Lời Chúa cntn 32a _ hãy sẵn sàng

HÃY SẴN SÀNG
Thà tránh làm điều dữ, còn hơn là tránh cái chết. Nếu hôm nay bạn không sẵn sàng, thì đến ngày mai bạn sẵn sàng thế nào được?
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Qua dụ ngôn 10 cô trinh nữ: năm cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại, Chúa đã nhắc nhở chúng ta: “Vậy hãy tỉnh thức vì các con không biết ngày nào, giờ nào”
Chúa nhắc tới mỗi người, ngay đang lúc sống, cũng phải sẵn sàng nghĩ tới giây phút trở về thế giới bên kia, giây phút Chúa đến với ta, giây phút ra trước tòa Chúa. Nhiều khi Chúa đến với ta, gọi ta một cách bất ngờ, có nghĩa là ta phải bỏ đời ngay chính lúc ta đang khỏe mạnh, đang sống an vui, đang lúc ta tưởng cuộc sống của ta còn kéo dài nhiều ngày, nhiều năm tháng.
Cũng vì muốn khuyên chúng ta phải luôn sẵn sàng, sách Gương Chúa Giêsu đã viết: “Cuộc sống của bạn không kéo dài lâu đâu: Hãy hỏi mình đã sẵn sàng chưa?
Con người hôm nay còn, mai đã mất!
Khi họ đã khuất mắt mọi người, thì mọi người cũng cách xa lòng với họ.
Thực là điên rồ, khi chỉ biết đến giây phút sống, mà không dự phòng cho giây phút bỏ đời.
Trong mọi hành động, mọi ý nghĩ, bạn sẽ cư xử như chính bạn sẽ chết đúng ngày hôm nay.
Nếu tâm hồn bạn trong trắng, bạn sẽ không sợ chết mấy.
Thà tránh làm điều dữ, còn hơn là tránh cái chết.
Nếu hôm nay bạn không sẵn sàng, thì đến ngày mai bạn sẵn sàng thế nào được?
Ngày mai có gì là chắc! Bạn có chắc chắn sẽ sống đến ngày mai không?
Sống nhiều mà sửa mình ít, thì hỏi được ích lợi gì?
Giả như ta chỉ sống thánh thiện, được ít là lấy một ngày, thì chả hay lắm sao?…
Hạnh phúc thay, người luôn luôn biết để giờ chết trước mắt, và ngày ngày giọn mình sẵn sàng…
Đôi khi bạn thấy người ta chết, bạn hãy nghĩ một ngày nào đó, bạn cũng sẽ như vậy.
Sáng thức dậy, bạn nên nghĩ bạn sẽ không sống tới ngày mai.
Hãy sẵn sàng luôn, hãy sống thế nào để giờ chết đến lúc bạn đã sẵn sàng. Biết bao người đã phải chết bất ưng:
“Vì con người đến lúc không ai ngờ.” (Luc. 12,40)…
Đừng tin tưởng ở bạn bè thân thuộc, cũng đừng giãn việc phần rỗi lại lâu, vì người đời quên bạn chóng hơn bạn tưởng.
Thà tự liệu kỹ lưỡng cho mình ngay lúc này, và sắm lấy đôi việc phúc thiện, còn hơn trông vào người khác giúp đỡ.
Nếu bây giờ bạn không tự liệu cho mình, mai này ai sẽ lo cho bạn?
Giây phút hiện tại là giây phút vô giá: “Đây là giờ phần rỗi, đây là thời cơ thuận tiện.”(2 Cor.6,2)
(Trích gương Chúa Giêsu L.I. C 23)
Ngày 25 tháng 5, bản án của triều đình truyền phải xử thánh Đoàn Trinh Hoan (tử đạo ngày 26.5.1861, 63 tuổi) ra tới Đồng Hới, sau khi nghe đọc bản án, Cha Hoan cầu nguyện:
“Chúng con chúc tụng Chúa, Ngài đã cho chúng con biết trước giờ hồng phúc đổ máu vì Danh Ngài”
Thật cảm động, hình ảnh người cha già, tay chân đeo xiềng, cổ mang gông và nắm chắc bản án tử hình vì đức tin, đã đến gặp từng người bạn tù để nói đôi lời úy lạo. Cha đi một vòng thăm các bạn tù lần chót, khuyên họ:
“Giờ cuối cùng của tôi không còn xa. Phần anh em, những người con yêu quí, anh em còn ở lại trần gian đau khổ này, anh em hãy trung tín đến cùng. Xin anh em cầu nguyện cho tôi làm trọn vẹn ý Chúa.”
Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại họ Kim Long, phụ cận thành Huế, trong một gia đình nề nếp, đạo hạnh. Cậu đã dâng mình cho Chúa, và theo học tại chủng viện Pénang. Năm 1836, thầy Hoan về nước và thụ phong linh mục tại Sài Gòn. Trong 26 năm linh mục, cha Hoan đã lãnh nhận nhiều nhiệm sở. Cha rất hăng say hoạt động, nhưng vì ở thời bách hại, cha cũng rất khôn ngoan dè dặt. Cha có biệt tài nói chuyện và rất duyên dáng, nên ở đâu cha cũng được mọi người quý mến. Dưới thời Vua Tự Đức, cha là một trong những linh mục VIệt Nam có uy tín, do khả năng tuổi tác và kinh nghiệm hoạt động lâu năm. Dù phải thay đổi chỗ ở liên tục, thực tế cha sống dưới thuyền nhiều hơn trên bộ, cha vẫn kiên tâm đào tạo các thầy giảng. Cha cổ động ơn gọi linh mục nơi các thanh thiếu niên, hướng dẫn nhiều bạn trẻ vào chủng viện.
Ngày 2.1.1861 nhân dịp lễ Hiển Linh sắp tới, Cha Gioan Hoan đến thăm giáo xứ Sáo Bùn (Quảng Bình) ngồi tòa cáo giải để giúp giáo dân mừng lễ. Như các lần khác, ông trùm Matthêô Phượng hân hoan mời cha đến trọ nhà mình. Do có người tố giác mà ngay tối hôm sau, quan quân kéo đến vây làng, truy bắt đạo trưởng. Cha Hoan chạy ra sông tìm đường tẩu thoát. Không ngờ vừa đến bờ sông thì gặp ngay một toán lính đi tới. Cha định núp sau một đống củi, nhưng không kịp. Lính bắt và dẫn cha vào thị trấn Đồng Hới. Cha đã bị bắt cùng với ông trùm Matthêô Phượng
Quan trấn Quảng Bình đã cho dùng mọi dụng cụ tra tấn. Cha Hoan và Ông Phượng chịu đánh đập cùng với 7 chứng nhân khác một cách tàn nhẫn. Họ cho nung đỏ kìm sắt, kẹp vào đùi và cánh tay để bắt các môn đệ Chúa Kitô phải bước qua thập giá và khai báo những điều mà họ muốn biết. Dù đau đớn đến độ ngất xỉu, cha Hoan, Ông Phượng và các chứng nhân vẫn không nói một lời, không tiết lộ những gia đình cha đã trú ngụ, không để lộ chi tiết nào có hại đến người khác, và tất cả đều cam đảm xưng đức tin. Cuối cùng cha Hoan và ông trùm Phượng bị kết án xử tử, còn những người kia phải lưu đày chung thân.
Chiến dịch bắt đạo tháng 12 năm 1859 đã gom nhiều chức sắc trong các giáo xứ, và riêng ở Huế, tập trung mọi tín hữu trên 50 tuổi vào trại giam, do đó khu vực giam cha Hoan còn có nhiều anh em giáo hữu. Nhờ có tài xã giao lịch thiệp, cha Hoan đã dành được thiện cảm của toán lính canh ngục. Cha có thể dễ dàng đến các phòng giam trong trại để thăm viếng các tín hữu. Trong suốt 5 tháng bị giam, cha Hoan dành rất nhiều thời giờ để giải tội, và khích lệ các giáo hữu. Nhận được Mình Thánh Chúa đưa vào, cha rước lễ và chia sẻ cho anh em.
Ngày 25 tháng 5, bản án của triều đình truyền phải xử thánh Hoan ra tới Đồng Hới.
Tối hôm ấy cha thức thật khuya để ủy lạo bạn hữu và giải tội cho một số người. Sáng sớm hôm sau, 26.5.1861 tù nhân ở các phòng khác cũng được phép đến gặp và từ giã cha. Cha nói:
“Thưa anh em, tôi dám xin mượn lời Thánh Phalô để nói với anh em rằng: anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô.”
Cha con vui vẻ hàn huyên cho đến khi có lệnh ra pháp trường. Cha đứng thẳng lên, cổ vẫn mang gông nặng, hiên ngang bước theo viên cai ngục.
Ra đến cửa, cha gặp ông trùm Phượng, hai toán lính nhập làm một, hai lính cầm hai bản án đi trước. Đến pháp trường, hai vị quỳ trên chiếu đã trải sẵn. Quan hỏi hai chứng nhân có cần trói vào cột không, cha trả lời: “Khỏi cần, tôi sẽ quỳ yên không nhúc nhích. Nếu tôi không tự nguyện chết, tôi đã chẳng đến đây, xin cho vài phút để cầu nguyện.”
Cha ngẩng mặt lên trời, tạ ơn Chúa, giơ tay ra giải tội cho ông Phượng và ra dấu đã sẵn sàng để lý hình thi hành nhiệm vụ.
Thấy thái độ dũng cảm của cha, biết cha vô tội, nên lý hình đã chỉ định phải nhờ một lý hình khác không quen tay: Do đó Cha bị chém tới nhát thứ ba, đầu mới rơi xuống.
Đề tựa của Lm. HK