và thử thách, ông dùng nghề giáo của ông như một khí cụ tông đồ để hoán cải các bệnh nhân, và đặc biệt ông bác ái một cách rộng rãi với các trẻ em bị bệnh chậm phát triển.
Suy niệm 1: Di chúc
Vào ngày 9 tháng Giêng 1930, Luđôvicô (Vicô) Nétchi, giáo sư y khoa của Đại Học Milan từ trần. Theo di chúc của ông, trên tấm mộ bia chỉ khắc hàng chữ: Vicô Nétchi, Dòng Ba Phanxicô.
Di chúc của người sắp lìa đời thường được tôn trọng và thực hiện, vì gói ghém ước nguyện tối thượng của một đời người. Giacóp kêu mời con cháu luôn trung thành với Thiên Chúa (St 49,8-12). Giôsuê đòi buộc Ítraen phải cam kết phụng thờ Thiên chúa (Gs 24). Tôbít trăn trối con cái phải thực thi công chính và làm việc bố thí (Tb 14,8-9).
Trước khi ra đi chịu chết, Đức Giêsu đã trao gởi những lời cáo biệt như một di chúc. Ngài mong ước mọi người sống đoàn kết hiệp nhất nên một (Ga 17,11.21-23), trên nền móng tình thương theo gương Ngài như một điều răn mới (Ga 13,34;15,12), và dĩ nhiên không trên môi miệng mà bằng hành vi phục vụ cụ thể (Ga 13,15;1Ga 3,18).
* Lạy Chúa Giêsu, để tỏ lòng thảo hiếu và quý yêu người quá cố, chúng con luôn hết sức thực thi di chúc của họ. Nếu thế, tại sao chúng con không nỗ lực thực hành di chúc của Chúa, nhất là việc này có hiệu năng mang lại hạnh phúc thiên đàng mai sau?
Suy niệm 2: Chôn cất
Là một người phi thường, Vicô được chôn cất trong nhà nguyện của Đại Học Thánh Tâm ở Milan, với hy vọng một ngày nào đó ông sẽ được tôn kính trên bàn thờ. 
Các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp lần lượt qua đời và đều được chôn cất trong các ngôi mộ trong cái hang ở cánh đồng của ông Éprôn, con ông Xôkha, người Khết (St 25,9;35,29;49,29). Ngay cả thi thể Đức Giêsu cũng được chôn cất trong một ngôi mộ đã được đục sẵn trong núi đá (Mt 27,60).
Truyền thống chôn cất thi hài trong thánh đường chỉ có sau khi đã xây dựng được những nơi thờ phượng, và vinh dự này chỉ dành cho những vị đã được tuyển chọn đặc biệt, chứ không phải ai ai cũng được.
* Lạy Chúa Giêsu, được chôn cất ở đâu hoặc được hỏa táng theo hiện luật, điều đó không quan trọng. Cái khẩn thiết là sống thánh để được chết lành hầu bảo đảm được phần rỗi linh hồn.
Suy niệm 3: Thanh niên
Khi là thanh niên, Vicô rất yêu mến Đức Kitô, Thánh Phanxicô và Giáo Hội. Trong tinh thần Dòng Ba, ông sống với nhiệt huyết của Thánh Phaolô và sự nhân từ của Thánh Phanxicô. 
Thanh niên Giuse đạo đức thánh thiện giữ sạch tấm thân không sa vào sự quyến rũ của vợ ông chủ (St 39,10), quảng đại bác ái với anh em dầu bị họ ganh ghét đối xử tàn tệ (St 45,14). Do đó Giuse được Thiên Chúa ở cùng, được ơn giải mộng cho quan và vua Pharaô, để rồi làm được tể tướng triều đình Aicập.
Ngược lại hai thanh niên Khópni và Pinkhát, con của tư tế Êli, lại theo đuổi lối sống xấu xa tội lỗi, vừa bất nhân với người, vừa xúc phạm đến Thiên Chúa, nên đã bị phạt chết trong cùng một ngày, và vô tình lôi kéo theo cả cái chết của phụ thân (1Sm 4,17-18).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho giới trẻ hết mình sống tốt, đúng theo kỳ vọng của mọi người đặt để là rường cột của xã hội và Giáo Hội.
Suy niệm 4: Hoán cải
Với cương vị của một giáo sư, Vicô chống đối các thói đời trái ngược với Kitô Giáo và đưa người ta về với Đức Kitô. Một trong những người nổi tiếng mà ông đã hoán cải là Augúttinô Gemenli, là người đồng sáng lập Đại Học Thánh Tâm với ông.
"Giáo dục để dẫn đưa người khác về với đức tin là nhiệm vụ của mọi người rao giảng và của mỗi tín hữu. Tuy nhiên, người tông đồ không chỉ làm nhân chứng trong cuộc sống; một người tông đồ đích thực luôn tìm cơ hội để loan báo Đức Kitô cho thế giới, cho người chưa có đức tin... hoặc cho tín hữu" (Giáo Lý Công Giáo).
Đức Giêsu quả là nhà giáo dục đại tài và là một tông đồ đích thực, khi Ngài luôn nắm bắt mọi cơ hội chợt đến. Tại bờ giếng Giacóp, nhân dịp phụ nữ Samari đến lấy nước, Ngài đã giới thiệu nước hằng sống và giúp chị ta hoán cải, cũng như giúp dân làng có được niềm tin vào Ngài là Đấng cứu độ trần gian  (Ga 4).
* Lạy Chúa Giêsu, đã gọi là cơ hội thì không phải là thường xuyên xảy ra, và hẳn là không phải lâu dài, xin giúp chúng con luôn nhanh chóng và triệt để tận dụng, để không phải hối tiếc là chúng đã vụt qua như bóng câu qua cửa sổ. 
Suy niệm 5: Tươi cười
Ông Vicô là người siêng năng cầu nguyện, khiêm tốn, duyên dáng và luôn tươi cười, người đứng ở tuyến đầu trong phong trào Tông Đồ Giáo Dân ở Ý.
Cổ nhân có lời khuyên dạy: “Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui,  lúc nào nét mặt cũng tươi cười” (Hc 26,4). Thật vậy, giàu tiền và giàu của cải, nhưng lòng bất an và luôn bị con sâu sầu muộn đục khoét, thì tinh thần sẽ suy sụp và sớm muộn cũng bị ngã bệnh mà chết, để rồi xuôi tay nhắm mắt chẳng mang theo được gì. Ngược lại nghèo đói mà lạc quan vui vẻ thì đời vẫn thật là đáng sống.
Nhất là trong phạm vi bố thí và dâng cúng, cần phải giữ nét mặt tươi cười với lòng hân hoan vui vẻ (Hc 35,8), vì của cho vốn quý nhưng không thể nào sánh được với cách cho. Người đàn bà góa đã từng được Đức Giêsu khen ngợi hơn bao người giàu có bỏ tiền vào hòm cúng đền thờ (Lc 21,1-4).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tươi cười vui vẻ với mọi người, vì một vị thánh buồn là một thánh nhân đáng buồn. 
Suy niệm 6: Trẻ em
Bất kể những chống đối và thử thách, ông dùng nghề giáo của ông như một khí cụ tông đồ để hoán cải các bệnh nhân, và đặc biệt ông bác ái một cách rộng rãi với các trẻ em bị bệnh chậm phát triển.
Trẻ em thường bị coi thường và hay bị đánh giá là quấy rầy cũng như gây phiền nhiễu cho người lớn. Không lạ gì các tông đồ đã ngăn cản không cho chúng đến gần Đức Giêsu. Ngược lại chính Ngài lại quan tâm và tỏ dấu thân thiện. Ngài bồng bế và cầu nguyện cùng đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 10,13-16).
Hơn thế Ngài nâng chúng lên hàng mẫu gương, khi nói: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào" (Lc 18,17), “vì Nước Trời là của những ai giống như chúng" (Mt 19,14). Đàng khác Ngài cũng cảnh báo đừng làm gương xấu cho trẻ em phải sa ngã (Mt 18,6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp giới thiếu nhi đừng bao giờ tự ti mặc cảm đưới góc nhìn chung của xã hội loài người, nhưng luôn vững tin tiến bước theo mẫu gương Trẻ Giêsu: càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và người đời (Lc 2,40).