Suy niệm hạnh thánh _ 16/12

Chân Phước PHILIP SIPHONG VÀ CÁC BẠN
 (c. 1940)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Trong nhiều thế kỷ, các nhà truyền giáo ở Xiêm (bây giờ là Thái Lan) không những được nhân nhượng nhưng còn được tiếp đón niềm nở bởi quốc gia đa số theo Phật Giáo. Các quốc gia khác ở vùng Viễn Đông không được như vậy, và nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Tuy nhiên, tại Songkhon, lần lượt, giáo lý viên Philip Siphong, hai sơ Agnes Phila và Lucia Khambang, ba học sinh và người phụ bếp đều bị tử đạo.
Sau đó, bảy vị tử đạo được chôn chung với ông Philip Siphong. Tất cả được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, 22 tháng Mười 1989.
Suy niệm 1: Truyền giáo-lệnh truyền
Nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Chúa phán: ‘Các con hãy đi khắp thế và rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo”. Mỗi tín hữu cần cảm nghiệm được sự thúc bách phải chu toàn giới lệnh của Chúa Kitô bằng một thái độ can đảm và mạnh dạn trong những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống.
Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở: Chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi hãy mạnh dạn làm việc tông đồ, với một niềm tin tưởng vững chắc vào Chúa Thánh Thần. Khi nhìn chung quanh, chúng ta nhận thấy nhiều người vẫn chưa biết Chúa Kitô. Nhiều người đã được rửa tội nhưng sống như thể Chúa Kitô vẫn chưa cứu chuộc họ, như thể Người không hiện diện giữa chúng ta. Nhiều người sống qua ngày đoạn tháng như những người đã khiến Chúa Giêsu phải cảm thương vì vất vưởng bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Họ bôn ba một đời mà không có mục tiêu rõ rệt. Họ lệch hướng và phung phí thời giờ quí báu, vì không có một chút ý thức về phương hướng. Như Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy cảm thương những con người ấy. Mặc dù đôi khi – nói theo ngôn ngữ loài người – họ có vẻ vui tươi và thành công, nhưng thực chất họ đã thất bại trong điều thiết yếu nhất, bởi vì họ không sống, và cũng không ý thức, họ là con cái của Thiên Chúa đang trên con đường về miền vĩnh cửu là nhà Cha của họ. Chúng ta không thể để cho phần rỗi của bất kỳ một ai lây lất trong nguy hiểm chỉ vì chúng ta thiếu nhiệt tâm tông đồ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tràn đây nhiệt tâm tông đồ.
Suy niệm 2: Truyền giáo-Thêm các tông đồ mới cho Chúa Kitô.
Nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Chúng ta được mời gọi hãy chia sẻ đức tin và nhiệt tâm cứu các linh hồn với những người khác. Và đến lượt các linh hồn này cũng sẽ trở nên sứ giả Tin Mừng của Chúa Kitô. Trong những chi tiết muôn mặt của cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần làm vọng lên những lời của Đức Gioan Phaolô II đã nói khi viếng thăm miền Xavier, sinh quán của vị thánh được tôn vinh là bổn mạng các xứ truyền giáo là thánh Phanxicô Xavie:
Chúa Kitô cần các bạn và mời gọi các bạn hãy trợ giúp rất nhiều anh chị em của các bạn, để họ cũng được cứu độ và sống trọn nhân phẩm của họ. Các bạn hãy sống theo những lý tưởng chính trực và cao cả. Đừng đầu hàng những cám dỗ của chủ nghĩa hưởng thụ, nạn căm thù, bạo lực, hạ thấp nhân phẩm. Các bạn hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô, cho lề luật và tình yêu của Người. Đừng đặt những giới hạn về khả năng sẵn sàng của các bạn, đừng sợ phải đưa ra một cam kết bền vững, tình yêu và tình thân hữu không có bất kỳ giới hạn nào, bởi vì chúng bền vững. Nếu chúng ta không biết cách thuyết phục người thân và bạn hữu chúng ta dấn thân vào công việc đầy hân hoan của Chúa, chúng ta hãy nhớ lại cách thức thánh Ignatius đã thuyết phục sinh viên trẻ tuổi Xavier dấn thân cho công cuộc của Thiên Chúa: Những lý do ư?… Những lý do gì Ignatius nghèo khó đã đưa ra cho Xavier khôn ngoan? Chắc chắn phải có những nguyên nhân đã gây nên một biến đổi triệt để nơi tâm hồn người bạn của ngài. Lời cầu nguyện đem đến sự hoán cải. Tất cả chúng ta đều được mời gọi hãy dấn thân, hãy luôn tin cậy vào ơn Chúa, vào sự phù trợ của Đức Trinh Nữ và các thiên thần bản mệnh trong công việc truyền bá đức tin.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hăm hở nối tiếp sứ vụ truyền giáo của các vị tiền bối.
Suy niệm 3: Truyền giáo-cầu nguyện và hy sinh
Nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Như nhiều vị thánh, thánh Phanxicô Xavier cũng luôn xin người khác giúp đỡ bằng lời cầu nguyện, bởi vì hiệu quả việc tông đồ luôn luôn đặt nền tảng trên lời cầu nguyện và hy sinh. Những khi hoàn cảnh không cho phép thực hiện các công việc tông đồ trực tiếp, chúng ta hãy nhớ rằng, lời cầu nguyện, các công việc được chu toàn tử tế, và những đau khổ luôn đem lại những hiệu quả trong lãnh vực này.
Như thánh Phanxicô, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng cũng đã sống một cuộc đời tông đồ để cầu nguyện cho các miền truyền giáo, mặc dù thánh nữ không bao giờ ra khỏi đan viện. Sự quan tâm đến phần rỗi các linh hồn, kể cả những người xa rời đức tin, lúc nào cũng rất bức xúc. Thánh nữ cảm thấy những lời của Chúa Kitô trên thập giá – Ta khát – luôn vọng lên trong tâm hồn. Nội tâm thánh nữ bừng cháy bằng lời cầu nguyện, bằng khát vọng muốn đem ơn thánh cho các linh hồn tại những miền đất xa xăm. Thánh nữ viết: Lạy Chúa, con ước ao đi dọc ngang khắp thế giới, để rao giảng thánh danh Chúa và cắm cờ hy vọng vào thánh giá vinh quang Chúa trong lãnh thổ dân ngoại. Rồi nữa, một miền truyền giáo mà thôi không đủ cho con. Con muốn cùng một lúc được truyền bá Phúc Âm của Chúa khắp thế giới, kể cả những hải đảo heo hút nhất. Con muốn trở thành một nhà thừa sai, không phải chỉ trong một vài năm, nhưng từ khi trời đất được tạo thành cho đến ngày tận thế. Vào cuối đời, khi lâm bệnh nặng, thánh nữ vẫn cố gắng lê bước, một nữ tu nhận ra thánh nữ quá mệt nhọc nên đề nghị ngài hãy nghỉ ngơi. Thánh nữ Têrêxa đã trả lời: Chị biết điều gì đem lại sức mạnh cho em không? Em đang lê bước để mưu ích cho một nhà thừa sai. Em tin rằng có một nhà thừa sai nào đó ở xa xăm lúc này đang chực quị ngã vì những công cuộc tông đồ của ngài. Để giảm bớt nỗi nhọc mệt của ngài, em xin dâng sự mệt nhọc của em lên Chúa. Những ý hướng trong lời cầu nguyện và hy sinh của Bông Hoa Nhỏ chắc chắn đã đem lại hiệu quả đến cho những miền tận cùng thế giới.
Lòng nhiệt thành của chúng ta với các linh hồn lúc nào cũng phải sống động. Bệnh tật, tuổi già hoặc hoàn cảnh cô lẻ cũng không miễn chước cho chúng ta. Nhờ mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh, chúng ta có thể đem lại sức mạnh cho các linh hồn khắp thế giới. Hiệu năng này tùy thuộc phần lớn vào mức độ tình yêu Chúa của chúng ta. Tóm lại, trọn cuộc đời chúng ta, cho đến hơi thở cuối cùng, có thể trở nên một phương thế thúc đẩy các linh hồn tiến về cuộc sống muôn đời. Đây chính là trường hợp về cuộc đời thánh Phanxicô Xavier. Thánh nhân đã qua đời tại một hải đảo ngoài khơi Trung Quốc, trong khi dâng hiến mọi giây phút đớn đau để nài xin Chúa chiếu giãi Tin Mừng của Người cho những miền đất xa xăm. Không một lời cầu nguyện, một hy sinh nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa sẽ bị mất đi vô ích. Nhờ lòng nhân lành Chúa, mọi hành vi của chúng ta đều đem lại hoa trái thiêng liêng, một cách mầu nhiệm, nhưng đích thực. Một ngày kia trên thiên đàng, chúng ta mới nhìn thấy kết quả những nỗ lực của chúng ta.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đời cầu nguyện và hy sinh như một đóng góp cho công cuộc truyền giáo.
Suy niệm 4: Tử đạo-nguyên nhân xa
Nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Vào giữa thập niên 1930, sự ổn định chính trị từ xưa ở Xiêm bắt đầu mất dần. Ảnh hưởng Âu Châu đang trên đà suy thoái, và sự đe dọa xâm lăng của người Nhật đã đưa đẩy nước Xiêm đến một thái độ thiếu thân thiện đối với các thế lực Tây Phương. Vài vụ bạo động đã xảy ra cho người ngoại quốc, kể cả các Kitô Hữu. Nhiều nhà truyền giáo bị tù đầy. Tài sản của Giáo Hội bị tịch thu. Những người Thái Lan tòng giáo bị ép buộc phải công khai bỏ đạo.
Vào năm 1940, áp lực lại càng mạnh mẽ hơn khi Thế Chiến II càn quét Âu Châu và người Nhật xâm lăng dần vào Đông Dương (bây giờ là Việt Nam).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi người sống sự phân định rõ rệt giữa hai lãnh vực chính trị và tôn giáo (Mt 22,21).
Suy niệm 5: Tử đạo-nguyên nhân gần
Nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Ở Songkhon, gần biên giới Đông Dương, một tiểu đội cảnh sát võ trang bao vây một ngôi làng và ra lệnh cho mọi Kitô Hữu trong làng phải chối bỏ đức tin. Một nhà truyền giáo bị đuổi ra khỏi làng. Ông Philip Siphong Ouphitah là giáo lý viên cư ngụ gần đó đã lên tiếng phản đối sự ngược đãi này. Ông được bảo rằng phải lên trung tâm cảnh sát để làm đơn khiếu nại, trên đường đi ông đã bị mai phục vào ngày 16 tháng Mười Hai. Sau này, được biết ông đã bị tra tấn trước khi bị bắn chết.
Trong khi đó, các sơ Agnes Phila và Lucia Khambang tiếp tục giảng dạy trong trung tâm truyền giáo. Hai sơ nói với các em rằng ông Philip là vị tử đạo, điều này khiến các viên chức địa phương đã ra lệnh ngăn cấm hai sơ không được dạy giáo lý và phải mặc y phục bình thường của người Thái. Hai sơ đã làm đơn phản đối; cùng ký tên trong tờ đơn có chữ ký của bốn học sinh và người phụ bếp. Vào ngày 26 tháng Mười Hai, tất cả bị điệu ra nghĩa trang là nơi họ bị bắn chết trong khi đang quỳ gối cầu nguyện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin đưa công lý đến toàn thắng (Mt 12,20).
Suy niệm 6: Tử đạo-Các Vị Tử Đạo Mới Của Thời Đại
Nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Mỗi lần nói đến các thánh tử đạo, là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh đầu rơi, máu đổ, gông cùm, gươm giáo… Thế nhưng, ở thời đại hiện tại, những cảnh hành trình tàn bạo, cổ điển ngày xưa và sự bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự trên thế giới.
Ngày nay, khái niệm về tử đạo được hiểu rộng rãi hơn. Vì tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho con người, nhất là những người nghèo khổ hay bị áp bức, nói chung là chết vì chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống cho chân lý Phúc Âm. Trường hợp của cha Maximilianô Kolbê, ngài đã tự nguyện chết thay cho một người tù khác có gia đình, trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Vào năm 1971, Đức Phaolô VI không coi Cha là vị tử đạo, chỉ coi Cha là một người chịu đau khổ vì đức tin thôi (Confessor). Nhưng khi phong thánh cho cha vào năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đã coi cha là một vị tử đạo. Trong bài giảng phong thánh cho Cha Kolbê, Đức Thánh Cha nói: “Cái chết được cha hồn nhiên đón nhận vì yêu người đồng loại, cái chết ấy lại không làm cho cha Kolbê đặc biệt giống Đức Kitô sao, Đức Kitô là mẫu mực của mọi vị tử đạo, là Đấng hiến mạng sống mình cho anh em?”
Trong Tông Thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba” (TMA), Đức Thánh Cha kêu gọi các Giáo Hội địa phương lập danh mục các vị tử đạo mới của thế kỷ này. Vì “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo, thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh” vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thày về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những Giám mục, Linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (TMA. 37).
Các Thánh Tử đạo là những người sống, làm chứng, loan truyền mầu nhiệm Thánh giá. Mỗi Kitô hữu, dầu không phải trải qua cái chết tử đạo thì đời sống vì đạo, sống vì Chúa, cho Chúa, cũng vẫn có thể loan truyền mầu nhiệm Thập giá cho thế giới. Sống như một chứng nhân là điều kiện thiết yếu để có thể chết như một chứng nhân (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.