Suy niệm hạnh thánh _ 05/1


Thánh Gioan Niuman  
(1811-1860)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Gioan Niuman sinh trưởng ở Bôhêmi. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bôhêmi dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.
Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Để theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ. 
Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200.000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontari đến Pensynvani. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và ngài đã gia nhập dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philađenphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường. 
Đức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên dân chúng, đó là điều làm giới trưởng giả ở Philađenphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Đức Gioan khôi hài: "Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!"
Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Đức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Đức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Galic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm: "Thật tuyệt chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục là người đồng hương!"
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Đức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời: "Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được."
Đức Gioan từ trần ngày 5-1-1860 khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng, do đó ngài được phong chân phước ngày 13-10-1963, và ngày 19-6-1977 ngài được phong thánh.
Suy niệm 1: Trông đợi
Vào năm 1835, Gioan trông đợi để được thụ phong linh mục, nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Ngài viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu, nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.
Thời gian tâm lý trong khi trông đợi thật khó đo lường được. Không lạ gì, người đầy tớ đã xin chủ ruộng cho phép đi nhổ ngay cỏ lùng vốn bị kẻ thù gieo lẫn với lúa, chứ không thể ngồi trông đợi thời điểm của vụ gặt được (Mt 13,24-30).   
Thiên Chúa thì khác. Lời hứa ban ơn cứu độ đã có từ lúc hai ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội (St 3,15), nhưng Người vẫn trông đợi. Sau hằng bao thế kỷ mãi cho đến thời sau hết, Đức Giêsu vốn là Thánh Tử mới xuống thế làm người, để thực hiện công cuộc cứu nhân độ thế (Dt 1,1-2).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống trông đợi cách tích cực, có nghĩa là không phải ngồi ù lì không làm gì cả, mà ngược lại đầu tư thời gian ấy cho việc chuẩn bị đón nhận mục đích đang dần đến.
Suy niệm 2: Kiên nhẫn    
Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Để theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.
Dân Ítraen bị quân Átsua vây hãm suốt ba mươi bốn ngày, đến mức các vò nước, các bể nước đều cạn sạch. Trẻ con hao mòn, đàn bà và thanh niên kiệt sức. Họ vẫn kiên nhẫn cầm cự chứ không nãn lòng (Gđt 7,20-22.30). Bà Giuđitha xuất hiện, giết tướng quân Hôlôphécnê và giải cứu dân thành (Gđt 13,8).
Trước sự chối bỏ của Phêrô và sự phản bội của Giuđa Ítcariốt, Đức Giêsu không ngã lòng mà kiên nhẫn mời gọi hoán cải bằng một ánh nhìn, bằng một lời tâm tình (Lc 22,48.61). Duy chỉ Giuđa dầu đã tỏ lòng thống hối bằng việc ném tiền trả lại, nhưng không kiên trì giữ vững niềm tin vào tình thương tha thứ của Chúa, nên đã ra đi thắt cổ tự tử (Mt 27,3-5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết kiêm tâm bền chí để chuyển bại thành thắng, vì có công mài sắt ắt có ngày nên kim. 
Suy niệm 3: Mầu nhiệm ơn gọi
Thánh Gioan Niuman sinh trưởng ở Bôhêmi, theo đuổi ơn gọi linh mục tại quê nhà, nhưng rồi lại được thụ phong tại Nữu Ước và trông coi 200.000 người Công Giáo, với một địa bàn kéo dài từ Hồ Ontari đến Pensynvani. Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philađenphia.   
Vì là một ơn gọi nhưng không, nên dầu con người muốn mà Chúa không muốn thì cũng không được (Ga 15,16), như trường hợp một kinh sư ngỏ lời xin theo Đức Giêsu, nhưng Ngài đã từ chối cách khéo léo (Mt 8,19-20). Hoặc người bị quỷ ám ở Ghêrasa, sau khi được chữa khỏi đã xin Chúa cho ở lại với Ngài, nhưng Ngài không chấp nhận (Mc 5,19).
Và ngược lại, dầu là một ơn gọi nhưng không, nhưng nếu Chúa muốn mà con người không muốn thì cũng không được, như dụ ngôn tiệc cưới: Tiệc đã dọn sẵn, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, nhưng các quan khách từ chối không chịu đến vì nhiều lý do khác nhau (Mt 22,1-10;Lc 14,15-24).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xác tín: nếu có sự hòa điệu giữa việc Chúa chọn gọi và việc con người đáp trả hết mình, thì dù con người có hèn kém thế nào đi nữa, Chúa vẫn bù đắp thích đáng (2Cr 12,9) để hoàn thành chương trình của Người, như bao trường hợp điển hình: một Isaia với môi dơ bẩn (Is 6,4-6), một Môsê cứng miệng cứng lưỡi (Xh 4,10), một Gioan Maria Vianê luôn thi trượt.    
Suy niệm 4: Lên đường
Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.     
Đức Giêsu vốn không có nơi gối đầu, không cần thiết đến nhà cư trú, vì Ngài phải luôn lên đường (Lc 13,33). Thật vậy làm sao Ngài có thể chôn chân ở một ngôi nhà cố định được, khi trước mắt Chúa còn biết bao người chưa nhận biết Tin Mừng Cứu Độ cần Chúa đến loan báo (Lc 9,6), bao người đang còn ở trong bóng tối tội lỗi cần Chúa đến chiếu sáng và giải thoát (Mt 4,16).
Các Tông Đồ theo lời mời gọi của Chúa cũng đã ra đi rao giảng khắp nơi (Mc 16,20). Thậm chí những ai không muốn rời bỏ nơi cư ngụ, thì Chúa cũng tạo điều kiện buộc họ phải ra đi, chẳng hạn vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ Têphanô, nhiều người đã phải đi đến tận miền Phênixi, đảo Sýp và thành Antiôkhia, nhờ đó Tin Mừng Chúa đến được với cả người Hylạp (Cv 11,19-21).
* Lạy Chúa Giêsu, người đời vẫn thường chú trọng đến việc an cư lạc nghiệp, nhưng xin Chúa giúp chúng con luôn sẵn sàng lên đường để đem Chúa đến cho mọi người mọi dân.
Suy niệm 5: Cộng đoàn 
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Với chí hướng sống độc thân không vợ con, Đức Giêsu vẫn coi trọng nếp sống cộng đoàn. Ngài lập nhóm Mười Hai và sống tam cùng với họ: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với họ.
Ý thức tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn, vì con người là một sinh vật mang tính xã hội, các tông đồ đã tổ chức Giáo Hội như một cộng đoàn: Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến (Cv 2,44-47)
* Lạy Chúa Giêsu, vì bá nhân bá tánh nên dầu đời sống cộng đoàn là quan trọng, nhưng không phải dễ sống. Xin giúp chúng con luôn mưu cầu lợi ích chung, mình vì mọi người chứ không ngược lại.
Suy niệm 6: Phương tiện
Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Đức Gioan khôi hài: "Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!"
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Đức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời: "Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được."
Đức Giêsu đã từng vào thành Giêrusalem như lời ngôn sứ Isaia và Dacaria tiên báo: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21,5;Is 62,11;Dcr 9,9).
* Lạy Chúa Giêsu, có người chủ trương: bất chấp phương tiện miễn đạt được mục đích. Chúng con không sống hoàn toàn như thế, nhưng vô tình cũng xem phương tiện là cứu cánh đến mức xa xỉ và lãng phí trong việc mua sắm. Xin tha thứ cho chúng con.