Một chút suy tư _ nhà cô có nến không?

NHÀ CÔ CÓ NẾN KHÔNG?
 “Cần phải cám ơn người nghèo, người bệnh tật bởi vì họ đã cho phép chúng ta săn sóc băng bó vết thương, tắm rửa, giặt giũ quần áo...” (Mẹ Têrêsa Calcutta)
Một cô gái trẻ khá giả chuyển sang nhà mới. Đến đó, cô được biết hàng xóm của mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Một lát sau, cô nghe có tiếng gõ cửa. Khi ra mở cửa, cô thấy đứa bé con nhà hàng xóm.
Đứa bé hỏi: "Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?"
Cô gái trẻ nghĩ: "Chắc nhà nó không có nến nên sang hỏi xin mình. Cho nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!" Thế nên cô sẵng giọng: "Không có!"
Rồi cô đưa tay ra định đóng cửa cho mau! Nhưng đứa bé nhanh hơn, nó chìa ra hai cây nến, mỉm cười nói với cô: "Cháu biết ngay là nhà cô không có nến mà! Mẹ cháu sợ cô sống có một mình mà không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm."
Không phải ít tiền là nghèo hơn, mà trái lại, gia đình mấy mẹ con nghèo đói đã cư xử còn hơn cả người giàu có, và chính họ cũng được hưởng sự thư thả của người giàu có khi biết chia sẻ của cải ít ỏi của họ; còn cô gái khá giả hơn lại chẳng có được sự thư thả đó mà lại phải tằn tiện giữ gìn từng chút một trên đống tài sản thư thả của mình.
Quả đúng như lời “tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu.” Khi dùng tiền bạc tùy theo nhu cầu cần thiết và rộng tay giúp đỡ người khác, tôi là một ông chủ với một tên đầy tớ đắc lực; khi cố gắng thu tích và thu tích tiền bạc, tôi là một tên đầy tớ phải kiệt sức làm việc cho một ông chủ chẳng biết ơn và sẽ quên phắt tôi ngay khi tôi nhắm mắt lìa đời.
Người ta khuyên Mẹ Têrêsa Calcutta nên dành nhiều công sức hơn cho việc tìm biết và chống lại nguyên nhân của sự nghèo đói, Mẹ trả lời: “Trong khi quý vị cứ tiếp tục thảo luận về những nguyên nhân và những giải thích cho sự bần cùng, thì tôi quỳ gối bên cạnh người bần cùng nhất giữa những người nghèo và chăm sóc cho những nhu cầu của họ. Nguời ăn xin, người phong cùi, những nạn nhân của bệnh liệt kháng, những nguời nầy không cần những thảo luận và những lý thuyết; họ đang cần đến tình thương. Nguời đói không thể chờ những anh chị em khác tìm ra câu trả lời hoàn hảo, rồi mới được trợ giúp. Họ cần đến tình liên đới thiết thực hữu hiệu.”
Khi nói về đức ái, Chúa cũng đề cập đến một tình liên đới thiết thực và hữu hiệu: Lý do Chúa ban thưởng người lành là “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25, 35-36). Khi người lành ngạc nhiên không biết mình đã chăm sóc Chúa khi nào thì Chúa tiết lộ “bí mật”: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Ý thức điều đó một cách sống động và mạnh mẽ nên chẳng có gì lạ khi Mẹ Têrêsa Calcutta lại nói: “Cần phải cám ơn người nghèo, người bệnh tật bởi vì họ đã cho phép chúng ta săn sóc băng bó vết thương, tắm rửa, giặt giũ quần áo...”
Chỉ với hai cây nến nhỏ, nhưng ba mẹ con nhà nghèo đó đã thu được thật nhiều:
-     Xét về mặt là con người, họ đã cư xử như một người thư thả về của cải, và có được sự thanh thản trong tâm hồn, sự thanh thản chẳng tiền nào mua được.
-     Xét về mặt là con Thiên Chúa, họ đã săn sóc chính Chúa của trời đất này và mua được cho mình hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc chẳng tiền nào mua được.
Đâu là cây nến nhỏ tôi có thể trao cho cha, mẹ tôi, cho anh em tôi, cho người láng giềng của tôi, và cho người làm phiền lòng tôi?