Sống đức tin _ nếu bạn là người trung gian

NẾU BẠN LÀ NGƯỜI TRUNG GIAN
Cho tới đây, chúng ta đã mô tả cách giải quyết một xung đột giữa bạn và một người khác. Phương pháp đó vẫn kiến hiệu để giải quyết xung đột giữa bạn với một nhóm. Song có những trường hợp – cách riêng khi bạn là bề trên – bạn phải giúp giải quyết xung đột giữa hai người khác. Xung đột cũng có thể xảy ra giữa một người và một nhóm (hay cả cộng đoàn). Cũng có trường hợp xung đột xảy ra giữa hai nhóm trong một cộng đoàn. Trong tất cả các tình huống ấy, phương pháp giải quyết cũng như nhau mà thôi. 
Là người trung gian hay bề trên, vai trò của bạn là giúp hai bên lắng nghe nhau và nói với nhau một cách thấu cảm (xem lại phần “Một Số Điều Cần Lưu Ý”). Nhiều khi hai bên không lắng nghe và không nói chuyện một cách thấu cảm với nhau. Vậy bạn phải đóng vai trò một kênh dẫn. Nghĩa là hai bên sẽ lắng nghe và nói với nhau qua bạn. Nói cách khác, bạn không cho phép hai bên sa vào một cuộc đôi co cãi vã. Bạn lắng nghe chăm chú bên A, rồi bạn tổng lược điều mình nghe được cho bên B. Bạn yêu cầu bên B đáp lại những gì mà bên A đã nói. Bấy giờ bạn lắng nghe chăm chú bên B, và tổng lược lại cho bên A. Tiến trình này có thể phải mất ít nhiều thời gian, cho tới khi cả hai bên sẵn sàng nói chuyện một cách đúng mực. Công việc của bạn là liệu sao để cả hai bên đều tuân thủ tất cả các bước - nghĩa là, họ sẵn sàng lắng nghe và nói chuyện một cách thấu cảm, họ chỉ bám vào các sự kiện, họ không suy đoán này nọ, và họ nhận ra rõ những điều đồng thuận và những điều bất đồng giữa họ.
Rõ ràng là bạn chỉ có thể thành công trong vai trò trung gian khi cả hai bên tín nhiệm bạn. Bạn cần phải có một trương mục tín nhiệm với cả hai. Bạn phải được cả hai bên tôn trọng ở chỗ bạn là một con người nhất quán và vô tư. Có những trường hợp hai bên xung đột thậm chí không sẵn sàng ngồi lại với nhau. Tôi biết có những bề trên đã phải nói chuyện lần lượt với mỗi bên, một cách riêng rẽ. Và như vậy bề trên thường phải rất kiên trì, cho tới khi hai bên sẵn sàng gặp nhau để nói chuyện trực tiếp với nhau (hoặc có sự hiện diện của bề trên).
Giải quyết xung đột là một kỹ năng. Nhưng còn hơn một kỹ năng, nó đòi bạn phải là một con người chân thật, can đảm và quan tâm. Phương pháp này là một kiểu thức mới, trong đó mục tiêu, nói cho cùng, không phải là được hay thua, mà là đưa cả hai vào trong Nước của Thiên Chúa! 
Câu hỏi gợi ý:  
1.     Thế nào là một xung đột giả? Thế nào là một xung đột thực?
2.     Đâu là bốn cách tiếp cận (phương pháp) mà người ta dùng để giải quyết xung đột?
3.     Cách tiếp cận nào là cách của Tin Mừng?
4.     Những đặc điểm của cách tiếp cận theo Tin Mừng?
5.     Bạn kể lại một trường hợp mà bạn thấy hai người dùng phương pháp của Tin Mừng để giải quyết một xung đột.
6.     Có những trường hợp mà 3 phương pháp kia có thể được sử dụng một cách hữu ích không? Bạn cho vài ví dụ.
7.     Bạn có thể làm gì để giúp hai thành viên trong cộng đoàn của bạn đang xung đột gay gắt với nhau? 
(hết chương Giải Quyết Xung Đột) 
THIÊN PHONG
dịch từ “Authority: Its Use and Abuse” của C.P. Varkey