Suy niệm hạnh thánh _ 18/12

Chân phước ANTHONY GRASSY
(1592-1671)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Anthony mồ côi cha khi lên 10 tuổi, nhưng ngài đã học được nơi người cha sự sùng kính Đức Mẹ Loreto. Khi còn là học sinh trung học, ngài thường đến nhà thờ của các cha Oratorian, và gia nhập dòng này khi mới 17 tuổi. Từng nổi tiếng là một học sinh giỏi, nên không bao lâu ngài được mệnh danh là "cuốn tự điển sống" trong cộng đồng tu sĩ, ngài có thể hiểu Kinh thánh và thần học cách mau chóng. Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc, nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể con người ngài.
Ngài cũng nổi tiếng là cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội, và chỉ bảo họ sống phù hợp với lương tâm. Năm 1635, ngài được chọn làm bề trên Tu Viện Fermo, và được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ cho đến khi ngài qua đời. Ngài là vị bề trên trầm lặng và hiền từ không biết thế nào là khắt khe. Nhưng quy luật của dòng luôn được ngài duy trì và buộc mọi tu sĩ phải tôn trọng.
Ngài từ chối các chức vụ dân sự ở ngoài xã hội, và dùng thời giờ để đi thăm người đau yếu, người hấp hối hay bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Khi về già, ngài được Chúa ban cho ơn nhận biết tương lai, là một ơn sủng ngài dùng để cảnh giác hay khuyên bảo người khác. Một trong những công việc sau cùng của ngài là hòa giải được sự tranh cãi kịch liệt giữa hai thầy dòng.
Suy niệm 1: Đức Mẹ Loreto
Anthony Grassi đã học được nơi người cha sự sùng kính Đức Mẹ Loreto.
Thành phố Loreto ở miền Trung nước Ý có đền thánh Đức Mẹ Loreto nổi tiếng. Trong đền thánh có căn nhà Đức Mẹ được Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrie truyền tin mà theo tương truyền, căn nhà nhỏ này được các Thánh Thiên Thần đưa từ Nazareth bên nước Palestina về Loreto ngày 10-12-1294. Đền Thánh Đức Mẹ Loreto rất được các tín hữu Công Giáo Ý và tín hữu Công Giáo toàn thế giới yêu mến kính viếng. Hàng năm trong tháng 6 thường có cuộc hành hương đi bộ từ Macerata hướng về đền thánh Loreto. Cuộc hành hương thường quy tụ khoảng 100 ngàn tín hữu Công Giáo Ý.
Còn với chân phước? Vào năm 1621, khi 29 tuổi, Anthony bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ ở Loreto. Ngài được đưa vào bệnh viện, và ai cũng nghĩ là ngài sẽ chết. Một vài ngày sau, khi tỉnh dậy, ngài nhận ra rằng căn bệnh đau bao tử dai dẳng của ngài đã biến mất. Quần áo cháy nám của ngài được tặng cho nhà thờ Loreto như một kỷ niệm biến cố lớn trong đời. Quan trọng hơn nữa, ngài cảm thấy cuộc đời mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đó, hàng năm ngài đều hành hương đến Loreto để dâng lời cảm tạ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sốt sắng sùng kính Đức Maria, Mẹ Chúa.
Suy niệm 2: Đức Mẹ Loreto - phép lạ
Anthony Grassi đã học được nơi người cha sự sùng kính Đức Mẹ Loreto.
Sau đây là ơn lành nhận lãnh nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Loreto.
Để chuẩn bị tinh thần cho các tín hữu Công Giáo Ý sốt sắng cử hành Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc lần thứ XXV diễn ra từ mùng 3 đến 11 tháng 9 năm 2011 tại Ancona, Hội Đồng Giám Mục Ý quyết định đưa bức tượng Đức Mẹ Loreto thánh du các giáo phận nơi vùng Marche trong năm 2010. Chính vào dịp này mà bà Maria Gardini một tín hữu Công Giáo Ý đang sống tại thành phố Fiuminata đã được ơn lạ Đức Mẹ Loreto chữa lành mắt khi bà cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Loreto. Xin nhường lời cho bà Maria Gardini.
Hiện tại tôi sống ở Fiuminata thuộc tỉnh Macerata nhưng sinh trưởng tại Loreto. Và có một thời gian, tôi từng làm nữ tỳ phục vụ Đền Thánh Loreto. Trong dịp bức tượng Đức Mẹ Loreto thánh du vùng Marche, vào ngày 13-9-2010, tôi vào nhà thờ ở Fiuminata để kính viếng bức tượng Đức Mẹ. Vừa trông thấy bức tượng Đức Mẹ Loreto tôi bỗng òa lên khóc nức nở, khóc không thể nào cầm lại được. Cùng lúc, tôi linh tính như có chuyện gì khác thường xảy ra. Và đúng như vậy. Trước đó tôi bị một lổ thủng nơi võng-mạc trong con mắt và bị mù. Tôi đã tìm thầy chạy thuốc nhưng vẫn không chữa trị được. Và tôi đã van xin Đức Mẹ cứu chữa tôi, xét vì các phương thuốc trần gian không đem lại kết quả nào. Và Đức Mẹ đã nhậm lời tôi nài van và đợi đến giờ phút tôi quỳ gối trước bức tượng Đức Mẹ Loreto để chính thức ban cho tôi ơn lành trọng đại.
Biết mình được lành mắt, tôi đến nhà bác sĩ Marco Rossiello vị bác sĩ chữa mắt cho tôi. Sau khi cẩn thận xem và khám nghiệm, bác sĩ chính thức công nhận tôi đã lành mắt hoàn toàn và tức khắc. Vết lủng, vết rách nơi võng-mạc được nối lại y như trước. Đây là chuyện gần như ít khi xảy ra và khoa học không thể nào giải thích được.
Trong dịp Đại Hội Quốc Tế về Võng-Mạc diễn ra tại thành phố Milano ở Bắc Ý trong ba ngày 9-10-11 tháng 6 năm 2011, bác sĩ Marco Rossiello đã cho Đại Hội xem một số hình ảnh của mắt trước và sau khi lành bệnh. Mọi người kinh ngạc và đồng thanh tuyên bố đây là trường hợp lành bệnh đầu tiên trên thế giới. Bởi lẽ, chẳng những võng-mạc được nối lại, vết thủng được khép kín mà bệnh nhân còn được trông thấy rõ ràng. Đúng là hiện tượng độc nhất vô nhị. Tháng 7 năm nay 2011 tôi cùng với toàn thể gia đình đến Đền Thánh Đức Mẹ Loreto để chính thức tạ ơn Đức Mẹ đã âu yếm ban cho tôi ơn khỏi bệnh mắt cách lạ lùng như thế. Về phần bác sĩ mắt - Marco Rossiello - ông cũng đích thân mang đến Đền Thánh Đức Mẹ Loreto tất cả hình ảnh và tài liệu liên quan đến việc khỏi mắt của tôi. Hôm ấy là ngày 23-7-2011. Sau khi chăm thú theo dõi cuộc trình bày của bác sĩ mắt, mọi người kinh ngạc kêu lên: Thật là diệu kỳ khi tin vào tất cả những gì bác sĩ nói! (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt).
* Lạy chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng chạy đến cùng Mẹ!
Suy niệm 3: Sùng kính Đức Mẹ - trong Giáo hội
Anthony Grassi đã học được nơi người cha sự sùng kính Đức Mẹ Loreto.
Lòng sùng kính Đức Maria đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Các Thánh giáo phụ, đặc biệt thánh Bênađô, dựa vào nền tảng Kinh Thánh, đã rao giảng và viết rất nhiều về lòng sùng kính Đức Maria và giải thích những nhiệm lạ cao siêu Thiên Chúa đã làm nơi Đức Maria.
Theo truyền thống từ lâu đời, hàng ngày vào buổi sáng, buổi trưa, và buổi chiều, các giáo hữu thường nguyện Kinh Truyền Tin (Mùa Phục Sinh thì đọc kinh ‘Lạy Nữ Vương Thiên Đàng’) để nhớ đến giờ phút vô cùng trọng đại trong lịch sử cứu độ: ‘Ngôi Lời xuống thế làm người trong lòng Mẹ Maria’. Giờ phút thiêng liêng nầy cũng chia đôi lịch sử nhân loại: Thời Cựu Ước và thời Tân Ước. Theo tiếng chuông ‘Truyền Tin’ (cũng gọi là ‘chuông nhật một’ vì giật từng tiếng) các tín hữu đọc chung, hoặc riêng, Kinh Truyền Tin trong đó có 3 lần xen vào kinh Kính Mừng… để nhắc nhở các tín hữu nhớ đến giờ phút nguyện kinh Truyền Tin, kính nhớ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, và đồng thời nhớ đến Đức Maria long trọng nhận lời sứ thần truyền tin và Ngôi Lời nhập thể trong lòng Mẹ Maria.
Cũng theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, ngày thứ Bảy (nhất là ngày thứ Bảy đầu tháng) là ngày đặc biệt dâng kính Mẹ Maria để kính nhớ và đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ (theo mệnh lệnh Fatima) và cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Trong một năm, có hai tháng đặc biệt dâng kính Mẹ Maria:
Tháng Năm thường được gọi là Tháng Hoa. Các họ đạo tại Việt Nam, và các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại hải ngoại, thường có những đoàn các em dâng hoa, hát vãn kính Đức Mẹ (thường vào những thứ Bảy) rất sốt sắng. Các giáo hữu ngoại quốc khi dự các buổi dâng hoa này cũng tỏ ra rất khâm mộ.
Tháng Mười là tháng Mân Côi (ngày xưa thường gọi là tháng Đức Bà) để kính Mẹ Maria bằng tràng hạt Mân Côi (tràng chuỗi). Thường các tín hữu lần chuỗi Mân Côi hàng ngày (hoặc ‘Chuỗi Năm Mươi’ hay ‘Một Trăm Năm Mươi’ ngắm cả 3 mầu nhiệm ‘Vui’ ‘Thương’ và ‘Mừng’). Nếu lần một chuỗi ‘Năm Mươi’ thì suy ngắm các ‘Mùa’ theo ngày. Chúa Nhật: ‘Mùa Mừng’, thứ Hai: ‘Mùa Vui’, thứ Ba: ‘Mùa Thương’, thứ Tư: ‘Mùa Mừng’. thứ Năm: ‘Mùa Vui’, thứ Sáu: ‘Mùa Thương’. Từ tháng Mười năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lập thêm ‘Mầu nhiệm Ánh Sáng’ và được khuyến khích ngắm vào ngày thứ Năm (Lm Anphong Trần Đức Phương).
* Lạy chúa Giêsu, xin giúp chúng con quý trọng và thực hành các hình thức bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ trong Hội Thánh.
Suy niệm 4: Sùng kính Đức Mẹ - người ngoài Công giáo
Anthony Grassi đã học được nơi người cha sự sùng kính Đức Mẹ Loreto.
Riêng về lòng sùng kính Đức Mẹ Maria nơi các người ngoài Công giáo có ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam chẳng hạn, khi còn nhỏ, chúng tôi thấy có nhiều người ‘bên lương’ đến dâng hoa Kính Đức Mẹ tại Đền Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà Ấp (ngoại ô Hà Nội). Tại Miền Nam, cũng có nhiều người ngoài Công giáo đến dâng hoa, đèn nến và cầu xin với Đức Mẹ như tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn) hay tại Nhà Thờ Đức Mẹ Bình Triệu (ngoại ô Sài Gòn). Tại nơi Đức Mẹ hiện ra rất nổi tiếng và đã được Giáo Hội công nhận như Lộ Đức (Lourdes ở Pháp, 1858), Fatima (Bồ Đào Nha, 1917), hay Guadalupe (Mexico, 1531) hàng năm có nhiều triệu người đến hành hương kính viếng, trong đó cũng có rất nhiều người không phải Công Giáo.
Có một điều rất quan trọng chúng ta cần lưu ý là: Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria trong Giáo Hội Công Giáo không làm giảm đi, hay quên đi lòng tôn kính, thờ phượng cùa chúng ta đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta; nhưng qua Mẹ Maria chúng ta đến với Chúa là Cha chúng ta. Như vậy chúng ta thật hạnh phúc khi chúng ta có niềm tin vững chắc nơi Chúa là Cha yêu thương và Đức Maria là Người Mẹ luôn âu yếm, chở che, nâng đở và chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. Tốt lành biết bao khi chúng ta được sống trong Gia Đình Giáo Hội vừa có Cha quyền năng và nhân từ, vừa có Mẹ đầy tình yêu thương con cái (Lm Anphong Trần Đức Phương).
* Lạy chúa Giêsu, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, ban muôn ơn lành cho mỗi người, mỗi gia đình và thế giới chúng con, cũng như cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.
Suy niệm 5: Thánh Lễ
Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc, nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể con người ngài.
Giáo hội tôn trọng và quí mến Thánh Lễ Misa thế nào.
Theo lịch sử Giáo hội, việc tập hợp các giáo dân vào ngày Chúa nhật để dâng lễ thờ phượng Chúa đã có ngay từ thời các Tông đồ, Thánh Phaolô viết trong thư gửi người Do thái đã nhắc: "Anh em đừng bỏ việc hội họp riêng của mình như vài người quen làm, nhưng hãy khuyến khích nhau" (Dt 10,25).
Một tác giả vô danh cổ thời đã ghi lại cho hậu thế lời khuyên tốt lành: "Truyền thống vẫn ghi nhớ một lời căn dặn mà nay vẫn còn hợp thời: "Hãy tới nhà thờ sớm, hãy lại gần Chúa mà thú nhận tội mình, hãy sám hối trong lời cầu nguyện...Hãy tham dự phụng vụ thánh thiện và linh thiêng. Hãy hoàn tất việc cầu nguyện và đừng ra về trước khi được mời ra về. Chúng tôi thường nói: Ngày này được ban cho anh em để cầu nguyện và nghỉ ngơi. Đó là ngày Chúa đã làm ra, chúng ta hãy hân hoan và mừng rỡ" (GlCg92 2178).
Thánh Gioan Kim khẩu dẫn giải rất hay về việc tới nhà thờ ngày Chúa nhật, người cho rằng "ở nhà thờ có cái gì hơn ở nhà mình": Ngày Chúa nhật, mời bạn tới nhà thờ để cầu nguyện, để gặp gỡ cộng đoàn huynh đệ, vì "ở nhà, bạn không thể cầu nguyện như ở nhà thờ, nơi có đông người, nơi mà tiếng kêu được đồng thanh kêu cầu Chúa. Ở nhà thờ có cái gì hơn ở nhà mình, vì có sự hiệp nhất các tâm trí, có sự hòa hợp các tâm hồn, có giây liên kết của đức ái, có lời cầu nguyện của các linh mục". (GlCg92 2179).
Chân Phước Anthony Grassi xác tín: “Niềm khát mong duy nhất của cuộc đời chúng ta phải là cầu nguyện và thờ lạy Thiên Chúa trong Hiến Tế Thánh của Thánh Lễ Misa. Ai sốt sắng hiệp dâng mỗi ngày thì chắc chắn luôn là người bạn tình của Chúa”. Do đó khi tuổi tác đem lại nhiều thử thách: Ngài phải chấp nhận sự mất mát các khả năng bên ngoài. Trước hết là khả năng rao giảng, là điều đương nhiên xảy đến khi ngài bị rụng răng. Sau đó, ngài không còn nghe xưng tội được nữa. Sau cùng, sau một lần bị ngã, ngài phải nằm liệt giường. Chính đức tổng giám mục phải đến ban Mình Thánh cho ngài hằng ngày.
Giáo hội trình bày về sự quan trọng và đáng quí của Thánh Lễ Misa như sau: "Việc cử hành Ngày của Chúa và Thánh Thể của Chúa mỗi ngày Chúa nhật là trung tâm điểm của sinh hoạt Giáo hội. Ngày Chúa nhật là ngày mà theo truyền thống từ thời tông đồ truyền lại, mầu nhiệm Chúa Phục sinh vẫn được cử hành, sẽ phải được giữ trong toàn thể Giáo hội như ngày lễ buộc chính yếu" (GlCg92 2177). Việc cử hành Thánh Lễ Chúa nhật vừa nói lên "sự hiệp thông vào sự sống của Chúa, vừa hiệp thông vào cộng đoàn Dân Chúa, vừa hiệp thông với Phụng vụ trên trời" GlCg92 1325-26).
* Lạy chúa Giêsu, xin giúp chúng con trân trọng và siêng năng hiệp dâng Thánh Lễ mỗi ngày, ít là ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trong và buộc.
Suy niệm 6: Giải tội
Ngài cũng nổi tiếng là cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội, và chỉ bảo họ sống phù hợp với lương tâm.
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25.3.2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về Bí tích Giải Tội, Ðức Thánh Cha đặc biệt đề cao giá trị sư phạm của Bí tích này đối với các Cha giải tội cũng như các hối nhân.
Ðức Thánh Cha nói đến những điều mà Cha giải tội có thể học hỏi được khi ban Bí tích Giải Tội: vị Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Việc nhận biết chiều sâu của tâm hồn, kể cả những khía cạnh đen tối, có thể là một thử thách đối với đức tin của chính Linh mục, nhưng đàng khác cũng có thể nuôi dưỡng nơi Linh mục xác tín theo đó lời nói cuối cùng trên sự ác của con người và của lịch sử chính là Lời của Thiên Chúa, chính lòng từ bi của Chúa có thể đổi mới mọi sự. Ngoài ra, Cha giải tội có thể học được nơi các hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ, sự xét mình nghiêm túc, sự minh bạch trong việc nhận lỗi và tuân theo các giáo huấn của Giáo Hội, cũng như những chỉ dẫn của Cha giải tội.
Về giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội đối với hối nhân, Ðức Thánh Cha đề cao giá trị của sự xét mình: "Việc làm này giúp hối nhân chân thành xem xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó theo các tiêu chuẩn con người, nhưng nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải. Sự đối chiếu cuộc sống với các giới răn, các mối phúc thật và nhất là với giới luật yêu thương, chính là một trường học lớn của Bí tích Giải Tội."
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với Cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Các Linh mục thân mến, anh em đừng lơ là trong việc dành thời giờ cho việc ban Bí tích Giải Tội: việc được lắng nghe và được đón nhận, chính là một dấu chỉ về sự đón nhận và về lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Tiếp đến sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, tín thác rằng Ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Ngoài ra việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và lời khuyên bảo của Cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của họ, để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm. Chúng ta đừng quên rằng bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội!"
* Lạy chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về giá trị sư phạm cũng như linh thánh của Bí tích này.