GIÁO DỤC _ hạn chế tính háo thắng

Giúp trẻ hạn chế tính háo thắng


Ngày nay, các gia đình thường chỉ có một hoặc hai con. Con cái ít, điều kiện kinh tế khá hơn nên các “cô chiêu, cậu ấm” thường được cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu.


Không chỉ ở nhà, đến lớp trẻ cũng thường đòi hỏi bằng được đồ chơi, bánh kẹo của bạn và thường tỏ rõ thái độ cáu kỉnh, bực bội khi không được đáp ứng. Làm cách nào để hạn chế tính ích kỷ háo thắng ở trẻ?
Lời khuyên của các nhà sư phạm là bố mẹ nhiều khi phải biết từ chối những yêu sách của trẻ và tìm cách giải thích cho trẻ biết đó không phải là nhu cầu chính đáng.

Anh Đăng Minh, một phụ huynh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: anh thường đặt ra một “định mức” cho con. Mỗi lần đi siêu thị, anh cho con tùy nghi lựa chọn một vài món quà trong định mức nào đó. Con anh vừa vui mừng được quà, lại tự biết giới hạn trong khuôn khổ. Chị Tuyết Châu ở Q.1 (TP.HCM) cũng cho biết, chị thường dẫn con đi nhà sách mỗi tháng và đưa ra giới hạn cho con trong việc mua sách. Bé An, con gái chị tha hồ chọn lựa sách theo sở thích nhưng chỉ được mua với số lượng nhất định. Ở khâu “gút” lại này, chị Châu hướng cho con những cuốn sách nào bổ ích nên chọn…

Khi chia quà bánh hay phân công việc, nên hướng trẻ vào lối sống tập thể. Chẳng hạn, nhờ trẻ giúp xếp cái áo mưa, nhờ hai chị em cùng lau nhà, một cái bánh chia đều cho hai anh em… Sau khi trẻ làm xong, bố mẹ phải giải thích cho trẻ thấy được cái lợi của việc cùng làm, ý nghĩa của việc cùng sẻ chia một cái bánh. Bố mẹ cũng có thể lấy những ví dụ cụ thể từ báo chí, truyền hình để giáo dục trẻ về lối sống tập thể. Chị Thanh Lan, một phụ huynh có con ở tuổi mẫu giáo, thường hay đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Sau mỗi mẩu chuyện đề cao tính nhường nhịn, chị hay nhắc con: “Con cũng phải biết nhường nhịn anh/chị/em như cô bé trong truyện này nhé!”.

Ra sân chung cư chơi với mấy đứa trẻ khác, thấy quả bóng của bạn đẹp, bé Vinh, tám tuổi cứ nằng nặc đòi. Ôm được quả bóng, Vinh vui vẻ chạy về nhà. Thấy vậy, anh Sanh, bố Vinh bảo: “Bạn Tèo của con đang khóc, đang buồn vì bị mất bóng đấy!”. Mẹ Vinh lại nói thêm vào: “Ồ, quả bóng màu vàng không hợp với chất nam nhi của con chút nào!”, rồi cả bố mẹ Vinh cùng đặt ra giả thiết: “Nếu tự dưng có một bạn nào đó chạy vào nhà mình và lấy “siêu nhân”, món đồ chơi quý nhất của con thì con sẽ như thế nào?”. Và bố mẹ lái câu chuyện sang quả bóng. Vinh nghe xong, chẳng biết nghĩ thế nào mà lát sau cu cậu vui vẻ mang quả bóng ra sân trả cho Tèo.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các bậc phụ huynh đừng áp đặt trẻ điều gì khi mà chúng ta chưa giải thích cho trẻ nắm được vấn đề. Trẻ sẽ nắm được vấn đề khi người lớn biết cách “nói” với chúng. Khi đã hiểu ra thì trẻ sẽ tự nhiên làm theo ý người lớn.

ThS Đặng Quốc Minh Dương
(ĐH.Văn Hiến, TP.HCM)

(Theo Theo báo Phụ Nữ)