Suy niệm hạnh thánh _ 17/12

Thánh LAGIARÔ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Lagiarô, người bạn của Đức Giêsu, là anh em của bà Mácta và Maria, được các người Do Thái thời ấy nói rằng, "Kìa xem ngài quý mến ông là chừng nào." Và trước sự chứng kiến của họ, Đức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.
Sau khi Đức Giêsu chết và sống lại, có nhiều truyền thuyết về cuộc đời Thánh Lagiarô.
Một nhà thờ được xây cất để tôn kính ngài ở Constantinople và một số thánh tích được đưa về từ Cyrus vào năm 890. Và Thánh tích của ngài lại được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
Có một điều chắc chắn là trước đây người ta đã sùng kính thánh nhân.
Suy niệm 1: Bạn
Lagiarô, người bạn của Đức Giêsu.
Tình bạn là một trong những cảm tình nhân bản cao sang và cao quí được ân sủng thần linh thanh tẩy và biến đổi. Như Thánh Phanxicô và Clare, các vị thánh khác cũng đã cảm nghiệm được một tình thân hữu sâu xa trên cùng một con đường nên trọn lành, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Salêsiô và Thánh Jane Frances de Chantal.
Chính Thánh Phanxicô Salêsiô đã viết: “Thật là dễ thương khi có thể yêu mến trên thế gian này như yêu mến trên thiên đàng, và biết yêu nhau trên trần gian này như chúng ta sẽ yêu nhau trong cõi vĩnh hằng đời sau. Ở đây tôi không nói đến thứ tình yêu bình thường theo đức bác ái, vì chúng ta cần phải có tình yêu này đối với tất cả mọi người; tôi đang nói về thứ tình bạn thiêng liêng, trong đó hai, ba hay hơn nữa có những con người trao đổi với nhau lòng đạo đức, những cảm tình thiêng liêng, và thực sự trở nên một tinh thần” (Introduction to the Devout Life, III, 19).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dùng tình bạn để đến với chúa chứ đừng vì tình bạn mà đánh mất Chúa.
Suy niệm 2: Sống lại-một sự lạ
Đức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.
Đứng trước cái chết, mọi người đều tỏ ra bất lực, vì thế thông thường là chăm lo việc hậu sự. Sự kiện sống lại thật lạ lẫm với xã hội loài người. Không lạ gì cả hội đồng Arêôpagô ở thành Athêna đang chăm chú lắng nghe diễn từ của thánh Phaolô bỗng thay đổi thái độ để nhạo cười cắt ngang và xua đuổi ngài, vì ngài đề cập đến vấn đề Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại (Cv 17,32). Thậm chí nhận định này còn được lý thuyết hóa như một chủ trương của nhóm Xađốc (Mt 22,23).
Ngay các tông đồ mang tâm lý thường tình nên cũng tỏ ra yếu và cứng lòng tin. Trước tin báo của Mađalêna, Phêrô và Gioan cùng chạy ra mộ để xem xét (Ga 20,3). Tôma phủ nhận lời chứng của đồng nghiệp và đòi đích thân được diện kiến (Ga 20,25). Hai môn đệ Emmau bỏ cuộc trở về quê nhà (Lc 24,13), khiến Chúa phải lên tiếng khiển trách chậm tin (Lc 24,25).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con (Lc 17,5).
Suy niệm 3: Sống lại-một sự thật
Đức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.
Thấu hiểu tầm mức của con người, Chúa đã nhiều lần dọn đường bằng việc tiên báo trực tiếp trước việc Chúa chết nhưng rồi sẽ sống lại, như lần vào địa hạt Xêdarê Philiphê (Mt 16,21), biến hình tại núi Tabo (Mt 17,9). Hoặc Chúa nói cách gián tiếp qua hình ảnh đền thánh Giêrusalem bị phá hủy (Ga 2,19-22), và qua câu chuyện Giôna ở trong bụng cá (Mt 12,40), đến mức chính các đầu mục Do Thái đã dựa vào đó mà xin quan Philatô cho lính canh gác ngôi mộ (Mt 27,62-66).  Hơn thế Chúa còn khẳng định chính Ngài là sự sống lại (Ga 11,25).
Chẳng những nói bằng lời, Chúa còn dùng quyền năng thực hiện một số trường hợp cho người chết được sống lại tỏ tường, như cô bé con của ông trưởng hội đường Giaia (Mc 5,35-42). Thậm chí một thanh niên đã chết và đang được khiêng đi chôn cất ở thành Nain (Lc 7,11-15). Nhất là sự việc của Lagiarô vốn đã được chôn bốn ngày và nặng mùi rồi (Ga 11,39).
Tất cả nhằm dẫn đến một sự thật dầu lạ lùng, đó là Đức Kitô đã sống lại thật (Mt 28,6) để làm nền tảng cho đức tin (1Cr 15,17) và để mở đường cho những ai chấp nhận cùng chết với Ngài thì cũng sẽ được cùng sống lại với Ngài (Rm 6,8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn cùng chết với Chúa để được cùng sống lại với Chúa.
Suy niệm 4: Truyền thuyết
Sau khi Đức Giêsu chết và sống lại, có nhiều truyền thuyết về cuộc đời Thánh Lagiarô.
Người ta nói rằng ngài đã viết lại những gì được thấy ở bên kia thế giới trước khi được Đức Giêsu cho sống lại. Có truyền thuyết cho rằng ngài theo Thánh Phêrô đến Syria. Truyền thuyết khác lại nói rằng mặc dù người Do Thái ở Jaffa đã ép buộc ngài và các chị em của ngài lên một chiếc thuyền bị đâm thủng, nhưng họ đã cập Cyrus một cách an toàn. Ở đây, sau khi làm giám mục trong 30 năm, ngài đã từ trần cách bình an.
Truyền thuyết Tây Phương lại nói rằng có một chiếc thuyền không mái chèo cập bến nước Gaul (nước Pháp bây giờ). Ở đây, ngài làm giám mục của Marseilles, bị tử đạo sau khi đã hoán cải nhiều người, và được chôn cất trong một cái hang. Thánh tích của ngài được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân sống xứng với tình bạn hữu mà Chúa hạ cố ban cho.
Suy niệm 5: Vương cung thánh đường
Thánh tích của ngài lại được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
Hầu hết các vương cung thánh đường Công giáo đều là các nhà thờ có kiến trúc to lớn và cổ kính. Mặt bằng các công trình này thường mang hình cây thập giá (tượng trưng cho Chúa Giêsu) tạo thành ba gian chính: gian hành lang, gian giáo dân và gian cung thánh. Bên trong có lưu giữ hài cốt các vị tử đạo, thánh nhân hoặc các tác phẩm nghệ thuật Công giáo có giá trị lớn. Hiện nay, Giáo hội Công giáo chia thành 2 loại vương cung thánh đường là:
- Đại vương cung thánh đường (Major Basilica): danh hiệu dành cho bốn vương cung thánh đường nổi tiếng ở Vatican gồm Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô (là một nhà thờ chính tòa), Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (là một nhà thờ), Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (là một đền thờ) và Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành (là một thánh địa).
- Tiểu vương cung thánh đường (Minor Basilica): danh hiệu dành cho bất kỳ ngôi thánh đường hay thánh địa quan trọng nào khác tại Rôma hay khắp nơi trên thế giới, do chính giáo hoàng ban tặng. Khi một nhà thờ đã được nâng lên hàng tiểu vương cung thánh đường thì được Tòa Thánh trao cho hai biểu trưng của giáo hoàng: một là cái chuông (tintinnabulum) dùng để báo tin khi giáo hoàng hay người thay mặt giáo hoàng đến, hai là cái dù bằng lụa có hai màu vàng, đỏ (conopaeum) dùng để che cho giáo hoàng.
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2008, có cả thảy 1565 địa điểm trên toàn thế giới được tôn phong Vương cung Thánh đường. Tại Việt Nam, tới năm 2012 có 4 Vương cung Thánh đường là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Nhà thờ La Vang (Quảng Trị), Nhà thờ Phú Nhai (Nam Định) và Nhà thờ Sở Kiện (Hà Nam).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng quý trọng đền thờ tâm hồn chúng con là nơi Chúa ưa thích ngự trị (Ep 3,17).
Suy niệm 6: Sùng kính
Có một điều chắc chắn là trước đây người ta đã sùng kính thánh nhân.
Khoảng năm 390, vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, người ta thường rước kiệu ngay tại ngôi mộ mà Lagiarô đã được sống lại từ cõi chết. Ở Tây Phương, Chúa Nhật Thương Khó trước đây được gọi là "Dominica de Lazaro" (Chúa Nhật Lagiarô), và Thánh Augustine cho chúng ta biết ở Phi Châu, phúc âm về đoạn Lagiarô sống lại được đọc trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
Ngoài ra một nhà thờ được xây cất để tôn kính ngài ở Constantinople và một số thánh tích được đưa về từ Cyrus vào năm 890. Và Thánh tích của ngài lại được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
* Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thể hiện lòng sùng kính thánh nhân bằng việc chấp nhận chết vì Chúa (Ga 12,10).