TU ĐỨC _ một chút tâm sự

MỘT CHÚT TÂM SỰ
1. Trong tuần lễ vừa qua, một biến cố nhỏ đã đến với tôi. Biến cố riêng tư đó xảy ra trong một biến cố lớn.
Cuộc tĩnh tâm linh mục Long Xuyên năm nay (14-18/11/2011) có 240 linh mục tham dự là một biến cố lớn. Anh em linh mục chúng tôi cùng nhau cầu nguyện, suy tư, bàn hỏi, để đưa ra đường hướng tu đức, mục vụ, truyền giáo phù hợp với hoàn cảnh mới theo Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa, của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.
Tôi hiệp thông với cuộc tĩnh tâm chủ yếu bằng cầu nguyện. Cầu nguyện tha thiết. Cầu nguyện liên lỉ. Tôi cầu nguyện nài xin Chúa chỉ một điều: “Xin Chúa cho con biết đường lối của Chúa”.
2.
Đêm thứ tư, lời nguyện đó làm tôi trăn trở. Suốt đêm tôi cầu nguyện như một người mỏi mệt, vật vã trong sự khó nghèo tột độ. Tôi hơi thiếp đi. Đột nhiên, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu. Người từ xa bước gần lại bên tôi. Dung mạo hiền lành, đầy máu. Người nói với tôi: “Con xin Ta chỉ cho con đường lối tu đức mục vụ và truyền giáo. Đường lối đúng chính là Ta đây. Ta là Giêsu, Đấng cứu chuộc loài người. Để cứu chuộc nhân loại khỏi tội, khỏi hoả ngục, khỏi quỷ Satan, Ta đã tự nguyện chịu mọi khổ đau, trở thành của lễ đền tội. Con cũng hãy là của lễ đền tội với Ta và như Ta”.
Tôi nói với Chúa Giêsu: “Vâng, con xin bước đi theo Chúa”.
Chúa Giêsu trả lời: “Bước theo mà thôi chưa đủ. Con hãy đón chính Ta vào trong con. Chính Ta sẽ làm cho con nên của lễ như lòng Ta mong muốn”.
Trong giây lát, tôi nhớ lại hình ảnh Đấng Cứu Thế, mà tiên tri Isaia xưa đã mô tả: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội. Chính Người đã bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Người đã bị sửa trị, để chúng ta được bình an, Người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5). Hình ảnh của lễ đó đang đứng trước mặt tôi. Tôi xúc động vô vàn.
3.
Tôi bừng tỉnh. Đây là một biến cố, tuy nhỏ và riêng tư, nhưng đã gây ấn tượng sâu đậm trong tôi. Cho tới phút này, dung mạo Chúa Giêsu hiền lành đầy máu me vẫn còn rõ nét, những lời Người nói vẫn còn sống động. Với dung mạo đó và với những lời nhắn nhủ đó, Chúa Giêsu đang giúp tôi triển khai ý muốn của Người qua các gương sáng, mà tôi được gặp về của lễ cứu độ.
4.
Kinh nghiệm, mà tôi cho là cao quý nhất do các gương sáng để lại cho tôi, đó là việc họ đón Chúa Giêsu vào con người của họ và vào cuộc đời của họ. Họ cầu nguyện rất nhiều.
Khi con đường họ đi là chính Chúa Giêsu, thì con đường đó không là một hệ thống tư tưởng, một lý thuyết, mà là một sự sống. Sự sống của Chúa Giêsu, khi được đón nhận vào trong họ, sẽ chia sẻ cho họ những tâm tình của Chúa, những chân lý của Chúa, những cái nhìn của Chúa.
Tâm tình nổi nhất là hiền lành và khiêm nhường. Chân lý nổi nhất là yêu mến vâng phục ý Chúa Cha và luôn theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cái nhìn nổi nhất là cái nhìn yêu thương và chuyển tải ơn thánh cứu độ.
Tất cả những gì họ đón nhận được từ Chúa Giêsu đã được thực hiện do sáng kiến chủ động của Chúa. Chúa ban cho họ một cách nhưng không. Phần họ phải đóng góp là sự biết đón nhận. Họ đón nhận với tâm hồn nghèo khó và khiêm tốn cộng tác với ơn Chúa.
Như vậy họ được đổi mới thường xuyên. Đổi mới ấy có thể gọi là một sự trở về với Chúa mỗi ngày, từng giờ, từng phút. Đổi mới ấy cũng là một sự khám phá ra những cái mới lạ do Chúa làm cho từng thời, cho từng nơi, cho từng người.
5.
Với bản thân được đổi mới như vậy, họ trở nên của lễ, khi họ phục vụ con người, nhất là những người bé mọn, nghèo khó. Của lễ trong phục vụ của họ là yêu thương một cách hiền lành khiêm tốn, chấp nhận mọi hy sinh. Hy sinh thường xuyên trong phục vụ của họ là trở nên nghèo khó, vui làm những việc thấp kém, âm thầm với thân phận của người đầy tớ.
Khi chia sẻ những nhọc nhằn, khổ nhục của những người khác, họ vẫn tỉnh thức không để bất cứ ai lôi kéo vào những mưu đồ nghịch với Phúc Âm, trái lại họ tìm cải hoán hoàn cảnh theo chân lý và tâm tình của Đấng Cứu Thế. Khi chủ trương như vậy, họ phải chịu nhiều đau khổ. Họ chấp nhận những khổ đau ấy, để trở thành của lễ cùng với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu.
6.
Họ còn trở thành của lễ vì  nhiều lý do khác. Trong số những lý do thường xảy ra, không thiếu lý do là trong chính nội bộ. Thiếu nhân bản, thiếu công bình, thiếu bác ái, thiếu tế nhị hầu như vẫn có phần nào trong các cộng đoàn. Sự khác biệt về tính tình, về quan điểm, về ý hướng, về lối sống thường gây nên những va chạm trong cộng đoàn. Vẫn thương yêu nhau mà vẫn phải khổ vì nhau. Do đó, hạnh phúc của đời sống trong cộng đoàn đòi hỏi mỗi người phải trở thành của lễ. Nhiều người đã hưởng được hạnh phúc đó, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu
7.
Sau cùng, họ trở thành của lễ, do những gì là riêng tư của chính bản thân họ. Thí dụ sự họ quá yếu đuối, sự họ có quá nhiều giới hạn, sự họ quá nhạy cảm trước những khổ đau của người khác. Họ đau cái đau của người khác. Họ khổ cái khổ của người khác.
Và thí dụ sự họ mang nhiều thứ bệnh tật xác hồn, sự họ phải chịu nhiều thứ mất mát, hiểu lầm, sỉ nhục, cô đơn, mệt mỏi. Tất cả đều có thể là những đau đớn lặng lẽ riêng tư. Với ơn Chúa, họ chịu tất cả, dâng tất cả lên Chúa như một của lễ, để đền tội cho chính mình, và góp phần cứu rỗi những người, mà Chúa gởi gắm nơi họ.
8.
Viết tới đây, tôi như quên khen ngợi những cơ chế, những hội nghị, những ban bệ trong Hội Thánh. Thực sự, tôi vẫn nhận giá trị của những tổ chức đó theo một mức độ hợp lý.
Nhưng tôi không thể không đề cao những gì Chúa nhắn nhủ tôi trong biến cố nhỏ Chúa mới dành cho tôi đêm đó. Những nhắn nhủ đó rút ra từ Phúc Âm. Tôi tin đó chính là con đường cứu độ. Tình hình càng phức tạp, thì nhắn nhủ của Chúa càng khẩn cấp.
Với những suy nghĩ trên đây, tôi thành kính gởi chút tâm sự nhỏ bé của tôi tới mọi người thiện chí, đặc biệt là tới các nơi đào tạo lớn nhỏ tại Việt Nam hôm nay. Tôi hy vọng tâm sự này sẽ được đón nhận như một dấu chỉ hiệp thông chân thành.
Xin Đức Mẹ Maria thương giúp mỗi người chúng ta cũng được trở nên của lễ như Đức Mẹ xưa.
Lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.
Long Xuyên, ngày 21 tháng 11 năm 2011
ĐGM GB Bùi Tuần