Tìm hiểu Lời Chúa _ cnps 4b

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
NĂM B
Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
BÀI ĐỌC 1: Cv 4,8-12
8Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”
ĐÁP CA: Tv 117
      Đ.  22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,lại trở nên đá tảng góc tường.
1 Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 8 Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. 9 Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.
21 Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ. 22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 23 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
26 Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em. lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh. 29 Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
BÀI ĐỌC 2: 1 Ga 3,1-2
Anh em thân mến, 1 anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Chúa nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Hall.
TIN MỪNG: Ga 10,11-18
11 Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn,13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

CHÚA KHÔNG CỨU CON NGƯỜI RIÊNG RẼ, THIẾU LIÊN KẾT!
(Hiến Chế HT số 9)
Chúa Giêsu chỉ muốn cứu loài người thoát án tử do tội họ gây ra và cho được sống hạnh phúc dồi dào trong Hội Thánh Công Giáo, như một đoàn chiên dưới quyền Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu Kitô. Vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành tự ý hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, vì Chúa Cha yêu mến tôi, nên tôi có quyền lấy lại mạng sống ấy, đó là mệnh lệnh của Chúa Cha, mà tôi nhận được. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi. Tôi chỉ có một đoàn chiên, chiên nào chưa thuộc về ràn này, tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Ga 10,11-18: Tin Mừng).
Như thế, Chúa Cha yêu Đức Giêsu, Đức Giêsu thể hiện tình yêu của mình bằng việc thí mạng sống vì loài người. Để quy tụ muôn dân vào sống trong một ràn chiên là Hội Thánh Công Giáo, chính Chúa Giêsu là Mục Tử duy nhất chăm sóc dân Ngài bằng mối tình phu thê.
-                     Tại sao Đức Giêsu lại tự hiến mạng sống mình vì nhân loại tội lỗi?
-                     Tại sao Đức Giêsu chỉ muốn cứu loài người trong Hội Thánh Công Giáo?
-                     Đức Giêsu chăm sóc dân Ngài với tình yêu nào tuyệt hảo nhất?

I. TẠI SAO ĐỨC GIÊSU LẠI TỰ HIẾN MẠNG SỐNG MÌNH VÌ NHÂN LOẠI TỘI LỖI?
Để biểu lộ tình yêu cao cả nhất là phục vụ đến mất mạng sống. Đức Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Với tình yêu ấy tỏa ra sức mạnh lôi kéo mọi người vào Hội Thánh, để chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên. Chân lý này được khai mở lúc Đức Giêsu tự nguyện vâng lệnh Cha được giương cao trên thập gía, Ngài nói: “Một khi Ta được giương cao Ta sẽ lôi kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32). Sự lôi kéo đây không phải là áp đặt, không phải cưỡng bức mất tự do, mà là do hấp lực của tình yêu. Ví dụ: Tôi ôm bó cỏ non đi trước bầy chiên dê, chắc chắn chúng sẽ theo tôi, đâu phải là do tôi lôi chúng đi! Nhưng vì bó cỏ non! Vì thế thánh Gioan Maria Vianey nói: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến!”
II. TẠI SAO ĐỨC GIÊSU CHỈ MUỐN CỨU LOÀI NGƯỜI TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO?
Đức Giêsu chỉ muốn cứu loài người trong Hội Thánh Ngài thiết lập,vì Hội Thánh là Thân Thể Mầu Nhiệm Ngài, và Hội Thánh là một Vương quốc:
1/ Hội Thánh là Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy tháp ta vào Chúa Giêsu như cành liền thân cây. Đức Giêsu nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,1-6).
Như vậy người nào muốn được Chúa Giêsu cứu độ, thì mọi sinh hoạt của họ phải là do sức sống của Chúa Giêsu thông ban, như sự sống được chuyển lưu trong các phần chi thể thân mình; cũng như trái tim truyền máu đến các tế bào trong cơ thể. Bởi thế sự sống của người Công Giáo là sự sống của Thiên Chúa ban cho, đặc biệt khi rước Lễ. Đức Giêsu nói: “Ai ăn tôi nó sống nhờ tôi như tôi sống nhờ Cha tôi” (Ga 6,57).
2/ Hội Thánh là một Vương quốc.
Đã là người thì ai cũng muốn thuộc về một quốc gia hùng mạnh, chỉ có một thủ lãnh và một Hiến pháp:
a- Chúa Giêsu là Thủ Lãnh duy nhất vì Ngài là Vua trời đất. Thánh Phaolô nói:
-                     Để đưa thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa muốn quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô, cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người” (Ep 1,10-11).
-                     Đức Giêsu đã tự hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.”Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,8-11).
-                     Vì trong Đức Giêsu Kitô, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,16-19).
b- Chỉ có Chúa Giêsu là Vua Chân Lý.
-                     “Ông Philatô hỏi Đức Giêsu: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
-                     Chính vì thế mà Đức Giêsu đã nói với môn đệ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là ‘vị chỉ đạo’, vì vị Chỉ Đạo của anh em chỉ có một, là Đức Kitô” (Mt 23,8-10).
Ông Phêrô đã hết lòng làm chứng cho mọi người về Chúa Giêsu, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất, đó là một Chân Lý xác thực. Ông nói: “ Nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà anh què này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,10-12: Bài đọc I).
Quả thật, Chúa Giêsu chính là “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường” (Tv 118/117,22: Đáp ca). Đối với những người không được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, nhưng làm lành theo lương tâm, giáo huấn Công Đồng Vat. II, trong Hiến Chế Hội Thánh số 16 cho ý kiến: “Những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x Cv 17,25-28). Và vì Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu độ (x 1Tm 2,4). Thực tế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Hội Thánh Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn Thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu độ. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ”.
III. ĐỨC GIÊSU CHĂM SÓC DÂN NGÀI VỚI TÌNH YÊU NÀO TUYỆT HẢO NHẤT?
Đức Giêsu nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14: Tung Hô Tin Mừng).
Động từ “biết” trong Kinh Thánh chỉ riêng về sự liên hệ trong đời sống vợ chồng:
-                     Adam biết Eva, vợ ông, bà có thai sinh Cain (St 4,1 – Bản dịch NTT).
-                     Sứ thần truyền tin cho Đức Maria sinh Con Thiên Chúa, Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy xảy ra thế nào,vì tôi không biết việc vợ chồng” (Lc 1,34 – Bản dịch PVGK).
Đối với những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người ấy là Hiền Thê của Chúa Kitô (x 2Cr 11,2), mà đã là vợ thì phải biết tùng phục chồng (x Ep 5,22-24). Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn ai nghe Lời Ngài, là dấu tùng phục Ngài, người ấy mới thuộc về đoàn chiên của Ngài, nên được Ngài hết lòng chăm sóc, giữ gìn. Ngài nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai giựt được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai giựt được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,27-30 – Bản dịch NTT). Động từ “giựt” Đức Giêsu dùng ở đây là Ngài hữu ý cho ta nhớ đến mối tình của ngôn sứ Hôsê dành cho Gômơ, cô vợ có tính dâm đãng, vì mỗi khi ông Hôsê vắng nhà là cô ruổi theo tình lang! Ông đã tìm hết cách dụ vợ về, lòng kề lòng thỏ thẻ tâm sự trong tâm tình tha thứ, và còn tặng vợ nhiều báu vật! Nhưng vợ ông đã quen đường cũ làm ông phải thốt lên: “Phen này ta sẽ lột trần cái đĩ già của vợ ta trước mặt các gã tình lang, để không ai giựt nó khỏi tay ta” (Hs 2 – Bản dịch NTT). Nhiều người Công Giáo còn mang tính “dâm” hơn vợ ông Hôsê, vì mỗi khi phạm tội là phản bội Chúa Giêsu. Nhưng vì người ấy để tâm nghe Lời Chúa, Ngài vẫn không rẫy từ. Vì thế Đức Giêsu và cả Chúa Cha đều gìn giữ họ, không để sự dữ nào giựt mất! Đức Giêsu yêu kẻ nghe Lời Ngài hơn ông Hôsê yêu vợ.
Tình yêu của Chúa Kitô bao phủ và chăm sóc ta, ta chỉ nhận biết rõ vào ngày cánh chung. Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,1-2: Bài đọc II).
Vậy:
·        Đối với các chủ chăn trong Hội Thánh.
Hãy noi gương Vị Mục Tử nhân lành là Chúa Giêsu, phải luôn phấn đấu nên giống Thầy Giêsu, Ngài là thước đo lòng người, Ngài trở nên tiêu chuẩn để mọi người phân biệt: Đâu là chủ chiên thật? Đâu là kẻ chăn thuê? Để các mục tử trong Hội Thánh ý thức về điều này, Thánh Công Đồng Vat. II trong Hiến Chê Hội Thánh số 32 đã mượn lời thánh Augustin nhắc nhở: “Làm Giám mục hay Linh mục cho anh em, tôi rất lo sợ, làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục hay Linh mục chỉ là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục hay Linh mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là một danh hiệu mang ơn cứu độ.”
Cũng chính vì ý thức sự liên đới mật thiết giữa chủ chiên và đoàn chiên, mà cha Gioan Maria Vianey nói: “Linh mục thánh thiện, giáo dân đạo đức; Linh mục đạo đức, giáo dân tầm thường; Linh mục tầm thường, giáo dân ra quỷ!” Vì các chủ chăn phải là mẫu gương sống Đạo cho giáo dân, để thánh Phêrô có thể nói với họ: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7).
·        Làm con chiên ngoan, hãy thực hiện hai điều:
ò Cầu nguyện cho các chủ chăn trong Hội Thánh biết nói như thánh Tông Đồ: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đối với Chúa Kitô” (1Cr 11,1).
ò Có tấm lòng biết nghe Lời Chúa, là dấu hiệu đặc thù để thuộc về ràn chiên của Chúa Kitô (x Ga 10,27).
Vào ngày lễ Chúa Chiên Lành năm 1994, để đánh dấu năm Quốc Tế Gia Đình, Đức Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho bà Elysabeta Calnorimora.
Bà có chồng được hai năm, sinh hai con gái. Người chồng bỏ theo vợ bé, còn đánh đập bà đến thập tử nhất sinh. Nhưng bà được Chúa cho thoát tay tử thần, sau đó bà gia nhập Tu hội đời dòng Chúa Ba Ngôi làm việc từ thiện giúp đỡ nhiều người không may mắn về tinh thần cũng như vật chất, cùng cầu nguyện liên lỉ cho người chồng ăn năn trở lại. Năm 1925, bà qua đời ở tuổi 51, lúc ấy người chồng mới thức tỉnh quay trở về, sau ông tu dòng Chúa Ba Ngôi, làm Linh mục rất thánh thiện.
Như thế, điều ta xin dường như không thấy, nhưng điều ta được lại vượt quá ước mơ! Quả thật, bà Calnorimora chỉ xin Chúa cho chồng trở về với gia đình, khi bà còn sống xem ra Chúa không nhận lời, nhưng sau khi bà qua đời, chẳng những người chồng trở về nuôi con cái đoàng hoàng mà còn trở thành một Linh mục thánh thiện, hơn lòng bà mơ ước! Chỉ vì nhờ Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành đã chăn dắt mọi người trong gia đình bà!
THUỘC LÒNG.
Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ (Cv 4,12).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH