Suy niệm hạnh thánh _ 20/12

Thánh ELIZABETH ở ÁO
(1554-1592)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
con gái của Hoàng Đế Maximilian II nước Đức, Elizabeth kết hôn với Vua Charles IX của Pháp khi mới 15 tuổi. Bốn năm sau ngài đã thành góa phụ, trở về Vienna, nhất định không tái hôn.
Thánh nữ là một gương mẫu cho tất cả mọi người. Đời sống của ngài thật đơn giản, luôn cầu nguyện, siêng đến nhà thờ, tham dự các buổi nguyện ngắm. Trong khi cố tránh con mắt dòm ngó của công chúng, ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô, phục vụ bệnh nhân trong các nhà thương hoặc ở nhà. Cũng như Cha Thánh Phanxicô, ngài lo lắng đến việc duy trì giáo hội.
Thánh Elizabeth từ trần khi ngài khoảng 38 tuổi, sau khi đã hoàn tất quá nhiều công việc để vinh danh Thiên Chúa và vì lợi ích cho người dân. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.
Suy niệm 1: Con gái
Elizabeth là con gái của Hoàng Đế Maximilian II nước Đức.
Ngài là người con thứ năm và là con gái thứ hai trong một gia đình có 16 người con mà đã qua đời hết 8 lúc còn ấu thơ. Ngài sống với người chị Anna và người em trai Matthias trong một dinh thự mới xây gần Vienne. Tại đây họ được giáo dục như những người Công Giáo đạo đức. Thân phụ thường đến thăm ngài và xem ra yêu quý ngài nhất, vì ngài giống ông hơn cả, không chỉ dáng vẽ bên ngoài mà đặc biệt về tính nết: thông minh và xinh đẹp. Nhưng ngài lại trổi vượt về mặt nhân đức khi ngài luôn quyết tâm sống theo gương một thánh nhân có tên như ngài, đó là thánh Elizabeth ở Hungary, mà ngài xem như là thần tượng của ngài.
Thật nhiệm mầu thay! Cuộc đời thánh Elizabeth ở Hungary như tái hiện lại ở thánh Elizabeth ở Áo, với một số điểm tương đồng khó tin được. Cả hai đều là công chúa, được đính hôn và trở nên hoàng hậu ở tuổi 14-15, nhưng cũng trở thành góa phụ rất sớm ở tuổi 20. Dầu sống trong giàu sang danh vọng, hai ngài vẫn chọn lối sống đơn sơ khiêm tốn được hấp thụ từ nhỏ, luôn quan tâm chăm sóc và phục vụ người nghèo khổ, đặc biệt các bệnh nhân, gia nhập vào dòng Ba Phanxicô để sống đời thanh bần và cầu nguyện, qua đời ở lứa tuổi còn rất trẻ: Elizabeth ở Hungary vào tuổi 24 còn Elizabeth ở Áo vào tuổi 38.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con họa lại lối sống của Chúa ở cuộc đời của chúng con.
Suy niệm 2: Kết hôn
Elizabeth kết hôn với Vua Charles IX của Pháp khi mới 15 tuổi.
Vào năm 1562, một sứ giả của Pháp sang Vienne, trông thấy công chúa 7 tuổi liền mừng rỡ thốt lên: Đây là hoàng hậu của Pháp quốc! Thế là hai quốc gia Đức-Pháp tao tặng quà nhau và bắt đầu giao hảo thân thiện.
Mãi đến năm 1569, cuộc hôn nhân mới bắt đầu tiến hành để cùng thắt chặt sự liên minh của người Công giáo trong cuộc chiến với giáo phái Tin Lành. Vào ngày 4.11.1570, ngài rời Áo với đoàn tùy tùng trong đó có Đức Tổng Giám Mục Trier. Đặt chân đến lãnh địa Pháp quốc, do một trận mưa dữ dội, họ phải dừng lại Sedan. Nhà vua tò mò muốn tìm biết vợ tương lai của mình, nên cải trang thành một ngưới lính gác, và cảm thấy thật hạnh phúc khi được nhìn thấy.
Và cuối cùng nghi thức hôn phối giữa Vua Charles IX nước Pháp và Công Chúa xứ Áo Elizabeth được cử hành long trọng tại Mézières do Đức Hồng Y Bourbon vào ngày 26.11.1570.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các đôi phối ngẫu luôn bảo vệ hạnh phúc lứa đôi bằng việc chung thủy trọn đời yêu thương nhau.
Suy niệm 3: Cầu nguyện
Đời sống của Elizabeth thật đơn giản, luôn cầu nguyện.
Vào ngày 25.3.1571, Đức Tổng Giám Mục Reims cử hành Thánh lễ tại Vương Cung thánh Đường Thánh Denis để chính thức tôn phong Elizabeth là Hoàng hậu Pháp quốc. Đây cũng là cột mốc thời gian ngài ẩn dật trong hoàng cung, xa rời nếp sống xô bồ của xã hội, không tham gia chính sự để đi sâu vào tâm tình cầu nguyện với thái độ đơn sơ, hiền dịu đến mức người người nhận xét: Cô gái Đức không làm tôi phải sợ. Việc không thành thạo tiếng Pháp khiến ngài càng không muốn các cuộc tiếp xúc nên lại càng có nhiều thì giờ hơn cho việc gặp gỡ Thiên Chúa.
Mỗi ngày ngài hiệp dâng hai Thánh Lễ cách sốt sắng. Lòng sốt sắng càng gia tăng hơn, sau khi ngài nhận được tin về cuộc thảm sát được gọi là Vụ Thảm Sát Thánh Batôlômêô vào ngày 24.8.1572, khi hàng ngàn người Tin Lành Pháp bị sát hại trên đường phố Ba Lê. Ngài dâng lễ với ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, và nhất là cầu nguyện cho phu quân mình là người có trách nhiệm khởi xướng vụ việc ấy.
Vài tháng sau vào ngày 27.10.1572, ngài hạ sinh cô gái đầu lòng ở Điện Louvre. Ngài đặt tên là Marie Elizabeth theo tên bà ngoại là Hoàng Thái Hậu Marie và Công Chúa Elizabeth I ở Anh quốc vốn là mẹ đỡ đầu của ngài. Niềm vui trở thành mẹ giúp ngài càng thiết tha cầu nguyện nhiều hơn để tạ ơn Chúa và chuẩn bị con đường tiến đức cho con sau này.
Sau thời gian sinh nở của ngài thì sức khoẻ của Nhà Vua sa sút nhanh chóng. Sự kiện này như dầu đổ thêm vào lò lửa cầu nguyện của ngài với khát mong phu quân được chóng hồi phục. Thế nhưng ông đã qua đời vào ngày 30.5.1574. Hết 40 ngày tang lễ, ngài được gọi là Hoàng Hậu trắng và vào ngày 28.8.1575, trước khi trở về Vienne, ngài đến viếng thăm cô con gái yêu quý Marie Elizabeth đang được bà nội là Hoàng Thái hậu Catherine chăm sóc, và đó là lần cuối cùng vì ngài không bao giờ gặp lại nữa. Sự xa cách này lại thêm động lực để ngài gia tăng đời sống cầu nguyện hướng về cho cô con gái yêu quý.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tìm nguồn trợ lực ở đời sống cầu nguyện.
Suy niệm 4: Phục vụ
Elizabeth gia nhập Dòng Ba Phanxicô, phục vụ bệnh nhân.
Elizabeth đã thành góa phụ và trở về Vienna.
Tại Vienne, vào ngày 12.10.1576, thân phụ Maximilian II của ngài qua đời. và họa vô đơn chí, vào ngày 2.4.1578, cô gái 6 tuổi của ngài cũng được Chúa gọi về. Là con người cầu nguyện, ngài không ngã gục trước nỗi đau mất chồng, mất cha và cả mất con. Không còn vướng bận về đạo hiếu, ngài đầu tư tất cả năng lực cho công việc phục vụ người khổ đau. Ngài tiếp tế thuốc men cho những người có nhu cầu. Nhiều ngày thứ Năm, ngài mời những người nghèo đến ăn cùng bàn với ngài để tưởng nhớ bữa Tiệc Ly. Ngài thường thi hành những công việc hèn mọn ở tu viện Thánh Clara Nghèo Hèn mà ngài giúp thành lập, ở đó ngài nấu ăn cho người nghèo.
Cảm kích trước tấm gương thánh thiện và bác ái của ngài, hoàng đế Philip II của Tây Ban Nha sau cái chết của người vợ Anna vào năm 1580 đã ngỏ lời xin tái hôn với ngài. Nhưng ngài không muốn vướng bận vào bổn phận mới gây tổn hại cho thì giờ phục vụ người nghèo của ngài, ngài đã từ chối khéo bằng việc lặp lại một câu nói thời danh của hoàng hậu Blanche Navarre vốn góa phụ của Vua PhilipVI: Hoàng Hậu Pháp Quốc không bao giờ tái hôn.
Elizabeth tỏ ra luôn bằng lòng về số phận của mình. Là công chúa của một hoàng đế và là hoàng hậu của một nhà vua với nhiều bảo tố, ngài hun đúc cuộc đời ngắn ngủi của ngài trong đời sống cầu nguyện và phục vụ người nghèo. Hoàn cảnh của mổi người chúng ta chắc hẳn không thuộc hoàng tộc nhưng cũng không thiếu giông tố. Ước mong gương sáng của thánh nhân giúp chúng ta không chịu khuất phục nghịch cảnh nhưng tìm nguồn an vui trong các công việc từ thiện phục vụ người nghèo khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn bằng lòng về số phận của mình và lạc quan phục vụ người nghèo khổ.
Suy niêm 5: Duy trì
Elizabeth lo lắng đến việc duy trì giáo hội.
Để giúp đỡ cho việc giáo dục người trẻ trong ơn gọi tu trì để phục vụ Giáo Hội, ngài xây dựng một nhà cho các Cha Dòng tên tại Bourges cho dầu ngài không bao giờ nhận được lợi tức từ số đất đai của ngài. Về nữ giới, vào năm 1580, ngài mua đất nằm gần Stallburg và giúp thiết lập Tu viện Thánh Clara Nghèo Hèn vốn được gọi là Tu Viện của Hoàng Hậu và được tôn vinh là Hoàng Hậu Thiên Thần.
Ngài cũng giúp ngân sách để tái thiết nhà thờ Chư Thánh ở Hradcany, Prague, vốn đã bị hỏa hoạn tàn phá vào năm 1541. Đồng thời nhờ sự nhất trí của bào huynh Maximilian vốn là phụ tá của Dòng Teutonic, ngài thỉnh được một số thánh tích của Thánh Nữ Elizabeth Hungary về tu viện vào năm 1588. Ngoài ra ngài cũng để lại hai tác phẩm cho hậu thế với nhan đề: Lời Thiên Chúa và Các Biến Cố Quan Trọng xảy ra tại Pháp vào thời Ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quan tâm đến việc duy trì Giáo Hội vốn tồn tại bền vững (Mt 16.18).
Suy niêm 6: Phép lạ
Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của Elizabeth.
Ngài qua đời vào ngày 22.1.1592 và được chôn cất trong nhà nguyện của tu viện, và sau đó theo lệnh của Hoàng Đế Joseph II được chuyển về Nhà Thờ Chánh Tòa Stephen, Vienne. Nhẫn cưới của ngài được bào huynh Emest cất giữ. Khi hay tin ngài qua đời, thân mẫu ngài nói: Người con tốt nhất của chúng tôi đã mất.
Trong tiến trình lịch sử, đề tài những phép lạ luôn là một trong những điểm gây ra nhiều tranh chấp giữa khoa học và đức tin. Thực thế, phép lạ dường như thách thức lý trí và thế giới duy lý. Giáo Hội định nghĩa phép lạ như thế nào? Phải có gì để phép lạ được nhìn nhận? Báo cáo viên của Bộ Phong Thánh, ÐGM José Luis Gutierrez đã đề cập đến những câu hỏi này hôm thứ ba vừa qua trong cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh chương trình cử nhân «Khoa học và Ðức Tin» tại trường Giáo Hoàng Regina Apostolorum.
Phép lạ là gì ? ĐGM Gutierrez giải thích rằng đối với những nhà thần học, phép lạ «thông truyền một thông điệp cứu độ, đó là một điều phi thường đặc biệt làm mọi người khâm phục, một biến cố vượt trên những luật vật chất. Mục đích của phép lạ không nhắm gây thán phục nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ». Dưới khía cạnh học thuyết, ĐGM Gutierrez nói rõ rằng «chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, mẹ Maria và các thánh can thiệp vào». Theo thánh Thomas, «phép lạ vượt trên thiên nhiên được tạo dựng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được», Ngài cũng nói: «những phép lạ thật chỉ có thể xảy ra do nhờ Thiên Chúa».
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống sứ điệp qua mỗi phép lạ.