Suy niệm hạnh thánh _ 23/12

Thánh GIOAN Ở KANTY
 (1390-1473)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Gioan là một người sinh trưởng ở thôn quê nhưng biết lợi dụng thị thành cũng như Đại Học Krakow ở Ba Lan để trau dồi thêm kiến thức. Sau khi hoàn tất việc học, ngài được thụ phong linh mục và là giáo sư thần học. Không may, vấn đề phe cánh thời ấy còn rất nặng nề nên những người ganh tị sự nổi tiếng của ngài đã lập mưu để đẩy ngài ra khỏi chức giáo sư. Ngay cả ngài không được phép lên tiếng và dẫn chứng để bào chữa. Bởi thế, vào lúc 41 tuổi, ngài bị đẩy về giáo xứ Olkusz, để học làm cha xứ.
Vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình nên ngài đã im lặng. Sau 8 năm, ngài được miễn tội và được trở về Krakow. Lúc ấy, ngài đã thu phục được lòng dân ở Olkusz, nên những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân ngài đến vài dặm để năn nỉ xin ngài ở lại với họ.
Cha Gioan luôn lập đi lập lại cho các sinh viên về triết lý này: "Chiến đấu với mọi sai lầm, nhưng hãy thi hành với sự vui vẻ, kiên nhẫn, ân cần, và bác ái. Sự khắc nghiệt chỉ làm hại chính linh hồn bạn và phá đổ mục đích tốt đẹp nhất."
Suy niệm 1: Kiến thức
Thánh Gioan là một người sinh trưởng ở thôn quê nhưng biết lợi dụng thị thành cũng như Đại Học Krakow ở Ba Lan để trau dồi thêm kiến thức.
Vị thánh gốc người Ba Lan này sinh năm 1390 tại miền Krakow nước Ba Lan ở Kenty, là con trai của một nông dân tốt lành. Nhận thấy con mình rất thông minh, song thân Gioan đã gởi ngài tới học tại trường đại học Kracow. Gioan Kanty học hành rất giỏi. Ngài có óc thông minh, khôn khéo, học hành giỏi giang, trổi vượt các bạn bè. Ngài sống suốt cuộc đời tại miền Krakow. Sau khi mãn trường ở đây, ngài trở thành linh mục, giáo sư văn chương, khoa trưởng triết học năm 1432 và Ngài cũng là giáo sư thần học vào năm 1443.
Thánh nhân đã làm hết sức mình, đã sống đời sống kết hợp mật thiết Thiên Chúa và hoàn thành một cách xuất sắc nhất mọi công việc bề trên trao phó cho ngài. Ðó là nét rất đặc biệt nơi cuộc sống ngài. Chúa đã thưởng công ngài và Giáo Hội đã nâng ngài lên bậc hiển thánh. Chúng ta hãy học nơi thánh Gioan Kanty sự chuyên cần chu toàn việc học cũng như việc nhà. Thiên Chúa chỉ mong đợi chúng ta cố gắng hết mình và Người sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Kanty giúp chúng ta làm việc với tinh thần vui tươi phấn khởi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy luôn cố gắng hết mình.
Suy niệm 2: Phe cánh
Vấn đề phe cánh thời ấy còn rất nặng nề.
Những người ganh tị sự nổi tiếng của ngài đã lập mưu để đẩy ngài ra khỏi chức giáo sư. Ngay cả ngài không được phép lên tiếng và dẫn chứng để bào chữa.
Nguyên nhân chính của tánh ganh ghét là lòng vị kỷ. Con người khi có tánh ích kỷ và luôn nghĩ đến mình, y chỉ biết sống cho y và nhìn mọi kẻ khác như đối thủ lợi hại. Y ganh ghét sự thành công và tham muốn tài sản của họ. Y không thể tha thứ cho hạnh phúc và tị hiềm về các thành quả của họ. Cuối cùng y hoàn toàn trở nên phần tử nguy hiểm không thích giao tiếp với xã hội và tạo ra nhiều khó khăn. Những khó khăn có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Nhiều sự khó khăn phát xuất từ sự thân quen của chúng ta… Một người khi thành công, những kẻ xa lạ thường không quan tâm gì đến y. Nhưng không may nếu y có quen biết vài người bạn hay bà con, những kẻ đó sẽ ganh ghét về thành quả của y. Họ sẽ đặt chuyện, và ngay cả tạo nên những trở ngại cho y. Gặp hoàn cảnh như vậy, y cần phải cố gắng nhẫn nhục. Và có thể hữu ích nếu y nhớ rằng người ta dễ dàng tiếp xúc với những kẻ xa lạ hơn là những người thân quen với y.
Tánh vị kỷ phát sinh từ ý tưởng sai lầm và thiếu sáng suốt không nhận chân được thực tại của cuộc sống. Nó là loại tình cảm rất tai hại, được xây dựng trên lòng tham dục và gây nên nhiều khổ đau, phiền não bất tận. Cần phải áp dụng các phương pháp chân chính và ngăn ngừa để có thể chế ngự những tình cảm không tốt đó. Ðiều thiện được xây dựng trên sức mạnh của tư tưởng và nó có khả năng thu hút điều thiện. Chúng ta gặt hái kết quả theo đúng những ý tưởng chúng ta đã gieo. Sự khổ đau và hạnh phúc của chúng ta là hậu quả trực tiếp của những ý tưởng lành hay ác của chúng ta theo định luật hấp dẫn mà nó được phổ biến ứng dụng trên mọi lãnh vực hoạt động.
Nếu người nào không may có một kẻ thù, điều tệ hại nhất mà y có thể gây ra cho chính y, không phải với người thù, là để cho lòng oán giận xâm nhập vào tâm hồn và khiến sự hận thù trở thành bệnh kinh niên. Tất cả chúng ta đều là những người bạn khổ đau và sống theo một định luật chung. Sự chọn lựa trong việc làm lành hay tạo ác đều tùy thuộc ở chúng ta. Cho nên, nếu bạn không muốn thấy hoặc nghe những thành quả tốt đẹp của kẻ khác, bạn cần phải suy nghĩ lại về cái nhìn của mình (Trích dịch tác phẩm “How To Live Without Fear & Worry”).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con diệt trừ tính ganh ghét bằng việc đem lòng khâm phục và phấn đấu đạt được cái hay của người.
Suy niệm 3: Cha xứ
Gioan Kanty bị đẩy về giáo xứ Olkusz, để học làm cha xứ.
Người dân ở Olkusz, Bohemia có đủ lý do để nghi ngờ vị cha xứ mới. Họ biết một giáo sư đại học nghĩ gì về cái thành phố quê mùa nhỏ bé của họ. Tệ hơn nữa, thành phố của họ đã từng được coi là nơi chứa chấp các linh mục bị "thất sủng." Chắc chắn rằng nếu ngài nổi cơn thịnh nộ trước sự bất công ấy, có lẽ không một người giáo dân nào đổ lỗi cho ngài. Nhưng vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình nên ngài đã im lặng.
Cuộc sống ở Olkusz cũng không dễ dàng gì. Ngài lo sợ trách nhiệm của một cha xứ. Bất kể ngài có cố gắng đến đâu, giáo dân vẫn giữ một thái độ lạnh lùng, xa cách. Nhưng hoạch định của Cha Gioan rất đơn giản, và hoạch định ấy xuất phát từ con tim chứ không phải trí óc. Trong bất cứ chương trình nào thực hiện, ngài đều cho họ thấy ngài thực sự lưu tâm đến người dân. Mặc dù sau nhiều năm vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự thành công, ngài thận trọng không lộ vẻ tức giận hay thiếu kiên nhẫn. Ngài biết, người ta không thể bị ép buộc sống bác ái, bởi thế ngài đã cho họ những gì tốt đẹp nhất mà ngài hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy. Sau tám năm trường, ngài được miễn tội và được trở về Krakow. Lúc ấy, ngài đã thu phục được lòng dân ở Olkusz, nên những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân ngài đến vài dặm để năn nỉ xin ngài ở lại với họ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các cha xứ theo gương thánh nhân luôn làm việc theo chiều hướng quan tâm đến người dân.
Suy niệm 4: Im lặng
Vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình nên Gioan Kanty đã im lặng.
Thánh Tông đồ nhắn nhủ chúng ta phải giữ thinh lặng khi người truyền cho chúng ta làm việc trong thinh lặng. Và Đấng tiên tri cũng minh thị rằng: Thinh lặng là hoa trái của đức công chính. Ở chỗ khác người dạy: dũng lực của anh em hệ tại ở thinh lặng và cậy trông.
Bởi đó cha truyền cho anh em giữ thinh lặng từ sau kinh tối cho đến hết giờ kinh nhất ngày hôm sau. Thời gian còn lại, mặc dầu luật giữ thinh lặng không nhiệm nhặt bằng, nhưng anh em cũng cố gắng tránh nói nhiều. Vì như có lời chép và kinh nghiệm cho thấy: Nói nhiều không tránh khỏi tội lỗi, ai nói năng không cân nhắc sẽ lãnh nhiều hậu quả xấu; và ở chỗ khác: ai nói nhiều thì làm tổn thương linh hồn mình. Trong Phúc Âm, Chúa cũng phán: Đến ngày phán xét, người ta phải trả lẽ về tất cả những lời bừa bãi mình đã nói. Vậy, mỗi người hãy cân nhắc lời nói của mình kẻo lưỡi sẽ làm cho mình sa ngã mà không chỗi dậy nổi cho tới chết. Hãy noi gương Đấng tiên tri canh giữ đường lối mình kẻo phạm tội do miệng lưỡi và chú trọng giữ thinh lặng, vì trong thinh lặng người ta mới có được đức công chính (Luật thánh Albertô, chương 21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết giữ im lặng trong khi làm việc cũng như khi bị hiểu lầm, để có được đức công chính.
Suy niệm 5: Tiễn chân
Những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân Gioan Kanty.
Người mến chuộng tiễn chân là việc thường xảy ra, nhưng ở trường hợp này lại có cả những người từng là thù nghịch. Và họ tiễn chân không phải tại chỗ mà với vài dặm và nhất là với tâm tình năn nỉ xin ngài ở lại với họ. Vì thấy họ rất buồn khi tiễn đưa mình ra đi, cha Gioan Kanty đã nói với họ: “Sự phiền muộn này không làm hài lòng Thiên Chúa đâu! Nếu trong những năm qua cha đã làm điều gì tốt cho các con, các con hãy ca lên bài ca hân hoan!”
Thiên Chúa luôn có con đường của Ngài. Mỗi vị thánh đều nổi bật về một nhân đức nào đó, chẳng hạn có thánh làm gương về sự trong sạch, có vị thánh về sự khó nghèo hay vâng phục. Tựu trung các vị thánh tuy có nổi bật về một vài nhân đức nào đó, họ vẫn có chung một mẫu số là sống càng giống Chúa Giêsu Kitô bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thánh Gioan ở Kanty là một vị thánh tiêu biểu: nhân từ, khiêm tốn và độ lượng; bị chống đối và sống kham khổ để ăn năn đền tội. Ngài có tấm lòng hoán cải rất đặc biệt và ý thức việc hành hương Giêrusalem như một phương thế để đền tội, đồng thời cầu nguyện cho các linh hồn. Ngài đã hành hương đất thánh Giêrusalem, viếng mộ Chúa Giêsu nhiều lần và đi Roma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ bốn lần. Hầu hết mọi Kitô Hữu trong một xã hội giầu sang có thể hiểu được tất cả những đức tính trên, ngoại trừ đức tính sau cùng: bất cứ điều gì đòi hỏi sự rèn luyện dường như người ta cho rằng chỉ dành cho các lực sĩ. Giáng Sinh là thời gian tốt để bỏ bớt những đam mê vật chất.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết đón nhận mọi biến vui buồn đến trong đời như đường lối Chúa muốn rèn luyện chúng con.
Suy niệm 6: Bác ái
Hãy thi hành với sự vui vẻ, kiên nhẫn, ân cần, và bác ái.
Ngài được bổ nhiệm làm cha sở Olkusz, một họ đạo nhỏ bé ở gần Krakow. Với chức vụ nào, Ngài cũng tỏ ra là một người nổi tiếng, xuất sắc không chỉ vì kiến thức sâu rộng, mà còn bởi đức bác ái, lòng thương xót, cảm thông đối với mọi người, đặc biệt là những con người nghèo khó, bơ vơ, vất vưởng. Ngài đã bố thí cho người nghèo tất cả những gì mình có.
Có lần Cha Gioan đang ngồi ăn và thấy người ăn xin đi qua trước cửa, ngài đứng dậy, đi theo, và cho họ tất cả những thức ăn ngài có. Không hỏi một lời, cũng không yêu cầu gì, khi nhận thấy nhu cầu của người khác ngài lập tức giúp đỡ họ với bất cứ gì ngài có.
Ngài được người ta mến chuộng đến nỗi thường được giới quý tộc mời ăn uống. Ngài ăn mặc hết sức giản dị. Có lần, ngài bị người gác cửa từ chối không cho vào dự tiệc chỉ vì chiếc áo chùng thâm bạc phếch của ngài. Ngài cũng không cãi lại mà trở về nhà, thay chiếc áo mới rồi trở lại. Trong bữa tiệc, người hầu bàn sơ ý làm đổ thức ăn trên chiếc áo mới của ngài. Thay vì khó chịu, ngài lại pha trò: "Không có gì. Chiếc áo của tôi cũng được ăn uống chứ. Nếu không vì lý do đó thì tôi đâu có đến đây."
Thánh Gioan Kanty sống thọ 83 tuổi. Trong suốt những năm ấy, rất nhiều lần thánh nhân đã bán những của ngài có để giúp đỡ người nghèo. Khi người ta bật khóc vì nghe biết Gioan Kanty đang hấp hối, thánh nhân đã an ủi họ: “Anh em đừng lo lắng cho cái nhà tù hay hư nát này; một hãy nghĩ tới linh hồn sắp sửa được thoát khỏi chốn ngục tù ấy!” Thánh Gioan Kanty về trời năm 1473; và được đức thánh cha Clêmentê XIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1767.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lo lắng cho cái nhà tù bản thân, mà hãy nghĩ tới việc tích lũy của cải trên trời bằng các việc bác ái.