Suy tư Lễ Tro _ tro bụi cuộc đời

TRO BỤI CUỘC ĐỜI

            Cách đây 3 năm *, Phân Khoa Xã Hội Học Trường Đại Học Sàigòn trao bằng cử nhân thủ khoa cho sinh viên Nguyễn Thị Mai, với luận văn đề tài: “Tìm Hiểu Một Số Thuận Lợi và Hạn Chế Trong Tiến Trình Hội Nhập và Phát Triển của Người Khuyết Tật tại Việt Nam.”  Khi được xướng danh, người sinh viên ưu tú lên để nhận văn bằng; mọi người đều kinh ngạc thấy một cô bé bại liệt cả tứ chi được đưa lên lễ đài trên một chiếc xe lăn!  Không kể những nỗ lực của em trong bốn năm đại học, thì muốn viết cuốn luận văn 70 trang kia, em đã chỉ sử dụng hai cổ tay kẹp một chiếc đũa để gõ từng ký tự trên bàn phím vi tính.  Không cần phải đi sâu vào cuộc đời cũng thấy quyết tâm sắt đá của cô gái trẻ này…
            Cách đây một tháng, trong khi mọi người rộn ràng chuẩn bị mừng Xuân, thì một cô gái khuyết tật âm thầm qua đời trong bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch trước cái nhìn bất lực của các bác sĩ.  Cô đã được đưa vào bệnh viện quá trễ, khi bệnh lao vào thời kỳ cuối đã đặt cô vào tình trạng hấp hối.  Cô gái ấy chính là sinh viên Nguyễn Thị Mai, người bạn trẻ đã tốt nghiệp danh dự thủ khoa ngành Xã hội học năm 2003.  27 năm cuộc đời của một cô gái luôn phải nằm sát mặt đất vì không thể nào ngồi được!  27 năm phấn đấu với tật nguyền, với nghèo khó, với thua thiệt, với số phận hẩm hiu, để rồi chưa kịp nở một nụ cười mãn nguyện thì đã về với thiên thu.  Cái chết của Nguyễn Thị Mai nhói lên như một lời phản kháng trước những phi lý, bất công của cuộc đời:  Tại sao?  Tại sao?  Và tại sao?....

           Trong niềm tin của người kitô hữu chúng ta, câu Lời Chúa được chọn để đọc khi xức tro trong thánh lễ hôm nay chính là câu trả lời cho vấn nạn “tại sao” trên:  Đó là: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro...”
            Đó chính là lời nhắc nhở của Giáo Hội trong ngày thứ tư Lễ Tro hôm nay cho chúng ta, cho toàn thể nhân loại.  Vâng, thân phận bọt bèo của con người, múa may quay cuồng, bon chen, tích trữ bao nhiêu rồi cũng sẽ trở về với cát bụi.  27 năm hay 72 năm nào có khác gì đâu, nếu chúng ta sống như kiếp tù nhân đợi ngày hành quyết, và mọi nỗ lực trong đời sẽ trở thành hư không.  Chính vì thế, phụng vụ Lễ Tro hàng năm với 40 ngày của Mùa Chay thánh chính là dịp để mọi Kitô hữu suy nghĩ về cuộc đời và ý nghĩa đích thực của sự hiện diện độc đáo và đặc thù có một không hai của từng bản thân chúng ta, hầu giúp chúng ta sống đúng hơn, sống ý nghĩa hơn, sống đẹp hơn trong cuộc sống với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân.  (Trích đăng từ MARANATHA SỐ 73, ngày 25.02.2006)
            Chính trong ý nghĩa đó, chúng ta thử tìm lại vài ý nghĩa biểu tượng của chay tịnh :

- Mùa Chay và tro bụi cuộc đời:
            Trong Cựu Ước, khi dân Do Thái muốn xin Chúa thứ tha thì họ ngồi trên đống tro và xức tro lên đầu.  Khi Giô-na báo cho dân thành Ni-ni-vê rằng Thiên Chúa sẽ hủy diệt thành phố của họ nếu họ không hoán cải, vị vua đã hành động như sau:
            “Ông rời khỏi ngai vàng, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro.” (Giô-na 3,6).  Và cả thành phố đều làm như thế.  Về phần Gióp, ông gặp mọi điều bất hạnh: mất hết của cải, con cái chết đi, thân ông bệnh hoạn.  Ông nghĩ rằng Chúa trừng phạt ông vì ông không đủ tốt lành, vì thế ‘ông ngồi trên đống tro’ (G 2,8).  Từ cử chỉ ăn năn ấy, xuất phát nghi thức xức tro trong truyền thống Giáo Hội (và luôn luôn được cử hành vào ngày thứ tư gọi là Thứ Tư Lễ Tro), khởi sự cho mùa thống hối dài 40 ngày Mùa Chay.
            Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cắt nghĩa một cách sâu sắc ý nghĩa nầy trong bài giảng Lễ Tro năm 2003 :
            Khi ghi dấu tro trên trán tín hữu, người chủ tế lặp lại câu: “Hỡi người, hãy nhớ rằng mình là tro bụi, và sẽ trở về với bụi tro”.  Trở về với bụi tro, ấy là vận mệnh của mọi người và mọi vật.  Tuy nhiên, con người không chỉ là thân xác, mà còn là thần khí.  Nếu xác thịt buộc phải trở về với cát bụi, thì thần khí mãi mãi là bất diệt.  Ngoài ra, tín hữu biết rằng Chúa Kitô đã sống lại, và qua đó, xác thân Ngài đã chiến thắng tử thần.  Chính Ngài cũng bước đi trong hy vọng theo viễn ảnh đó.
            Như thế, nhận tro trên trán có nghĩa là tự nhận mình là loài thọ tạo, được dựng nên từ bùn đất và sẽ trở về bùn đất (x. St 3,19); điều này cũng có nghĩa là tự cáo mình là tội nhân, cần được Chúa thứ tha để có thể sống theo Tin Mừng (x. Mc 1,15); cuối cùng, điều ấy có nghĩa là khơi dậy niềm hy vọng vào một cuộc gặp gỡ viên mãn với Chúa Kitô trong vinh quang và trong bình an của Nước Trời.
            Và như thế, cho dù được mời gọi dấn thân vào một “mùa hy sinh khắc khổ”, chúng ta vẫn hân hoan tuyên xưng rằng: Tro bụi cuội đời vẫn ươm mầm hy vọng vinh quang

- Mùa Chay và cộng đoàn sám hối:
            Ý nghĩa nầy chúng ta đã tìm gặp ngay chính nơi trích đoạn Lời Chúa trong sách sứ ngôn Gio-en mới vừa được công bố: “Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa.” (Ge 2, 15-16) và được Đức Cố Giáo Hoàng G.P. II khai triển một cách sâu sắc bằng những lời sau :
            “Những lời này của tiên tri Giôel nói đến chiều kích cộng đoàn của việc thống hối.  Quả thật, thống hối chỉ có thể xuất phát từ con tim, mà theo nhân chủng học Kinh Thánh, đó là nơi cư ngụ những ý định sâu thẳm nhất của con người.  Tuy nhiên, những hành vi thống hối đòi hỏi phải được thực thi cùng với mọi thành phần của cộng đoàn.
            Đặc biệt vào những thời điểm khó khăn, sau những khó khăn hay trước một hiểm nguy, Lời Chúa, qua môi miệng các tiên tri, kêu gọi tín hữu đi vào thống hối: Mọi người đều được triệu tập, không trừ ai, từ người già đến trẻ em; mọi người đều hiệp nhất để van nài Thiên Chúa dũ thương mà tha thứ.
            Nếu Mùa Chay được tiếng Latinh diển tả với từ: QUADRAGESIMA (Bốn Mươi).  Con số “40” đưa chúng ta trở về với hai biến cố: 40 năm dân Do Thái đi trong sa mạc để tiến về Đất Hứa, và 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay nơi hoang địa.  Đối với dân Do Thái, cũng như đối với Chúa Giêsu, cần phải vượt qua sự ngã lòng và giữ vững niềm cậy trông vào Chúa.  Đấy là điều mà Giáo Hội mong mỏi nơi con cái mình trong ngày Lễ Tro, khi kêu gọi dân Chúa thống hối.
            Thống hối trong Mùa Chay không phải là một hành vi nhận tội của phạm nhân bị đưa ra trước vành móng ngựa.  Thống hối là nhìn lại những vết nhơ trong cuộc đời mình, để cảm tạ và hy vọng vào một Tình Yêu lớn hơn những tội lỗi đời ta, để nhận ra giá trị của một hữu thể độc nhất vẫn hằng được Thiên Chúa yêu thương…
- Mùa Chay và cầu nguyện - chia sẻ - yêu thương
            Ý tưởng nầy chúng ta lại sẽ tìm thấy trong chính bài giảng của Đức cố Giáo hoàng G.P :
            Do đó, cầu nguyện và ăn chay cần phải đi kèm với những hoạt động công bình; việc hoán cải phải được thể hiện bằng việc đón nhận nhau và liên đới với nhau.  Về điểm này, tiên tri Isaia từng kêu gào: “Cách ăn chay mà ta ưa thích nhất chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc; trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?” (Is 58,6)
            Không có hòa bình trên trần gian ngày nào các dân tộc còn bị áp bực, còn bất công trong xã hội và còn bất bình đẳng kinh tế.  Nhưng muốn có được những thay đổi cơ chế, thì những sáng kiến và phát minh bên ngoài thôi vẫn chưa đủ; trước hết cần phải có một sự hoán cải tâm hồn của mọi người hướng về tình yêu.
            “Hãy thật lòng trở về với Ta.” (Ge 2.12).  Ta có thể nói rằng sứ điệp mà chúng ta cử hành hôm nay được tóm lược trong lời này, lời Thiên Chúa khẩn khoản kêu nài chúng ta hoán cải tâm hồn.
            Lời mời gọi này được thánh Phaolô lặp lại trong bài đọc II: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa [...] Giờ đây là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát.” (2 Cr 5, 20; 6, 2).
            Anh chị em thân mến, giờ đây là cơ hội thuận tiện để nhìn lại thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em mình.
            Giờ đây là ngày cứu độ, nghĩa là lúc chúng ta xét lại sâu xa những tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta trong nếp sống đời thường.
            Lạy Chúa, xin giúp chúng con thật lòng trở về với Chúa; Chúa là Đường đưa chúng con đến cứu độ, là Chân lý giải thoát chúng con, là Sự Sống không bao giờ phải chết”.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
* Năm 2003.