Lời Chúa cntn 20c _ Thầy đến để đem sự chia rẽ

Thầy đến để đem sự chia rẽ
Chúa ban bình an cho mỗi người theo Chúa, nhưng vì con người có tự do tin Chúa hay không, nên chính việc Chúa đến làm xảy ra những sự chia rẽ trong gia đình, trong xã hội.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Sau đây là mấy tư tưởng chính của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe:
* “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong ước biết bao cho lửa cháy lên.”
Lửa đây trước hết có thể hiểu: lửa mến Chúa, yêu người Chúa hun đúc trong tâm hồn các tín hữu Chúa, và quả thực trải qua 2000 năm ngọn lửa mến Chúa, yêu người, ngọn lửa sống hy sinh, quên mình đã bùng cháy trong biết bao tâm hồn các người lành thánh.
* Lửa ở câu này cũng có thể hiểu: lửa liên quan tới nước tức là “Phép rửa” Chúa nhắc tới trong câu sau: Chúa gợi ra cho chúng ta “Phép rửa” trong Thánh Thần và ngọn lửa diễn ra trong ngày lễ Ngũ Tuần (lễ Hiện Xuống). Cũng có người giải thích: Ngọn lửa và phép rửa, hay nói đúng hơn nước và lửa được coi như khí cụ để phán xét (xem thư 2 Thánh Phêrô chương 2 câu 5, và chương câu 3 câu 6, 7) và ở đây Chúa nói đến việc chính Ngài sẽ bị đưa ra xét xử, và Ngài ước ao cuộc xét xử bất công, Ngài sẽ phải chịu chóng đến để Ngài chuộc tội cho ta.
* Điểm chúng ta cần giải thích trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là điểm đã mang nhiều thắc mắc. Thắc mắc về một nghịch lý (paradoxe)
Chúa phán: “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian; Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ… giữa cha mẹ, con cái, giữa những người trong một nhà.”
Lời Chúa phán trên coi như ngược lại chủ trương của Chúa, đã đề cập nhiều lần: Chúa đến để ban bình an cho ta; và quả thực qua 2000 năm trời biết bao con người đã tìm ra được hạnh phúc, và bình an thực sự của Chúa. Ở đây, câu nói trên của Chúa, phải hiểu như là một lời Tiên Tri: mỗi khi đạo Chúa tới mỗi dân tộc, một nước nào thường xảy ra sự xáo trộn, sự chia rẽ: đạo Chúa thường gặp phải cảnh bách hại cấm cách. Mà đã có bách hại, có cấm cách là xã hội đó không bình an, như mọi người mong muốn. Hồi Giáo Hội sơ khai: Thánh Têphanô đã bị ném đá, Thánh Phaolô (Saulê) đã được lệnh bách hại những ai theo Chúa… Rồi khi đạo Chúa xuất hiện trong đế quốc La Mã, biết bao cảnh đổ máu, cảnh chia rẽ giữa cha mẹ, con cái vợ chồng bất thuận với nhau vì người theo đạo Chúa, người lại phỉ báng đạo Chúa. Đọc hạnh thánh Perpetua, ta thấy: dưới cuộc bách hại của Hoàng Đế Septimô Sêverô:
Perpetua thuộc gia đình danh giá, đã bị bắt cùng với hai thanh niên là Saturninô và Seculdulô, với hai người nô lệ là Revecatô và Phênicita. Tất cả đều đang học đạo với một giáo dân tên là Saturô. Thấy tất cả các học viên của mình bị bắt, Saturô cũng tự nộp mình.
Người cha của Perpetua là một người thầy ngẫu tượng, đến nài nỉ con bỏ đạo Chúa, trung thành với ngoại giáo. Nhưng chỉ vào một cái bình, Thánh nữ Perpetua trả lời:
-        Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng cái tên nào khác bằng cái bình không? Đối với con cũng vậy, con không thể cho một mình cái tên nào khác ngoài danh hiệu Kitô nữa.
Bực tức quá, người cha liền đánh dập Perpetua tàn nhẫn. Rồi ông rút lui. Nhiều ngày sau Thánh Nữ không gặp lại cha. Trong những ngày đó Perpetua cùng các bạn đã được chịu phép thanh tẩy. Khi dìm vào nước, Thánh Nữ đã chỉ cầu xin một điều là: được sức mạnh để chịu nổi các đau khổ của cuộc tử đạo. Họ bị dồn chung vào một phòng giam chật hẹp tối tăm. Nhưng rồi, do đút lót tiền bạc, họ được chuyển sang phòng rộng rãi hơn đôi chút.
Perpetua mẹ của một đứa bé còn đang bú, rất đau khổ khi phải xa con. Đứa bé kiệt sức. Người ta trả nó lại cho mẹ và người mẹ vui sướng quên hết mọi đau đớn.
Vì biết rằng con mình sắp bị án tử, cha của Perpetua đến gặp Thánh Nữ. Ông nói với con những lời rất thảm thiết:
-        Con ơi, hãy thương mái tóc bạc của cha, hãy thương cha. Hãy nhớ đến đôi tay cha đã nuôi dưỡng con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đứa nhỏ của con nữa, không có con, nó sống sao được. Con hãy bỏ đạo, bỏ quyết định làm cho chúng ta mất tất cả.
Tuy rất cảm động và đau khổ. Perpetua chỉ trả lời:
-        Thưa cha, tại tòa án sẽ xảy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.
Người cha còn cho đem đứa trẻ đến và năn nỉ lần nữa:
-        Con hãy thương đến đứa con nhỏ của con!
Tuy nhiên trong khi đó các tù nhân cùng với Perpetua công khai tuyên bố rằng họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho Chúa.
Đó chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp xảy ra trong những thời kì bách hại.
Như vậy, lời Chúa phán trên đây, quả là lời tiên tri về tương lai một số người theo Chúa, về tương lai của Giáo Hội, nhất là tương lai của Giáo Hội sơ khai tại mỗi sơ khai tại mỗi địa phương.
Rồi cả cùng trong những người tin theo Đạo Chúa: cũng xảy ra những việc chia rẽ: ví dụ cha con thánh Phanxicô Assisiô: Người cha muốn con theo nghề buôn bán để trở nên giàu sang, còn Thánh Phanxicô lại muốn sống cuộc đời hoàn toàn siêu thoát, bỏ qua tất cả để sống khó nghèo theo lời Chúa khuyên
Đễ dễ hiểu ta nên nhớ: quả thật Chúa ban bình an cho mỗi người theo Chúa, nhưng vì con người có tự do tin Chúa hay không, nên chính việc Chúa đến làm xảy ra những sự chia rẽ trong gia đình, trong xã hội.
Tóm lại câu nói: “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian! Thầy bảo các con: Không phải thế, nhưng Thầy đến dể đem sự chia rẽ …”
Câu nói coi như nghịch lý này, thực ra chỉ là một lời tiên tri, về sự phát triển của đạo Chúa, và đừng ai lấy làm lạ tại sao thường xảy ra chia rẽ, bắt bớ, tù đày, chết chóc ở những nơi đạo Chúa vừa chớm nở. Có lẽ, như lời Tertullienô nói: “Thiên Chúa đã muốn dùng sự đau khổ của các vị tử đạo, dùng máu đào của các Ngài, làm hạt giống nảy sinh ra các Kitô hữu.”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
  • Đề tựa của Lm. HK