Lời Chúa thứ năm tuần thánh _ yêu thương và phục vụ như Thầy

YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ NHƯ THẦY
Khi dám hy sinh quyền lợi của bản thân vì thiện ích của tha nhân, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và qua đó giúp nhiều người nhận ra Đức Giêsu là Tình Yêu nhập thể đang ở giữa nhân loại.  
Lm. Mt
Một cụ già đau nặng vừa lãnh nhận bí tích xức dầu. Có người hỏi:
-      Cụ sợ chết không?
Ông trả lời:
-      Sợ chứ!
Người khách thắc mắc:
-      Vừa lãnh các bí tích cách sốt sắng, ông còn sợ gì nữa?
Bệnh nhân nói:
-      Sợ khi chết rồi con cháu và mọi người sẽ quên tôi.
Một trong những nỗi lo lắng của con người là sợ bị lãng quên.
Trong đêm Giavê Thiên Chúa ra tay uy quyền giải thoát dân Israen khỏi đất nô lệ Ai Cập, Người căn dặn họ: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.” (Xh 12, 14) Và khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." (1 Cr 11, 24-25) Truyền dạy như thế, phải chăng Thiên Chúa cũng sợ bị lãng quên?
Giáo lý và phụng vụ cho chúng ta biết: từ muôn thuở, Thiên Chúa hạnh phúc cách viên mãn trong chính tình yêu của Ba Ngôi. Việc chúng ta nhận biết, thờ phượng, cảm tạ, tôn vinh và yêu mến chẳng thêm gì cho Người, nhưng đem lại muôn vàn ơn ích cho chúng ta: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ.” (Kinh Tiền Tụng IV)
Thế nên, khi Thiên Chúa dạy dân Israen hằng năm kỷ niệm lễ Vượt Qua là muốn giúp họ luôn nhận ra quyền năng, tình thương của Người, nhờ vậy họ và con cháu thêm lòng tin tưởng, biết trung thành tuân giữ huấn lệnh, sống xứng đáng là dân riêng và được hưởng sự chúc phúc, chở che của Người.
Đức Giêsu căn dặn các tông đồ và Giáo Hội tái hiện Hy Tế Thập Giá được tiên báo qua Bữa Tiệc Ly để nhớ đến Người, chắc chắn Người không muốn chúng ta nhắc lại một kỷ niệm đã thuộc về quá khứ, nhưng để ơn cứu độ được tuôn trào trên các tín hữu và cho toàn thể nhân loại. Chẳng những thế, khi dự tiệc Thánh Thể, người Kitô hữu còn được mời gọi tham gia việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu như thánh Phaolô dạy: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1 Cr 11, 26) Ý thức bổn phận ấy, sau phần Truyền Phép, chúng ta tung hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”
Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và sống lại vinh quang để những ai tin sẽ được tha thứ tội lỗi và thông phần vào sự sống của Người. Loan truyền Tin Mừng Phục Sinh không chỉ là nói về niềm tin bằng những lời nói suông, nhưng còn bằng cuộc sống qua việc phục vụ như Đức Giêsu, Đấng được các tông đồ gọi là Chúa và Thầy, đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ. Hơn thế nữa, Đức Kitô đã tự nguyện chịu đau khổ và chết trên thập giá như một tội nhân, để muôn dân được nên con Chúa và hưởng sự sống đời đời.
Về mặt tổ chức, Giáo Hội Công Giáo cũng giống như các tôn giáo và đoàn thể xã hội chúng ta thường gặp. Nhưng khi noi gương Đức Giêsu, biết yêu thương và phục vụ, dám hy sinh quyền lợi và sự sống vì hạnh phúc của tha nhân, chúng ta sẽ giúp nhiều người nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ trần gian và các tín hữu là môn đệ của Người: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 35) Bởi vậy, sau khi rửa chân cho các ông, Người còn nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 14-15)
Một em bé mồ côi, đầu trần, đi chân đất và mặc chiếc áo không đủ ấm trước những cơn gió đông buốt giá. Em đứng và dán cặp mắt thèm thuồng vào tấm kiếng của một tiệm bán quần áo, dày dép đang giờ đông khách. Bỗng một bàn tay ấm áp nắm lấy tay em và nói:
-      Con vào đây với cô.
Quá bất ngờ nên em bước theo như một cái máy, và người phụ nữ ấy đã mua cho tất cả những gì em cần. Trước khi chia tay, cậu bé nhìn người phụ nữ với lòng biết ơn và ngập ngừng hỏi:
-      Thưa bà, bà có phải là Chúa không?
Người phụ nữ cười hiền hậu:
-      Không, cô chỉ là người môn đệ còn nhiều vụng về của Người.
Nói về yêu thương thì dễ, nhưng thực thi lòng mến đến độ chấp nhận phần thiệt về mình thì cần nhiều cố gắng. Nhưng khi dám hy sinh quyền lợi của bản thân vì thiện ích của tha nhân, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và qua đó giúp nhiều người nhận ra Đức Giêsu là Tình Yêu nhập thể đang ở giữa nhân loại.
Hôm nay chúng ta hợp với Giáo Hội tái diễn bữa tiệc ly của Đức Giêsu và các môn đệ, trong bữa ăn này Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể và Truyền Chức. Tham dự thánh lễ và quì bên Thánh Thể Chúa, mỗi người cần tự hỏi: có khi nào tôi là một tín hữu tốt ở nhà thờ, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày, thường nhìn tha nhân bằng ánh mắt lạnh lùng và cư xử với mọi người bằng trái tim băng giá?
Nếu có như vậy, chúng ta hãy xin lỗi Chúa và quyết tâm thay đổi cách sống. Chẳng những thế, cùng với lời cảm tạ vì được Chúa yêu thương, chúng ta xin cho các tín hữu siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, để được thông hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô, biết yêu thương phục vụ lẫn nhau theo gương Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và hiến thân trên thập giá vì hạnh phúc của muôn người.
Lm. Mt